Sống đến tuổi bạc đầu tôi nhìn lại đường đời phiêu bạt của mình: Tôi mở mắt chào đời tại tỉnh Thái Bình, vùng ruộng lúa phì nhiêu của miền Bắc Việt Nam, khi trận đói kinh hoàng năm Ất Dậu 1945 vừa qua. Họ hàng nội ngoại nhà tôi đã sinh sống ở đây rất nhiều đời, không ai nghĩ đến đời chúng tôi lại phải rời bỏ quê Cha đất Tổ vào Nam rồi còn ly hương sang tận bên Mỹ…

Tôi vẫn nghe kể khi tôi ra đời, rất nhiều người dân tỉnh Thái Bình và dân miền Bắc đã chết đói thê thảm… Quân đội Nhật đã đảo chính quân Pháp, bắt dân trồng đay để phục vụ chiến tranh thay vì trồng lúa. Chiến tranh cũng cản trở giao thông khiến lúa gạo miền Nam dư thừa không đem ra miền Bắc cứu đói được. 

Bao đoàn người nghèo đói lang thang khắp nơi tha phương cầu thực, người chết đói nằm đầy trên đường rất thảm thương. Mỗi sáng xe thổ mộ đi dọn xác chết: Đa số chỉ còn da bọc xương, bỏ lên xe cả những người đang hấp hối, rên rỉ… Bà ngoại và bà nội tôi mỗi sáng cho nấu một nồi cháo rất lớn để phát chẩn, rất đông người đến xin ăn. 

Vào năm 1952 đúng lễ Đại thọ 80 tuổi của bà ngoại tôi, bà tôi dặn mời một ông thầy bói nổi tiếng trên tỉnh đến nhà xem. Ông ta bảo luộc chín một con gà trống rồi sau khi ngắm nghía rất kỹ cặp chân gà ông ta nói: Cụ bà rất nhân đức nên khi cụ sống tiền bạc ruộng vườn sung túc, tưởng như ba đời con cháu ăn không hết của nhưng khi cụ mất đi, của cải sẽ theo cụ đi hết!

Ai cũng bảo kỳ này ông thầy bói chắc chắn đoán sai vì bà tôi đã rất già mà ruộng vườn còn mấy trăm mẫu, căn nhà gạch lớn ba tầng thuê kiến trúc sư Tây xây vững chắc, mấy dẫy nhà ngang nhà dọc… sao mất hết ngay được! Nhưng sau đó chỉ ít năm thì bà tôi mất, rồi cộng sản tràn vào tận diệt địa chủ. Con trai bà bị đem ra đấu tố, bị gán tội bóc lột bần cố nông, tàn ác với tá điền, ức hiếp phụ nữ… tất cả địa chủ trong làng bị bắn chết dã man ngay đêm đó. Cả làng phải đi tham dự đã kinh hoàng, xót thương các nạn nhân. Không ai dám chống đối và sự hoảng sợ cộng sản đã lan rộng… 

Sau này cộng sản đã công nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh đã chính thức xin lỗi nhân dân, họ nói trong 27,000 địa chủ bị giết, họ đã giết lầm 20 ngàn trung nông! Hỏi gia đình những nạn nhân này có dễ dàng hòa giải với cộng sản?

Rồi chú tôi cũng bị Việt Minh bắt đi giữa đêm tối, họ lừa bảo là đi họp một chút rồi về nhưng bị đem đi giết ngay đêm đó, bị nghi là hoạt động chống đối cộng sản. Họ chỉ nghi ngờ một chút là giết, chủ trương thà giết nhầm còn hơn tha nhầm nên đã sát hại những người trong các đảng phái đối lập, giết tất cả những ai họ nghi ngờ chống đối họ.

Khi đó cô tôi còn rất trẻ, cô đã ở vậy nuôi ba con, sau hai con lại chết vì dịch tả khi chạy tản cư. Tôi rất thương cô tôi luôn sầu khổ, vất vả nuôi con thờ chồng, con trai cô lúc bé đau ốm luôn. Tuổi nhỏ được ngủ bên cô, tôi thấy cô hay khóc tức tưởi trong đêm, thật đau lòng… Sau này cô tôi được con trai đi du học bảo lãnh sang Pháp, cô mất ở Paris thọ 94 tuổi. May mấy chục năm tuổi già cô được sống hạnh phúc bên con và đàn cháu nội do một tay cô nuôi dưỡng từ nhỏ.

Một người bác tôi lén đi Hà Nội mua thuốc cho vợ đang ốm nặng cũng bị nghi ngờ đi lại làm mật thám cho Pháp, Việt Minh đã bắn chết bác ngay trên đường về! Sau đó đại gia đình tôi quá sợ hãi lén lút bỏ hết nhà cửa ruộng vườn di cư vào Nam! Bao nhiêu của cải ruộng đất bao la cộng sản thâu tóm hết!

Lúc đó cộng sản cố tuyên truyền níu kéo dân ở lại đừng di cư, họ đến nhiều nhà vừa tuyên truyền vỗ về vừa đe dọa… nhưng dân Bắc đã hiểu rõ mặt thật của cộng sản: Độc tài và dối trá, giết người tàn nhẫn nên hàng triệu người miền Bắc đã quyết tâm ra đi.

Căn nhà Tây hơn 100 năm của ông bà ngoại tôi. Ảnh tác giả gửi

Vào Nam, họ hàng nhà tôi đa số không mang theo được của cải nên nhiều người gặp khó khăn, bố mẹ tôi hay đem gạo giúp đỡ anh em, nuôi các cháu kèm học Pháp văn, anh cả tôi dậy toán lý hóa nên đám trẻ đều học giỏi, được phần thưởng cuối năm, thi đậu cao và nhiều người được du học Âu Mỹ. Nhờ vậy từ năm 1975 con cháu du học đã bảo lãnh gia đình sang Mỹ, Âu châu, Canada…

Sau năm 1954, cuộc chiến tranh ác liệt Quốc – Cộng Nam Bắc đã làm thiệt mạng hàng triệu thanh niên ba miền. Họ đã chết tức tưởi lúc còn quá trẻ ngoài chiến trường, tuổi đời mới trên dưới 20! 

Anh họ tôi mới vào lính, chưa kịp về thăm gia đình đã tử trận, đó là người anh đã dậy dỗ, thương yêu chúng tôi khi còn nhỏ. Đám trẻ chúng tôi vẫn mãi tiếc thương anh ! Họ hàng nhà tôi cũng nhiều người ở trong quân đội miền Nam, vài người đã hy sinh trong những trận giao tranh ác liệt với cộng quân.

Sau năm 1975 rất nhiều người chết khi vượt biên bằng đường bộ hay đường biển… Gia đình cô em họ tôi và gia đình ông chú mấy chục người đã chìm sâu dưới đáy biển…

Bố tôi bị đi tù cải tạo khi đã 63 tuổi, ở Long Thành. Vài tháng sau họ mới cho thăm nuôi: Khi đoàn tù xếp hàng đi ra, không ai nhìn thấy bố tôi đâu cả! Bỗng con gái tôi lúc đó mới 7 tuổi la lên “Ông Ngoại ơi” cháu chạy vọt ra ôm chặt một ông già gầy xơ xác, da nâu sạm (trước đây bố tôi cao lớn, mập mạp, da trắng) không hiểu sao con bé nhận ra?

Mãi tới khi bố tôi tới gần mọi người mới ngỡ ngàng nhìn ra vầng trán rộng nay đã đổi sang mầu nâu, vẫn còn nốt ruồi ở góc trái, da đã nhiều vết nhăn… Da bố tôi xạm hẳn và gầy nhanh quá, chỉ có giọng nói là ít thay đổi! Con gái tôi cứ tíu tít bên ông, nó được ông thương yêu nhất: Sáng nào cũng được ông đưa đi học, ông dậy đánh vần, ông dậy cộng trừ, ông kể chuyện cổ tích… Cháu rất yêu quý ông.

Cả nhà gặp nhau được một lúc thì họ bắt các tù cải tạo xếp hàng về trại, bố tôi xách lê gói đồ thăm nuôi, con gái tôi chạy theo ông năn nỉ: Ông ơi, cho cháu vào ở với ông, cháu sẽ nấu cơm, giặt đồ cho ông… Cháu chạy lăng xăng theo ông một quãng đến khi họ đuổi mới trở về, mọi người nước mắt ràn rụa nhìn theo bóng dáng gầy ốm thảm tệ của bố tôi… Bố tôi luôn sống nhân đức và liêm khiết, có giết hại ai đâu mà họ hành hạ khốn khổ vậy! Tôi thấy lòng uất hận bỗng dâng tràn…

Sau vụ nổi dậy ở Vinh Sơn, họ đem cả những người già ra Bắc, với khí hậu miền núi lạnh khắc nghiệt, đói ăn triền miên và lao động khổ sai, bố tôi cầm cự được thêm vài tháng rồi mãi mãi ra đi. Bố tôi mất mấy tháng sau họ mới báo tin. Khi chúng tôi đến nơi, người cha thân yêu chỉ còn là một nấm mộ hoang lạnh bên đường! Nỗi đau đớn này là vết thương lòng không bao giờ lành… Đừng bao giờ nói với chúng tôi hãy hòa giải với cộng sản!

Tôi nhớ khi mẹ tôi lập bàn thờ ở nhà cầu siêu cho bố tôi, con gái tôi lúc đó 8 tuổi, đi học về bỗng nhìn thấy ảnh ông ngoại để trên bàn thờ, cháu hét lên một tiếng rất lớn rồi òa khóc nức nở, cháu đã hiểu người ông thân yêu của cháu đã mất, không bao giờ còn trở về được nữa! Sau này khi là nha sĩ đọc bài viết của mẹ về ông ngoại cho đám giỗ ông, cháu bỗng òa khóc tức tưởi mãi không cầm được nước mắt trước sự kinh ngạc của các nhân viên.

Hình cháu lúc 7 tuổi, vào thời kỳ đi thăm Ông, cháu mặc áo dài đỏ đứng giữa

Chồng tôi có cuộc đời rất lạ: Lên voi xuống chó đúng như lời một ông thầy tử vi đã đoán khi anh đến hỏi cưới tôi. Bố mẹ tôi cũng e ngại nhưng ánh mắt thiết tha và giọng hát chan chứa tình cảm của anh đã xúc động trái tim tôi! Chúng tôi cưới nhau đã 55 năm, sống rất hạnh phúc dù trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời.

Anh ra đời làm ngạc nhiên cả dòng họ. Họ bên nội nhà anh bao đời nay đều độc đinh, sau khi anh cả ra đời không ai nghĩ gia đình còn có thêm một người con trai nữa!

Hồi nhỏ anh là một đứa bé bụ bẫm, xinh đẹp. Lớn lên anh là một đứa trẻ hiếu động, nổi tiếng nghịch phá trong khu phố, thích đánh nhau hơn học hành! Năm anh 14 tuổi vào Nam, bố mẹ cho anh vào học trường Taberd, hy vọng các thầy nhà Dòng với sự giáo dục nghiêm khắc sẽ dậy con nên người tử tế. Nhưng trái với anh cả ngoan ngoãn và học giỏi, anh cứng đầu và ham chơi, mới kỳ thi Trung học đệ nhất cấp đã thi rớt! Kỳ đó Bố Mẹ anh đã gọi anh ra và nghiêm giọng bảo: 

– Bố mẹ đã nuôi các con như nhau, anh cả luôn đứng đầu lớp còn con thi rớt! Bố mẹ sẽ nuôi con thêm một năm nữa, nếu không đậu sẽ cho hộp đồ nghề ra góc đường sửa xe tự kiếm sống…

Anh nói lời cảnh cáo của bố mẹ không làm anh sợ hãi nhưng anh ý thức được đã làm bố mẹ rất buồn lòng và thất vọng nên anh bỗng cảnh tỉnh và từ đó quyết tâm học hành, kỳ sau đỗ ngay, tới khi thi tốt nghiệp anh đã đỗ cả tú tài Pháp lẫn tú tài Việt với hạng cao.

Anh quyết định học Y khoa, khi thấy bố bị bệnh tim đau ốm nhiều năm, bố anh phải nghỉ làm khi bị stroke không đi lại được nữa. 

Gia đình anh khi ở Hà Nội giầu có nhưng khi vào Nam đi vội vàng không bán được căn nhà nào trong dẫy phố cho thuê, tiệm ăn lớn ở trung tâm Hà Nội họ đang trả giá hơn một triệu năm 1954 bỗng ngừng mua khi có tin di cư vào Nam! Mẹ anh chỉ đem theo được ít vàng và nữ trang đủ mua một căn nhà nhỏ ở Sài Gòn, đời sống vào Nam khó khăn, may anh vào Quân Y có lương, ra trường được sang Mỹ học thêm về giải phẫu. Anh chăm sóc bố được vài năm rồi bố mất.

Anh đi hành quân vất vả nhiều năm, vào sinh ra tử rất nhiều phen. Sống bên anh, tôi thấy rõ anh là một bác sĩ rất yêu nghề, luôn tận tụy với bệnh nhân, dù không phải ngày anh trực, anh luôn vào bệnh viện thăm bệnh nhân anh mới mổ, hướng dẫn y tá theo dõi sát… Nhiều bệnh nhân cứ đợi ngày anh trực xin nhập viện, sẽ được anh giải phẫu và được chăm sóc tới khi xuất viện. 

Anh chịu khó nghiên cứu đọc sách và mát tay chữa lành nhiều trường hợp nguy hiểm: Một anh phóng xe Honda trời tối đâm vào càng dài của xe bò đậu bên đường, sau mấy lần chuyển từ bệnh xá huyện lên tỉnh rồi tới Sài Gòn thì anh ta mất nhiều máu đã xanh lướt, sau khi được anh mổ liên tục trong 8 giờ, hôm sau anh ta đã tỉnh dậy như một phép lạ, năm sau còn lấy vợ.

Một ông bị vợ ghen cắt đứt của quý vứt ra bãi cỏ, cảnh sát đem tới cho anh vá lại, anh nối lại nhưng cũng không hy vọng nhiều, không ngờ hơn năm sau anh ta bế đứa con mới sinh tới cám ơn! Một bà cũng ghen xẻo nguyên mũi chồng vứt đi, khi vá lại anh nói ít hy vọng nhưng phúc chủ lộc thầy mũi đã lành!

Nhiều lần anh phải mổ mấy ca suốt đêm, mổ xong cả toán được Nhà nước XHCN bồi dưỡng một hộp sữa đặc, pha uống chung! Nhiều khi gia đình bệnh nhân lo mua phở, hủ tíu… cho bác sĩ và các y tá ăn đêm để có sức còn mổ tiếp… 

Thời buổi xã hôi chủ nghĩa nghèo khó, bệnh nhân biếu bác sĩ vài ký gạo thơm, hộp cá kho nhừ, có bệnh nhân ở Phú Quốc mỗi khi về Sài Gòn là đem tặng anh món mực nhồi thịt làm lấy rất ngon, có khi là vài con mực khô, ít gạo nếp, gói tôm khô hay chai nước mắm nhĩ với cả tấm lòng yêu quý…

Nhưng rồi năm 1975 mất nước chồng tôi phải đi tù cải tạo gần ba năm, họ bắt anh lao động cực khổ trong rừng, phải vác cây rất nặng, phải gánh phân người tưới cây mỗi sáng, làm cực nhọc mà không đủ ăn nên anh gầy xơ xác. Mãi sau tù nhân bị bệnh nhiều quá họ mới cho anh về trông nom bệnh xá. Anh chăm sóc cho cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nguyên là Đại tá và anh đã được dậy sáng tác, anh chơi guitar từ nhỏ nhưng chỉ ca hát giải trí, sau đó anh đã sáng tác được nhiều bài hát về quê hương và tình yêu….

Sau gần ba năm tù đầy anh được trở về làm việc ở phòng mổ bệnh viện tới khi đi Mỹ theo diện ODP do anh cả bảo lãnh, phải đút lót mới đi được!

Trước đó chúng tôi cũng đi vượt biên mấy lần, trôi nổi trên ghe nhỏ giữa đêm gió rất lạnh, cũng hai lần vào tù vượt biên, lao động mệt nhoài giữa trời nắng gắt, ăn cơm tù không cho chén bát, phải dơ vạt áo ra hứng chút cơm và cá tanh òm, suốt ngày chỉ ước mơ có một ly đá bào rắc sirô đỏ và húp nước mắm, thèm một miếng giò lụa! Ở tù phải uống nước ao đục ngầu, mấy đứa con đau bụng suýt chết…

Khi giấy tờ bảo lãnh đã xong, chồng tôi vào giờ chót muốn ở lại, anh không muốn bỏ nghề, tôi hiểu anh muốn hy sinh phần đời còn lại cho bệnh nhân nhưng tôi nói phận anh đi tù cải tạo là thành phần có nợ máu, nay chỉ là cá nằm trên thớt, nghi ngờ gì cộng sản sẽ thanh toán anh ngay!

Sang Mỹ tóc đã bạc, lại bị bệnh tim và cancer mới lành, anh không thể học lại ngành mổ quá lâu, đành chấp nhận học một nghề ngắn hạn sống qua ngày nuôi con, thỉnh thoảng tôi thấy anh thở dài rất buồn… lòng tôi cũng áy náy! 

Ông thầy tử vi nói đúng, đời chồng tôi lên voi xuống chó: 32 tuổi đã làm Y sĩ trưởng bệnh viện, 35 tuổi xuống thành tù cải tạo đi gánh phân, 38 tuổi lại về làm trưởng phòng mổ, 41 tuổi lại thành tù vượt biên đi lao động khổ sai, 42 tuổi lại về làm trưởng khoa ngoại, 47 tuổi đi bảo lãnh sang Mỹ phải bỏ nghề cũ… cũng chỉ vì cộng sản mà cuộc đời lên thác xuống ghềnh khổ sở!

Phần tôi đã tưởng phải bỏ nghề cũ ở Việt Nam, nhưng sang Mỹ đúng lúc họ cho thi lại tương đương bằng Dược, tuy tóc đã hai mầu tiêu muối, đầu óc đã cằn cỗi vì thời cuộc… Tôi phải cố gắng học lại trong hai năm: Vừa ôn lại bài cũ vừa học thêm nhiều phần mới… Tôi không những phải học lại về thuốc men mà còn phải học thêm Anh văn rất nhiều, trước kia tôi chọn Pháp văn! Tôi còn phải học tên các đường, tên các thành phố… để khi họ order thuốc cùng địa chỉ giao thuốc mới nhanh tay viết kịp! Bác sĩ order qua phone rất nhanh…

Nghĩ lại thời gian mới nhận việc tôi thấy tội nghiệp mình: Lúc nào đầu óc cũng căng thẳng, lo âu, chịu nhiều nỗi nhục nhằn… Tôi nhớ lúc đầu tôi đã bị mất việc, lòng buồn phiền lo lắng cho tương lai… Tôi không dám nói thật với chồng sợ anh lo buồn đang học thi… Sáng sáng tôi vẫn lái xe đi, ra parking ngồi âm thầm khóc cả buổi tủi buồn! Rồi thời gian vất vả cũng qua. Rồi tôi cũng vững tay nghề… Dược sĩ phải làm việc rất nhanh và chính xác…

May các con tôi rất chăm học và ngoan nên đã thành đạt, bõ công bố mẹ hy sinh cho đời con cháu khá hơn….

Nay ở tuổi gần đất xa trời, tôi nghĩ dù đời mình vinh nhục đủ điều mình nên kể lại để những thế hệ sau hiểu rõ cộng sản và những nhục nhằn, hy sinh của thế hệ cha mẹ , ông bà… Phải kể sự thật về cộng sản bằng những kinh nghiệm sống thực…. Tất cả những đau khổ, mất mát, mấy triệu người Việt chết oan ức, uổng phí… Tất cả là do cộng sản gây ra!

Nay hơn một triệu người Việt bỏ nước ra đi, sinh sống trên khắp thế giới, cố gắng hết sức, nay ổn định thành đạt, thế hệ sau thành công rực rỡ thì cộng sản lại trơ trẽn nhận công! Phạm Minh Chính giở giọng vuốt ve hòa giải dân tộc, dụ dỗ thế hệ trẻ về xây dựng đất nước!

Nếu họ đối xử tử tế khi cướp được miền Nam, cư xử bằng tình người, không trả thù hèn hạ trong tù cải tạo, không giết tàn nhẫn người chống đối, không tàn sát địa chủ, không cướp sạch của cải tư sản… không bắn chết và bỏ tù những người vượt biên, không độc tài, dối trá, không tàn ác với dân thì không cần kêu gọi hòa giải người ta cũng sẵn lòng hợp tác để xây dựng đất nước… 

Bài viết rất hay và thấm thía  của ông Hiếu Chân trên báo Người Việt: “Phạm Minh Chính xảo ngôn khi nói về người Việt ở Mỹ” và bài viết rất xúc tích của ông Đỗ Ngọc Uyển: “Tám mươi năm tội ác của cộng sản và hòa giải dân tộc”; Bài phỏng vấn rất hay của giáo sư Lê Xuân Khoa: “Cuộc chiến Việt Nam và con đường hòa giải”; cùng với bao bài viết, bài phát biểu… những kinh nghiệm sống thực với cộng sản của Đại tá Việt cộng Bùi Tín rất thấm thía… và của hàng triệu nạn nhân cộng sản sẽ làm thành “Sự thật về Lịch Sử Việt Nam” cho dù cộng sản có dối trá, bóp méo sự thật ra sao.

Xưa hành hạ tàn sát, nay người ta thành đạt lại tính bề HÒA GIẢI lợi dụng! 

Thật là quá trơ trẽn!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: