Cho đến tận bây giờ, Đại uý Lục Quân Hoa Kỳ Andrew Võ luôn cảm thấy hạnh phúc, may mắn với tất cả những quyết định anh đã đưa ra trong đời mình, bao gồm cả những đánh đổi để có được ước mơ và thành công hôm nay. Đó là vừa trở thành một nha sĩ nhi khoa (pediatric dentist), vừa hoàn thành sứ mệnh với đất nước và được sống đúng với chính mình.
Có khoảng $550 ngàn để học nha sĩ hoặc đi lính
Từ năm 2019 đến nay, mỗi ngày, Đại uý Lục Quân Hoa Kỳ Andrew Võ khoác bộ áo của một bác sĩ chuyên khám, chữa răng cho trẻ em để đến văn phòng làm việc Pediatric Dentist ở Villa Park. Bộ áo lính xếp lại để chờ mỗi năm, Andrew sẽ thực hiện hai tuần nhiệm vụ của người lính trừ bị ở Fort Carson, Colorado, với vai trò là một nha sĩ cho quân đội – Army Dental IMA.
Việc trở thành một nha sĩ nhi khoa đến với Andrew khá bất ngờ. Điều này không nằm trong những dự án tương lai của chàng thanh niên gốc Việt khi tốt nghiệp cao đẳng khoảng mười năm trước.
“Tôi từng muốn trở thành một nhà kinh doanh, nên tôi chọn học kinh tế. Tôi đã cố gắng học để tốt nghiệp sớm một năm, để đi làm kiếm tiền. Tôi chỉ mất ba năm để học xong cao đẳng thay bốn năm,” Nha sĩ Andrew Võ nói qua điện thoại với tôi vào một buổi sáng trước khi anh đến văn phòng làm việc.
Thế rồi, một ngày nọ, Andrew cùng người bạn làm thiện nguyện viên của chương trình khám chữa răng miễn phí cho cộng đồng. Anh chợt nhận ra tính chất đặc biệt của nghề này. Anh nói: “Nha sĩ là một nghề có thể làm ra tiền (nhiều,) tôi nghĩ như thế lúc đó. Thêm vào là tôi thấy thật sự các nha sĩ đã giúp cho mọi người trong xã hội được hạnh phúc hơn.”
Không lâu sau ngày làm thiện nguyện viên ấy, với thành tích ba năm cao đẳng, Andrew không khó khăn để được nhận vào ngành Nha khoa của trường University of Southern California (USC), mà theo anh là một trong các trường đào tạo nha sĩ tốt nhất ở Mỹ. Thế nhưng, số học phí gần $550 ngàn là chuyện “không tưởng” với Andrew Võ. Anh tìm đến với Chương Trình Học Bổng Y Tế Chuyên Môn Quân Đội Hoa Kỳ (United States Army’s Health Profession Scholarship Program). Đây là chương trình học bổng dành riêng cho các ngành học đặc biệt như y tá, bác sĩ thú y, y tá chăm sóc sức khoẻ tâm thần, tâm lý học, và nhãn khoa.
Chính vì tính chất đặc biệt của các ngành học có yêu cầu rất cao, để nhận được học bổng cũng không phải là đơn giản. Đổi lại với học bổng $300 ngàn cho ngành Nha Khoa của trường USC thì Andrew phải gia nhập quân đội sau khi học xong. Thời gian quân ngũ là bốn năm.
Andrew nói: “Đi lính và cầm súng, đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi càng chưa bao giờ nghĩ đến việc tôi phải cầm súng và bắn ai đó. Nhưng, tôi không có sự lựa chọn. Lúc đó, tôi gia nhập quân đội đơn giản là tôi muốn họ giúp tôi trả tiền học phí trở thành nha sĩ.”
Có thể nói, mãi cho đến tận bây giờ, Andrew vẫn không quên “cuộc đấu tranh tư tưởng” mà anh đã trải qua khi biết mình được chấp thuận học bổng. Nhưng Andrew biết rất rõ mục đích của anh là gì. Quan trọng hơn, Andrew hiểu đây là cơ hội lớn cho anh để thực hiện ước mơ của mình. Anh cười to và không ngại ngùng cho biết “Rất sợ!” khi nói về cảm giác đầu tiên khi cầm trên tay khẩu súng trường: “Nhưng tôi đặt nỗi sợ sang một bên, vì tôi biết, tôi không có sự lựa chọn. Tôi không bao giờ có số tiền to lớn đó để tiếp tục học trở thành một nha sĩ nhi khoa”
Theo anh kể, điều khó khăn nhất với anh là nỗi nhớ nhà, nhớ anh chị em, nhớ đại gia đình của mình. Cũng vì vậy mà mỗi khi có dịp, Andrew lại mời cha mẹ và chị đến thăm nơi anh đóng quân, để mọi người được gặp nhau và để “gia đình tự hào có người con là lính,” anh cười nói.
Andrew Võ đã tốt nghiệp năm 2015. Sau đó anh gia nhập quân đội Hoa Kỳ từ 2015 đến 2019. Anh kể ra chính xác những con số đã trở thành “số mệnh” của mình: “Tôi được học bổng $300 ngàn từ quân đội Hoa Kỳ, nghĩa là tôi vay nợ sinh viên số tiền $176,616. Đến nay tôi đã trả được khoảng $70 ngàn.”
Từ một cậu bé gốc Việt không giỏi tiếng Anh
Không chấp nhận dừng lại ở tấm bằng kinh tế, mà phải luôn cố gắng hướng về phía trước, có tương lai tốt đẹp, chính là châm ngôn của hai chị em Andrew Võ. Andrew và chị của mình, Amy Võ, là con một gia đình thuyền nhân Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Fountain Valley, CA.
Cuộc nói chuyện giữa Andrew Võ và tôi diễn ra trong ngôn ngữ Anh, Việt lẫn lộn. Có thể cảm nhận anh rất thích nói tiếng Việt dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm từ ngữ để diễn ý.
Anh kể, hai chị em lớn lên trong hoàn cảnh “không có nhiều đồ ăn, không có nhiều quần áo.” Mẹ của Andrew, bà Thanh Vũ, cùng với các thành viên trong gia đình vượt biên năm 1975. Như bao gia đình tị nạn khác, họ phải mưu sinh bằng mọi ngành nghề. Gia đình hơn mười người sống trong một căn nhà, một phòng tắm, một phòng ngủ.
Một gia đình Việt Nam hơn mười người tị nạn ở đất khách thì ngôn ngữ chính ở nhà cho những đứa trẻ sinh ra dù ở Mỹ cũng phải là tiếng Việt. Đó là một khó khăn vô cùng lớn cho Andrew. Anh tự nhận mình “học rất dở vào những năm tiểu học, trung học. Anh nói, “Ở nhà nói tiếng Việt, đi học nói tiếng Mỹ. Tôi bị lúng túng, còn bị bạn bè chọc ghẹo.”
Thêm vào đó, cuộc hôn nhân của cha mẹ anh không được tròn vẹn. Năm Andrew 10 tuổi, cha mẹ anh ly hôn. Andrew và chị anh ở với mẹ. Cuối tuần, anh về ở với cha. Ông Paul Toàn Võ, cha của Andrew chia sẻ với tôi: “Chúng tôi đến với nhau khi còn rất trẻ. Sau ngần ấy năm thì chia tay.”
Ông nói về người con trai của mình với niềm tự hào: “Andrew rất tự lập. Khi học cao đẳng là bắt đầu đi làm thêm. Andrew làm cho nhà hàng, làm nhân viên pha chế. Andrew luôn muốn sống cuộc sống hướng về phía trước.”
Andrew luôn nhắc về người mẹ của mình trong cuộc nói chuyện. Đó là một bà mẹ đã hy sinh rất nhiều. Bà làm nhiều nghề để có tiền trang trải cuộc sống. “Bà chỉ có một mục đích duy nhất là muốn chị em tôi học đàng hoàng. Mỗi tối, mẹ và cậu thay nhau giảng lại bài cho tôi, giúp tôi hiểu và làm bài tập,” anh nói.
Theo thời gian, sự hy sinh và sự cố gắng đều có kết quả tốt đẹp. Năm vào trung học, Andrew nhớ lại, anh bắt đầu học “vượt bậc.” Anh tham gia nhiều sinh hoạt của trường, học giỏi tất cả các môn học. Khi học cao đẳng, anh cũng cố gắng tốt nghiệp sớm một năm để hy vọng có việc làm.
Anh kể, lý do anh quyết định học tiếp để trở thành nha sĩ cũng vì “muốn mẹ tôi tự hào về mình. Bà và nhiều người khác trong gia đình đã hy sinh rất nhiều.” Thêm vào đó, anh thú nhận: “Tôi rất yêu trẻ con. Tôi như luôn nhìn thấy hình ảnh lúc nhỏ của tôi mỗi khi tôi chơi đùa với bọn trẻ. Cho nên tôi chọn làm một bác sĩ khám chữa răng cho trẻ em.”
‘Hãy là chính mình’
Khi cuộc nói chuyện giữa tôi và Andrew chuyển sang những dự định trong tương lai của anh, anh luôn nhắc đến một người có tên Marcus Heffner, hôn phu của anh, họ vừa đính hôn vào Tháng Chín. “Marcus cũng là nha sĩ. Chúng tôi dự tính mở một phòng nha, mua nhà và bạn biết không, có cả những đứa trẻ, là con của chúng tôi,” Andrew chia sẻ. Tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn đầy trong tiếng nói của anh.
Andrew cho biết anh và Marcus bên nhau được năm năm. Anh quyết định “come out” khi là sinh viên cao đẳng, vì: “Tôi muốn được là chính tôi. Tôi muốn bạn bè của tôi bên cạnh tôi vì con người thật của tôi.”
Andrew và Marcus bên nhau năm năm, nghĩa là lúc đó anh đang phục vụ trong Lục quân Hoa Kỳ. Tôi hỏi Anderw đã có gặp khó khăn gì về sự kỳ thị giới tính trong quân đội hay không? Andrew xác nhận, anh đã từng do dự khi quyết định gia nhập quân đội vì “Tôi có thể ‘come out’ trong quân đội không? Tôi đã thật sự có chút lo lắng.”
Thế nhưng, theo lời anh, “những đồng đội đã rất tuyệt vời và nhất là chúng tôi có quy luật ‘Don’t ask. Don’t tell’. Chúng tôi có cả Pride Month trong quân đội.”
Khi nói về Andrew, ông Paul Toàn Võ không chỉ tự hào về thành công của con trai của mình, ông tự hào cả về cuộc sống riêng của anh. Ông nhớ lại bốn năm trước và kể: “Cách đây bốn năm, nó mời tôi ra biển tâm sự. Nó nói con không làm gì sai, con không làm gì hại ai. Đối với đất nước con cũng đã thực hiện đúng bổn phận của mình. Con không làm gì có tội. Con muốn nói với ba là con thương một người đàn ông. Trong tương lai ba đừng lo về cháu nội, con sẽ có con ruột của con, là cháu của ba. Nó nói mà nó khóc.”
Kể xong những lời đó, ông Paul hỏi tôi qua điện thoại: “Nó hạnh phúc, nó thành công tôi còn mong gì nữa? Miễn sao nó vui, nó sống cuộc đời có ích cho xã hội, trả ơn nghĩa cho nước Mỹ. Tôi chỉ mong nó giỏi tiếng Việt thêm một chút.”
Cuộc nói chuyện với Andrew Võ dừng lại khi anh đến giờ hẹn khám răng cho bệnh nhân. Trước khi tạm biệt, Andrew nói: “Tôi muốn nói rằng, đừng bao giờ bỏ cuộc. Đừng sợ hãi, hãy can đảm là chính mình. Hãy sống cuộc đời đẹp và có ý nghĩa, có ích cho xã hội.”
Có những cơ hội chợt đến trong cuộc đời mỗi người một cách bất ngờ nhưng họ đã đón nhận bằng bản năng cao nhất. Với sự cố gắng không ngừng, họ không chỉ biến ước mơ thành sự thật mà còn thực hiện cơ hội ấy như một sứ mệnh của đời mình. Câu chuyện của Đại uý – Nha sĩ Nhi khoa Andrew Võ, là một điển hình cho điều đó: Ước mơ, cơ hội, cố gắng và sứ mệnh.
Đọc thêm: