Số phận trêu ngươi

Minh họa: ảnh Pixabay

Kính thưa các bạn, tôi sẽ không ngại ngùng kể câu chuyện sau đây, rất trung thực, dù đó là nước mắt hay nụ cười, dù đó có bi thương hay hạnh phúc, để mọi người hiểu và thông cảm cuộc đời mẹ con tôi trướcSố phận trêu ngươi”.

Khi tôi mười bốn tuổi, có ý thức, tò mò tìm hiểu về chuyện gia đình, tôi mới biết tôi sinh ra từ cuộc tình ngoại hôn của mẹ. Cuộc hôn nhân ấy đương nhiên không được sự hoan nghênh của nội, ngoại hai bên, vì mẹ tôi đã có một đời chồng và một đứa con trai ba tuổi với người chồng trước. Oái ăm nữa, nếu mẹ tôi đã li dị không nói làm gì, đằng này, mẹ và chồng mẹ đang sống bình yên hạnh phúc tại miền Trung, đùng một cái, mẹ bỏ ngang tất cả do sự hiện diện bất ngờ của tôi trong bụng mẹ với người đàn ông khác, chính là ba tôi.

Cuộc tình vụng trộm bắt nguồn từ sự tình cờ mẹ gặp lại ba, người tình cũ thuở học trò, khi mẹ từ miền Trung vô Sài Gòn mua hàng hóa. Ba tôi cũng gốc miền Trung cùng thành phố với mẹ. Sau 1975, vì cuộc sống bế tắc,  ba lang bạt bỏ quê vào miền Nam lây lất chợ trời tạm sống qua ngày.

 Sự tình cờ gặp lại của ba mẹ nơi đất lạ quê người. Tha phương ngộ cố tri, tay bắt mặt mừng, cả hai vui khôn xiết, như cảm thấy sưởi ấm lòng nhau, trao cho nhau bao lời tâm sự, nhất là khi mẹ tỉ tê về cuộc hôn nhân với người chồng đang sống, lấy nhau vì nghĩa vì nể vì đẹp lòng cha mẹ hai bên chứ không vì tình yêu.

Mẹ tôi đẹp lắm. Nét đẹp của một cô gái kiêu sa quí phái, dù gia đình mẹ chỉ thuộc hàng trung lưu.  Nổi tiếng hoa khôi thời đi học, mà ngay khi lớn tuổi, nhan sắc mẹ vẫn không phai tàn. Mẹ có làn da trắng hồng, mịn màng, cánh mũi dọc dừa thẳng tắp và nhất là đôi mắt bồ câu ngây thơ, thêm tính tình mẹ luôn vui vẻ hồn nhiên, chính điểm này đã giữ sự trẻ trung của mẹ tồn tại và thu hút  bao chàng trai chú ý yêu mẹ trong đó có người chồng trước và cả ba tôi. 

Ngoài đẹp, mẹ còn tháo vát nhanh nhẹn giỏi giang, lắm chàng muốn tiến tới hôn nhân, tiếc là, cũng bởi “lắm mối tối nằm không” mẹ cứ kén chọn, cân nhắc, đợi chờ, chờ một người thật hoàn hảo… cho đến lúc tuổi xuân dần dần trôi qua. Rồi sau biến cố 1975 , những anh hùng hào kiệt từng theo đuổi mẹ bị gom hết vào tù (trại cải tạo của cộng sản), một số thì lang bạt không rõ đi đâu… thế là mẹ bị lỡ duyên.

Nhìn qua ngó lại chẳng còn ai, chỉ sót lại mỗi người đàn ông lớn tuổi, xấu trai có cặp mắt hiếng… nhưng gia thế khủng, nổi tiếng thế phiệt. Trước 1975 ông là con một có cha mẹ già, nên được miễn quân dịch, không dính dáng với “ngụy quân, ngụy quyền”, nhờ vậy, sau 1975 ông thênh thang độc quyền “múa gậy vườn hoang“ không còn đối thủ, không con ong, bướm nào bén mảng bên đóa hoa nở muộn màng (ba mươi cái xuân xanh của mẹ tôi), nhưng với ông là cả một rừng mơ ông hằng mong đợi.

Mẹ tôi không yêu ông, nhưng ông thì say mê mẹ tôi như điếu đổ quyết đeo đuổi cho đến cùng khi nào mẹ tôi lên  xe hoa, lên với ông hay với ai, ông mới thôi. Với lợi thế hai nhà, ba mẹ ông và gia đình mẹ tôi là chỗ thân tình thường qua lại nhau, ông kiên trì theo đuổi, bất chấp mẹ thờ ơ lãnh đạm trước tình yêu của ông. Hễ mẹ còn độc thân là ông vẫn hy vọng. Có lần, tôi nghe mẹ kể, mẹ từng gây lỗi lầm, xài xể ông cho dù ngay lúc đã có lễ đám hỏi với ông, mẹ tôi bất ngờ “cặp” người khác, thậm chí muốn bỏ ông, bỏ cả gia đình để theo… người tình mới, làm tổn thương ông thậm tệ thế mà ông vẫn bao dung tha thứ như không có chuyện gì xảy ra.

Minh họa: KhamphaHue

Sự cao thượng và xử sự bậc trên đó, đã làm mẹ tôi cảm phục, lại thêm lời đốc thúc của gia đình, nào là “Con gái chỉ có một thời,  tuổi xuân qua rồi, giờ này còn ai nữa để kén chọn, thôi thì hãy lấy người yêu thương mình hơn là mình yêu họ, rồi tình yêu sẽ đến sau hôn nhân”, nào là “Gia đình họ nề nếp đàng hoàng, tử tế, cũng là chỗ bạn bè thân thiết với ba mẹ”, nào là “Con là chị cả trong gia đình như đầu tàu, nếu bị khựng lại, làm sao kéo các toa sau?”, nào là… đủ điều tốt dành cho ông… Thế là, mẹ bị lung lạc, chao đảo cùng nỗi thất vọng dâng đầy về tình duyên, mẹ tôi nhắm mắt đưa chân chấp nhận lấy ông để làm đẹp lòng cha mẹ coi như trả hiếu hơn là cho hạnh phúc của riêng mình!

 Cuộc hôn nhân không tình yêu, miễn cưỡng hạnh phúc để được hạnh phúc kéo dài hơn ba năm cũng tạm gọi êm đềm khi mẹ tôi sinh được một bé trai, tức anh cùng mẹ khác cha với tôi. Tiếc là, sự đời luôn có những biến động không ai lường trước, hay do mẹ và người chồng trước duyên chỉ có thế, đã xui khiến trong chuyến vào Sài Gòn mua hàng, mẹ đã tình cờ gặp lại ba tôi đang lang bạt kiếm cơm nơi đất lạ quê người.

Người ta thường bảo, tình cũ không rủ cũng đến, huống hồ gặp lại trong điều kiện quá thuận tiện, không kỳ đà cản mũi. Tình xưa sống dậy, cả hai cảm thấy gần nhau hơn, rồi… điều gì đến đã đến. Sự xuất hiện của tôi trong bụng mẹ, điều không ai mong muốn, nhưng đã xảy ra, đẩy mẹ tôi trực diện với Số phận trêu ngươi bắt phải đối phó. Cái thai trong bụng mẹ, như nhát dao mẹ cắt đứt cuộc hôn nhân với người chồng trước, đau đớn nữa cắt luôn đứa con trai còn bé bỏng vẫn đợi mẹ tại quê nhà. Mẹ không còn mặt mũi nào nhìn ai, không dám trở về, xa lánh hẳn mái ấm gia đình và căn nhà sang trọng mẹ hằng nương náu.

Cái tội “lăng loàn” của mẹ, đã trả một giá rất đắt là sự nghèo khổ thiếu thốn khi lấy ba tôi. Mẹ tôi bỏ quê, trốn tránh mọi người thân để sống với ba tôi chờ ngày sinh nở. Sau 1975, cả nước đều khốn đốn, trong hoàn cảnh của ba mẹ như thế, không nhà, không cửa, không tiền bạc… càng khốn đốn khổ sở hơn, khi tất cả nội ngoại hai bên họ hàng thân thích phía chồng trước cũng như phía ba tôi đều từ mẹ. Không ai muốn nhìn mặt cha mẹ tôi và đương nhiên không chấp nhận sự hiện diện của tôi. Mẹ trốn chui trốn nhủi, ở lại Sài Gòn cùng ba tôi thuê một phòng nhỏ kể luôn nhà vệ sinh buồng tắm diện tích chỉ mười mét vuông. Đây là khu nhà trọ ba tầng lầu, có nhiều gian phòng nhỏ cho thuê. Tầng trệt phía trước dành cho chủ nhân mở cửa hàng, chừa lối đi nhỏ dẫn vào nhà sau tối tăm, chỉ đủ cho một người dắt chiếc Honda vào trong.

 Ba mẹ thuê gian phòng tầng hai.

Để vinh danh ca ngợi tình yêu, hai kẻ yêu nhau thường bất chấp mọi khốn khó dù sống trong “một túp lều tranh hai quả tim vàng” thì cuộc sống của ba mẹ tôi có thể nói… lãng mạn như thế. Mọi sinh hoạt đều đóng khung gói gọn trong căn phòng nhỏ xíu. Phòng khách cũng là phòng ngủ kiêm luôn nhà bếp. Khi nấu ăn, chỉ cần một nồi cơm điện và cái rề sô (bếp dầu) là xong bữa.

Khi tôi được sinh ra và lớn lên, ba mẹ nhường… giang sơn đó cho tôi, chỉ một tấm chiếu trải dưới sàn, vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ học cho tôi. Ba dựng một cái gác lửng cho thế giới của hai người. Lên đó, chỉ có thể ngồi hoặc nằm, không thể đứng được. Tôi lớn dần với bao đồ đạc lỉnh kỉnh, nhà đã chật càng chật thêm. Khi có bếp ga, ba đóng một cái kệ ngay sát cửa ra vào để nấu nướng. Chén bát, rổ rá, nồi niêu, soong chảo, bồn rửa mặt lẫn rửa rau… đều đóng kệ đặt ngay trong nhà vệ sinh lẫn buồng tắm. Vào đó, chỉ đủ cho một người đứng là hết chỗ. 

Khi tôi đi học với chiếc xe đạp lọc cọc, giao du bạn bè con nhà “đại gia” giàu có được đưa rước bằng xe hơi, hoặc chạy những chiếc Honda đời mới; về nhà thì bước vào căn biệt thự xinh xinh, hay ít ra cũng căn lầu ba, bốn tầng với những tiện nghi hiện đại; tôi không muốn so sánh, nhưng nó vẫn đập vào mắt tôi, in sâu vào tâm khảm để tôi nhận rõ thân phận mình, gia đình mình như đang nhốt trong một nhà tù của sự nghèo khó. 

Tôi không chê cha mẹ nghèo, lây lất qua ngày nơi chợ trời bằng những mánh mung, càng không trách cha mẹ sao chọn đoạn trường mà đi, vì mười mấy năm sau, khi thời gian xóa nhòa bao đau thương, và hàn gắn lại mọi đổ vỡ, ba mẹ tôi được gia đình hai bên thông cảm, tôi có dịp ra mắt biết đến họ hàng cả ông bà nội, ngoại và người anh trai cùng mẹ khác cha.

Tôi cũng biết mặt người chồng trước của mẹ tôi (sau này ông cũng lập gia đình với người vợ khác), tôi thấy thương cho mẹ hơn là oán trách. Nếu như ai từng xót xa cuộc tình Trương Chi (vì quá xấu) với nàng công chúa Mỵ Nương vô cùng xinh đẹp đã không nên duyên chồng vợ dù họ rất yêu nhau, thì sẽ hiểu nỗi lòng của mẹ tôi dường như cũng gần như thế. 

Minh họa: ảnh Pixabay

Cuộc hôn nhân bất đắc dĩ, không xứng hợp đã giết đi tình yêu trong lòng mẹ vốn không sẵn có với người chồng trước. Càng lớn, tôi càng hiểu mẹ nhiều hơn, nhất là thỉnh thoảng bất chợt nhìn thấy mẹ ngồi khóc lặng lẽ khi nhớ về quá khứ, tôi càng yêu mẹ để hiểu thêm rằng, không ai có thể lựa chọn nơi mình sinh ra, và không ai muốn rơi vào hoàn cảnh như đời tôi hiện tại. Nhưng cuộc đời tôi, số phận trêu ngươi, tôi phải chấp nhận, nếu không muốn, thì tôi phải tự tìm cách chuyển hóa, lựa chọn cho mình cách sống để thay đổi số phận mình khỏi uổng phí một đời người. 

Và tôi đã nhìn ra con đường cần phải đi.

Ông Trời vốn thường trêu ngươi, muốn chọc ghẹo thử thách mọi người, nhưng không bao giờ ông lấy hết phần của ai. Con đường này ông khép, thì ông mở cánh cửa khác cho đi. Có điều mình chịu đi hay không, hay đứng mãi đó khóc lóc oán trách ông Trời?! Như tôi chẳng hạn, sau bao nhiêu bất hạnh tôi phải gánh chịu từ lúc mới lọt lòng cho đến khi khôn lớn, ông cũng đoái hoài ban cho tôi trí thông minh và học hành giỏi giang.

Chỉ cần bấy nhiêu, tôi nhận ra để nỗ lực hết mình, vì tương lai tôi không thể đóng khung mãi trên chiếc chiếu trong căn phòng như ổ chuột, tôi phải học… học… học…, chỉ con đường học vấn mới có thể thay đổi số mạng tôi. Tôi nghĩ thế, và tôi nắm bắt cơ hội để tiến tới. Có đi, dù nhanh hay chậm, vững ý chí vẫn tới đích!

Hằng ngày, ngoài vùi đầu vào việc học, để giúp đỡ kinh tế gia đình cũng như lo phần nào sách vở cho bản thân, tôi tìm con nhà giàu, bạn giàu làm “gia sư” kèm họ học. Tuy thu nhập không được bao nhiêu, tích tiểu thành đại, cũng giúp tôi có phương tiện sắm được chiếc laptop hỗ trợ việc học hành nhất là môn sinh ngữ. Tôi không có tiền để theo đuổi các lớp Anh văn học phí cao ngất ngưởng, tôi tự học trong máy, phối hợp với học tại trường, kết quả cuối cùng, tôi đã nói, nghe và cả viết thông thạo tiếng Anh. Cuối niên học phổ thông cơ sở, thi tú tài tôi đậu thủ khoa nữa.

Con đường trước mắt đang mở rộng, tôi theo dõi các xuất học bổng do Hoa Kỳ đài thọ. Và tôi nộp đơn, chờ đợi.  

Với Việt Nam, nhất là thời cộng sản xã hội chủ nghĩa, nghèo, dường như là một cái tội. Cái “tội” đó giáng xuống đầu tôi, khi tôi nộp đơn nhưng thiếu thủ tục “đầu tiên” (tiền đâu) cho nhân viên Việt Nam làm việc tại tòa Đại sứ. Do vậy, hồ sơ tôi bị ngâm, rồi… chìm luôn theo tháng ngày. Năm đó, tôi bị mất một suất học bổng. Tôi về nhà buồn hiu, không nói sao nên lời, nằm gặm nhấm… số phận trêu ngươi của mình mà thấm thía. 

Nhưng tôi không buồn lâu. Đời là trường tranh đấu, càng bị vùi dập càng cho mình sức mạnh vùng lên! Than trời trách đất, chẳng cứu được mình. Tôi tiếp tục theo dõi xuất học bổng năm sau và nộp đơn. Lấy kinh nghiệm lần trước, tôi theo sát hồ sơ của tôi. Gần đúng thời hạn, vẫn không nghe động tịnh gì, tôi tới thẳng tòa Đại sứ và lớn tiếng tranh cãi với nhân viên Việt Nam làm việc tại đó.

May mắn cho tôi, tiếng ồn ào bên ngoài đã vô tình lọt vào tai ông Đại sứ ngồi bên trong. Ông bước ra thắc mắc hỏi, được dịp, tôi “xổ” một tràng tiếng Anh trực tiếp nói chuyện với ông. Ông mời tôi vào văn phòng, sau khi nghe tôi trình bày mọi hoàn cảnh, cùng xét khả năng học hành và ước nguyện của tôi, ông chấp thuận ngay tức khắc học bổng toàn phần của Hoa Kỳ dành cho tôi. Rồi ngay năm đó, tôi từ giã cha mẹ lên đường bắt đầu một cuộc sống mới.

Minh họa: Pixabay

Hoa Kỳ vốn là một nước văn minh, phồn thịnh, tự do, dân chủ. Đất cơ hội cho những ai chăm chỉ muốn cầu tiến. Ngành giáo dục được đặt hàng đầu và là quốc sách trong chiến lược phát triển đất nước. Do vậy, tôi dễ dàng theo đuổi ước mơ và bốn năm sau, tôi tốt nghiệp cử nhân công nghệ với bằng kỹ sư. Để được định cư luôn tại Mỹ, con đường ngắn nhất và hợp lệ nhất là kết hôn với người có quốc tịch Mỹ. Ai cũng rõ điều này. Với tôi, thành thật mà nói không khó lắm. Tôi thụ hưởng ít nhiều dung nhan cao ráo, sáng sủa của mẹ, dù tôi là con trai, lại thêm học giỏi, tôi chưa kịp tán tỉnh, đã có cô cầm hoa hồng… tỏ tình: “ Anh… gả anh cho em nhé!”. Thế là tôi được ở lại.

Rồi sau một thời gian ổn định cuộc sống, có nhà cửa đàng hoàng, thu nhập vững vàng, tôi bảo lãnh cha mẹ qua định cư với vợ chồng tôi luôn. Quá khứ vui buồn bỏ lại sau lưng. Cái “túp lều tranh hai quả…, à không,… ba quả tim vàng (vì có thêm tôi)” tại Sài Gòn chỉ còn là kỷ niệm. Người anh trai đáng thương của tôi cũng đã lập gia đình, chỉ muốn ở lại Việt Nam vui vầy với hạnh phúc riêng của anh. Còn ba mẹ và tôi từ đây, đã có một cuộc sống đúng nghĩa trong tình yêu thương nồng nàn trên một đất nước văn minh bậc nhất thế giới. Số phận đã hết trêu ngươi, do tôi đã cố gắng chuyển hóa để vượt qua nó!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: