TikTok đối phó với lời kêu gọi cấm ứng dụng

Minh họa: solen-feyissa-unsplash

Phản ứng trước lời kêu gọi cấm ứng dụng từ các nhà lập pháp Mỹ, TikTok đã mở cửa trung tâm minh bạch và trách nhiệm giải trình (transparency and accountability center) cho báo chí vào tham quan, đồng thời công bố một loạt cập nhật ứng dụng và cách công ty chống lại những người đăng nội dung vi phạm quy tắc tham gia.

Phản hồi của TikTok

Việc khai trương trung tâm minh bạch diễn ra trong bối cảnh Thượng nghị sĩ Michael F. Bennet (Dân chủ-Colorado) gửi thư cho các giám đốc điều hành (CEO) của Apple và Google để yêu cầu gỡ ứng dụng TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng của họ. Hiện chưa có phản hồi từ hai công ty. Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew cũng chuẩn bị điều trần trước Quốc hội Mỹ vào Tháng Ba tới khi có những lo ngại về quyền riêng tư và ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội này đối với sức khỏe tâm thần người dùng.

Năm 2020 TikTok đã thông báo thành lập các trung tâm minh bạch ở Los Angeles, Washington DC và Singapore ngay trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng đến thứ Ba, 31 Tháng Một, trung tâm Los Angeles mới tổ chức một chuyến tham quan cho báo chí (hai trung tâm ở Washington DC và Singapore chưa ấn định ngày mở cửa). Trung tâm Los Angeles sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến tham quan ảo dành cho các nhà hoạch định chính sách quan trọng của Mỹ.

Một lãnh đạo TikTok giải thích:

“Mục tiêu thành lập các trung tâm minh bạch là để phản ứng trước những lo ngại TikTok đang sử dụng trái phép dữ liệu của người dùng Mỹ và tuyên truyền cho chính phủ Trung Quốc”.

Vanessa Pappas, Giám đốc điều hành TikTok (công ty do tập đoàn ByteDance của Trung Quốc sở hữu), nêu: “Chúng tôi phải xây dựng một nền tảng đáng tin cậy, một nền tảng đảm bảo an toàn và bảo mật cho tất cả người dùng trên toàn cầu. Khi nói đến sự tin cậy và minh bạch, bạn không thể chọn lựa một cái mà phải cả hai. Công ty hy vọng các nhà hoạch định chính sách, các thành viên xã hội dân sự, các chuyên gia học thuật, giới truyền thông và các lãnh đạo ban ngành khác sẽ đến thăm trung tâm minh bạch của chúng tôi và hiểu rõ hơn về quy trình kiểm duyệt và quyền riêng tư dữ liệu của TikTok”.

Tuy nhiên, phải chờ xem các trung tâm minh bạch này có thể đẩy lùi được làn sóng các nhà lập pháp Mỹ chống TikTok. Hiện các chuyến tham quan chỉ được thực hiện theo lịch hẹn và phải có hướng dẫn của đại diện TikTok. Du khách đến trung tâm Los Angeles, nằm sát trụ sở chính của công ty trong một công viên văn phòng nhỏ, rợp bóng cây sẽ thấy mình lạc trong một dãy phòng rộng rãi có đèn neon màu hồng, xanh lam và những bức tường phản chiếu ánh sáng. Một bên dãy phòng là các phòng nhỏ, nơi người dùng có thể tìm hiểu thêm về hoạt động của TikTok. Phía bên trái căn phòng chính của trung tâm có các màn hình khổng lồ.

The Washington Post cho biết, tại đây, khách tham quan có thể chứng kiến cách người dùng và thương hiệu đưa nội dung lên. Có một trung tâm bảo mật và quyền riêng tư để khách được giải thích về cách TikTok bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu người dùng. Trong một căn phòng nhỏ khác, khách có thể đóng thử một nhân viên điều hành TikTok; được tham gia một buổi đào tạo ngắn về cách phân loại các nội dung vi phạm quy tắc và được xem nhiều video khác nhau trong một trò chơi để họ chọn đúng nội dung nào vi phạm và nêu rõ lý do.

Trong một căn phòng khác, các máy tính được xếp sát tường để khách xem qua cách thức hoạt động của thuật toán “Dành cho bạn” (For You) và hiểu rõ hơn về cách hệ thống đề xuất. Phía sau một bảng đèn neon khổng lồ là không gian đặt máy chủ. Để vào đây, khách phải ký “thỏa thuận không tiết lộ” những gì nhìn thấy (nondisclosure agreement-NDA), đi qua máy dò kim loại, gửi điện thoại và các thiết bị điện tử khác mang theo vào tủ khóa trước khi bước vào phòng để được tận mắt thấy thực tế mã nguồn TikTok. Không có nhà báo nào tại buổi tham quan ngày 31 Tháng Một phải ký NDA hoặc được vào phòng máy chủ.

Gần đây ByteDance đã tích cực hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công từ các nhà lập pháp Mỹ tìm cách cấm nó. Công ty đã tổ chức các cuộc nói chuyện với các nhà báo tại Washington DC về các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm với Ủy ban Đầu tư Nước ngoài vào Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States) và về các cách đánh tan những lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Trong số nhượng bộ mà TikTok vừa đề xuất là thành lập một đơn vị kinh doanh riêng tại Mỹ, độc lập với ByteDance, có hội đồng quản trị gồm ba thành viên được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận. Suzy Loftus, người đứng đầu toàn cầu về hoạt động ứng phó và rủi ro, niềm tin và sự an toàn của TikTok, đã giới thiệu với các nhà báo tham quan về các chính sách kiểm duyệt của TikTok và lý do tại sao một số nội dung nhất định bị cấm.

Minh họa: solen-feyissa-unsplash

Cập nhật mới của TikTok có gì?

Để chứng minh sự minh bạch, TikTok đã phát hành một số cập nhật nhằm giúp người sáng tạo nội dung hiểu những nguyên tắc phải tuân thủ sau khi có nhiều người dùng bày tỏ sự thất vọng vì không hiểu tài khoản của họ bị cấm vì lý do gì và liệu tài khoản có mất luôn không. “Những người tạo nội dung TikTok sẽ sớm hiểu rõ hơn về vấn đề này sau khi xem các nguyên tắc cộng đồng bổ sung trên trang ‘Account status’ (tình trạng tài khoản) trong ứng dụng. Những cập nhật mới cũng sẽ hỗ trợ người sáng tạo khiếu nại” – công ty nêu rõ trong một bài đăng trên blog về bản cập nhật mới.

TikTok cũng sẽ bắt đầu thông báo cho người sáng tạo nếu tài khoản của họ có nguy cơ bị xóa vĩnh viễn. Hiện TikTok đã đưa ra nhiều biện pháp xử phạt các tài khoản “có khả năng gây hại” và các hạn chế như tạm thời cấm đăng hoặc bình luận. “Chúng tôi phát hiện ra gần 90% người dùng vi phạm các nguyên tắc cộng đồng (như sử dụng hàng loạt tính năng nhắn tin để spam ai đó) và hơn 75% vi phạm một chính sách nhiều lần. Với bản cập nhật mới, nếu ai đó đăng nội dung vi phạm một trong các Nguyên tắc cộng đồng (Community Guidelines) của chúng tôi, tài khoản của họ sẽ bị cảnh cáo và nội dung đó bị xóa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cấm vĩnh viễn những vi phạm nghiêm trọng” – thông báo của công ty nêu rõ.

TikTok cũng đang thử nghiệm một tính năng mới để cung cấp cho người dùng thêm thông tin về những video họ đăng nhưng không đủ điều kiện đề xuất trên nguồn cấp dữ liệu “Dành cho bạn” (For You). Bằng cách chuyển sang trang phân tích, người sáng tạo nội dung có thể biết chính xác lý do tại sao video của họ không đủ điều kiện và có thể khiếu nại quyết định đó. Cuối cùng, đối với những người dùng cảm thấy mệt mỏi khi nhìn thấy mãi một loại nội dung trên các trang “Dành cho bạn”, công ty sẽ cho phép người dùng nhấn vào “Làm mới” (Refresh) để xem nguồn cấp nội dung khác, đa dạng hơn.

Kể từ thời điểm họ nhấn vào “Làm mới”, nguồn cấp dữ liệu “Dành cho bạn” sẽ bắt đầu hiển thị nội dung dựa trên các tương tác nội dung mới. Nhiều người dùng cho biết họ bối rối không hiểu lý do họ lại “bị” xem một loại video nào đó nay họ có thể nhấn vào “Tại sao video này” (Why this video) để hiểu lý do nó đề xuất trong nguồn cấp dữ liệu (feed) và tự lọc ra các thẻ bằng cách dùng # (hashtag) hoặc cụm từ (phrases) cụ thể. Họ cũng có thể nhấp vào “Không quan tâm” (Not interested) để chọn các video không muốn xem của một người sáng tạo cụ thể nào đó. Công ty cho biết sẽ sớm hạn chế các nội dung không thân thiện với trẻ em như khiêu dâm.

___________

Trung Quốc muốn dùng TikTok để tuyên truyền ra quốc tế

TikTok vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường

Thuật toán của TikTok đưa video tình dục đến với trẻ em như thế nào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: