Máu chảy ruột mềm

Có bao giờ bạn trải qua một cơn bệnh nặng đến độ ‘thập tử nhất sinh’ chưa nhỉ? Có nghĩa là mình hoàn toàn bất lực, ở trong tình thế rất hiểm nghèo, mười phần chết chắc, chỉ một phần may mắn là sống. Sự may mắn sống sót là nhờ lúc đó có người bên cạnh cứu giúp mình.

Có lẽ tôi cũng từng trải qua ít là một lần bệnh nặng như thế, nhưng lúc ấy còn nhỏ quá nên giờ không nhớ gì cả. Sau này, nhiều lần ở bên săn sóc người bệnh nặng, tôi có dịp thử đặt mình vào tâm trạng của họ, tự hỏi xem họ đang nghĩ gì, đang cảm thấy thế nào?

Câu trả lời có lẽ là: Không còn nghĩ gì được cả, không còn cảm nhận được gì nữa về thế giới chung quanh! Lúc ấy, dường như chỉ còn là cái thân xác đang vật lộn giữa hai bờ sống chết.

Một cuộc vật lộn dường như bản năng. Một cơn sốt hầm hập như lò lửa cháy từ bên trong, hay một ‘khí lạnh’ của thần chết đang lan dần từ chân lên… Người bệnh trở nên mê sảng, không còn nhận ra được ai đang gọi mình, không còn phân biệt được ngày giờ năm tháng…

Lúc ấy, dường như chỉ còn cái Vô thức đang làm việc. Người bệnh mất dần, hay mất hẳn Ý thức. Người bệnh lúc đó dường như đang mấp mé, hay đã bước hẳn qua, một thế giới khác, mịt mù tối sáng hơn, rộng lớn mênh mông hơn.

Những lúc ấy, tôi bỗng tự hỏi cái thế giới mà mình đang ý thức và đang cảm nhận đây, so với thế giới lạ lùng mà người bệnh nặng đang trải nghiệm, cái nào rộng lớn hơn cái nào, cái nào ‘thực’ hơn cái nào? Có phải thực ra, thế giới mà mình đang ý thức đây nó hạn hẹp lắm, nhỏ bé lắm, kể cả giả tạo lắm, so với thế giới mà người bệnh đang cảm nhận?

Đôi khi, cần phải trải qua một cơn bệnh rất nặng, chơi vơi bên lằn ranh sống chết, mình mới cảm nhận được toàn bộ thế giới bao la rộng lớn như nó là chăng? Cái ý thức nhỏ bé của chúng ta cũng giống như hai miếng che hai bên mắt con ngựa, làm cho con ngựa chỉ thấy được những gì hạn hẹp trước mắt, rồi cứ thế mà cắm đầu cắm cổ chạy tới.

Đại dịch làm cho toàn thể loài người như đang trong cơn bệnh nặng. Các dân tộc, các quốc gia như đang lên cơn sốt hầm hập. Chúng ta bất lực và mê sảng. Chúng ta không còn biết “bây giờ tháng mấy” và hành tinh của chúng ta đang lăn trôi về đâu giữa vũ trụ mênh mang thăm thẳm đen tối này. Chúng ta mất dần ý thức về không gian và thời gian…

Chúng ta bỗng nhận ra rằng: Nhận thức bấy lâu của chúng ta về thế giới, về thiên nhiên, về Vũ Trụ… nó hạn hẹp lắm, bất toàn lắm, phiến diện lắm, thiếu sót lắm! Giờ đây, chúng ta như đang trong một cơn hấp hối.

Tôi lục lọi trong ký ức, vẫn không nhớ được rõ ràng những lúc tôi lâm bệnh nặng trong thời thơ ấu. Nhưng có điều tôi tin chắc chắn: Những lúc ấy Ba Mẹ tôi hết sức ân cần thương yêu chăm chữa cứu sống tôi. Chắc chắn là thế! Nếu không tôi đã chết từ lâu rồi.

Kỷ niệm mà tôi còn rất nhớ, là khi ở trong bệnh viện hai tuần liền, chăm sóc cho thằng em kế. Lúc đó tôi 18, nó 17. Hồi nhỏ hai đứa thường xuyên gây gỗ, kể cả vật lộn nhau. Uýnh nhau hôm trước, hôm sau làm hòa, hôm tới lại vật nhau tiếp. Giờ nó lên cơn sốt đến 40, 41 độ C, tay chân bị cột chặt vào giường bệnh.

Nó ú ớ rên la. Nó mở mắt nhìn trừng trừng nhưng không nhận ra ai nữa. Tôi cố mớm từng muỗng nước, muỗng cháo cho nó. Tôi nhìn nó, vừa xót thương vừa lo hãi. Tôi nắm lấy tay nó, cố níu kéo nó khỏi cái chết. Tôi lau khuôn mặt lúc thì đầm đìa mồ hôi lúc thì lạnh ngắt của nó.

Lúc đó, tôi mới hiểu ra mấy chữ “máu chảy ruột mềm” nghĩa là gì. Anh em ruột thịt. Nó đau, tôi cũng đau.

Bây giờ thì tôi ngước lên trời cao: Loài người chúng con đang trong cơn mê sảng và hấp hối! Thiên Chúa, Đấng là Cha và là Mẹ của chúng con, ắt hẳn Người cũng đang “máu chảy ruột mềm”, vì chúng con là ruột thịt của Người!

Chúng con đang sốt hầm hập và đang tê tái lạnh dần. Chúng con như đang trong cơn hỗn mang không còn nhận ra được gì chung quanh nữa. Nhưng chúng con tin Người vẫn đang hết sức ân cần ở bên và chắc chắn sẽ chăm chữa chúng con!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: