Úc-Trung Quốc: từ đối tác thành đối thủ

scott morrison
Thủ tướng Úc Scott Morrison (bên phải) – chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh Wikimedia Commons

HIẾU CHÂN

Sự trỗi dậy nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc trong mấy thập niên qua không tách rời nguồn cung cấp nguyên liệu của Úc, đổi lại sự phồn vinh của nước Úc phụ thuộc nhiều vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Quan hệ đối tác kinh tế giữa Canberra và Bắc Kinh tưởng chừng rất bền chặt, song trong vài tháng qua, gió đã đổi chiều, từ hai nước đối tác Úc và Trung Quốc đã biến thành hai đối thủ, liên tục ăn miếng trả miếng nhau và chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì sao vậy?

Sáng thứ Bảy 12-09, thông tấn xã Trung Quốc CNS đăng bài phê phán chính quyền Úc đã kiểm tra nhà ở của bốn nhà báo Trung Quốc tại Úc hồi tháng Sáu, gọi đó là hành động “vi phạm trầm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các phóng viên Trung Quốc tại Úc, gây tổn hại tinh thần và thể chất của các nhà báo, tổn hại mối quan hệ giữa hai nước.” Bộ Thương mại Úc thì cho rằng, cơ quan công lực đã hành xử đúng pháp luật.

Có lẽ để trả đũa vụ này, hồi cuối tháng Tám, chính quyền Bắc Kinh đã bất ngờ bắt giam bà Cheng Lei (Trình Lỗi), công dân Úc làm việc cho đài truyền hình trung ương Trung Quốc mà không thông báo lý do và nơi giam giữ bà Trình. Sang đầu tháng Chín, Trung Quốc thẩm vấn, soát nhà và cấm xuất cảnh hai nhà báo Úc, ông Bill Birtles, phóng viên tại Bắc Kinh của đài ABC (Australian Broadcasting Corporation) và ông Mike Smith, phóng viên tại Thượng Hải của báo AFR (Australian Financial Review), làm cho hai ông này phải “đào thoát” vào cơ quan ngoại giao Úc và được đưa về Úc sau một vụ căng thẳng ngoại giao kéo dài cả tuần lễ.

Những vụ đấu đá qua lại giữa hai nước báo hiệu những chuyện tồi tệ sắp xảy đến khi Úc – một nước “cỡ trung” bắt đầu thức tỉnh và cương quyết chống lại các thủ đoạn chèn ép của một cường quốc khu vực. Và nó cũng cho thấy Trung Quốc với lối hành xử độc đoán và ngạo mạn, đang dần dần bị cô lập như thế nào.

*

Chính sách ngoại giao của Canberra tập trung vào việc làm sao giữ cân bằng mối quan hệ kinh tế mật thiết với Bắc Kinh cùng với mối quan hệ về an ninh và phòng thủ cũng mật thiết với Washington. Nhưng gió đang đổi chiều.

Theo nhận định của hãng tin Reuters, trong nhiều năm, các định chế chính trị và kinh doanh của Úc theo đuổi một mục đích tối hậu: duy trì và mở rộng thế mạnh xuất cảng tài nguyên thiên nhiên của Úc sang nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Trung Quốc. Suốt 29 năm qua, nguồn cung cấp quặng sắt, than đá, khí thiên nhiên, nông sản, thịt bò và rượu vang cùng nhiều mặt hàng khác của Úc cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chưa bao giờ ngưng trệ hoặc suy giảm. Đổi lại, Trung Quốc cung cấp cho Úc nguồn khách du lịch dồi dào, lượng sinh viên du học cao và nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế. Chính sách ngoại giao của Canberra tập trung vào việc làm sao giữ cân bằng mối quan hệ kinh tế mật thiết với Bắc Kinh cùng với mối quan hệ về an ninh và phòng thủ cũng mật thiết với Washington.

Nhưng điều đó đang thay đổi. Chính phủ Úc dưới quyền Thủ tướng Scott Morrison bây giờ coi Trung Quốc là mối đe dọa đối với nền dân chủ và chủ quyền quốc gia của Úc, từ đó đặt ra nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn những cố gắng của Bắc Kinh tác động tới chính trị Úc.

*

Úc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1972, trước Mỹ sáu năm, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh và mở màn cho việc nối lại quan hệ Mỹ-Trung năm 1978.

Đỉnh điểm của quan hệ Úc-Trung là vào cuối năm 2015, hai nước ký kết hiệp định tự do thương mại song phương, theo đó Trung Quốc giảm thuế suất thuế nhập cảng cho các mặt hàng xuất cảng của Úc như quặng sắt, than đá, khí thiên nhiên, nông sản thực phẩm mà Trung Quốc đang rất cần, đồng thời mở cửa thị trường nội địa cho các ngân hàng và công ty dịch vụ của Úc. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 làm đình trệ các hoạt động kinh tế, giá trị trao đổi thương mại giữa Úc và Trung Quốc hằng năm lên tới 172 tỷ đô la Mỹ, trong đó Úc đạt được thặng dư hơn 51 tỷ đô la. Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc du học tại các đại học Úc cũng mang lại cho xử sở này mỗi năm hơn 27.5 tỷ đô la.

Nhưng ngày vui qua mau. Tháng Bảy năm 2016, Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Luật Biển, theo đó Trung Quốc không có cái gọi là “quyền lịch sử” đối với Biển Đông Việt Nam – nơi có nhiều nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền. Là một quốc gia có truyền thống thượng tôn pháp luật, Úc cùng với Hoa Kỳ lên án thái độ bất chấp công pháp quốc tế của Trung Quốc, bắt đầu thời kỳ lạnh nhạt dần trong quan hệ với Bắc Kinh.

Chính phủ Úc bắt đầu nhận định Úc đang giao thiệp với một chính phủ Trung Quốc chuyên chế hơn, hung hăng hơn dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và về lâu dài, Úc cần phải giảm sự phụ thuộc thương mại vào Bắc Kinh, các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ nói với hãng tin Reuters.

Chính phủ Úc – khi ấy dưới quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull, bắt đầu quan tâm tới những nỗ lực bí mật của Bắc Kinh can thiệp vào nội tình chính trị của nước Úc, chẳng hạn như kế hoạch tài trợ cho những chính trị gia cấp liên bang và địa phương có lập trường thân Trung Quốc, phản đối các chính sách của chính quyền liên bang. Ở các đại học Úc, các đoàn thể sinh viên Trung Quốc, theo bàn tay bí mật của các đại sứ quán, lãnh sự quán, bắt đầu gây ảnh hưởng lên hoạt động của nhà trường, phản đối những nội dung giảng dạy, thảo luận những đề tài mà Trung Quốc cho là nhạy cảm chính trị, dọa dẫm các giáo sư, nhà nghiên cứu và sinh viên có khuynh hướng phê phán chế độ độc tài Bắc Kinh. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc bắt đầu bỏ tiền thâu tóm các công ty công nghệ Úc, các dự án bất động sản, đặc biệt là thâu tóm đất nông nghiệp vốn là nền tảng của nền kinh tế Úc.

Tháng 12-2017, chính phủ Turnbull trình ra quốc hội luật chống sự can thiệp của nước ngoài. Luật đề ra chính sách và biện pháp ngăn chặn những hoạt động bí mật của đảng Cộng sản Trung Quốc gây ảnh hưởng tới các trường đại học, thâu tóm các tổ chức truyền thông Hoa ngữ của Úc, dùng tiền bạc mua chuộc tiếng nói của các chính trị gia, nghị sĩ của Úc cả ở cấp liên bang và địa phương. Giải thích cho sự cần thiết của đạo luật này, Thủ tướng Turnbull cho biết là các báo cáo về hoạt động bí mật của Trung Quốc mà Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) – cơ quan tình báo quốc gia – thu thập và ghi nhận được “thúc đẩy chính phủ phải hành động”. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bằng việc ngưng toàn bộ các cuộc thăm viếng ngoại giao giữa hai nước.

Reuters trích dẫn ba nguồn tin ngoại giao cho biết kể từ khi ban hành luật chống can thiệp của nước ngoài cuối năm 2017, các cơ quan quốc phòng và an ninh Úc đứng ra đảm nhiệm chính sách đối với Trung Quốc thay cho Bộ Ngoại giao.

Lĩnh vực đầu tiên mà chính phủ Úc quan tâm đặc biệt là tấn công tin học. Alastair MacGibbon, cố vấn đặc biệt của ông Turnbull về an ninh mạng, giám đốc Trung tâm An ninh Mạng Úc, nói rằng Trung Quốc luôn thúc đẩy các công ty của họ thu thập tin tức tình báo về các nguồn tài nguyên, các lĩnh vực đầu tư để làm lợi cho các công ty quốc doanh. “Trung Quốc có năng lực rất lớn, họ đang có những kế hoạch chiến lược để nắm bắt những gì các đối thủ cạnh tranh, kẻ thù và bạn bè đang thực hiện,” ông MacGibbon nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì cho rằng chính phủ Úc cần đưa ra bằng chứng về hành vi của Bắc Kinh. “Không có bằng chứng thì lên giọng về vấn đề tấn công tin học chống các nước khác là hành vi vô trách nhiệm,” Bắc Kinh cho biết.

Ngay từ tháng Tám 2018, Úc là quốc gia đầu tiên ra lệnh cấm tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia thiết lập mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) của nước này vì lý do an ninh quốc gia. Thủ tướng Turnbull giải thích với hãng tin Reuters: “Nếu Huawei cung cấp mạng 5G cho bạn, hoặc phần lớn mạng ấy, điều đó có mang lại cho Huawei khả năng làm gián đoạn phần lớn nền kinh tế của bạn hay không? Câu trả lời là có. Bạn có muốn trao cho một chính phủ nước ngoài mà thái độ của họ không phải lúc nào cũng thành thực khả năng gây hại cho bạn hay không. Câu trả lời là không”. Nên để ý cựu Thủ tướng Turnbull là một nhà kỹ trị, là người đồng sáng lập công ty cung cấp dịch vụ internet đầu tiên của Úc.

Không chỉ cấm Huawei, các quan chức an ninh Úc cảnh báo các đồng sự của mình ở Washington; và sau đó Mỹ theo chân Úc, ra lệnh cấm Huawei vào tháng Năm năm ngoái. Các cơ quan an ninh của Úc và Mỹ còn nỗ lực thuyết phục các đồng sự trong Liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) – gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand – về mối nguy hiểm của Huawei. Anh Quốc lúc đầu chấp nhận để Huawei có một vai trò hạn chế trong mạng 5G của nước này, nhưng vào tháng Bảy vừa qua, London đã đổi ý định, lệnh cho các công ty viễn thông phải loại bỏ toàn bộ thiết bị của Huawei vào năm 2017.

Trung Quốc cực lực phản đối chính sách chống Huawei của các nước này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng hành động chống Huawei của Úc “viện cớ an ninh quốc gia mà không dựa trên căn bản thực tế”. Việc Úc cấm Huawei và vận động các nước khác cùng làm như vậy đã vô hình chung biến Canberra thành kẻ thù của Bắc Kinh.

Song song với việc đưa ra những chính sách ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc, chính phủ Úc nỗ lực mở rộng quan hệ với các nước châu Á khác như Nhật Bản và Ấn Độ – cùng với Hoa Kỳ hình thành một liên minh về an ninh, gọi tắt là Quad (Tứ giác kim cương). Hồi tháng Sáu, Úc và Ấn Độ đã ký một thỏa ước đối tác chiến lược, theo đó quân đội hai nước được quyền sử dụng các căn cứ quân sự của nhau và Úc cung cấp cho Ấn Độ các kim loại đất hiếm – loại nguyên liệu thiết yếu cho các chương trình quốc phòng và thám hiểm không gian.

Chính phủ của Thủ tướng Morrison mới đây còn công bố tăng ngân sách quốc phòng thêm 40% trong vòng một thập niên tới để gia tăng năng lực của Úc đối phó với “các hoạt động trong ‘vùng xám’ (gray zone) của Trung Quốc” – những hoạt động gây hấn, can thiệp và cưỡng bức nhưng chưa tới mức gây chiến trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông, chẳng hạn như việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo đá ở quần đảo Trường Sa, tung đội tàu hải cảnh và tàu đánh cá bán vũ trang đe dọa quấy nhiễu ngư dân các nước trong khu vực.

Trong vài tuần gần đây, Úc thường xuyên lên tiếng cảnh báo về những chiến dịch tung tin giả của Trung Quốc nhằm phá hoại các nền dân chủ. Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc lên Hong Kong, Úc là một trong những quốc gia đầu tiên đình chỉ hiệp định dẫn độ với vùng lãnh thổ này; sau khi Trung Quốc lợi dụng lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra để lấn lướt trên Biển Đông, Úc đã cùng với Hoa Kỳ gửi công hàm lên Liên hiệp quốc bác bỏ các tuyên bố chủ quyền biển của Bắc Kinh ở vùng biển chiến lược. Những hành động như vậy làm cho Trung Quốc hết sức tức tối.

Nhưng giọt nước cuối cùng làm tràn ly, đẩy quan hệ Trung Quốc – Úc xuống đáy là đề nghị của Úc hồi tháng Tư đòi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán ở Trung Quốc, lan ra toàn cầu và cướp đi sinh mạng của 920.000 người. Bắc Kinh phản đối dữ dội và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Úc; nhưng Úc vẫn quyết tâm đẩy mạnh đề nghị mà họ cho là tối quan trọng đối với sức khỏe của toàn thế giới và ngăn chặn sự tái diễn của các đại dịch trong tương lai. Cuối cùng, tại hội nghị Hội đồng Y tế thế giới của Liên hiệp quốc có 137 quốc gia tán thành đề nghị của Canberra, buộc Trung Quốc phải chấp nhận. Một ủy ban điều tra độc lập được hình thành do bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf dẫn đầu. Ủy ban này sẽ có báo cáo sơ bộ vào tháng Mười Một nhưng Trung Quốc đang làm mọi cách để cản trở và vô hiệu hóa hoạt động của ủy ban.

*

“Chúng tôi là một quốc gia mở cửa thương mại, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của chúng tôi vì bị cưỡng bức, dù từ bất cứ đâu,”

Thủ tướng Úc Scott Morrison

Ngay sau khi chính phủ Úc đưa đề nghị mở cuộc điều tra độc lập về Corona Virus, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye đã đe dọa trong một cuộc phỏng vấn ngày 27 tháng Tư rằng Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Úc, từ rượu vang, thịt bò đến du lịch và du học. Thực tế Bắc Kinh đã hành xử như vậy khi áp đặt lệnh cấm nhập cảng thịt bò Úc, áp thuế 80% lên lúa mạch nhập cảng từ Úc và khuyến cáo công dân Trung Quốc không đi du lịch đến Úc, không ghi danh du học các trường đại học Úc. Trên mặt trận truyền thông, báo chí Trung Quốc thường xuyên dùng lời lẽ xấc xược để mạ lỵ chính phủ Úc, gọi họ là “con hầu của Mỹ”, “con rối nhảy theo điệu nhạc Mỹ”, là “miếng bã kẹo cao su dính dưới gót giày phải lấy đá gỡ đi”!

Thủ tướng Morrison không nhượng bộ. “Chúng tôi là một quốc gia mở cửa thương mại, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi các giá trị của chúng tôi vì bị cưỡng bức, dù từ bất cứ đâu,” ông nói trên radio Sydney hồi tháng Sáu. Tuy không trả đũa bằng những biện pháp thương mại như cấm xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc – con bài tẩy của Úc có thể làm Bắc Kinh khó đỡ – nhưng từ tháng Bảy Úc đã phải cảnh báo công dân Úc phải hết sức cẩn thận khi đến Trung Quốc đề phòng việc Bắc Kinh tùy tiện bắt giữ công dân Úc để gây áp lực chính trị. Và ngay sau đó đã xảy ra vụ bắt giữ bà Trình Lỗi và uy hiếp các phóng viên Úc đã nói trên.

*

Chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc tuy gây tranh cãi trong xã hội đa nguyên đa đảng của Úc nhưng cho đến nay nó đã nhận được sự đồng thuận đa đảng trong quốc hội và được sự ủng hộ của người dân Úc. Một cuộc thăm dò ý kiến thường niên của Viện Lowy – một cơ quan nghiên cứu về chính sách ngoại giao – ghi nhận lòng tin vào Trung Quốc của dân chúng Úc đã giảm xuống mức 23% so với mức 52% hồi năm 2016. Kết quả thăm dò, công bố hồi tháng Sáu, cho biết có tới 92% số người Úc ủng hộ việc giảm phụ thuộc kinh tế vào thị trường Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Penny Wong – người Úc gốc Hoa, phát ngôn viên về chính sách ngoại giao của đảng Lao Động đối lập nói với Reuters: “Trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, cũng như với mọi quốc gia khác, chúng tôi luôn luôn khẳng định các giá trị và lợi ích quốc gia của chúng tôi, bao gồm tính minh bạch và chủ quyền”. Các nghị sĩ có lập trường chống Trung Quốc trong quốc hội Úc đã tập hợp thành một nhóm lấy tên là “Chó Sói” (Wolverines), biệt danh của một nhóm thanh niên chống lại cuộc xâm lăng của Nga Sô trong phim Bình Minh Đỏ (Red Dawn). Nhóm này hậu thuẫn pháp lý cho những chính sách cứng rắn của chính phủ Morrison, thường soạn thảo và ban hành những đạo luật mà Bắc Kinh hết sức khó chịu. Thượng nghị sĩ Andrew Hastie, thuộc đảng Tự Do cầm quyền, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc hội Úc hồi tháng trước từng so sánh thái độ dung túng của Phương Tây với chế độ chuyên chế Trung Quốc giống như thất bại của Pháp trong việc ngăn chặn đà tiến của nước Đức Quốc xã thời trước Thế Chiến thứ Hai.

Cái khó của Úc hiện nay là thái độ sớm nắng chiều mưa của chính phủ Hoa Kỳ dưới quyền Tổng thống Donald Trump. Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nhận xét: “Nước Mỹ thời Trump bị coi là một chính phủ thất thường, độ tin cậy thấp và thỉnh thoảng lại tấn công đồng minh”. Ông Turnbull là người mở đầu cuộc xoay trục của Úc khỏi Trung Quốc, cũng là người bị ông Trump mắng nhiếc khi ông yêu cầu ông Trump tôn trọng một thỏa thuận Úc-Mỹ ký kết dưới thời Tổng thống Obama, theo đó Mỹ sẽ tiếp nhận 1,250 di dân mà Úc đang tạm giữ trên các đảo ở Thái Bình Dương.

Do tính chất thất thường của chính phủ Mỹ hiện thời, Úc phải tìm cách mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và khối ASEAN, hình thành một tập hợp các quốc gia “cỡ trung” (middle powers) chống lại sự chèn ép của Trung Quốc. Nỗ lực này của Canberra đang có kết quả, một phần do phù hợp với kế hoạch thúc đẩy Bộ Tứ Quad của Washington, một phần do các chính sách xâm lấn hung hăng của Bắc Kinh đẩy các nước “cỡ trung” đứng về một phía do Mỹ lãnh đạo.

*

Một cái khó khác là thái độ của cộng đồng doanh nghiệp. Cũng như ở Mỹ và châu Âu, các chủ doanh nghiệp lớn thường cổ xúy cho sự mềm mỏng với Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất nhì thế giới và địa bàn sản xuất hàng hóa giá rẻ. Từ trước đến nay, những chính sách cứng rắn của phương Tây với Trung Quốc, đề cao dân chủ và nhân quyền, luôn gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của các chủ công ty.

Bắc Kinh luôn lợi dụng thái độ chống đối của giới chủ doanh nghiệp. Trong cuộc xung đột Trung-Úc hiện nay, một mặt Trung Quốc cấm vận các doanh nghiệp nhỏ sản xuất thực phẩm, mặt khác thúc đẩy thương mại với các doanh nghiệp lớn để kích thích sự ủng hộ của họ phản kháng chính phủ. Quặng sắt là một ví dụ. Các đại công ty Rio Tinto và BHP của Úc khai thác quặng sắt phẩm chất cao ở vùng sa mạc Pilbara, cung cấp tới 60% nhu cầu quặng sắt cho công nghiệp gang thép của Trung Quốc. Tháng Sáu vừa qua, quặng sắt Úc đưa tới Trung Quốc đã đạt mức 9,9 tỷ đô la Úc (7,2 tỷ đô la Mỹ), lần đầu tiên giá trị xuất cảng quặng sắt Úc hằng năm đạt 100 tỷ đô Úc mà chưa có dấu hiệu giảm xuống dù các công ty khai thác quặng sắt than phiền rằng họ cảm thấy “không thoải mái” với “bầu không khí thù địch” mới xuất hiện.

Lường trước tình huống này, ngay từ năm 2018 sau khi quan hệ ngoại giao bị đóng băng, Bộ Ngoại giao Úc và cơ quan an ninh quốc gia đã mở các cuộc thảo luận với giới lãnh đạo các doanh nghiệp gắn bó với thị trường Trung Quốc. Chính phủ Canberra nói rõ rằng những lời than phiền của doanh nghiệp sẽ tiếp thêm đạn dược cho Bắc Kinh tuyên truyền chống chính phủ Úc; các doanh nghiệp được khuyến cáo phải hợp tác với chính phủ để làm giảm thiểu những rắc rối mà Bắc Kinh gây ra cho họ đồng thời tìm thị trường thay thế cho sản phẩm của họ tại Indonesia, Anh quốc, châu Âu và Ấn Độ.

Kết quả là cho đến nay, cộng đồng doanh nghiệp Úc hầu như im lặng, không ra mặt chống đối chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính phủ Úc – một dấu hiệu cho thấy chính sách đó là đúng và Bắc Kinh đã không còn lợi dụng được mục tiêu lợi nhuận của giới chủ doanh nghiệp cho mưu đồ chính trị của mình.

Âu đó cũng là bài học đáng tham khảo cho các nước khác.

(tham khảo dữ liệu của Reuters)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: