Nhớ nhạc sĩ Thăng Long: mộ phần quạnh hiu, gia đình tan tác…

TUẤN KHANH

Dẫu biết khốn khó là số phận của mỗi con người, như diễn biến lịch sử đưa đẩy đến chuyện hàng triệu con người đi vào khốn khó, lại là chuyện khác.

Cuộc đời nhạc sĩ Thăng long là vậy đó. Từ vị trí là một nhạc sĩ có cuộc sống ổn định, dành hết tâm lực vào việc sáng tác và hoạt động văn nghệ, tháng 4-1975 là cú sét đánh định mệnh, đứt gãy mọi thứ ông có, xô một người nghệ sĩ đến bụi bờ kiếm sống nhọc nhằn nhất, đến khi chết.

Nhạc sĩ Thăng Long tên thật là Nguyễn Văn Thành, ngay sau khi chào đời vào năm 1936 ở tỉnh Hải Dương thì đã phải mồ côi mẹ, đến năm 15 tuổi lại mồ côi cha. Một mình lưu lạc đến Hà Nội, rồi năm 1954, ông cùng dòng người chọn sống tự do hơn là với cộng sản để vào Nam. Làm nhiều nghề, nhưng lại yêu âm nhạc nên mọi thứ ông tự học, từ nhạc lý đến đàn guitar, hòa âm… Khi thực hành, nghe kể lại là ông đã đi hát dạo để thử tay nghề và cũng kiếm chút tiền thêm từ văn nghệ. May sao, trong một lần gặp mặt nhạc sĩ Đức Nội (là đồng hương, sau này cũng trở thành bạn thân của ông), nhạc sĩ Thăng Long gây sự chú ý. Vốn đang làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Đức Nội đưa ông về làm chung, cùng phát triển nghề nghiệp.

Như cá gặp nước, chẳng mấy chốc thì nhạc sĩ Thăng Long bộc lộ khả năng, và được giao phó vị trí trưởng Ban nhạc Hồ Gươm, phụ trách một chương trình nhạc vào chiều thứ 6 hàng tuần trên đài phát thanh Quân đội VNCH, có sự xuất hiện của nhiều ca sĩ tên tuổi như: Hoàng Oanh, Minh Hiếu, Hà Thanh, Thanh Tuyền…

Nhà báo Trần Quốc Bảo, từng viết trên tờ Thế giới Nghệ sĩ rằng sau năm 1975, cả gia đình chia nhau chen chúc trong một căn nhà nhỏ, nằm trong cùng hẻm đường Đinh Tiên Hoàng. Ông có một cái nghề mang theo từ miền Bắc là sửa dù cầm tay. Thế nhưng Sài Gòn những ngày tháng đó, chẳng có mấy người cần sửa dù. Nên cuộc sống của ông kể như bữa đói, bữa no cũng vợ và ba con nhỏ. Không được chính quyền giúp đỡ như các hộ nghèo khác, ông đành chấp nhận chỉ có một đứa con trai đầu được đi học đến giữa lớp 8, còn hai đứa em thì tự học ở nhà.

Người quen kể, những trưa Sài Gòn nắng chói chang, văng vẳng tiếng rao khàn đặc của ông “ai sửa dù không?” của ông, mà rơi nước mắt. Khó quá, có lúc ông bán thêm vé số kiếm sống, nhưng cũng không đủ tiền để thế chân cho đại lý, chỉ là mượn lại vài chục tờ từ người quen đi bán, nhưng cũng không đỡ được bao nhiêu.

Chuyến viếng mộ hiếm hoi vào cuối tháng 3-2021, do những người yêu nhạc vàng tổ chức

Người vợ, là mối tình đầu của ông tại miền Nam tự do, đành chấp nhận đưa 3 con về quê nương nhờ bên ngoại, để ông lại Sài Gòn.

Gia đình đều biết bài hát Nói với người tình mà nhạc sĩ Thăng Long viết ra, là viết để tặng vợ mình: Bà Lâm Tuyết Sương, ngày thường gọi là bà Hoàng, thế nhưng bà không được sống an nhàn như cái tên của mình, nhọc nhằn và bệnh tật đã khiến bà ra đi vào năm 52 tuổi, để lại 3 đứa con mà sau đó mỗi người lưu lạc một nơi. Một người con gái thì biệt xứ ở Macau, không còn về nữa.

Một người con trai thì bất đắc chí biệt tích. Chỉ có người con cả là anh Nguyễn Thanh Tâm, hiện còn sống ở Bình Quới, Sài Gòn, giữ bàn thờ cha mẹ trong căn nhà trọ chỉ có 16 mét vuông, với công việc hàng ngày là phụ hồ xây dựng.

Đỉnh cao sự nghiệp của nhạc sĩ Thăng Long là với sáng tác Quen nhau trên đường về (1963), ca khúc khiến khắp nơi tìm hỏi về tác giả, và đưa ông vào vị trí vững chắc trong làng âm nhạc miền Nam Việt Nam.

Cuộc trò chuyện với anh Tâm, người con trai trưởng của nhạc sĩ Thăng Long tại Sài Gòn, khiến không khỏi bùi ngùi. Biến cố tháng 4 năm 1975 quả thật là một bước ngoặt đau thương trong đời người nhạc sĩ hiền lành, ít giao tiếp này. Khác với nhiều nghệ sĩ khác, cố gắng tồn tại với cuộc sống của xã hội mới, nhạc sĩ Thăng Long hoàn toàn là một người khách lạ, sống qua ngày trong nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Ba năm sau khi vợ mất, ông buồn rầu và bệnh viêm phế quản – một loại bệnh tầm thường không dễ chết – nhưng vì không có tiền thuốc men, ông cũng ra đi vào năm 73 tuổi.

 

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: