Vì sao Mỹ không dùng hệ thống đo lường mét?

Minh họa: Unsplash

Hệ đo lường mét dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể đánh bại được hệ đo lường truyền thống của người dân Mỹ. Thành công duy nhất là có thể cùng tồn tại trong thế yếu!

“Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ”

Hệ thống đo lường ghi trên chai nước vừa ghi ounce, vừa ghi lít. (Minh họa: Unsplash)

“Gần đây khi đến siêu thị tôi mới chú ý đến một thứ mà mắt tôi đã lướt qua hàng ngàn lần trước đó. Các lon nước ngọt yêu thích của tôi ghi 12 ounce, trong khi các chai ghi 2 lít. Rõ ràng, các đơn vị đo lường của cùng một sản phẩm không giống nhau. Cái lon được tính theo đơn vị quen thuộc của Hoa Kỳ, trong khi cái chai được tính theo đơn vị hệ mét!” Harry Enten của hãng tin CNN viết.

Ngày nay, công chúng Mỹ chủ yếu vẫn đứng về phía các đơn vị đo lường truyền thống. Một cuộc thăm dò năm 2016 cho thấy chỉ có 32% người Mỹ muốn đi theo hệ đo lường mét. Nghe có vẻ là một việc nhỏ, nhưng, như trong tập podcast “Margins of Error” phát tuần qua của Enten, việc người Mỹ không sẵn lòng áp dụng hệ thống mét còn nói lên một vấn đề lớn hơn nhiều: “Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ” (American exceptionalism). Đây là một câu chuyện chính trị từng thống trị bối cảnh nước Mỹ từ thời Thuộc địa và cuộc chiến chính trị lớn này đã nhiều lần tái diễn trong lịch sử nước Mỹ.

Trở lại đầu thế kỷ 19, hệ thống đo lường mà Hoa Kỳ sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc nước Mỹ được nhìn nhận thế nào trên thế giới. Khi người Pháp và người Anh giao chiến vào thập niên 1790, Mỹ buộc phải chọn một bên. Theo giáo sư lịch sử Stephen Mihm thuộc Đại học Georgia, nhiều người Mỹ không chỉ chống lại nước Pháp, họ còn chống ý tưởng áp dụng hệ thống đo lường Pháp mà họ xem là “dị giáo” và là một “lời mời nguy hiểm” để gieo mầm cuộc cách mạng Pháp trên đất Mỹ. Vì vậy, nước Mỹ chưa bao giờ ủng hộ cuộc Cách mạng Pháp cũng như áp dụng đầy đủ hệ thống đo lường của cuộc cách mạng đó.

Trên chai nước vừa ghi ounce, vừa ghi lít. (ảnh: ĐT/SGN)

Mỹ từng có “Hội Đồng Mét”

Nhưng, từ chối không có nghĩa là người Mỹ chưa bao giờ đến rất gần hệ thống mét, thậm chí có lúc suýt bị nó thu phục. Tháng Mười Hai, 1975, Hoa Kỳ có vẻ như đang trên đường gia nhập phần còn lại của thế giới về hệ thống đo lường. Đó là khi Tổng thống Gerald Ford (Đảng Cộng Hòa) ký ban hành luật “Metric Conversion Act-MCA”, trong đó nêu rõ “Mét là hệ thống cân và đo đạc được ưa thích trong mậu dịch và thương mại Hoa Kỳ”.

Cú huých của Ford là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm cổ vũ áp dụng hệ mét và là phần chủ yếu khiến chai nước ngọt sản xuất tại Mỹ bắt đầu dùng đơn vị lít. Chỉ còn tồn tại một vấn đề lớn với MCA: sự chuyển đổi đơn vị tinh là… tự nguyện, không mang tính ép buộc. Vì vậy Hội đồng Mét (Metric Board) được thành lập và giao giám sát toàn bộ quá trình chuyển đổi sang hệ mét không có nhiều quyền lực thực thi luật! Điều này có nghĩa, nếu Hoa Kỳ muốn chuyển đổi đầy đủ và hoàn toàn sang hệ mét, cần có sự hợp tác 100% của người dân Mỹ.

Thật không may, nhiều người Mỹ không muốn điều đó, mà thích trung thành với hệ thống cũ hơn. Theo cuộc thăm dò của viện Gallup vào năm 1977, trong số những người Mỹ biết ít nhiều về hệ mét có đến 60% phản đối sử dụng bắt buộc hệ này.

Các nhóm hoạt động nhỏ, những người chống “mét hoá” cũng xuất hiện. Nhóm “Americans for Customary Weight and Measure” (Những người Mỹ bảo vệ hệ Cân Đo quen thuộc) tổ chức các buổi gặp mặt rôm rả. Tất nhiên, các chính trị gia biết cách hiểu đúng “thông điệp” của các cuộc thăm dò ý kiến. Vì vậy, chỉ vài năm sau, Tổng thống Ronald Reagan cho giải thể Hội đồng Mét của người cùng đảng Gerald Ford.

Nhiều người Mỹ không thích dùng hệ mét. (Minh họa: Unsplash)

Hệ thống đo lường phản ánh tư cách một quốc gia

Nhưng đến tận ngày nay, vẫn còn một số tranh cãi xung quanh vấn đề này. Tucker Carlson của kênh Fox thuộc số người chống quyết liệt hệ mét: “Hầu hết mọi quốc gia trên trái đất đều rơi vào ách thống trị của chế độ chuyên chế ‘hệ thống đo lường mét’. Từ Bắc Kinh đến Buenos Aires, từ Lusaka đến London, người dân bị buộc phải đo lường môi trường sống của họ bằng milimét”.

Ở đầu bên kia của phương trình, là những người ủng hộ hệ mét như Thượng nghị sĩ Lincoln Chafee, cựu Thống đốc tiểu bang Rhode Island. Ông sớm “rời cuộc chơi” trong cuộc tranh ghế ứng viên tổng thống trong đảng vào năm 2016, nhưng ông cũng kịp đưa ra tuyên bố: “Hãy mạnh dạn chấp nhận chủ nghĩa quốc tế. Hãy đứng chung với phần còn lại của thế giới và sử dụng hệ mét!”. Chafee bị chế giễu vì tuyên bố của mình và chiến dịch tranh cử thất bại sớm.

Trước những trở ngại trên, một giới tuyến đã được vẽ ra khá rõ ràng giữa hai bên chống và ủng hộ: “Hệ mét là hệ thống của chủ nghĩa quốc tế. Vì thế, những người muốn chống lại chủ nghĩa quốc tế cũng chống lại những quốc gia theo hệ mét”. Nhưng Mihm có giải thích khác với Enten: “Hầu hết người Mỹ không thực sự quan tâm đến điều đó. Điều duy nhất có vẻ ràng buộc những người bác bỏ hệ mét với nhau là họ thực sự không thích sự thay đổi. Ngại thay đổi là lý do chính chứ không phải tính ưu việt của hệ đo lường nào!”

Vậy thì tại sao chúng ta vẫn thấy đơn vị đo lường hệ mét ở các siêu thị Mỹ?

Quay trở lại cửa hàng tạp hóa, bạn sẽ thấy đơn vị mét hiển thị trên gói khoai tây chiên đi kèm với nước ngọt. Thông tin dinh dưỡng hầu như ở dạng hệ mét, ví dụ số gam chất béo. Vậy chuyện gì đang xảy ra khi các khu mua sắm đang kể một câu chuyện hoàn toàn khác với những gì bạn nghe? Đó là về kinh tế.

Chính yêu cầu chính đáng của nền kinh tế nói chung và thương mại buôn bán nói riêng đã giúp hai hệ thống đo lường cùng tồn tại mà chẳng xảy ra chuyện gì cả. Không có tẩy chay hay lên án. Mihm nói về cách hệ thống đo lường của Hoa Kỳ phản ánh tư cách một quốc gia. “Nếu có điều gì giúp nước Mỹ không lẫn lộn với quốc gia nào khác là sự ngại xáo trộn và cho phép người dân hoạt động và dung nạp theo nhiều cách khác nhau. Đó không phải là bản sắc nhỏ mà thực ra, rất có ý nghĩa. Nó được nhúng trong hệ thống chính trị của chúng ta, với 50 chính quyền tiểu bang hoạt động song song với một chính phủ quốc gia duy nhất. Và ở mức độ nào đó, nó được nhúng rất tốt trong một hệ thống đo lường có vẻ xấu xí, nhưng lại là bản sắc của nước Mỹ”.

Đọc thêm:

-Báo động về sự nguy hiểm của PimEyes

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: