Đâu là chỗ ngồi an toàn nhất trên máy bay chở khách? Không có câu trả lời chắc chắn, nhưng CNN đã hỏi ý kiến một số chuyên gia hàng không.
Ám ảnh khi bay
Khi đặt vé máy bay, bạn có bao giờ nghĩ đến chỗ ngồi nào sẽ bảo vệ bạn nhiều nhất khi máy bay gặp trường hợp khẩn cấp? Chắc là không! Hầu hết mọi người có khuynh hướng chọn chỗ ngồi vì sự thoải mái, như có chỗ để chân, gần cửa sổ, hoặc tiện lợi, như dễ dàng đi vào nhà vệ sinh mà không phải xin phép người ngồi bên cạnh).
Nhưng thực tế cho thấy những chỗ ngồi nào là an toàn nhất?
Trước khi đi sâu vào vấn đề này, chúng ta cần nhớ du lịch hàng không vẫn là phương thức vận chuyển an toàn nhất trong thế kỷ 21. Năm 2019, có dưới 70 triệu chuyến bay trên toàn cầu, nhưng chỉ có 287 ca tử vong do tai nạn máy bay. Theo phân tích dữ liệu điều tra dân số của Hội đồng An toàn Quốc gia Hoa Kỳ (US National Safety Council-USNSC), tỷ lệ hành khách tử vong khi đi bay chiếm khoảng 1/205,552, quá thấp so với 1/102 đi xe hơi. Khác biệt rất rõ, nhưng ít ai chú ý đến các tai nạn đường bộ chết người mà lại bị “sốc nặng” khi nghe tin chiếc ATR72 bị rơi ở Nepal mới đây.
Tai nạn máy bay luôn trở thành câu chuyện chính trên mọi trang tin tức, đặc biệt là khi có nhiều người chết. Mối quan tâm của chúng ta đối với tai nạn máy bay nằm ở câu hỏi: Tại sao nó lại xảy ra, và khả năng tái diễn lần nữa là bao nhiêu? Quan tâm không phải điều xấu vì nhờ nó mà các tai nạn thương tâm được điều tra kỹ lưỡng để giữ an toàn hơn nữa cho việc đi lại bằng đường hàng không, nhưng thành thật mà nói, quan tâm sẽ trở thành “ám ảnh và xa lánh” khi bạn quá lo lắng… máy bay sẽ rơi (!) ngay cả trước khi mua vé. Có người lo lắng suốt chuyến đi. Nếu bạn thuộc số này, hãy chú ý đến những gợi ý sau về an toàn bay.
Chỗ ngồi an toàn
Những hành khách thường xuyên đi máy bay thích đặt chỗ càng gần cửa trước càng tốt để có thể xuống máy bay nhanh hơn, ít ai chọn một trong những ghế giữa ở các hàng cuối cùng. Lý do dễ hiểu, sợ bị xóc. Thật ra đây mới là chỗ an toàn nhất.
Điều cần ghi nhớ là các tai nạn máy bay về bản chất “không tuân theo các tiêu chuẩn cố định nào”. Trong tai nạn chuyến bay United Flight 232 năm 1989 tại Thành phố Sioux, tiểu bang Iowa, có đến 184 trong 269 người trên máy bay may mắn sống sót. Hầu hết họ đều ngồi ngay sau khoang hạng nhất phía trước máy bay.
Tuy nhiên, một cuộc điều tra của tạp chí TIME sau khi nghiên cứu dữ liệu các tai nạn máy bay trong suốt 35 năm cho thấy hàng ghế giữa phía sau máy bay mới có tỷ lệ tử vong thấp nhất: 28% so với 44% của các hàng ghế giữa khác. Điều này cũng hợp lý. Ngồi cạnh lối đi giữa máy bay gần hàng ghế cửa thoát hiểm không bị cản trở sẽ luôn cung cấp cho bạn lối thoát hiểm nhanh nhất trong trường hợp khẩn cấp, miễn là không có lửa ở nơi đó. Tiếc thay, các cánh của máy bay đều chứa nhiên liệu, nên quy tắc này cũng không đủ để bảo đảm các hàng thoát hiểm ở giữa là an toàn nhất. Khi có lửa, ngồi gần cửa thoát hiểm sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất và bạn sẽ là người cuối cùng thoát khỏi máy bay bằng cửa khác. Một lý do tại sao ghế ở giữa an toàn hơn ghế ở cửa sổ là nó có “tấm đệm” che chắn được tạo ra bởi những người ngồi hai bên.
Nơi máy bay đáp cũng có ý nghĩa sống còn
Cách đáp khẩn cấp sẽ quyết định cơ hội sống sót của bạn. Các phi công được đào tạo để giảm thiểu tối đa thảm hoạ khi máy bay phải đáp khẩn cấp. Họ sẽ làm mọi cách để máy bay không va vào núi và cố tìm nơi bằng phẳng, trống trải để hạ cánh. Năm 1979 xảy ra thảm họa máy bay ở New Zealand. Chuyến bay TE901 của hãng hàng không Air New Zealand đâm vào sườn núi Mt Erebus ở Nam Cực, khiến 257 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Kỹ thuật hạ cánh xuống nước cũng yêu cầu đánh giá điều kiện mặt nước và cố gắng hạ cánh giữa các con sóng ở góc hạ cánh bình thường. Hạ cánh bằng mũi xuống đại dương cũng làm giảm cơ hội sống sót, như xảy ra với chuyến bay 447 của hãng hàng không Air France năm 2009, làm toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Máy bay được thiết kế để có thể tăng cơ may sống sót trong các tình huống khẩn cấp. Trên thực tế, lý do chính nhắc nhở chúng ta thắt dây an toàn không phải vì nguy cơ va chạm, mà vì sự nhiễu loạn không khí có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở độ cao lớn. Chính hiện tượng thời tiết này sẽ gây ra nhiều thiệt hại nhất cho hành khách và máy bay, nếu vượt khỏi mức cho phép. Các nhà sản xuất máy bay hiện nay thiết kế máy bay mới với nhiều vật liệu composite hơn để tăng sức chịu đựng tình huống căng thẳng khi bay. Trong thiết kế mới, cánh không cứng và có thể uốn cong để hấp thụ trọng tải cực lớn giữ an toàn tối đa cho kết cấu.
Đúng là có một số khác biệt nhất định giữa các loại máy bay khác nhau. Tuy nhiên, tính chất vật lý của các chuyến bay đều giống nhau ở tất cả các mặt phẳng. Nói chung, máy bay lớn sẽ có nhiều vật liệu trong cấu trúc hơn, do đó có nhiều sức mạnh để chịu đựng được áp suất ở độ cao. Điều này có nghĩa, chúng có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ bổ sung trong trường hợp khẩn cấp, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào mức nghiêm trọng của trường hợp khẩn cấp. Nói thế không có nghĩa là bạn nên chọn ngồi trên những chiếc máy bay lớn nhất.