Không biết tự khi nào nhắc đến món ngon Sài Gòn người ta thường nhớ đến cà phê, cơm tấm, bánh mì và cháo lòng. Những món quà vặt này có ở khắp các ngã đường, hẻm phố, vỉa hè, nơi người dân lao động mưu sinh qua ngày. Sáng sớm, người ta chỉ cần dừng xe, mua ly cà phê nóng hoặc đá, thêm ổ bánh mì của chị hàng bên cạnh, gặm nhanh để kịp giờ vô sở. Trưa trưa, tạt vô quán cơm kế chỗ làm, gọi dĩa cơm sườn bì chả, thêm chén canh là no đến chiều. Hết giờ làm, ghé xe cháo lòng góc cột điện làm một tô nóng hổi, rồi thong thả về nhà …Những món ngon Sài Gòn đi vào nhịp sống người thị thành một cách tự nhiên, thân thuộc đến mức người ta chẳng nghĩ rằng nó đặc biệt, cho đến khi rời xa …

Cháo lòng là món bình dân, ai cũng ăn được, chưa kể hầu như là món khoái khẩu của nhiều người, dù giàu hay nghèo. Trong trí nhớ eo hẹp, tui chỉ nhớ cháo lòng thường ăn ngon nhất ở những xe đẩy bán rong, đâu đó ngay góc ngã tư, kế cái cột điện, hay trong những con hẻm ngoằn nghoèo, hai, ba “xẹt” số nhà, nơi chỉ đủ bày một hai cái bàn, dăm ba cái ghế, nồi cháo lòng nóng bốc khói và cái tủ đựng đồ lòng đầy ăm ắp dồi, lòng non, gan, thịt luộc, cháo quẩy, …

Ví như cái xe cháo lòng gần nhà, nằm sâu trong con hẻm xí nghiệp, mấy hãng giày, gia công quần áo kề sát nhau. Chiều tan tầm là công nhân ùa ra đông kín, anh bán cháo lòng múc không kịp ngơi tay. Nếu muốn bớt đông thì ghé hàng vào giấc sáng, đâu chừng năm giờ sáng anh đã dọn ra, lục đục bày chén, đũa, bàn, ghế, …Giờ đó thong thả, kêu tô cháo lòng đầy đủ, anh hàng trụng sơ giá bỏ dưới đáy tô, múc một vá lớn cháo bốc khói, để lên mặt miếng lòng non trắng nõn, miếng huyết, dồi trường, phèo, bao tử, dồi sả chiên, …với tay cắt nhỏ cây giò cháo quẩy để dĩa riêng, đem tới tận bàn …

Tô cháo nóng hổi, thoảng thơm mùi gạo rang quyện cùng chút nồng của gừng, chút cay của hạt tiêu. Húp miếng nước cháo ngọt lịm, tỉnh cả người. Gạo được nấu mềm nhừ, nở bung, dồi chiên thơm nức, đồ lòng dai dai, nếu gặp được miếng da heo lẫn trong cháo nhai sần sật còn “đã” nữa. Đặc biệt người Sài Gòn ăn cháo lòng với giá, nhiều hành, ngò, như một thứ “rau xanh” trong tô cháo, cân bằng dinh dưỡng với gạo thịt, lại khiến món ăn đỡ ngán. Mỗi người có cách thưởng thức cháo lòng khác nhau. Cứ như sợ ai tranh  mất phần, tui thích nhúng miếng giò cháo quẩy vô cháo cho thấm mềm trước. Ăn một muỗng cháo với quẩy dai dai, gắp miếng thịt mỡ chấm vô chén nước mắm y dầm ớt cay xé, miếng huyết mát rượi mềm mại, cắn thêm khoanh dồi chiên thơm mùi sả, trúng ngay phần cuống họng bằm nhuyễn, giòn sần sật, …vị giác như tê đi trong sự “say mồi”, vì cái ngon không thể tròn trịa hơn nữa.

Ở Sài Gòn, hầu cứ cách vài con đường là có thể tìm ra một nơi bán cháo lòng để thưởng thức. Cháo lòng là món bình dân, dễ ăn, đủ no, vừa túi tiền của người lao động thấp nên trở thành lựa chọn số một khi ăn sáng, ăn xế. Chính vì lẽ đó, nó đã trở thành nghề “kiếm cơm” của không ít người lao động đất Sài thành. Dù là quán bình dân hay “sang chảnh” một chút thì bao giờ cũng có những thực khách trung thành của mình. Người Sài Gòn có muôn vàn lựa chọn cho bữa sáng, bữa tối của mình nhưng chưa bao giờ các hàng cháo lòng vắng khách. Dù tinh mơ, cần ăn chắc bụng cho kịp giờ làm, hay nửa khuya, tan ca khi phố không còn một bóng người, thì vẫn ở đấy, hàng cháo lòng nóng bốc khói, thơm cồn cào, vẫn đủ một tô cuối cùng cho người thực khách mỏi mệt …

Sài Gòn đã ôm vào lòng những đứa con tứ xứ, tha hương, bằng tình cảm chân thành và những món ngon bình dị rong ruổi khắp các nẻo đường …Người Sài Gòn sống với một cái bụng no và một trái tim ấm, những món ngon Sài Gòn vì thế cũng giản dị như chính người Sài Gòn. Cháo lòng, cái món ăn khoái khẩu với nhiều người có lẽ sẽ không bao giờ mất đi dù văn hóa ẩm thực có đa dạng và phát triển đến đâu chăng nữa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: