TÊN CƯỚP VÀ VỊ BÁC SĨ
Một tên cướp lẻn được vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong vùng, người mà hắn tin rằng rất giàu có, dự định chờ ông ngủ sẽ khống chế, bắt ông đưa của cải cho hắn, rồi sẽ giết ông để giữ bí mật.
Tên cướp đợi mãi mà vẫn thấy ông làm việc, chưa đi ngủ. Trời đã 1 giờ khuya, đột nhiên có điện thoại gọi báo một đứa trẻ làng bên kia núi đang bệnh rất nặng, nhờ ông cứu giúp.
Lúc bấy giờ là mùa đông, bão tuyết vần vũ, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó rất nguy hiểm, đêm tối, trượt chân xuống khe núi thiệt mạng là điều rất có thể xảy ra, mà ông đã có một ngày quá mệt mỏi.
Gác điện thoại, vị bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm, nếu mình không đi ngay bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì sao?
Ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão, ông mở cửa, ra đi. Dáng liêu xiêu trong đêm gió tuyết…
Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Thưa ông, tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới”.
“Anh hãy vào nhà ngồi đi, để tôi khám cho anh!”, bác sĩ nói.
Tên cướp trả lời: “Không! Tôi không phải là bệnh nhân của ông. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng đêm qua giữa trời gió tuyết, ông đã bất chấp nguy hiểm và cái chết để đi chữa bệnh cho một đứa bé. Tôi đã rất hổ thẹn. Ngay khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên kia, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông biết không? Ông còn cứu cả tôi nữa …”
*****
HÀI HƯỚC
Lúc Mahatma Gandhi theo học ngành luật tại Đại học London, có một giáo sư da trắng tên là Peter rất ghét ông. Một ngày nọ, giáo sư Peter đang ăn cơm ở nhà ăn, Gandhi bưng khay của mình ngồi xuống cùng bàn với giáo sư.
Vị giáo sư nói: “Anh Gandhi này, anh không biết rằng ‘một con lợn sẽ không ngồi ăn cùng một con chim’ ư?”
Gandhi nhìn giáo sư nọ rồi bình tĩnh trả lời: “Thầy không cần bực dọc ạ, tôi sẽ bay đi ngay” và ông sang bàn khác ngồi. Ông Peter tức giận đỏ mặt, quyết định trả thù.
Ngày hôm sau, ông hỏi trong giờ thi: “Anh Gandhi, nếu trong lúc đi trên phố anh phát hiện một cái bưu kiện, bên trong có một túi trí tuệ và một túi tiền thì anh sẽ lấy cái túi nào?”
Gandhi không hề do dự đáp rằng: “Đương nhiên là lấy túi tiền rồi ạ”.
Giáo sư Peter cười cợt nói: “Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy cái túi trí tuệ”.
Gandhi nhún vai đáp: “Mỗi người đều nên lấy thứ mà họ không có!”
Giáo sư Peter hoàn toàn không thể đáp trả lại được nữa, trong cơn thịnh nộ, ông ấy viết hai chữ “ngu ngốc” lên bài thi của Gandhi rồi trả về.
Vài phút sau, Gandhi đi về phía giáo sư và nói rất lịch sự: “Thưa thầy Peter, thầy ký tên lên bài thi của tôi, nhưng lại không chấm điểm cho tôi”.
Học cách hài hước thì mới có thể “lạc quan với mọi việc, mỉm cười nhìn cuộc đời”. Bậc thầy hài hước Lâm Ngữ Đường từng dạy tiếng Anh tại một trường đại học. Ngày đầu tiên lên lớp, ông xách một chiếc cặp da lớn đi vào lớp, học sinh đều nghĩ là sách. Khi ông mở ra thì chỉ toàn là hạt đậu phộng, rồi ông dạy cách ăn đậu phộng bằng tiếng Anh. Ông nói: “Ăn đậu phộng phải ăn loại có vỏ, tất cả mùi vị đều nằm ở việc bóc vỏ, vỏ càng khó bóc thì càng ngon”.
Ông nói thêm: “Đậu phộng còn có tên là quả trường sinh, ngày đầu lên lớp tôi mời các vị ăn quả trường sinh, chúc các vị trường sinh bất lão, sau này tôi không điểm danh, nhưng mong mọi người ăn quả trường sinh rồi thì sẽ mạng sống cũng kéo dài hơn, đừng trốn học”. Ông nói xong, cả phòng bật cười. Từ đó mỗi khi ông giảng bài, giảng đường luôn kín chỗ ngồi. Học cách hài hước thì mới có thể “lạc quan với mọi việc, mỉm cười nhìn cuộc đời”.
Hài hước hoàn toàn không phải là giỏi ăn nói, mà là có thái độ sống vui vẻ, trưởng thành, hiểu rõ được điều này có nghĩa là nắm bắt được kết tinh của trí tuệ, có được cội nguồn của niềm vui.