Hồi còn nhỏ, tôi thường xuyên bị đau bụng. Mỗi lần cơn đau xảy đến, như một hành vi vô thức, tôi ôm bụng và quằn quại theo cơn đau ấy. Da mặt tôi tái mét hết lên, tay chân bắt đầu run rẩy, tôi như trở nên căng thẳng và áp lực hơn. Mồ hôi bắt đầu ứa ra. Một cơn đau kinh khủng và tồi tệ. Khi lớn lên, tôi ít đau bụng hơn, nhưng có giai đoạn vì ăn uống và vì áp lực công việc, tôi cũng bị đau đến nỗi phải đi bệnh viện. Sau trận đau kinh hoàng ấy, tôi ăn uống đều đặn hơn, tập thả lỏng thân tâm. Sau này, dù cơn đau xảy đến thi thoảng, nhưng cách đối diện với nó là không chống cự, hoàn toàn buông xả để cảm nhận trọn vẹn cơn đau ấy. Tôi nhận ra một điều rằng cơn đau dù có khủng khiếp thế nào thì không bao giờ vượt quá sức chịu đựng của ta. Chỉ cần đừng đưa bản ngã ra đối phó, thì nó sẽ tự vận hành theo chu kỳ sinh diệt.
Con người ghét bỏ đau khổ và nhìn đau khổ như một điều tiêu cực, nhưng bạn có biết, nỗi đau thực sự rất cần thiết trong cuộc đời. Và sau tất cả những gì mà tôi trải qua, thì nỗi đau lại giúp ích tôi hơn cả. Nhờ những cơn đau bụng đó, mà tôi trở nên trí tuệ hơn, đi đến ăn uống hợp lý, và biết thả lỏng thân tâm như một cách để nỗi đau đi qua triệt để. Cơn đau bụng cũng là cách nó cân bằng lại cho chúng ta, và báo hiệu cho chúng ta biết tình trạng cơ thể. Bạn có biết, trên thế giới này, có những người bị bệnh vô cảm với nỗi đau, họ tự làm hại mình bằng cách nhiều cách khác nhau mà không hề ý thức được về điều đó. Vậy thì, hãy cảm ơn vì bạn sinh ra là một người bình thường, một người biết cảm nhận nỗi đau, vì đó là điều kiện tiên quyết để giác ngộ. Hay nói một cách dễ hiểu, một người không thể cảm nhận đau khổ thì không thể giải thoát.
Trong đời sống thường ngày, một trong những cách tôi tự giúp mình vượt qua cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực là không chống cự. Điều đó đồng nghĩa với sự nhẫn nại. Nỗi đau đến để dạy cho ta về lòng kiên nhẫn , chỉ cần nhìn thẳng vào điều này, bạn sẽ thấy ngay giá trị to lớn của nó. Bằng cách không chống cự, không phản đối nỗi đau, tôi được tự do khỏi nỗi đau ấy. Vì sao không chống cự lại giúp ta có sự tự do? Vì lúc này, ta không tạo ra một mối quan hệ với nỗi đau, mà chỉ đơn thuần là một người quan sát nó. Ta vô can. Ta không dính dáng gì đến nỗi đau này cả. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy mỗi người con đường để đi đến giải thoát là trở thành người quan sát, để không dính mắc vào bất cứ điều gì, để tự do khỏi bản ngã – thứ luôn muốn vơ lấy tất cả những thứ có thể vào chiếc bụng khổng lồ của nó.