“Hồi vợ chồng tôi dọn đến địa điểm này cách đây hơn 15 năm, sáu mẫu đất ở đây chỉ có hai căn nhà, xung quanh toàn là rừng. Ý tưởng trong đầu tôi lúc ấy, là sẽ làm một vườn hoa – một vườn hoa giữa khu rừng,” bà Phấn Nguyễn Barker, chủ ngôi nhà có khu vườn bao quanh nằm trong khu rừng trên đảo Big Island, Hawaii nhớ lại.
Cây cỏ là… ‘con cháu’
Bà Phấn Nguyễn là nghệ sĩ, họa sĩ có hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật, 25 cuộc triển lãm cá nhân với hàng ngàn tác phẩm được trưng bày. Một nghệ sĩ như bà, nghề làm vườn là “amateur”. Thậm chí thời gian đầu dọn đến, bà nói “chỉ biết đi… nhặt cỏ” mà thôi. Kiến thức cho việc trồng cây gì, hoa nào phù hợp với khí hậu ở vùng cao và lạnh, bà chẳng có. “Tôi nghĩ nếu mình muốn, khu rừng này, mảnh đất này sẽ ‘dạy’ mình cách phải làm thế nào,” bà Phấn kể. “Nhưng ‘nó’ dạy tôi chậm lắm, mà tôi thì cứ muốn phải có ngay cơ.”
Thế là bà bắt đầu mua cây về trồng. Bà trồng cây nào, sống cây đó, thậm chí cây lá đâm chồi nhanh đến mức “ngoài tầm kiểm soát” của bà. Chỉ trong vòng hai năm đầu, không biết bao nhiêu lần bà phải nhổ bớt vì cây mọc lan tràn, mà theo bà, như thế không tốt.
Đảo Big Island mưa nhiều, môi trường trong lành, chẳng khác nào một “green house” cực đại. Có lẽ vì thế mà cây cối ở đây tươi tốt. Cây mọc nhanh, mà “người làm vườn” khi ấy đã mấp mé tuổi 60, nên bà phải mướn người đến nhổ cỏ giúp. Tuy vậy, thời gian bà dành cho mảnh vườn của mình khá nhiều, trừ những lúc bận rộn với các cuộc triển lãm tranh.
Bà xem cây cối như… con cháu trong nhà. COVID-19 là lúc bà dành nhiều thời gian hơn với mảnh vườn. Vì quá yêu thiên nhiên, cây cỏ, nên những khi phải cắt bớt cành, tỉa lá, bà lấy chúng làm chất liệu cho các tác phẩm nghệ thuật của mình. Có mấy lần vì phải lo cho các cuộc triển lãm, bà bỏ bê chúng, nhưng vì cảm thấy… có lỗi, nên cứ hở ra một chút, bà lại ra vườn, nói với “lũ con cháu” của mình: “Ôi chao, mấy bữa rày cô bận quá, sắp tới ngày triển lãm rồi, tụi bây cố gắng đợi, cô sẽ ráng ra nhổ cỏ, bón phân cho nhe.” Bà lo nếu cỏ mọc nhiều sẽ lấy hết chất bổ của cây.
Người em trai đến chơi, thấy chị mình ở ngoài vườn nhiều hơn trong nhà, kêu lên: “Trời đất, mỗi ngày chị phải bỏ ra quá nhiều thời giờ để nhổ cỏ, cào lá đến thế sao!” Bà hỏi ngược lại em: “Mỗi ngày em bỏ ra bao nhiều thời giờ để chăm sóc cho hai đứa con của em, tiền bạc em chi tiêu cho chúng ra sao, thì chị cũng lo như thế cho cái vườn của chị đó! Chúng nó là ‘con cháu’ của chị mà!”
Thăm cây, nhớ bạn
Thật ra, hoa lá trong mảnh vườn của bà, chủ yếu là do chúng tự mọc, chứ bà không phải mua nhiều. Bà nói, những người đến đây sinh sống, cứ thích san phẳng hết đất rừng để làm nhà. Còn bà chỉ muốn giữ nguyên thủy của rừng, nên không chặt cây. Chính vì thế, vườn cây nhà bà vẫn còn nhiều Ohi’a và Hāpuʻu (dương xỉ) – là những loại cây mọc tự nhiên trong rừng.
Bà Phấn người làng Từ Châu, tỉnh Hà Đông – nơi có rất nhiều rặng tre bao quanh, vì thế mà bà rất thương mến cây tre. Và khi dọn nhà đến đây, bà cũng mua cây tre về trồng. Bà nghĩ phải tạo ra nét gì đó “rất Việt Nam” trên tiểu bang thứ 50 này của Hoa Kỳ. Chính các bụi tre là Việt Nam trong trái tim bà.
Khu vườn của bà Phấn không chỉ có cây lá, mà còn nhiều loại hoa khác, như Hồng Môn, Cẩm Tú Cầu, Cúc,… Nhưng bà thừa nhận, bà không biết hết tên các loài hoa trong vườn, trừ những loại cây mà người Việt nào cũng biết, như cây dứa, cây nghệ (trồng lấy củ), và đặc biệt là lá trà xanh. “Lá dứa thơm là do cô bạn người Thái tặng. Cây củ nghệ và lá trà xanh rất dễ trồng, xoa bóp hay nấu nước uống đều tốt cho xương cốt cho những người ‘thất thập cổ lai hy’ như tôi đây,” bà cười nói.
Mấy năm trước, bà có một nhóm bạn, là những người thích vườn tược, cỏ hoa, nên thường gặp nhau vào đầu mùa Xuân. Mỗi lần gặp nhau, mọi người lại đem những món ăn toàn đồ chay đến và cả những gì mình có trong vườn nhà để chia sẻ, ví dụ hạt giống, cây con – hầu hết là những cành cây mà họ đã cắt từ những bụi hoa trong vườn nhà. Bà nói cành cây nào đem về bà cắm xuống đất, không lâu sau nó cũng mọc thành cây, rồi ra hoa. Cây mọc nhiều, bà phải mé nhánh, tước lá, rồi cắm nhánh vừa bị cắt xuống đất, thế là nó lại mọc ra cây mới. “Cứ mỗi lần chăm sóc cây, tôi lại nhớ đến người tặng cây cho mình,” bà Phấn tâm sự. Rồi chỉ tay về một góc vườn, bà nói tiếp: “Cái cây đỗ quyên đó là do bà bạn tôi tên Haidi tặng. Bà đã qua đời, nhưng mỗi lần ra thăm vườn, gặp cây, tôi lại hỏi: ‘Heidi, how are you today?’ Tôi luôn nghĩ bà ấy sống trong khu vườn này của tôi. Mãi mãi… ”
Ở bên cạnh lối đi vào nhà bà có một tảng đá. Bà kể, tảng đá này có sẵn từ thời người chủ cũ – là một bác sĩ giải phẫu. Trước khi ông qua đời hơn 15 năm về trước, ông nhắn với vợ là muốn để lại ít xương trong khu vườn. Bà Phấn làm theo tâm nguyện của ông do người vợ nhắn lại, và cho rằng tâm linh của ông vẫn phảng phất trong khu vườn này. “Tôi nghĩ ông ấy cùng tôi săn sóc cây cối trong vườn, cũng như che chở cho căn nhà này. Như thế cũng rất hay,” bà nói.
Làm vườn là một cách thiền
Là nghệ sĩ có nhiều sáng tạo trong nghệ thuật Fiber Arts (dùng chất liệu bằng vải, tre, lá, cành cây…) trong tranh thêu, bà từng nói: “Nghệ thuật của tôi phát triển theo đường đời tôi đi, con đường mà tôi theo đuổi. Đó là một sự dưỡng tâm.” Bà chia sẻ: “Nhà sư Thích Nhất Hạnh có nói rằng chúng ta phải cải tác cách ngồi thiền khác nhau. Đối với nhà sư, quét lá, tỉa lá, nhặt cỏ, cũng là thiền, mà cách này rất hợp với ‘người làm vườn’ như tôi.”
Không phải ai cũng có đất đai rộng rãi như khu vườn rộng cả mẫu đất này của bà, để mà… thiền. Nhưng theo bà, dù nhà nhỏ, dù chung cư không có chỗ, nhưng hãy tận dụng hành lang bằng những chậu cây. Bà nói trồng cây hoa lá không những đem cho mình dưỡng khí oxygen, mà nó còn lấy đi thán khí carbon dioxide, làm trong sạch môi trường, tốt cho sức khỏe. Họa sĩ Phấn may mắn sống trong môi trường tự nhiên trong lành ấy, nên khó ai đoán được tuổi, khi thấy bà vẫn làm việc cực lực, đôi chân thoăn thoắt với một sức khỏe dẻo dai. Tất nhiên, còn một yếu tố khác không kém quan trọng, là bà rất chịu khó tập thể dục, ăn uống lành mạnh, trừ món vịt quay ưa thích mà lâu lâu bà “phá lệ” để thưởng thức.
Trồng hoa, theo bà, còn có lợi ích là luôn luôn có hoa, cây nhà lá vườn, để tặng bạn bè. Nhà có tiệc tùng, cứ ra vườn hái đem vào trưng. Không những thế, khu vườn “giống như một Thiên Đường có thể ‘vào’ bất cứ lúc nào,” như lời bà. “Nhiều khi giận dỗi với ông xã, hay với bạn bè, tôi nghĩ đây là lúc mình nhổ cỏ, quét lá. Chưa cần làm gì, chỉ bước ra vườn thì mọi suy nghĩ giận hờn, bực bội tự nhiên tan biến hết. Lạ lắm!” bà nói.
Tác phẩm chưa hoàn thành và những dự án phía trước
Bà đưa ra ý nghĩ “We Are All One – Chúng Ta Là Một”, nghĩa là ai cũng có một sự liên kết với Thượng Đế, hay Đấng Tối Cao, hoặc là một Vũ Trụ bao la. Cây cối cũng có sự liên kết với con người. Vì thế, bà sống trong tình yêu thương cây cối, động vật, và tất nhiên, những người thân yêu của mình, bạn bè, hàng xóm láng giềng,… bởi theo bà, tất cả giống như biển cả bao la, mà mỗi con người chỉ là một giọt nước biển, cùng nhau chung sống. “Vườn nhà tôi là một tác phẩm chưa hoàn thành,” họa sĩ Phấn Nguyễn tâm sự. “Nó giống như cuộc đời mình, sẽ không bao giờ hoàn hảo, bởi chúng ta sống trên trái đất này để trở thành con người tốt hơn.” Bà nói, thỉnh thoảng, bà nghe được tiếng cây cối chào, gọi, hoặc nhắc nhở bà một điều gì đó.
Trong vườn nhà bà Phấn có một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ thông. Bà giải thích, đó là một tác phẩm nghệ thuật của ông bạn người Nhật Bản, tên Randy Takaki. Ông Takaki dùng những cây thông bị đổ trong vườn nhà bà hàng xóm để khắc bức tượng này.
Ngoài việc sáng tác để chuẩn bị cho những cuộc triển lãm tranh, họa sĩ Phấn Nguyễn luôn ôm ấp một ước mơ và đang lập thành một dự án để thực hiện từ năm nay, là từ giờ cho đến năm, sáu năm nữa, bà sẽ sáng tác một loạt tác phẩm điêu khắc để đặt rải rác trong vườn. “Tôi nghĩ lập dự án ở cái tuổi này, sẽ làm cho mình sống khỏe mạnh, hăng hái hơn. Đó là nhịp sống của chúng ta,” bà chia sẻ.
Ở tuổi U80, nữ nghệ sĩ vẫn có khá nhiều việc để làm. Bà thừa nhận, năm năm trước bà vẫn còn… trẻ trung lắm, nhưng ngày càng lớn tuổi, và vì vẫn còn làm việc, nên bà chọn cách “làm mới” tinh thần và cải thiện sức khỏe bằng vườn hoa, mà bây giờ bà gọi là “my lover” (người tình của tôi).
Vườn hoa giữa khu rừng của nghệ sỹ Phấn Nguyễn Barker – một tác phẩm nghệ thuật dù chưa hoàn thành, nhưng là động lực thúc đẩy bà thực hiện những dự án còn ở phía trước ấy.
Đọc thêm: