Minh hoạ: Hannah Vu/Unsplash
Mindfulness
Mindfulness
Thất tình
Loading
/

Hồi còn nhỏ, chừng lớp Sáu, lớp Bảy gì đó, tôi có nhờ người anh thứ ba chở tôi đến chùa Vạn Hạnh ở thành phố Santee, trong vùng San Diego, để ở chung với Thầy bổn sư của tôi trong dịp lễ Noel vì được nghỉ học 2 tuần. Năm ấy vào thập niên 1980. Thầy tôi bắt đầu trụ trì chùa Vạn Hạnh vào năm 1984, sau khi được Ôn Mãn Giác bảo lãnh sang từ trại tị nạn Palawan ở Phi Luật Tân.

Tôi bắt đầu sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử Hướng Thiện cũng từ năm 1984, được xếp vào ngành Oanh Vũ. Chị Huynh trưởng, tên Phượng, trông coi đội Oanh Vũ, chăm lo cho tôi và đội chúng khá kỹ; dạy chúng tôi thuộc lòng bài Sám Hối, cách đứng quỳ khi làm lễ trong chánh điện, và tôi cũng được học tiếng Việt, Phật Pháp cơ bản, Morse code, cờ Semaphore, dấu đi đường, v.v…

Sau gần một năm sinh hoạt, chị Phượng trình tên tôi lên Thầy trụ trì, xin làm lễ Quy Y. Lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu quy y là gì. Buổi lễ khá nghiêm trang và thanh tịnh, ngoài tôi là đoàn sinh nhỏ nhất còn có 4 anh chị ngành Thanh và Thiếu. Thầy đặt pháp danh cho tôi là Quảng Minh và giải thích ý nghĩa của hai chữ “Quảng Minh”, rồi trao cho tôi bản Chứng Chỉ Quy Y Tam Bảo, bằng tiếng Việt lẫn tiếng Mỹ. Tôi cất giữ thật kỹ bản chứng chỉ này được 20-30 năm, nhưng sau này vì dời nhà quá nhiều lần, nên bị thất lạc nơi nào mà đến nay tôi tìm kiếm mãi vẫn chưa thấy. Thật tiếc!

Ngôi chùa Vạn Hạnh lúc bấy giờ nhỏ thôi, nhưng vẫn là ngôi chùa lớn nhất ở vùng San Diego vào thập niên 1980 và 1990. Chánh điện có sức chứa được hơn 30 người. Trước Chánh điện có bậc tam cấp, dẫn ra sân trước khá rộng và dài. Chính ở ba bậc thang này mà mỗi chủ nhật đi sinh hoạt, khi đồng đội Oanh Vũ của tôi tung tăng chạy khắp sân chùa trong giờ giải lao hoặc tự trị, tôi thường ngồi nghe Thầy tụng kinh với các cô chú bác Phật tử lớn tuổi tề tựu mỗi tuần để làm lễ cầu an, cầu siêu.

Thầy tôi có giọng tụng kinh rất hay, dường như có một không hai ở Mỹ này trong suốt trên 30 năm nay. Tôi mê man với giọng tụng và cảm phục cách thức thực hiện nghi lễ của Thầy. Đáng nhớ hơn là khi Ôn Mãn Giác có dịp về Chùa để chứng minh và tham dự những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan, trong chiếc Hồng Y đầy tôn nghiêm, Ôn và Thầy qua hai cái microphone đồng tụng xướng; ôi, nghe sao hay quá! Cả hai giọng Huế, rất ngọt và ấm, lúc trầm, lúc bổng, hoà cùng nhịp điệu của tiếng chuông, mõ và khánh; nếu được nghe thì kẻ âm được siêu, người dương cũng được thoát!

Trong bao nhiêu năm qua, hễ tôi biết nơi nào có Thầy tôi xuất hiện để chứng minh và chủ lễ, và nếu có điều kiện, thì tôi cũng cố tìm cách chạy tới để được nghe Thầy tụng kinh. Tôi thích đến chùa không hẳn để nghe thuyết pháp, ngồi thiền mà chỉ đơn thuần là để nghe Thầy tụng kinh. Có người thích nghe nhạc hoặc cải lương. Riêng tôi thì thích nghe tụng kinh, nhất là với giọng tụng của Thầy. Chỉ đơn giản vậy thôi. Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao tôi đến Chùa ở với Thầy gần cả tuần lễ trong mùa Noel của giữa thập niên 1980; nhưng chắc là vì chỉ muốn nghe Thầy tụng kinh.

Cả tuần lễ ở bên Thầy, mỗi buổi sáng chừng 5:00 giờ, tôi còn nằm trong phòng ngủ dành cho khách thì đã nghe tiếng Thầy tụng kinh trên Chánh điện. Âm thanh của chuông, mõ, hòa cùng với giọng của Thầy đã đánh thức tôi. Và rồi, tôi nằm trên giường nghe Thầy tụng kinh công phu sáng. Sau thời kinh, tôi không nghe động tĩnh gì nữa, nhưng một hồi sau tôi lại nghe tiếng loạt soạt trong phòng Thầy. Sau này tôi mới hiểu ngay sau khi hoàn kinh, Thầy đã dành một thời gian để toạ thiền nên mới có một khoảng thời gian yên tịnh.

Tôi không còn nhớ nhiều chi tiết về những ngày ở bên Thầy, nhưng nhớ rõ sự việc này:

Tấm thảm trước tôn tượng Đức Quán Thế Âm trong Chánh Điện bị rách, như bị một vật gì cào xé. Nhưng Thầy bảo là mấy con chuột nó đi tìm mồi, rồi cắn rách tấm thảm chứ không ai làm rách cả. Thấy tấm thảm bị rách, Thầy không vui, nên mắng mấy chú chuột:

Mấy đứa bay đi chỗ khác chơi, không luẩn quẩn ở đây mà cắn rách tấm thảm trước bàn Phật nữa. Nghe chưa? Nếu không đi thì tao đập cho một trận.

Đối với một cậu bé mới 12 tuổi, tôi thấy sự kiện trước mắt tôi hơi khác lạ. Thứ nhất, đó là lần đầu tiên tôi thấy con người nói chuyện với loài thú. Liền trong đầu tôi nảy ra câu hỏi: Thầy nói chuyện với mấy chú chuột lúc chúng không có mặt, liệu chúng có nghe Thầy không? Giả sử chúng nghe và hiểu lời mắng của Thầy, liệu chúng có y theo lời răn của Thầy? Thứ hai, khi biết trong chùa, và ngay trong chánh điện, có chuột phá phách lộng hành, Thầy không tìm cách bắt nó, hoặc đặt cái bẫy giết nó, mà chỉ có lời răn doạ nó, bảo nó đi chỗ khác chơi. Thứ ba, dường như Thầy không màng hoặc bận tâm việc có mấy chú chuột ẩn nấp dưới mái nhà mà Thầy đang sống và tu. Sự kiện này, với tôi lúc còn bé, thì hơi khác thường; nhưng sau này lớn thêm đôi tuổi, tôi mới hiểu tại sao Thầy xử sự như vậy, khi biết tấm thảm trong chánh điện bị mấy chú chuột cắn rách.

Minh hoạ: Unsplash

Về sau, vì theo gia đình chuyển nhà đến một vùng cách xa chùa, tôi ít có dịp gặp lại Thầy. Chừng hai, ba năm sau, tôi gặp lại Thầy với hai người chú láng giềng đã quen biết Thầy hồi Thầy và mấy chú còn ở trại tị nạn Palawan. Ngồi trong phòng ăn ở chùa, thầy trò cùng dùng cơm chiều, tôi theo dõi cuộc đối thoại giữa Thầy và hai chú. Mâm cơm có bát canh, nhưng lại thiếu cái muỗng múc canh. Thầy sai tôi:

Con lại chỗ đựng chén đũa lấy cái muỗng lại đây để chan canh.

Tôi hăng hái vâng theo lời Thầy với tiếng “dạ” rồi đẩy lùi ghế về phía sau và đứng lên đi về phía bếp để lấy cái muỗng. Đang thi hành nhiệm vụ thì một trong hai chú ngồi ở bàn ăn mở miệng nói, với giọng Đà Nẵng:

Chà, cậu nhỏ ni giỏi hề.

Thầy tôi liền đáp:

Ừ, đệ tử ni được lắm. Đợi nó học xong lớp 12, Thầy sẽ gửi nó sang Đài Loan để học rồi đi tu luôn.

Tôi hơi giật mình với lời phán quyết của Thầy. Tuy thích tụng kinh, mê giọng tụng của Thầy, và thường tới lui chùa chiền, nhưng tôi chưa hề nghĩ đến việc cạo đầu đi tu. Một luồng suy tưởng chợt thoáng qua trong đầu tôi trước lời đề nghị như một quyết đoán của Thầy.

Với cái muỗng múc canh trong tay, tôi trở lại bàn ăn, kéo ghế ngồi xuống. Chú tôi luôn miệng hỏi:

Bộ con tính đi tu thiệt hả?

Tôi liền đáp:

Dạ chắc không đâu Chú ơi!

Xoay mặt đối diện Thầy, tôi thưa:

Dạ thưa Thầy, chuyện… thất tình của con nặng quá, chắc con đi tu không được đâu Thầy ơi.

Mọi người trong bàn ăn đều cười, rồi hai chú tiếp tục thưa chuyện cùng Thầy qua bữa cơm chay đạm bạc.

Số là lúc bấy giờ, tôi học lớp Chín, và cả năm học, tôi đã say mê cô bạn học cùng lớp. Cả năm học tôi luôn để ý đến cô, nhưng chẳng hề dám nói lời nào với cô. Lại gần cô, tôi cũng chẳng dám! Nhưng trong lớp, tôi thường liếc nhìn, để ý từng động tác, cử chỉ của cô. Đêm ngày tôi thường nghĩ đến cô bạn học mà chưa một lần dám thốt lời nào, tuy vẫn gặp mặt mỗi ngày. Đêm đêm, chợt tỉnh giấc lúc 2-3 giờ sáng, nghe Duy Khánh ngân nga bài Đêm Bơ Vơ mà ông đã thâu băng vào thập niên 1960, với những câu: “Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ, anh xa em, xa em anh nhớ từng đêm…”; ôi sao não nề, thấm thía làm sao!

Đám bạn học biết tôi thích cô, thường chọc ghẹo tôi. Và dường như lời đồn cũng đến tai cô. Tuy vậy, cô chẳng hề có lời lẽ, cử chỉ nào với tôi. Và tôi vẫn là tôi: Rụt rè, nhút nhát chẳng biết thổ lộ điều gì. Tuổi trẻ bên Mỹ không gọi sự rung động của con tim vào lứa tuổi này là “love”, mà là “crush”. Thôi kệ, “love” hay “crush” gì cũng được; âu cũng là một dấu ấn, một kỷ niệm của tuổi trẻ ngây thơ.

Sở dĩ tôi nhanh miệng trả lời Thầy không đi tu được là bởi tôi bị… “thất tình” và suy tư đậm về cô bạn học cùng lớp. Tình cảm nam nữ (hoặc con nít) mãnh liệt như thế thì làm sao tôi cạo đầu đi tu cho được!

Ở tuổi 13-14, và vì lúc vượt biên tôi chỉ mới học xong lớp Một ở Việt Nam, vốn liếng Việt ngữ chẳng tới đâu, nên tôi chỉ hiểu hai chữ “thất tình” là mất tình yêu và những hệ lụy phát xuất từ nó. Sau này, tôi mới nghe cụm từ “thất tình… lục dục”. Thoạt đầu, tôi thắc mắc tại sao “thất tình” lại còn có “lục dục” nữa? Như vậy “thất” ở đây không có nghĩa là “mất”, mà đồng nghĩa với số “bảy”, vì “lục” là “sáu”. Rồi tôi tự hỏi: Thế thì bảy thứ tình cảm trong “thất tình” là gì?

Dần dần, tôi đọc các bài viết và nghe những buổi thuyết giảng của quý Thầy, Sư cô mới hiểu rằng con người chúng ta có bảy thứ tình hoặc cảm xúc không thể tránh khỏi. Đó là: (1) mừng, (2) giận, (3) thương, (4) ghét, (5) buồn, (6) sợ, và (7) ham muốn, nói theo tiếng Hán-Việt là: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục.

Cuộc sống hằng ngày, ai trong chúng ta mà không mừng vui, giận hờn, thương mến, ghét giận, buồn tủi, sợ lo, thèm muốn. Thí dụ: Ta mừng vui khi được trúng số hoặc đạt được điều như ý muốn, nhưng quá vui mừng có thể dẫn đến sự kiêu ngạo, tự đắc. Ta giận oán đối phương đã làm phiền ta, dẫn đến sự bực tức trong lòng. Ta thương yêu người bên cạnh, nhưng vì quá mến thương, nên khi người ấy lìa bỏ ta thì có cảm giác mất mát, đớn đau lại kéo đến.

Ta ghét bỏ người đã làm ta tổn thương, để rồi mang nỗi hận vào lòng, dẫn đến sự ác cảm với người. Ta buồn tủi vì sự việc ngoài ý muốn, để rồi cuộc sống là một chuỗi ngày ảm đạm, sầu bi. Ta sợ sệt vì phải đối diện với những rủi ro, thử thách ngoài sức mình để rồi cuộc sống đầy sự bất an, lo lắng. Và, ta ham muốn những thứ đẹp, hay, thơm, ngon và tốt về mình, để rồi cuộc sống là một quãng đường mà ta cứ chạy đua, cố bắt lấy những gì ta chưa có được.

Minh hoạ: Sippakorn Yamkasikorn/Unsplash

Bản chất của thất tình, tự nó không phải là điều xấu hoặc có hại. Đơn thuần, bảy thứ tình này giúp ta sắp xếp một cách trật tự những cảm xúc của ta khi đối diện với sự vật bên ngoài. Chẳng ai bảo ta không nên rung động, phản ứng một cách tự nhiên với cảnh vật bên ngoài mà mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của ta phải va chạm, đối diện. Thí dụ, có điều gì làm ta vui, ta cứ vui. Có việc gì làm ta buồn, ta cứ buồn. Tuy nhiên, ta nên tự biết kiểm soát cảm xúc để sự vui buồn ấy không mang cho ta những phiền toái hoặc những điều có hại, không hay. Người phàm chúng ta vì thiếu tu tập nên dễ bị bảy thứ tình này lay động và hành hạ tâm lẫn thân.

Riêng những bậc tu hành cao tột đầy đủ nội lực mới biết kiểm soát và kiềm chế sự rung động, cảm xúc của mình khi đối diện với cảnh vật bên ngoài. Nói chính xác hơn thì những bậc chân tu tự biết áp dụng câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” (tạm hiểu là “chớ bám vào đâu mà sinh tâm”) trong Kinh Kim Cang vào cuộc sống của quý Ngài. Nhìn cảnh vật, biết cảnh vật, cảm nhận được sự vật đẹp, hay, thơm, ngon, tốt, xấu; nhưng bậc chân tu không bám víu vào nó, không bị nó mê hoặc, không bị nó lay động tâm một cách quá chừng mực vì nhận thức rằng vạn pháp có sanh ắt có diệt; mỗi vật, mỗi cảnh, luôn cả cảm xúc của mình như hạt sương mong manh, như huyễn mộng, chẳng có gì vững chắc, trường tồn cả.

Trở lại cái lý do mà tôi đã nhanh miệng đáp trả Thầy tôi vào cuối thập niên 1980 ở chùa Vạn Hạnh để nhẹ nhàng khước từ gợi ý cạo đầu đi tu mà Thầy ưu ái dành cho tôi, tôi thấy mình đã hiểu nhầm hai chữ “thất tình”. Chẳng biết những bạn đồng lứa có hiểu sai về hai chữ “thất tình” như tôi đã nhầm lẫn vì thiếu hiểu biết về chữ Hán-Việt hay không?

Nhưng giờ nghĩ lại, và suy rộng hơn, lý do tôi không đi tu được là vì tôi không – hoặc chưa – đủ khả năng kiểm soát bảy cái cảm xúc trong tôi mỗi khi đối diện với cảnh vật bên ngoài qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Việc cạo đầu đi tu như lời mời gọi của Thầy tôi, chắc phải hoãn lại kiếp sau, hoặc sau nữa, mới mong thực hiện được; chứ kiếp này của tôi đầy dẫy sự lay động và cảm xúc, hoà trộn với lắm buồn vui và hệ lụy cũng bởi do… thất tình.

(Viết để ôn lại kỷ niệm với lòng kính trọng đối với bậc Thầy bổn sư hiền từ mà ngày nay đã ngoài bát tuần)

Nguồn: Rộng Mở Tâm Hồn

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: