Tiết kiệm cho tương lai, đừng để nước đến chân mới nhảy

Hãy bắt đầu tiết kiệm cho tương lai, bao nhiêu cũng được. (minh họa: Unsplash)

Không phải ai cũng có ý thức tiết kiệm cho tương lai, thậm chí người độc lập tài chính  đôi khi rất chủ quan, kể cả mắc sai lầm.

Trung Nguyễn, 33 tuổi, dược sĩ ở Garden Grove, thu nhập khoảng $100,000/năm, chưa từng có ý định mua nhà. Với tiền lương sau thuế khoảng $7,000/tháng, mỗi tháng, Trung trả $800 tiền share phòng, đóng “hụi chết” cho chính phủ khi mượn tiền đi học, khoản còn lại dư để tiêu xài cá nhân, ăn uống, sắm sửa,… vậy mà anh nói, “tháng nào hết tháng đó”. Thật ra, vì độc thân, Trung cũng chưa nghĩ đến chuyện phải để dành tiền.

Với lương tháng $5,000, đối với Lynh Bùi, chuyên viên chụp X-Ray, 27 tuổi, không thiếu để cô tiêu xài. Lại đang sống chung với cha mẹ, nên có đồng nào, Lynh bỏ lên sàn chứng khoán đồng đó. Tình hình tài chính của cô trồi sụt theo thị trường, xanh thì vui, còn đỏ là coi như mất ăn mất ngủ. Gần đây, Lynh mất ngủ hoàn toàn vì thị trường chứng khoán lao dốc. Cô giận mình, sao không để dành, thì đâu có mất trắng. Giờ đã muộn rồi.

Để có được cuộc sống về hưu an nhàn, bạn cần chuẩn bị từ bây giờ (minh họa: Unsplash)

Những người trẻ như Trung, hay Lynh, khi vẫn đang còn sức để đi làm, có thu nhập khá, việc để dành tiền tiết kiệm cho tương lai, hoặc khi về hưu, có lẽ không phải là ưu tiên hàng đầu. Để có thể độc lập về tài chính mà không dựa dẫm vào khoản trợ cấp cho người già ít ỏi của chính phủ, không hề dễ dàng, và thường phải chuẩn bị từ sớm, một cách kiên nhẫn. Vẫn biết là thế, nhưng nhiều người vướng vào sai lầm, thậm chí sai lầm phổ biến, mà không phải ai cũng để ý tới mà lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

Một bài báo trên CNN nêu ra những sai lầm ấy như sau:

Lạm phát lối sống

“Nhiều người trẻ tiêu xài phần lớn thu nhập cho những thứ chỉ mang lại cảm giác thỏa mãn ngắn hạn,” Nick Reilly, chuyên gia tài chính ở Seattle, Washington, nói. “Mạng xã hội khiến người ta bị thôi thúc phải bằng chị bằng em. Cảm giác sợ bị bỏ lại phía sau, cùng tâm lý không thể thua kém ai đẩy họ vào guồng máy luôn coi những thứ xa xỉ là thứ cần thiết. Gọi là ‘lạm phát lối sống.”

Người trẻ thường đánh giá thấp việc họ có thể tiết kiệm bao nhiêu tiền thuê nhà, tiền ăn uống và lạm chi sẽ khiến các kế hoạch tài chính của họ luôn luôn thê thảm. Watson, một người trung niên có ít nhiều kinh nghiệm, ví von “sống trong chung cư dùng thang bộ và chung cư dùng thang máy có lẽ không mang lại cảm giác khác biệt khi bạn còn trẻ. Nhưng nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền”. Ông gợi ý người trẻ nên giữ chi phí thuê nhà dưới 25% tổng thu nhập hàng tháng, và tiền ăn dưới 15%, còn bao nhiêu là cho vào khoản tiết kiệm (saving).

Để dành cho tuổi hưu quá trễ

Lên kế hoạch về hưu tức là bạn sẽ phải tìm cách cân bằng giữa tiết kiệm tiền bây giờ và có tiền tiêu khi không còn đi làm nữa. Các chuyên gia tài chính khuyên việc này nên làm càng sớm càng tốt. Nhờ lãi gộp, kể cả một khoản tiền khiêm tốn cũng có thể tăng đáng kể sau một thời gian dài. Ví dụ, một người bắt đầu tiết kiệm $100/tháng ở tuổi 25, người này có thể sở hữu $150,000 ở tuổi 65, với mức lãi 5%. Còn nếu đến năm 35 tuổi mới bắt đầu, bạn sẽ mất gần nửa số đó khi về hưu.

Dù vậy, phần lớn mọi người không bắt đầu đủ sớm để tận dụng lãi gộp. Trong báo cáo mới đây của Natixis, 60% người tham gia cho biết sẽ làm việc lâu hơn dự kiến để chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Theo Jay Lee, chuyên gia tài chính tại Ballaster Financial, một số người hoãn việc tiết kiệm về hưu vì còn trả nợ học phí. Nhưng lý do lớn hơn là họ thấy việc nghỉ hưu còn xa xôi quá. Dù vậy, càng bắt đầu trễ, họ sẽ càng phải tăng tốc, hoặc chọn nghỉ hưu trễ hơn.

Nhiều người trẻ chỉ lo kiếm tiền mà không nghĩ đến việc để dành tiền cho tương lai. (minh họa: Unsplash)

Đầu tư vào tiền số

Dù tiền số có tốc độ tăng trưởng hấp dẫn, nhưng nhắm mắt nhắm mũi bỏ hết tiền nhàn rỗi vào đấy, tài chính của bạn sẽ gặp… lành ít, dữ nhiều. Các khoản đầu tư rủi ro cao này đang ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư trẻ tuổi muốn giàu nhanh. Nó cũng khiến các phương pháp gây dựng tài sản truyền thống trở nên kém hấp dẫn. Việc đổ hết tài sản vào các công cụ rủi ro cao như tiền số là hết sức nguy hiểm. các chuyên gia tài chính cho rằng cốt lõi của việc lập kế hoạch tài chính là chuẩn bị cho điều xấu nhất, chứ không phải theo đuổi lợi nhuận cao nhất.

Không có khoản dự phòng khẩn cấp

Quỹ dự phòng khẩn cấp có thể giúp bạn rất nhiều nếu thất nghiệp, nghỉ bệnh hay có chi phí bất ngờ. Tuy nhiên, người trẻ thường quá tự tin vào bản thân và bỏ qua các rủi ro này. Các chuyên gia tài chính khuyên bạn hãy bắt đầu với bao nhiêu tiền cũng được. Nhưng thông thường, các cặp vợ chồng nên có khoản saving ít nhất ba tháng sinh hoạt phí, còn người độc thân cần tiết kiệm sáu tháng.

Để chuẩn bị cho tương lai ở tuổi nghỉ hưu, bạn nên nghĩ và chuẩn bị ngay từ bây giờ, đừng để nước đến chân mới nhảy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: