Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật (2 & 3 Tháng Bảy, 2022), Hội Cây Kiểng Việt Nam Hoa Kỳ (Vietnamese USA Bonsai Society) tổ chức triển lãm bonsai và non bộ lần thứ 22 tại Chùa Việt Nam.
“Mấy hôm nay rất vui, vì bà con đến đây đông lắm,” anh Đan Nguyễn, Hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam Hoa Kỳ, cho biết. “Có lẽ sau hai năm COVID-19 bị ‘nhốt’ trong nhà, bây giờ bà con ‘bung lụa’ tới ngắm cây kiểng. Đó là điểm đặc biệt của năm nay. Ngoài ra dân biểu thành phố cũng ghé qua thăm và tìm hiểu kỹ về cây kiểng.”
Có hơn 30 cây bonsai và gần 10 tác phẩm hòn non bộ được triển lãm trong lần thứ 22 này của Hội.
Ông Thông Phạm, cư dân thành phố Garden Grove, cựu hội trưởng Vietnamese USA Bonsai Society hai nhiệm kỳ của sáu năm về trước, nay là hội viên của Hội, cho biết: “Tôi gia nhập hội chắc cũng gần 20 năm. Ở California, các hội cây kiểng thì nhiều, nhưng tôi chỉ thích hội Việt Nam, vì mình được nói tiếng Việt nhiều, vui hơn!”
Ông Thông nói mình là dân Nha Trang nên trước đây ngoài cây ổi, cây lựu, ông chẳng biết cây gì. Vậy mà bây giờ sân sau nhà ông là một vườn bonsai, đếm không xuể. Đó là do ông có cơ hội quen biết với một người Nhật Bản là nghệ nhân bonsai. “Khi mấy đứa con tôi lớn, tôi có nhiều thơi gian hơn nên xin đi theo ông đào cây trên núi, về chăm sóc và uốn thành bonsai,” ông Thông kể.
Tuy là hội của người Việt tổ chức, nhưng có khá đông người ngoại quốc đến thưởng ngoạn. Anh Dave Moore, 47 tuổi, chạy xe từ nhà ở San Diego lên xem triển lãm. Anh cũng là người chơi bonsai thứ thiệt. “Tôi ở trong câu lạc bộ bonsai San Diego mà!”, Moore vui vẻ kể chuyện khi được hỏi. “Tôi chơi bonsai từ năm 30 tuổi. Chơi bonsai phải kiên nhẫn lắm nhe, phải chăm chỉ chăm sóc và yêu cây nữa.”
Moore cho rằng anh yêu nghệ thuật này, vì anh có thể uốn và thay đổi dáng cây theo ý mình. Ngoài ra, về mặt hữu ích thì… khỏi nói. “Nó kéo bạn ra khỏi chiếc máy tính và công việc trí óc,” Moore nói. “Khi bạn đã chăm sóc cây, bạn chỉ nghĩ về cây, giống như thiền vậy đó. Rồi khi uốn ra được một cây bonsai nghệ thuật, mình lại được thưởng lãm vẻ đẹp của cây. Sướng gì đâu!”
Anh Đan đồng tình, cho rằng có nhiều người nói môn này trị được bệnh nhức đầu do được thư giãn khi chơi cây. Anh kể, anh cũng được nghe nhiều người công nhận chơi bonsai là thú vui lành mạnh, bổ ích, nhất là khi bị stress, căng thẳng trong công việc và cuộc sống, bonsai giúp giải tỏa rất nhiều. Nghệ thuật nào cũng vậy, có cái đẹp ngoại hình và cái đẹp bên trong. Đó là lý do những người đang điều hành, rất mong ngày càng có nhiều người đến với hội và ủng hộ cho hôi ngày càng phát triển.
Trong hai này triển lãm, vào lúc 1 giờ trưa đều có tiết mục demo, do anh Dũng Phạm, Ban Kỹ thuật của hội phụ trách làm mẫu (uốn từ một cây bình thường thành bonsai).
Anh Dũng – nghệ nhân nổi tiếng của Thảo Cầm Viên Sài Gòn trước đây, cho biết nghệ thuật bonsai là thu gọn cây ngoài thiên nhiên làm thành một cây nhỏ, mặc dù cây uốn là cây non, nhưng hình dáng lại là cây cổ thụ, già cỗi.
Chỉ một cây bonsai là tác phẩm của mình, anh Dũng giới thiệu: “Cây này tôi nuôi ba, bốn năm từ lúc ra dáng là một cây bonsai. Tôi uốn lần đầu cây này cách đây gần 5 năm, nhưng thật ra nó vẫn chưa phải là tác phải là tác phẩm hoàn thành.”
Đúng là nghệ thuật bonsai đòi hỏi người chơi phải kiên nhẫn. Và nếu ai chưa kiên nhẫn, chơi bonsai sẽ rèn được đức tính này. Nhưng nhiều người còn e dè, vì chưa biết gì về cây cối. Anh Dũng động viên: “Người chưa biết gì vẫn có thể tham gia hội, cứ tới giao lưu với mọi người. Không biết thì khi người khác hướng dẫn.” Ngay cả người có cái vườn bé tí tẹo, thậm chí chỉ có một ô đất trống bằng cái lỗ lũi, anh Dũng vẫn “say ok”, nhà không có vườn vẫn chơi bonsai được, vì chơi binsai không cần không gian rộng, chỉ cần sân có nắng.”
“Đây là hội sinh hoạt cộng đồng, lại manh tính cách gia đình, nên ai cũng có thể tham gia,” anh Dũng cho biết. “Người bắt đầu chơi sẽ được hướng dẫn để tăng tay nghề lên. Nhìn các cây ở đây nè, toàn mấy năm tuổi trở lên không, mà chủ nhân cũng toàn là ‘beginner’ (người mới bắt đầu chơi) của mấy năm về trước, giờ làm được toàn cây đẹp.”
Hầu hết những người chơi bonsai đều rất yêu cây. “Không những yêu mà phải đam mê, kiên nhẫn lắm mới chơi được,” ông Thông chia sẻ. “Kiếm được một cây có thể uốn thành bonsai đã khó, đào về nuôi không khéo, 90% cây chết, mà phải nuôi cây sống 4, 5 năm sau mới tạo dáng, vô chậu, khi đó mới thành tác phẩm.”
Nhưng đã mê rồi, chuyện gì cũng làm được. Như Nathan Nguyễn, người mới chơi bonsai được gần 5 năm, kể đang làm một nghề dễ bị stress (mà không nói làm nghề gì) nên anh quyết định tìm đến hội để thư giãn. “Lúc bắt đầu tôi cũng phải tìm thầy học hỏi. Sư phụ dẫn tôi đi đào cây, đem về cho vô chậu, rồi uốn. Sau 5 năm, giờ tôi đã sở hữu được gần 50 cây bonsai rồi,” Nathan nói.
“Chơi bonsai mất thời gian vì phải chăm sóc hàng ngày, tưới cây, bỏ đất cho đúng, không thôi cây chết. Nhưng như thế mới giúp mình giải tỏa stress. Tôi mê cây xưa giờ. Nghĩ sau nay về hưu, không đi làm, sẽ có nhiều thời gian chơi với cây hơn.”
Triển lãm cây kiểng bonsai và non bộ còn diễn ra đến 5 giờ chiều ngày 3 Tháng Bảy, tại Chùa Việt Nam 12292 Magnolia St. Garden Grove, CA 92841. (Magnolia/Lampson)
Những ai có cùng sở thích “vui thú điền viên”, có thể gọi cho hội trưởng Đan Nguyễn: (949) 331-4050, hoặc ghé thăm website: Vietnamese – USA Bonsai Society.
“Chúng tôi trân trọng kính mời quý vị đến thưởng lãm những cây kiểng Bonsai giá trị đã được dày công chăm sóc, uốn sửa trong nhiều năm,” anh Đan Nguyễn nói. “Không những thế, lần này quý vị còn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm non bộ ngoạn mục với nhiều công phu sáng tạo của các nghệ nhân trong hội.”
Đọc thêm:
-Triển lãm Bonsai & Non bộ – Món quà cho cộng đồng Việt ở Little Saigon