Những tháng ngày bỏ lại

Thế nên dù đã cuối bóng thiên đường, tôi vẫn không chấp nhận số phận như “lục bình kẹt dưới chân cầu”, mà vẫn quyết chí đánh cược trong canh bạc chót...
Hình minh họa: Regfugeehistory.org

“Partir, c’est mourir un peu” (Edmond Haraucourt)

Đạp xe tà tà dưới bóng mát của hàng cây dầu trên con đường Trần Quang Khải sau khi ra khỏi quán cà phê Văn Hoa, nhưng tôi và thằng bạn chí thân từ thuở còn ngồi mài đũng quần ở trường Taberd vẫn im lìm, bởi mỗi đứa đang bận theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình.

Trong khi Đạo dõi mắt nhìn những trái dầu trước mặt đang quay như chong chóng từ trên cao rơi xuống giữa buổi trưa hè lộng gió, giống như đời sống của dân chúng Miền Nam lúc đó và miệng phì phà điếu Dunhill đỏ thì tôi lại hụt hẫng về chuyện mẹ nó đã chuẩn bị cho nó “ra khơi” mà nó vừa nói với tôi ban nãy.

Trước 1975, nhà Đạo ở Làng Ngân hàng Xa lộ, ba nó là tiến sĩ kinh tế LTĐ. Trưa ngày 30 Tháng Tư, ông mặc đồ lớn thắt cà-vạt chỉnh tề, cầm cờ Việt cộng lên cầu Saigon đón quân “Giải phóng” nhưng Việt Cộng trong rừng ra, đâu biết đấy là sự “đón gió” của mấy ông trí thức trở cờ trong Nam, nên đã nã pháo, thụt cho ba nó một phát rơi xuống mang cá dưới chân cầu. Má nó tất tả đưa ông vào bệnh viện chữa trị, ông may mắn sống sót nhưng tay chân trở nên yếu ớt, đi đứng nghiêng ngả, tàn tật suốt đời. 

Dân Saigon lúc ấy ai cũng biết “ra đi” trong giai đoạn này là một hành trình vào cõi mênh mông vô định với muôn vàn bất trắc, chín phần chết một phần sống chứ không phải “đi là chết trong lòng một tí” như Edmond đã nói, nhưng người ta vẫn chấp nhận đánh đổi bởi đó là lối duy nhất để thoát khỏi “thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa” (XHCN.) Chấp nhận là hy sinh tất cả; “một là con nuôi cá, hai là má nuôi con, thứ ba thì may ra mới là con nuôi má.”  Đó là một ngày tháng năm… 1979.

Tới ngã tư, hai thằng tôi rẽ trái qua Cầu Bông về nhà. Nhìn Đạo hào hứng thả dốc cho chiếc xe đạp chạy ào ào xuống phía dưới tôi thầm nhủ “rồi mình cũng sẽ ra đi như nó bởi không thể ở với một xã hội xem sự gian manh, lừa đảo như những giá trị tự nhiên để làm phương tiện tồn tại trong một chính thể tàn bạo, ác độc như chủ nghĩa cộng sản được.” Vì mỗi khi nhớ tới chuyện họ dụ sĩ quan, quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) đi học tập mười ngày, một tháng để rồi phải “mút mùa Lệ Thủy,” tới các lần đổi tiền, đánh tư sản mại bản… thực chất là những cuộc cướp bóc trắng trợn khiến tôi thêm quyết tâm, dù tới lúc ấy ba tôi vẫn chưa tìm được một chỗ nào tin tưởng hơn cho tôi, sau hai ba lần bị gạt, nhớ tới mấy gương mặt của đám “ba mươi” là tôi lại càng không chịu nổi! 

… Khệ nệ khiêng một chồng truyện tranh Robinhood do tủ sách Ánh Dương xuất bản mà má tôi bắt đem đi giao nộp, lòng tôi không khỏi tiếc nuối.  Đứng nhìn chúng bị con Oanh ở xóm bên liệng từng cuốn vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt ở bãi đất trống trước nhà, tôi xót xa. Đang khi lòng còn quặn thắt theo từng trang sách cong queo từ từ trong ngọn lửa đỏ thì chợt nghe giọng Vinh ra lệnh:

– Quăng cuốn tiếng Tây kia vô luôn!

Ngó theo hướng tay Vinh chỉ, tôi thấy quyển English For Today số 6, màu xám bạc, đang nằm rớt gần hàng dậu nhà bà Tư mà không khỏi nén được tiếng cười khì dù đang buồn bã. Vinh vốn là lao công đào binh của VNCH. Sau ngày Saigon sụp đổ, hắn trở về nhà và tranh thủ thời cơ, lợi dụng lúc giao thời nhảy ra hoạt động địa phương một cách hăng say.  Sự tham gia tích cực của Vinh được phường khóm cất nhắc lên làm cán bộ nòng cốt cho các chiến dịch “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” qua những cuộc đốt băng nhạc, sách, báo diễn ra khắp nơi trên đất nước.

Tuy nhiên cái cười khinh bỉ của tôi không thoát khỏi đôi mắt hắn và biết là mình đã bị hố để lộ sự dốt nát, Vinh bèn chữa thẹn bằng cách tiếp tục lớn giọng, giơ cái răng vàng nham nhở chẳng cần giấu diếm ra trước mặt mọi người:

– Pháp, Mỹ gì cũng là đế quốc xâm lược. Đốt hết!

… Qua Tết năm 1977 ít lâu, một ngày chủ nhật toàn thể học sinh cấp ba; từ lớp 10 tới lớp 12, phải đi lao động XHCN ở nông trường Nhị Xuân. Đây là một trong các đợt “ra quân” đầu tiên trong học sinh sau 1975 để cổ động chủ trương “lao động là vinh quang” của đảng Cộng sản Việt Nam!

Khi bài ca “kết đoàn” được hát lên là lúc đoàn xe của cán bộ thành phố cũng vừa tới để cùng học sinh lao động.  Ba bốn chiếc xe “con” đen trắng lần lượt dừng lại bên đường và lố nhố năm bảy người cán bộ mặc áo sơ mi trắng cụt tay, quần kaki màu xanh cứt ngựa, đi dép “sandal” trắng làm từ nhựa cao su, đầu đội nón cối bước ra khỏi xe với cái túi “cót” đen đeo lủng lẳng bên hông. Họ vừa tiến về phía chúng tôi vừa vẫy tay trong tiếng reo hò, hoan hô vang dội của đám cán bộ trong lều và khuyến khích chúng tôi vỗ tay theo.

Sau khi được BCH giới thiệu, đồng chí Sáu Dân Võ Văn Kiệt nói:

– Các cháu là “thế hệ thứ tư” của Đảng, các cháu phải lấy đây làm một vinh hạnh vì đã được Bác và Đảng tin yêu giao cho trọng trách xây dựng lại đất nước.  Lao động để làm ra của cải…

Nói một hơi dài về lý tưởng đoàn của người thanh niên cộng sản xong. Ông tháo giày, xắn quần lên tới gần đầu gối và được một cán bộ trẻ đứng kế bên đưa cho một bó mạ.  Khi ông bước xuống ruộng, tay cầm mấy cọng mạ gieo xuống mặt nước lấp xấp, tươi cười ngẩng mặt lên thì một đám phóng viên, nhà báo quốc doanh vây quanh sẵn đó giơ máy chụp hình, bấm lia lịa.

Chụp hình xong, đồng chí Sáu Dân leo lên bờ, rửa chân, kéo quần xuống cho ngay ngắn, đi lòng vòng hỏi thăm tình hình ở một vài nơi trên nông trường thì chúng tôi được lệnh leo xuống ruộng bắt đầu cho buổi lao động.  Nửa giờ sau, khi nắng đã chói chang, chúng tôi ngó lên thì thấy một đám bụi mờ bốc theo đuôi đoàn xe đang rời đi. Hôm sau trên báo Sài-Gòn Giải Phóng, người ta thấy hình chú Sáu cười toe toét nơi trang nhất kèm theo bài phóng sự về buổi lao động XHCN ở Nông Trường Nhị Xuân.  Đểu thế là cùng!

Cứ vậy, số phận của dân chúng Miền Nam mệt mỏi trôi theo năm tháng trong nghèo nàn, lạc hậu nhưng giàu sang khẩu hiệu qua các “kế hoạch năm năm.”  Người trí thức vắng dần bởi lớp còn trong trại cải tạo, kẻ lần lượt trốn đi. Nhân tài như lá mùa Thu!  

Minh họa: Pinterest

***

… Cuối cùng cả đám chúng tôi cũng bị bắt nhốt hết vào trại giam số 4 Phan Đăng Lưu (T20) hay còn gọi là Phòng Điều tra Xét hỏi (PC24) sau cái đêm ghe bị rượt và bị bắn trên Kinh Nước Mặn. Phòng Hai Khu Hai (2C2) tôi ở có khoảng sáu mươi người với diện tích chừng năm mươi thước vuông nên rất chật chội và lúc nào cũng nóng hầm hập bởi đang là mùa hè khiến tất cả đều phải cởi trần, chỉ mặc độc nhất chiếc quần xà lỏn nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhại tuôn ra, không chịu nổi! Phòng nhốt đủ thành phần từ bác Đ.T. Vân là tiến sĩ vật lý từng học bên Pháp bị bắt vì tham gia một tổ chức không chấp nhận cộng sản, bác Quân; cựu Đại úy Bộ Tổng tham mưu VNCH và bác Chính; cựu Đại úy Cảnh sát ở Vũng Tàu xưa, đi cải tạo hơn sáu năm nay bị bắt vì tội vượt biên sau khi được thả về, tới cả thằng lái ghe chẳng biết gì, tối ngày chỉ nằm ca vọng cổ như Trực chẳng hạn!  

Một chiều nọ, tên chấp pháp dẫn tôi về trả lại cho quản giáo khu sau khi bị hắn cho nếm mùi “cánh én chiều ly biệt”, do khai báo “quờ quạng” và trong lúc đứng chờ đợi, đang xoa bóp đôi vai ê ẩm của mình, tôi chợt thấy công an áp giải một linh mục tới. Vị linh mục mặc áo chùng thâm, tuổi ngoài năm mươi, trán cao, mắt sáng ngời trông rất hiền từ nhưng không kém phần oai nghiêm. Lúc tên quản giáo làm thủ tục nhập trại cho vị linh mục, hắn ngẩng mặt lên rồi bỗng chồm người qua khỏi bàn, giơ tay chộp lấy cây Thánh giá trước ngực ngài giật thật mạnh. Cú giật ấy khiến xâu chuỗi đứt hẳn. Các hạt chuỗi văng vãi tung tóe và thuận tay hắn ném mạnh chiếc Thánh giá vào góc tường.  Tôi tái mặt khi thấy hình Chúa bị đóng đinh gục đầu đau đớn nằm chỏng chơ trên nền xi măng nhưng vị linh mục thì vẫn im lặng, điềm đạm bao dung như tha thứ cho đứa con tội lỗi.  

– Nội quy ở trại giam là cấm không được mặc đồ tôn giáo! Hắn lườm  ngài gằn giọng.

Đoạn nó bắt ngài cởi chiếc áo dài đen ngay tại chỗ. Bấy giờ thì vị linh mục chỉ còn mặc  mỗi bộ đồ trắng mà thôi. Nhìn ngài an nhiên tự tại giữa lao lý, lòng tôi nảy sinh sự cảm phục. 

… Một buổi sáng mùa Thu năm 1984, chúng tôi được đưa sang trại giam Chí Hòa hay còn gọi là T30. Hơn một giờ ngồi chờ nhập trại dưới sân, nhóm bốn người bọn tôi sau cùng lẽo đẽo theo hai tên công an, đi lầm lũi trong các đường hầm tăm tối mà lật ngửa bàn tay lên cũng chẳng thấy gì. Tiếng gió thổi vù vù tạo nên thanh âm sắc bén, thỉnh thoảng giât mạnh, rít lên từng cơn, hú từng chặp như ma kêu quỷ hờn làm tôi rờn rợn, người nổi gai ốc. Tới lui, qua lại mãi trong những con đường hầm chằng chịt một lúc sau chúng tôi mất hẳn phương hướng, Chí Hòa quả không hổ danh là một “bát quái trận đồ, vô dễ khó về!”. Lên các cầu thang hình xoắn ốc chúng tôi vào gác Tư, là gác cuối cùng.  Những ngày ở đây tôi có gặp cựu Đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng rất nhiều các chính ủy cấp trung đoàn, sư đoàn của cộng sản bị đưa vào sau cuộc chiến biên giới Trung-Việt bởi là người Việt gốc Hoa!

Ngày thăm nuôi, khu tôi rộn rã khác thường. Xế trưa, mỗi lần cán bộ đến buồng nào mở cửa gọi tên ai là buồng đó lại dậy tiếng reo hò mừng rỡ. Phải nói trong đời tù thì đây là những giờ phút hạnh phúc nhất của tù nhân và mấy xuất cơm của họ hôm ấy được nhường hết cho các anh em “mồ côi”, để đêm tới trong khi mọi người vui vẻ thưởng thức đồ ăn ngoài đời thì họ lại nhóp nhép tô cơm tù với muối mè hay muối đậu vừa được ai cho một cách ngon lành.

Anh Quang đại diện cho những người mồ côi đứng giữa buồng im lặng một lúc đoạn cất giọng run run:

– Dạ thưa quý chú bác, quý anh em. Hôm nay tôi đại diện số người kém may mắn không có thân nhân thăm nuôi xin cám ơn lòng tốt mà quý vị đã thương mến giúp đỡ cho chúng tôi trong cơn ngặt nghèo này. Ông bà mình có nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no” thế cho nên…

Anh nghẹn lời không nói được nữa. Anh khóc!  Cả buồng im phăng phắc, mọi người cũng nín lặng trước xúc động chân tình ấy của anh. Ngày xưa anh là hạ sĩ quan hải pháo của Hải quân VNCH.  Đơn vị của anh đã từng đụng độ với Trung cộng trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974. Sau ngày Miền Nam thất thủ anh ở lại vì còn mẹ già. Năm 1982, quá chán chường chủ nghĩa cộng sản anh quyết định dẫn vợ con vượt biên bằng đường bộ khi mẹ anh không còn. Trên đất Cambodia đầy hiểm nguy lúc ấy, toán của anh đã bị bắt. Vợ anh vì có con nhỏ được thả về còn anh bị giải đi lòng vòng rồi bây giờ vào tới đây là đã hơn hai năm mà vụ việc vẫn chưa xong. Vợ mọn con thơ, đường xá thì xa xôi mà nhà lại nghèo cho nên chẳng ai thăm nuôi anh cả! 

Để đáp lại thịnh tình của mọi người, anh Quang xin hát bội giúp vui, mọi người ngạc nhiên rồi nhao nhao tán thưởng. Anh mượn cây chổi quét nhà của buồng để làm cây kiếm. 

– Phòng có mỗi một cây chổi đó nha. Múa nhẹ nhẹ thôi, đừng làm gãy nghe cha nội. Chú Bảy dặn dò đoạn bảo thằng Minh “canh chèo!”

Tất cả cười ầm. Minh đứng sát cửa buồng canh cán bộ trong lúc anh biểu diễn. Anh hát rất hay, lúc anh “nói lối” thì bộ điệu và cách anh cưỡi ngựa một chân không thua gì kép thứ thiệt khiến mọi người mê mẩn theo dõi. Miệng anh hát, môi “ứ, á,” tay đưa lên đầu như đang kéo cọng mão lông trĩ… làm thằng Minh say sưa và vì mãi mê đứng nhìn quên cả việc canh giữ cho đến lúc tên cán bộ trực đêm xuất hiện trước mặt mà nó vẫn không hay. Hắn tằng hắng một tiếng lớn, hất hàm hỏi anh Quang:

– Mày la lối gì giữa đêm khuya vậy mậy?

Mọi người thất kinh, anh hốt hoảng lí nhí đáp:

– Dạ, đâu có la lối gì đâu cán bộ.  Tôi chỉ giúp vui văn nghệ, diễn lớp “Quang Trung đại phá quân Thanh” nhân ngày thăm nuôi thôi ạ.

Tên cán bộ “hừ” một tiếng lớn, kêu anh lại gần song sắt. Lúc anh còn cách hắn không bao xa thì bất ngờ hắn thò tay qua song sắt đấm mạnh vào ngực anh một cái và quát:    

– Phá quân Thanh hay phá ngục mậy?

Bị đánh thình lình, anh loạng choạng thối lui mấy bước, cúi gập người xuống ôm lấy ngực. Dường như vẫn chưa hả giận hắn hỏi tiếp:

-Buồng trưởng đâu?

– Báo cáo cán bộ, có!

Chú Bảy lên tiếng và đứng dậy bước ra.  Tên cán bộ ra lệnh:

– Cả phòng quỳ hàng hai cho đến khi có kẻng báo ngủ coi.

Thời gian bị giam ở đây tôi cảm giác ngày dài lê thê.  Đúng là “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại!”

Minh họa: World Vision Canada

Dòng đời như lục bình trôi sông. Sau cùng, tôi cũng bị đưa đi lao động ở trại Đồng Phú thêm một năm nữa mới được thả. Về địa phương, công an khu vực luôn rình rập dò xét như cú ăn đêm. Tôi đành tiếp tục cuộc hành trình vượt biên gian nan, muộn màng mà mình đã chọn để rồi lại bị bắt giam tại Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An thêm hai mươi sáu tháng.

… Hết Tháng Mười, 1988, tôi lại ra khơi tại Bà Rịa trên một chiếc ghe mới đóng, còn thơm mùi nhựa cây. Nhưng ngay đêm đó ghe đụng phải cơn bão số 12 do càng ra xa sóng càng lớn và nhồi con tàu mỗi lúc một nhiều hơn. Chẳng bao lâu sau, sóng đánh dồn dập, ghe trồi lên hụp xuống thật mạnh đưa các ngọn nước biển dâng cao, phủ chụp lên ghe khiến tôi say sóng, chìm vào hôn mê. Thỉnh thoảng tôi nhổm người dậy, nghiêng sang bên, cong đầu ói mửa, bụng đau điếng theo từng cái quặn thắt. 

– Ở dưới này có ai là lính Hải quân ngày xưa không? Tiếng ai từ trên hỏi vọng xuống.

Dù đang nửa tỉnh nửa mê nhưng tôi vẫn hoảng hồn trước câu hỏi kia vì linh cảm chuyện chẳng lành đang xảy ra nên đứng bật dậy và tỉnh hẳn lúc đầu ngả đập vào lườn ghe đau điếng do con thuyền chao đảo để biết rằng ghe tôi đang đi giữa bão giông. Cứ thế tôi đạp bừa để chui lên trên.  Bấy giờ tôi mới biết rằng dưới khoang hầm rất đông người, họ nằm chật cứng và chồng chất lên nhau như những xác chết.

Đẩy nắp hầm sang bên tôi ló đầu lên trên, qua ánh đèn bão treo lắc lư trong ca-bin tôi thấy từng con sóng to như những cái nhà lầu ba bốn tầng đang đua nhau chồm tới phủ chụp lấy chiếc thuyền nan, đập ầm ầm vào con tàu làm nó nghiêng ngửa dữ dội.  Bọt sóng vỡ tung toé, trắng xóa sau sàn ghe. Mưa tuôn như trút nước. Sét đánh ầm ầm.  Gió giật từng cơn, thổi vùn vụt, hú lồng lộng tạo nên các tiếng rít sắc nhọn như xé không gian và quất vào mặt tôi đau buốt.  

Trong ca-bin chẳng có ai. Người ta dùng sợi dây thừng bằng nhựa giữ lấy cần lái và cột hai đầu vào hai bên vách rồi bỏ mặc chiếc ghe chạy trong bão tố. Tiếng máy tàu gầm rú trong đêm, dưới ánh sáng lóe lên từ những sấm chớp tôi nhìn thấy mũi thuyền đang nhô lên hụp xuống theo cơn sóng dữ.  Thuyền nghiêng trái ngã phải, lúc thì bị đưa tít lên cao khi lại rơi xuống tận sâu thẳm của lòng biển đen ngòm để rồi bị sóng đập rầm rầm khiến chiếc ghe kêu răng rắc như sắp vỡ và có thể chìm bất cứ lúc nào khiến tôi vô cùng sợ hãi trước cảnh tượng khủng khiếp ấy!

Bỗng một ngọn sóng thật to đổ chụp xuống, người tôi ướt nhẹp vì bị dội bởi một cột nước khổng lồ.  Vuốt mặt mấy cái liền, tôi phóng vội lên trên và đóng nhanh nắp hầm lại do sợ nếu hứng thêm một cột nước nữa thì con tàu sẽ chìm ngay. Đột nhiên máy ghe bỗng khục khặc mấy tiếng như người đau nặng rồi tắt hẳn. Mới trước đây nó còn như con ngựa bất kham hùng hổ xông tới mà giờ đây thì hiền lành như “chiếc lá trôi vật vờ.”  

Cứ thế con tàu bồng bềnh trên biển đen và tử thần đang nhe nanh múa vuốt xung quanh. Mặc cho gió thét, mưa gào tôi vẫn cố bám sàn tàu dù lạnh run vì nghĩ ở trên này tôi có thể ôm lấy vật gì đó để sống sót được nếu tàu chìm. Nghĩ đến chết tôi bỗng nhớ tới ba mẹ và em gái tôi đang ở nhà. Không hiểu giờ này mọi người làm gì và có ai biết là tôi đang ở giữa đại dương giông bão và sắp chết rồi chăng? Thấy mình sẽ chết và bỏ lại tất cả người thân trong chốc lát nữa đây, giữa biển cả bao la, không một nấm mồ, không một người tiễn đưa trong giờ phút sau cùng của cuộc đời tự nhiên tôi thấy xót xa. Tôi không ngờ số phận mình lại thê thảm và chuyến đi này lại trở nên vô phước như thế!

Nhưng tôi không suy nghĩ được lâu vì một con sóng thật to đã dựng ngược chiếc ghe nhỏ bé lên cao khiến tôi tụt sâu xuống bên dưới, hai chân chạm lấy mặt biển lạnh ngắt. Cái lạnh buốt giá như kim châm vào tim làm tôi tỉnh hẳn. Hốt hoảng tôi vội chộp lấy một thanh gỗ được đóng ngang làm lan can kế đó, nhờ vậy mà không lọt ra khỏi con tàu. Và rồi chiếc ghe lại rơi ầm xuống mặt nước, dập vùi trong sóng biển khiến tôi đau buốt cả lồng ngực.

Định thần một đỗi, tôi cố bò lên trên và nằm im được một lúc thì ghe nghiêng sang phải do sóng xô ngang làm một bao gạo lớn, từ trên cao tuột qua mặt tôi, rơi tõm xuống biển. Ngó theo bao gạo trắng muốt bị nuốt chửng và mất hút dưới vực nước đen sâu thẳm, xoáy cuồn cuộn tôi liên tưởng tới số phận của mình và tự hỏi “không biết đã có bao nhiêu thuyền nhân chết trên biển rồi?  Nào ai biết được?”. Tôi bỗng sợ sẽ chết đói, sợ sẽ phải ăn thịt lẫn nhau, nhưng rồi tôi lại nghĩ biết mình có sống sót qua cơn giông bão này không? Dần dà cái lạnh thấm vào người. Mỗi lần gió thổi ngang là môi tôi run lập cập, tay chân bắt đầu cóng lại. Phải xuống hầm thôi! Nghĩ tới chuyện chui vô khoang và sẽ chết chìm trong ngột ngạt tôi cảm thấy đau đớn quá mà chẳng biết làm sao? Suy nghĩ hoài cũng không tìm được cách nào hay hơn và chưa bao giờ tôi thấm thía câu “tấn thối lưỡng nan” như lúc này. Thôi đành vậy!

Minh họa: Geographical Magazine

Nằm trong khoang, phó mặc số mạng cho trời đất và nhớ tới lời mẹ dặn dò là hãy luôn nguyện cầu khi đi biển, nhưng bây giờ dù cố moi nát cả óc tôi vẫn không nhớ ra câu kinh mẹ dạy nên tôi cứ niệm Phật Thích Ca và tự thấy xấu hổ với lòng mình. “Thói thường, người ta ít ai nghĩ đến Đấng Tối Cao khi bình an, hạnh phúc. Họ chỉ tưởng nhớ tới lúc lâm nạn hay sắp mất như tôi bây giờ mà thôi.” Bám víu vào một niềm tin tôn giáo, miệng lâm râm khấn Phật để tìm chút bình an trong tâm hồn, tôi chìm vào cõi hư vô!

Tám mươi lăm người đi cùng tôi trong chuyến hải hành bất hạnh này, có một chú là hạ sĩ quan Quân nhạc thời VNCH với anh V.X. Phượng, nguyên là xạ thủ M79 và là em ruột của Trung tá Vũ Xuân Thông – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Biệt Kích 81 mà thôi. Đa phần còn lại là ông bà già, phụ nữ, trẻ em cùng các thanh niên mới lớn. Cứ thế, chúng tôi lênh đênh giữa đại dương mênh mông sóng nước mà ban ngày biển là mẹ hiền, nhưng đêm về lại là quỷ dữ. Qua hai mùa trăng lên rồi trăng lại tàn cho đến khi hết lương thực, cạn nước uống và bóng thần chết lảng vảng khắp ghe, mà bốn mươi tám chiếc tàu ngoại quốc đi ngang đã làm ngơ khi thấy chúng tôi. Trong buổi chiều tàn tị nạn lúc “tình thương đã mệt mỏi” ấy thì ghe chúng tôi lại bị đội lưới Hoàng Khơi tỉnh Tiền Giang bắt gần giàn khoan Tây Đức ở hải phận Mã Lai rồi bị kéo suốt tuần về Việt Nam. Với cộng sản, trại cải tạo nào cũng khổ cực, chỉ có chỗ này hắc ám hơn chỗ kia hay không là do cai tù quản lý mà thôi!

(Tranh do tác giả vẽ năm 1974 mà mẹ tác giả còn giữ được)

Năm 1989, tội vượt biên được xem là phạm pháp hình sự nên chỉ bị đóng phạt hai trăm ngàn đồng và ba tháng tạm giam chứ không còn bị kết án như tội chính trị nữa, nên sau sáu tháng lao động tại chỗ tôi được thả về, khi các trại tị nạn cộng sản ở vùng Đông Nam Á đã đóng cửa! 

Ai từng vượt biên đều phải công nhận rằng “đi riết rồi ghiền” như mấy người hút chích nghiện xì ke, ma túy vậy! Thế nên dù đã cuối bóng thiên đường, tôi vẫn không chấp nhận số phận như “lục bình kẹt dưới chân cầu”, mà vẫn quyết chí đánh cược trong canh bạc chót sau mười chín lần nỗ lực thất bại với gần sáu năm tù ở. 

Lần thứ hai mươi này tôi đã ra đi bình an cùng hai trăm bốn mươi lăm người đồng hành khác trên con tàu dài hơn mười chín thước, ngang gần năm thước, tại Vạn Giã, Tu Bông, mấy tháng sau đó! Vào ngày thứ sáu của hải trình đến Phi Luật Tân, lúc tôi ngồi trên boong tàu ngắm đại dương bao la giữa cảnh nước sắc trời không lẫn một màu thì một vài kẻ phát hiện hình dáng một hải đảo mờ mờ nơi chân trời.  Thế là người ta mừng rỡ, người ta reo hò, ôm chầm lấy nhau. Những giọt nước mắt hạnh phúc long lanh, những giọt lệ tự do tuôn trào rồi người ta khóc, người ta la, vỡ òa cả một vùng không gian rộng lớn.  Riêng tôi, trong niềm sung sướng tột cùng của tự do tìm được khi đó, tôi chợt cảm thấy cô đơn, đắng chát trên môi sau bao não nề và tôi ngỡ là đã vĩnh viễn mất quê hương, bỏ lại cha mẹ, anh em, bè bạn, ngày tháng cũ sau lưng khi ra đi.

Nhưng không…

Ohio, mùa Thu 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: