Vì sao Ấn Độ xây dựng những đền đài đề cao tình dục?

Ấn Độ là một trong những nước cực kỳ bảo thủ nhưng có thời nó là nơi xuất phát cuốn dâm thư đầu tiên của thế giới và là “quê hương” của nghệ thuật tình dục mang bản sắc tôn giáo với vô số tranh vẽ và điêu khắc không hề gây sốc lúc chúng ra đời so với hiện tại.

Đất nước của những ngôi đền tình dục

Còn nhớ, Tháng Mười Hai, 2013, cộng đồng chuyển giới, đồng giới và lưỡng tính (LGBT) tại Ấn Độ đã chịu đựng “cuộc tấn công” nghiêm trọng khi Toà án Tối cao ra phán quyết xem homosexuality là một tội ác và sẽ truy tố những hành vi liên quan đến nó. 

Đến Tháng Tám, 2015, chính phủ Ấn đưa ra lệnh cấm (nhưng rút lại có điều kiện vài ngày sau) hơn 800 trang web khai thác tranh ảnh, video khiêu dâm và những bài viết về tình dục với mục đích “ngăn chặn đà phát triển của tệ khiêu dâm trẻ em và nạn bạo hành trong quan hệ tình dục”. 

Ấn Độ bảo thủ là điều ai cũng biết, tuy nhiên, không phải lúc nào xã hội Ấn Độ cũng “đoan chính” như thế. Các quy phạm về tình dục và giới tính từng “cực kỳ thoáng” trong thế kỷ 13 khi cuộc sống thế tục và tinh thần được đối xử bình đẳng. Chỉ khoảng vài trăm năm trở lại đây Ấn Độ mới trở thành quốc gia bảo thủ về tình dục, mà động lực chính dẫn đến sự thay đổi này là vô số cuộc vận động “trong sạch hoá đời sống xã hội” của nhiều tổ chức văn hoá và tôn giáo khác nhau, kể cả những vương quyền Hồi giáo, các lãnh chúa Anh đô hộ và hệ thống giai cấp của đạo Bà La Môn (Brahmin). 

Trong thế kỷ 13, sinh hoạt tình dục được dạy như một môn học trong hệ thống giáo dục chính thức, và Kamasutra, cuốn dâm thư đầu tiên của thế giới, được viết bởi các nhà nghiên cứu tình dục uyên thâm của Ấn Độ cổ từ giữa thế kỷ thứ Tư đến thế kỷ thứ Hai trước Công nguyên (BCE). 

Trong thực tế, nếu chúng ta nhìn cận cảnh những tranh tường và điêu khắc, tượng khai thác đề tài này nằm rải rác trên khắp nước Ấn chúng ta dễ dàng nhận ra mức độ phóng khoáng của người dân Ấn Độ đối với chủ đề tình dục. Có những hình ảnh mô tả quan hệ tình dục hay bộ phận sinh dục khắc trong đá dưới dạng mô hình hướng dẫn trên những bức tường thấp của Đền Mặt trời (Sun Temple) xây dựng vào thế kỷ 13 tại thị trấn Konark thuộc bang Orissa, phía Đông Ấn Độ. 

Nữ thần khoả thân là điểm nhấn và xuất hiện thường xuyên trong những bức tranh và điêu khắc tại những chiếc hang đá tu viện Phật giáo Maharashtra như hang Ajanta (thế kỷ thứ Hai BCE) và hang Ellora (thế kỷ thứ Năm-10). Có thể nói, các đền thờ cổ tại Ấn Độ là ví dụ thấy rõ nhất của “nghệ thuật tình dục nấp bóng tôn giáo”. Nhưng tất cả đều mai một ít nhiều theo thời gian. 

Khám phá và nghiên cứu cho thấy, nghệ thuật tình dục được bảo tồn tốt nhất tại thị trấn nhỏ Khajuraho ở bang Madhya Pradesh miền Trung Ấn Độ. Tại đây, những ngôi đền Hindu chạm khắc thanh nhã được UNESCO công nhận Di sản Thế giới (World Heritage) từ năm 1986. Được triều đại Chandela xây dựng từ năm 950 đến 1050, chỉ có 22 trong 85 ngôi đền cổ là còn nguyên vẹn. Khi du khách đi vào cụm đền rộng 6 km2 vào buổi chiều mùa Đông họ sẽ thấy đá sa thạch ánh lên màu vàng rực rỡ. Phụ nữ địa phương cầm những cành hoa tươi và nhang thơm đến tế lễ trong khi khách hành hương và tham quan lang thang ở các hành lang bên ngoài để thưởng thức và suy ngẫm về những tác phẩm điêu khắc kỳ lạ bao phủ mỗi centimet của bức tường. 

Khách có quá nhiều thứ để tấm tắc và ngạc nhiên, vì có lẽ chưa có nơi nào họ được thưởng lãm bữa tiệc nghệ thuật tình dục dồi dào và trần trụi như thế. Nào là hình ảnh của các nam thần, nữ thần, các chiến binh, nhạc công, thú vật và chim; những cảnh quen thuộc của bất cứ ngôi đền cổ nào khác tại Ấn Độ. Nhiều bức tranh khắc nổi mô tả cảnh sinh hoạt tình dục tự nhiên của vật và người. Nhìn gần hơn sẽ thấy có cả quỷ dữ, quái thú. 

Dù đã được chuẩn bị trước về tinh thần, khách vẫn bị sốc trước những cảnh làm tình “thô bạo” bên trong một ngôi đền linh thiêng. Những bức tượng dâm dật bạo liệt nằm gần những bức tượng thành kính, tự tại và hạnh phúc với nụ cười tươi. Dù có một số tượng bị vỡ hay mất tứ chi nhưng nhìn chung chất nguyên sơ vẫn còn rất rõ của một ngôi đền đã sống sót hơn 1,000 năm. 

Đi tìm lời giải

Có nhiều lý thuyết khác nhau về sự ra đời và tồn tại của cảnh quan tình dục trong những bức tượng của các ngôi đền. Một trong những giả thuyết đáng chú ý nhất là những vì vua triều đại Chandela theo tôn giáo Tantric với những nguyên tắc riêng như sự cân bằng giữa hai lực lượng nam và nữ nên họ đã cố đưa niềm tin này vào những ngôi đền của mình. 

Số khác lại tin rằng điêu khắc trên tường chỉ đơn thuần là những hướng dẫn tư thế sinh hoạt tình dục lành mạnh, đạt khoái cảm cao nhất để chờ đón một thể sống mới. Có lý thuyết đề cao vai trò của những ngôi đền trong việc học tập và dạy nghề vào thời gian chúng ra đời, đặc biệt nghệ thuật hội hoạ và điêu khắc, trong đó có cả nghệ thuật làm tình. 

Về phần mình, đạo Hindu luôn xem tình dục là “phần không thể thiếu và thiết yếu” của cuộc sống. Đó là lý do tại sao những chạm khắc tình dục trên tường thường xen kẽ giữa hai hoạt động đối lập: Cầu nguyện và chiến tranh. Việc miêu tả những cảnh làm tình được đặt tại các vị trí dễ nhìn nhất cho thấy chủ đền muốn chúng được mọi người chứng kiến ở tất cả góc độ. 

Điều kỳ lạ nhất là không hiểu tại sao nhiều ngôi đền chạm khắc tình dục lại nằm ở thị trấn nhỏ Khajuraho, vì không có hồ sơ nào lưu lại cho thấy tại đây từng có một vương quốc. Sự sống sót của những bản khắc trên tường cho đến tận hôm nay là nhờ thị trấn bị cô lập hàng trăm năm trong một khu rừng từng có lúc rất rậm rạp trước khi được Đại uý TS Burt đến từ Anh Quốc phát hiện vào năm 1838. Burt không tự đi mà được những người bản xứ thuyết phục thực hiện chuyến đến một nơi hẻo lánh mà họ tin rằng sẽ có nhiều điều thú vị. 

Những ngôi đền quyến rũ này cũng tránh được cuộc truy quét của cảnh sát đạo đức Ấn Độ trong những năm gần đây khi họ được lệnh cấm hay phá huỷ nhiều tác phẩm văn hoá bị xem là “có vấn đề”, từ những cuốn sách của văn hào Salman Rushdie (hiện lưu lạc tại Anh) đến những bức tranh trần trụi của MF Hussain. 

Đối với một du khách phương Tây thì điều lý thú hơn cả không chỉ là tranh tượng tình dục Ấn Độ và lịch sử của chúng mà là sự cầu thị của một gia đình ba thế hệ khi họ chăm chú nghe hướng dẫn viên nói về những bức tranh khắc trên tường ngôi đền Kandariya Mahadeva tráng lệ. 

Không có ai cau mày phê phán cũng không có nét mặt bối rối, không có tiếng cười khúc khích hay đỏ mặt quay đi. Rõ ràng, nghệ thuật không bị bác bỏ hay phê phán dù nó đặt trong một ngôi đền thiêng tôn giáo. Đây cũng là bài học lớn về sự khoan dung của xã hội Ấn Độ. 

(Tham khảo The Guardian)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: