Ngân và tôi là bạn chung lớp nhiều năm, sau khi cùng thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập tỉnh Quảng Ngãi. Suốt thời gian ấy, giống như khi chuyện trò với các bạn học khác, chúng tôi thường giản dị gọi nhau tôi tôi… trò trò. Từ năm 1966, Ngân và tôi chỉ thỉnh thoảng gặp nhau dù cùng vào Sài Gòn tiếp tục đi học.
Sau Tết Mậu Thân, tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên và ra trường về phục vụ tại một đơn vị Tâm lý chiến tại Quận Nhứt, Sài Gòn. Đến cuối Tháng Tư năm 1975, khi miền Nam thất thủ và Việt cộng chiếm Thủ Đô, tôi đi xe đò và cả đi bộ suốt tuần lễ để về Quảng Ngãi. Chưa đến nhà thì tôi bị bắt, và từ đó trải qua bảy năm “cải tạo” tại bảy trại tù khác nhau trên các vùng rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn thuộc Liên khu Năm thời Việt Minh. Năm 1982, tôi ra tù và về nhà ba mẹ tôi ở Quảng Ngãi. Ở đó, thật rất bất ngờ, tôi gặp lại Ngân…
***
-Như cô Ngân này đây! Đã tiếp tay Mỹ đưa hàng trăm cô nhi ra nước ngoài. Lại có cả anh và em đi “lính ngụy ác ôn” nữa!
Gã cán bộ vừa nói vừa xỉ xỉ ngón tay vào mặt Ngân trước hàng trăm viên chức tỉnh Quảng Ngãi, đang bị tập trung ngồi trên bãi cỏ của sân vận động, ngay hôm sau ngày Việt cộng chiếm tỉnh lỵ cuối Tháng Ba năm 1975. Đang ngồi ở hàng đầu, Ngân nghe vậy liền cầm nón đứng dậy và lên tiếng:
-Thưa các ông, tôi chỉ có nhiệm vụ cùng các chị em khác lo chăm sóc các cháu bé mất cha mất mẹ vì chiến tranh. Nếu tôi tiếp tay người Mỹ đưa các cháu di tản thì sao tôi còn ngồi ở đây phơi nắng suốt ngày để nghe các ông kết tội.
Ngân nói chưa dứt câu, gã cán bộ – có lẽ từng nằm vùng ở thị xã- trừng mắt nhìn rồi quay đi và tiếp tục “lên lớp” những người sa cơ thất thế khác mà gã khá rành lý lịch của họ. Một bác đứng tuổi quen biết ngồi cạnh kéo tay áo Ngân nói nhỏ:
-Thôi con ngồi xuống đi. Tranh cãi với họ có ích gì. Mảnh mai yếu đuối như con, bị đưa lên núi thì khổ.
Sau ba ngày “học tập chính sách cách mạng”, giới phụ nữ được cho về nhà với lời dằn mặt “lo lao động sản xuất phục vụ nhân dân”. Riêng các công nhân viên nam giới, hầu hết bị nhốt vào trại giam của tỉnh và ít lâu sau phải đi “cải tạo” trên những vùng rừng núi.
***
Ngân ra đời ở phố Bà Triệu Hà Nội, theo bố mẹ di cư vào Nam sau Hiệp định Genève khi vừa lên năm tuổi. Bố Ngân làm trưởng ga hỏa xa, cứ vài năm lại đổi nhiệm sở, nên gia đình thường phải di chuyển theo, từ ga Huế qua nhiều ga khác vào tận Tháp Chàm. Về sau, để các con tiện việc học hành, bố mẹ Ngân tạo lập một khu nhà vườn để sinh sống cạnh ga Quảng Ngãi. Học xong trung học, Ngân thi đậu vào trường Cán sự Xã hội Caritas ở Sài Gòn, do một nhà dòng Công giáo thành lập và được sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Ra trường, Ngân về phục vụ tại Ty Xã hội Quảng Ngãi.
Từ sau Tết Mậu Thân, chiến tranh lan tràn khắp nơi; Ngân được giao việc điều hành các trại tạm cư dựng quanh thị xã để đón dân tỵ nạn từ các vùng mất an ninh đổ về, kể cả các cô nhi viện do hai giáo hội Công giáo và Phật giáo chăm sóc, ngoài ra còn phụ trách luôn việc phân phối sữa và bánh mì cho học sinh tiểu học toàn tỉnh. Hàng ngày Ngân phải lần lượt đến những cơ sở liên hệ, tiếp xúc với các đoàn thanh tra trung ương, liên lạc và hướng dẫn đại diện các tổ chức nhân đạo như Hồng Thập Tự, Hoàn Cầu Khải Tượng, Quakers, UNICEF… đến tận nơi tạm trú của nạn nhân chiến cuộc.
Tuy vất vả, Ngân vẫn luôn tận tụy, nhất là với trẻ mồ côi. Ngân cũng chưa có ý định gì về việc lập gia đình, thường khéo léo từ chối những đề nghị hôn nhân, ngay cả với vài người mà thật ra Ngân cũng có ít nhiều hảo cảm. Ngân nghĩ nhiều về bố mẹ, từ khi người anh cả tử trận chỉ sau vài tháng mãn khóa Đại học Chiến tranh Chính trị. Lẽ ra, anh được giữ lại để phụ trách thư viện của trường, nhưng đã xin về đơn vị bảo vệ an ninh Quảng Ngãi, cũng như được ở gần bố mẹ. Lại nữa, đứa em trai kế của Ngân, không biết nghĩ sao đã tình nguyện nhập ngũ không ai cản được, dù được hoãn dịch vì có anh là tử sĩ. Ngân trở thành con cả, hết lòng chăm sóc bố mẹ lúc ấy đã lớn tuổi và sắp về hưu.
Thế rồi biến cố Tháng Tư 1975 xẩy đến! Thật ra, Ngân cũng đã có cơ hội di tản ra nước ngoài như một số viên chức có ưu tiên từng làm việc với các cơ quan Hoa Kỳ. Nhưng Ngân đã chọn ở lại. Đứa em trai vừa ra trường chưa trọn năm, về đơn vị tác chiến sư đoàn, đến cuối Tháng Tư 1975 vẫn chưa biết tin sống chết thế nào. Cùng thời gian ấy, gia đình được lệnh phải dọn ra khỏi khu vực ga. Bố mẹ Ngân nhờ tiền dành dụm nên mua được một căn nhà nhỏ dưới phố. Thật may, đã kịp mua trước đợt đổi tiền đầu tiên.
Thành phố Quảng Ngãi từng mua bán phồn thịnh, nhưng rồi các tiệm buôn dần dần đóng cửa nhường chỗ cho các cửa hàng và hợp tác xã của nhà nước, nhu yếu phẩm càng ngày càng kém phẩm chất lại chỉ được phân phối hạn chế theo tiêu chuẩn hộ khẩu. Tâm trạng “phấn khởi hồ hởi” lửa rơm của một số người đã chóng tàn. Giống như một phép phù thủy để đổi đời, sau cuộc đổi tiền, khi nhà nước quản lý, người dân vẫn làm chủ nhưng bỗng chốc thấy mình trở thành vô sản, và hầu hết lại mang dép Bình-Trị-Thiên như thời kháng chiến!
Qua nhiều tháng, Ngân không thể kiếm được việc làm để trang trải sinh kế gia đình, rồi cả nhà bị buộc phải đi kinh tế mới. May mắn, có vị sư bà, thời trước trông coi cô nhi viện Phật giáo, thu nhận vào làm cho hợp tác xã Mây đan Xuất khẩu tại chùa sư nữ. Ngân nhận việc kiểm hàng và hướng dẫn các xã viên đan mặt hàng mây, nhờ vậy hàng tháng lãnh được số gạo đối lưu sản phẩm đủ dùng cho gia đình.
Trong hoàn cảnh ấy, Ngân đã nhiều lần không nhận sự giúp đỡ của những người chịu cho mượn vàng để vượt biên, kể cả đề nghị hảo ý chỉ kết hôn giả để cùng đi Hong Kong hợp pháp với một người Hoa giàu có. Nhờ làm việc nhiều năm cho hợp tác xã, Ngân có dịp giới thiệu các cháu cô nhi (lúc ấy vẫn được bà Sơ Martha nuôi dưỡng dù không còn có sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo nào nữa) nhận đan gia công mặt hàng mây.
Một số trẻ mồ côi, có cháu mới ba bốn tuổi, sau khi cô nhi viện bị giải tán đã về sinh sống tại nhà thờ thị xã. Cả hai nhà thờ lớn nhất tỉnh đều chịu cảnh tiêu điều suốt hàng chục năm, nhà thờ mới đang xây cất dở dang phải ngừng từ năm 1975, nhà thờ cũ thì tường xiêu mái dột không có tiền tu sửa vì con chiên ai cũng đang khó khăn về sinh kế dù vẫn chăm đi lễ. Trong nhà thờ, vết thương của Chúa vẫn còn tươi máu; ngoài sân, tượng Đức Mẹ vẫn giãi dầu mưa nắng. Linh mục Châu quản nhiệm vẫn sống đạm bạc trong căn phòng giản dị như từ bao năm trước.
***
Ngân và tôi cùng thuộc thế hệ babyboomers, như cách gọi của người ở Âu Mỹ, nơi có hàng triệu đứa trẻ ra đời vào những năm sau Đệ nhị Thế chiến, khi những người lính sống sót trở về cưới vợ sinh con. Nhưng người Việt lúc bấy giờ không được hưởng hòa bình, vì chiến tranh Việt-Pháp đã bắt đầu bùng nổ từ năm 1945. Cả ở Hà Nội quê Ngân và Quảng Ngãi quê tôi, trước sau đồng bào đều phải tản cư hoặc di cư.
Tôi nếm mùi chạy giặc rất sớm, ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. Ba mẹ và bà cố tôi cùng cư dân thành phố, theo lệnh chính quyền Việt Minh, phải tản cư lên một làng quê thuộc huyện Nghĩa Hành, xa thị xã chừng năm cây số ngoài tầm đạn đại bác của Pháp từ biển bắn vào. Thật sự, Pháp chỉ bắn cầm chừng; nhưng trước khi tản cư, người dân đã được lệnh tự đập phá các khu phố, trường học, nhà máy đèn, khách sạn, rạp hát và ngay cả nhà cửa của mình.
Rồi đến lượt hàng chục kiến trúc kiên cố như dinh thự, công sở nơi làm việc của nhà cầm quyền thuộc địa và Nam triều trước kia trong khu thành cổ cũng bị phá hủy thành bình địa, đáng kể nhất là chiếc cầu đúc dài rộng bắt qua sông Trà Khúc vừa khánh thành mấy năm trước cũng bị đánh mìn đổ sập. Tất cả được thực hiện theo lệnh“vườn không nhà trống” của chính sách tiêu thổ kháng chiến, phát động từ cuối năm 1947, để Pháp không thể sử dụng nếu chiếm lại Quảng Ngãi.
Trong thời gian tản cư, bà cố tôi qua đời vì lâm bệnh nặng không có thuốc chữa, rồi được chôn cất tại đó. Thế là ba tôi mất bà, bà vừa là bà vừa là mẹ nuôi dưỡng ba tôi từ thời thơ ấu. Ông quyết định hồi cư không chờ lệnh, để sửa sang nhà cửa đón tôi ra đời. Và mẹ sinh tôi trong cảnh điêu tàn vào thời đầu của cuộc “cách mạng vô sản”ấy. Ba tôi phải bỏ nghề đóng giày, may cặp, va-li và vỏ banh da (bóng đá) vốn đã nuôi sống gia đình nhiều năm nhưng không còn hợp thời nữa vì lúc ấy dân chúng bắt đầu mang dép cao su Bình-Trị-Thiên hoặc chỉ đi chân đất.
Thế rồi ông chuyển sang nghề đóng tập vở học trò và tập giấy vấn thuốc hút, là hai món hàng trước kia phải mua về từ Đà Nẵng, được làm bằng giấy khá tốt. Hàng của ba tôi là sản phẩm từ giấy thô màu rơm rạ cán ra từ bột cây nứa sản xuất từ một nhà máy thủ công ở miền núi. Vở học trò bán chẳng được bao nhiêu vì trẻ em ít đến trường, nhưng giấy vấn thuốc thì tiêu thụ rất chạy, cần đến bốn người thợ mới kịp cắt xén và ghép thành tập, ngay cả trong năm 1952 là năm có nạn đói vì hoa màu bị tàn rụi do hạn hán.
Tiền mua bán lúc ấy gọi là tín phiếu, in trên giấy có phần tốt hơn giấy vấn thuốc, thu vào không cần đếm từng tờ mà đo từng bó bằng gang tay. Gọi là để “tăng gia sản xuất”, trong vườn ba tôi thường trồng vài hàng khoai sắn và rau trái, lại nuôi một bầy gà vịt để lấy trứng ăn. Mãi sau này, đôi khi tôi vẫn nghĩ đến câu của bác hàng xóm có lần nói với ba tôi “đừng cho thằng nhỏ này ăn nhiều trứng, lớn lên nó sẽ đi hoang”!
Về sau, để tiện việc làm ăn, ba tôi bán căn nhà đang ở và mua một căn khác rộng gần gấp đôi, mái cũng lợp tranh nhưng vách gạch và cột bằng gỗ tốt, gần đường phố chính. Tôi lúc ấy còn quá nhỏ cũng cảm thấy lưu luyến mái nhà đã sống bao năm, từng che chở mẹ con tôi qua một đêm mưa bão ba tôi đi lấy hàng không về kịp, mẹ lúc ấy đang có mang em tôi đã cùng tôi núp dưới giường, còn quỳ gối bao bọc cả thân người tôi.
Sau khi dời nhà, tôi và đứa em gái mới sinh cũng suốt ngày phải ở trong hầm trú ẩn. Tuy rất lo cho an toàn của con, ba tôi vẫn đưa tôi đi học khi vừa lên năm tuổi. Học chưa xong lớp vỡ lòng, tôi đã lần lượt phải đi bộ hàng cây số dù mưa hay nắng để đến ba trường sơ tán khác nhau rải rác tại các thôn xóm, thỉnh thoảng lại phải vác theo cái xuổng (thuổng) để tự đào hố tránh bom.
Nhưng rồi tiếng bom đạn thưa dần và im hẳn khi Hiệp định Genève đình chiến và chia đôi Nam-Bắc được ký kết. Từ đó tôi không còn phải vào hầm trú ẩn nữa, và Tết năm ấy tôi lần đầu được nghe tiếng pháo thay tiếng súng! Quảng Ngãi hồi sinh sau khi quân đội Cộng hòa vào tiếp thu, và tôi tiếp tục đi học tại ngôi trường gần nhà vừa được tu sửa tạm. Một hôm, ba tôi bảo: “Hè này ba sẽ dẫn con đi Sài Gòn thăm ông bà nội”.
** *
Ông bà nội tôi đã sống ở Sài Gòn từ năm 1925, như hàng vạn người các miền ngoài qua hàng trăm năm đã sớm xuôi Nam lập nghiệp, chẳng hạn từ Quảng Ngãi từng có các vị Lê Văn Duyệt, Trương Công Định, Ông già Ba Tri, Lê Văn Tỵ… hoặc như ông nội tôi ra đi chỉ để có cơ hội đổi đời. Ông nội bỏ xứ vào Nam, phần buồn vì bà nội ruột của tôi sớm qua đời, phần vì ông đang bị mật thám Tây lùng bắt do tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng ở miền Trung. Lẽ ra ông đem ba tôi, lúc ấy mới năm tuổi, đi cùng để “gà trống nuôi con”, nhưng bà cố tôi quyết giữ lại để bà cháu hẩm hút sống ở quê nhà.
Ở Sài Gòn, ông tôi có việc làm rồi cưới bà nội kế tôi, gốc quê Bình Định. Ông làm thư ký cho một hãng xẻ gỗ ở Tân Định một thời gian, rồi chuyển qua công việc cai thợ sắp chữ in cho báo Sài Gòn Mới của Bút Trà, người có quen biết từ hồi còn ở Quảng Ngãi.
Thời ấy xe cộ và đường sá còn thô sơ, phải mất nhiều ngày mới về đến quê, nhưng vài ba năm ông lại đi một chuyến. Đến năm 1945, ông bà tôi đã có thêm ba người con, cùng về Quảng Ngãi để lánh nạn chiến tranh xẩy ra ở Sài Gòn, khi đồng minh Pháp-Mỹ đánh bom các căn cứ của Nhật. Vài tháng sau, ông bà lại đưa các cô chú tôi trở lại Sài Gòn khi Nhật đầu hàng. Nhưng rồi cuộc chiến Việt-Pháp bùng nổ khắp ba miền, và chỉ chấm dứt sau Hiệp định Genève. Sau khi liên lạc thư từ, ba tôi đưa tôi đi Sài Gòn thăm ông bà nội.
Trước khi đi, cả nhà tôi chụp chung một tấm hình để đem vào khoe với ông bà nội, mẹ tôi không theo cùng vì bận chăm sóc em gái tôi mới sinh, trong hình tôi ôm bên người chiếc nón cối theo gợi ý của bác phó nhòm, gọi là sẵn sàng cho một chuyến đi xa.
Quang cảnh và sinh hoạt náo nhiệt chốn phồn hoa đô hội của miền Nam, hòn ngọc Viễn Đông thời ấy, đã làm một đứa trẻ từ tỉnh quê như tôi choáng mắt khi được người chú đưa đi xem thành phố, các dinh thự, nhà thờ, chợ Bến Thành, tiệm ăn, sở thú… Ngay cả chỉ một khu Tân Định cũng đã trù phú và rộng lớn gấp bội tỉnh lỵ quê tôi, lúc ấy vẫn còn tiêu điều xơ xác. Nhưng điều vui nhất là lần đầu được gặp ông bà, cô chú và các người em họ dù chúng thường chọc ghẹo nhái giọng Quảng của tôi.
Những đứa em, thua tôi vài tuổi, mỗi sáng được cho tiền để đưa tôi đi ăn hàng ở chợ gần nhà. Tôi nhớ mẹ và em nhưng cũng buồn khi sắp từ giã ông bà và những người thân lần đầu mới gặp. Trước ngày về quê, tôi được nhiều quà, quý nhất là chiếc cặp da mà tôi rồi đã dùng suốt những năm tiểu học. Trong chiếc cặp lại đựng đầy các cuốn tập vở 50 trang, ngoài bìa có hình một cậu bé trạc tuổi tôi đang ngồi học bài bên đèn và phía dưới có hàng chữ đến giờ tôi vẫn nhớ: Ngày Nay Học Tập-Ngày Mai Giúp Đời.
Những năm sau đó, mỗi lần ông bà tôi và ba tôi ra vào thăm viếng, tôi vẫn luôn có quà của ông là những cuốn truyện, thích nhất là các truyện phiêu lưu. Trước tiên là loại sách hồng dành cho thiếu nhi, vài năm sau có các sách dịch như Tâm Hồn Cao Thượng, Vô Gia Đình, Trong Gia Đình, Những Kẻ Khốn Cùng, Khúc Nhạc Đồng Quê, Guy-li-ve Phiêu Lưu Ký, Rô-bin-sơn Trên Hoang Đảo, Ô-li-vơ Tuýt, Tom-xó-giơ, Thằng Người Gỗ, rồi đến những sách của Tự Lực Văn Đoàn khi tôi lên bậc trung học, lại có cả cuốn tiểu thuyết Một Người của Lê Văn Trương với chữ viết của ông nội tôi ghi ở trang đầu “Ví thử đường đời bằng phẳng cả…”.
Khi lớn lên, tôi còn được nghe ông kể những chuyện quốc sự xẩy ra thời Việt Minh ở Quảng Ngãi mà ông tôi biết rõ vì làm việc cho tòa báo ở Sài Gòn: Hàng chục tín đồ Cao Đài bị thảm sát, ông Tạ Thu Thâu, đồng chí của Nguyễn An Ninh, bị tử hình; cựu tuần vũ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác (tác giả bài thơ Hồ Trường nổi tiếng, cũng là đồng chủ nhiệm Nam Phong Tạp Chí với Phạm Quỳnh) được tòa án nhân dân tha bổng nhưng rồi bị hại trên đường về Quảng Nam; cụ Huỳnh Thúc Kháng -Phó chủ tịch chính phủ Việt Minh vùng kháng chiến ở Liên khu Năm- bất ngờ lâm bịnh qua đời ở huyện Nghĩa Hành, gần trại tù Suối Bùn nơi nhà văn Nguyễn Ngu Í bị bắt cải tạo khi trên đường qua thị xã…
***
Tôi dần dần thân thiết hơn với bên nội, và quen thuộc với Sài Gòn. Đến năm 1966, tôi vào đi học thì ông tôi đã mất. Tôi sống với bà nội kế và gia đình người chú, tại căn nhà mà ông bà tôi đã xây dựng từ năm 1930. Trước đó ở Quảng Ngãi, tôi bỏ học lớp Đệ Nhất để xin vào làm phụ giáo tại trung tâm dạy Anh ngữ cho công nhân hãng RMK đang xây dựng phi trường Chu Lai. Qua gần một năm, đến mùa Hè tôi nghỉ việc vì đã dành dụm được ít tiền để tiếp tục việc học.
Tôi vào học rút vài tháng lớp luyện thi Tú tài phần Hai của thầy Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa) ở Sài Gòn và thi đậu, rồi ghi danh theo học Văn khoa. Được hơn một năm thì xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân, Việt cộng đánh phá khắp thủ đô và đã sớm thất bại. Nhưng rồi chiến tranh như vết dầu ngày càng loang rộng khắp miền Nam, và tôi nhập ngũ sau mùa Hè 1968. Thật may mắn, tôi ra trường được về một đơn vị tổng trừ bị thuộc ngành Tâm lý chiến, rất gần trường Văn khoa và cách Tân Định không quá hai cây số.
Công tác đầu tiên tôi đảm nhận là dẫn một trong những toán dân sự vụ, phụ trách khám bệnh phát thuốc và tiếp đón dân tỵ nạn, yểm trợ cho các tiểu khu trong chiến dịch khai thông Quốc lộ 4. Qua nhiều xã ấp khác nhau, tôi cảm nhận được tính tình chơn chất và cởi mở của người lục tỉnh cũng giống như ruộng đồng sông nước bao la bát ngát của họ, là con cháu của những lưu dân miền ngoài xuôi Nam tìm nơi đất lành chim đậu. Nhưng đất không lành nữa khi con đường huyết mạch chở lúa gạo về thủ đô bị du kích gài mìn, đào hố, đắp mô… gây thương vong cho nhiều thường dân vô tội. Đến khi đường thông suốt, các toán trở về và được biệt phái nhiều tháng cho các quận thuộc tỉnh Gia Định.
Từ năm 1972, chúng tôi bắt đầu đi công tác xa trên vùng cao nguyên rồi ra vùng Trị Thiên, yểm trợ dân sự vụ và văn nghệ chính huấn lâu dài cho hai sư đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Tôi đã đi qua những xóm làng hoang vắng; đã gặp hàng ngàn đồng bào gồng gánh, dắt mẹ, cõng con chạy loạn trong mùa Hè đỏ lửa, đã thấy hàng trăm thi thể cụ già em bé nằm xuống trên Đại lộ Kinh hoàng khi tôi theo trực thăng bay dọc quốc lộ để đến trình diện bộ tư lệnh tiền phương.
Chiến tranh ngày càng ác liệt, tất cả đường bộ hầu như không an toàn vì luôn bị phục kích, bắn sẻ, gài mìn. Trên những chuyến bay ra miền Trung, chúng tôi thường đi chung với hàng trăm tân binh ra để bổ sung quân số, chuyến về lại đi cùng các thương bệnh binh và quan tài tử sĩ. Chúng tôi không phải là lính tác chiến, và ngay cả các nữ nhân viên chính huấn, vẫn luôn gặp những hiểm nguy khi phải đến các căn cứ địa đầu như Thạch Hãn, Cửa Việt, Barbara, Động Ông Đô…
Và mãi đến giờ tôi còn lấy làm lạ là các cô, cùng là dân Sài Gòn, lại hiếm khi bỏ việc và vẫn hết lòng phục vụ cho những người lính ở vùng giới tuyến. Toán chúng tôi rời miền Trung ngày 15 Tháng Ba năm 1975 từ phi trường Non Nước ở Quảng Nam, cùng lúc với sư đoàn Nhảy Dù vừa được lệnh về bảo vệ thủ đô. Đó là chuyến công tác cuối cùng.
Vài tháng sau tôi được gặp lại vài sĩ quan mũ đỏ và nhiều sĩ quan thuộc đủ mọi quân binh chủng mà tôi có dịp quen biết qua những lần công tác… nhưng không phải để tiếp tục sánh vai diệt thù ngoài chiến trường, mà để chia sẻ những nhọc nhằn đói rách trong trại tù!
Người tù còn thêm nỗi khổ tâm nghĩ đến vợ con, hầu hết đang lâm vào cảnh cùng quẫn ở nhà, có người quê xa tận vùng lục tỉnh miền Nam. Tất nhiên, thời trước tôi cũng đã có vài cuộc tình và rồi chẳng đi tới đâu. Nhưng thật khó quên một mối ân tình kéo dài ba năm sau khi tôi trở thành một người thuộc bên bại trận. Em từng làm việc và đi công tác cùng tôi và các nữ nhân viên khác, chỉ cư xử với nhau như trong câu thơ Quang Dũng “em ở Thành Sơn chạy giặc về, tôi từ chinh chiến cũng ra đi”.
Em ra đời ở Sài Gòn, sau khi bố mẹ từ quê ở tỉnh Sơn Tây di cư vào Nam. Rồi em, sau khi liên lạc với bà nội tôi ở Sài Gòn, đã chủ động viết thư vài tháng một lần cho tôi đang ở trong tù và hứa sẽ đợi tôi. Nhưng tôi đã không thể ép em như nhạc sĩ hồng quân Nga Simonov “dù nắng mưa cách trở đường về, dù tháng năm kéo dài đường về. Em hãy chờ đợi anh, em nhé”. Tôi viết cho em lá thư cuối cùng ít lâu trước ngày chuyển sang trại tù thứ bảy và ở đó thêm hơn bốn năm nữa, khi xẩy ra chiến tranh biên giới ở phía Nam với Khmer Đỏ và ở phía Bắc với Tàu Đỏ.
Nhưng tôi đã cố gắng không để bảy năm tù trôi qua lãng phí, trong những thì giờ nghỉ ngơi ít ỏi ngoài lúc cùng lao động khổ sai với mọi người, tôi vẫn học hỏi được nhiều từ các đồng đội cũ; nhất là về sau còn lại được chỉ dẫn từ các vị tài giỏi về văn chương, ngoại ngữ, âm nhạc, võ học…
Ngay cả tôi cũng có thể học từ trong những cuốn sách, được cho là gối đầu giường của người Bolshevik như Thép Đã Tôi Thế Đấy, với nhân vật Paven hoang tưởng đã nửa chừng bỏ cuộc không thể so với Don Quixote huyễn tưởng trong tiểu thuyết của Cervantes; mà tôi và vài anh em khác hàng đêm vẫn kể cho bạn tù nghe, cùng những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung và dã sử Tàu khác, để khuây khỏa trong những tháng ngày gian khổ.
Có điều lạ là, ngay cả bộ đội gác phòng tù cũng chăm chú lắng nghe không làm khó dễ gì. Ngoài ra, đôi khi việc thay nhau kể lại những món sơn hào hải vị như cách “ăn hàm thụ”, cũng là một cái thú để người tù tự đánh lừa cơn đói. Riêng tôi, thỉnh thoảng được ba mẹ lên thăm nuôi mang theo vài món quà và thuốc men cần dùng, có thể chia sớt chút ít cho vài anh em thiếu thốn hơn mình.
Mãi rồi tôi cũng có ngày về mái nhà xưa, mừng được gặp lại ba mẹ, đã già yếu nhưng còn khoẻ mạnh. Cùng về với tôi còn có bốn bạn tù quê tận trên vùng cao nguyên, những anh em này đã nghỉ đêm tại nhà tôi; được ba mẹ tôi đãi một bữa cơm tối đạm bạc, và sáng hôm sau ba tôi cùng tôi tiễn họ ra bến xe đò giúp mua vé để về với gia đình. Tâm trạng của những người tù hồi hương như tôi, sau này được Tô Thùy Yên -một bậc đàn anh cùng ngành- ghi lại trong bài thơ đầy cảm khái:
Ta về cúi mái đầu sương điểm, nghe nặng từ tâm lượng đất trời. Cảm ơn hoa đã vì ta nở, thế giới vui từ nỗi lẻ loi.
Qua bao năm dài không sống ở quê nhà, lắm lần xin lỗi mẹ “Xuân này con không về”, lúc về được thì chỉ có hai bàn tay trắng. Những bạn bè thời học trò năm xưa có lẽ hầu hết đã lưu lạc khắp nẻo đường đời, kể cả trò Ngân -cô Bắc kỳ nhí nhảnh- thường trêu tôi về cái tật gãi đầu. Tôi vẫn nghĩ Ngân đã rời Quảng Ngãi để sang sông, hoặc đi xa hẳn bên kia biển.
Nhưng thật bất ngờ, một ngày nọ tôi gặp một chị bạn trước học cùng lớp; qua câu chuyện, chị cho biết Ngân vẫn còn ở thị xã và… chưa lập gia đình! Rồi chị sốt sắng đưa tôi đến thăm Ngân. Khi gặp mặt, Ngân chăm chú nhìn và buột miệng: “Ủa! Trò Văn hả?” Chị bạn bật cười: “Thôi các người xưng anh anh em em đi, có còn là học trò nữa đâu”. Từ đó đến giờ, Ngân vẫn không nghe lời góp ý của chị bạn, chỉ gọi tôi bằng tên mà thôi.
Trong lúc chuyện trò, khi tôi nhắc đến người anh cả vắn số, Ngân cho biết anh tử trận đã mười hai năm, nay lại sắp đến ngày giỗ. Lúc tôi chào ra về, Ngân hỏi: “Văn có muốn đi thăm mộ anh Kim không?”. “Cùng đi với Ngân hả?” – tôi hỏi lại.
Buối sáng cuối tuần sau đó chúng tôi đi thắp nhang cho anh Kim, lúc về tôi được bố mẹ Ngân mời đến dự đám giỗ của anh vào ngày hôm sau. Rồi chúng tôi gặp nhau thường hơn, và làm lễ cưới cuối năm ấy. Trong men rượu của tiệc thành hôn, tôi đã ngâm bài thơ của Xuân Diệu để tặng vợ “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ! Em, em ơi! Tình non đã già rồi”. Tối đó, lần đầu tôi hỏi: “Ngân có yêu anh không?” Không có tiếng trả lời. Tôi hỏi tiếp: “Sao chịu cưới anh?” Ngân nói: “Buổi tối hôm đi thăm mộ anh Kim về, Ngân nằm mơ nghe anh ấy bảo: “Anh kiếm chồng cho em rồi đó”! Đến nay đã già rồi, tiếng gọi “Văn ơi! Văn à!” của Ngân vẫn còn đeo bám tôi không thôi.
Một năm sau ngày cưới, chúng tôi đón đứa con trai đầu lòng. Ngân vẫn làm cho hợp tác xã nhưng nhận sợi mây về đan ở nhà để tiện chăm con. Phần tôi, sau vài năm làm công cho một xưởng sản xuất vỏ lốp xe đạp; tôi mở lớp dạy Anh văn tại nhà cho mươi cháu học trò cấp hai, khi ở trường học môn ngoại ngữ này dần dần thay thế tiếng Nga. Đến cuối thập niên 1980, tôi thêm lớp kèm tiếng Anh và giúp điền đơn tham gia chương trình H.O cho một số chiến hữu cũ.
***
Tất nhiên tôi cũng làm thủ tục xuất cảnh, và được gọi phỏng vấn khá sớm mà không qua dịch vụ “đầu tiên” nào như lệ thường! Chúng tôi đến Mỹ vào Tháng Sáu năm 1991 sau vài tuần ghé Thái Lan làm thủ tục trung chuyển. Ở Bangkok, chúng tôi vui mừng gặp chị Xuyến, là chị kết nghĩa của Ngân thời còn làm ở Bộ Xã Hội tại Sài Gòn, lúc ấy đang làm việc cho cơ quan di trú IOM. Chị hỏi ý chúng tôi muốn đi tiểu bang nào thì chị giúp; thế là gia đình tôi về Orlando, Florida.
Tuy nhiên, rồi chúng tôi đã phụ lòng tốt của chị Xuyến, cả mục sư Phạm Thiện cũng như những người bạn là nhân viên USAID cũ, cùng hứa sẽ giúp chúng tôi ổn định cuộc sống mới; vì chúng tôi muốn chuyển qua California, do Ngân cứ đau yếu luôn sau ca mổ ruột thừa lại bị dị ứng với thời tiết, thậm chí phải xin nghỉ công việc phụ giáo cho một trường tiểu học vừa được tuyển dụng.
Sau hai ngày và một đêm trên xe bus Greyhound xuyên bang, chúng tôi đến thành phố Los Angeles, cũng là nơi cô tôi cư ngụ từ khi sang Mỹ theo diện H.O, vì trước năm 1975 ông dượng là Cảnh sát trưởng quận Đôn Luân và bị tù cải tạo nhiều năm. Được vài tuần, khi làm xong thủ tục cho thằng con vào trường, Ngân cũng ghi danh theo học khóa giữ trẻ tại gia; và sau khi sinh đứa trai út, Ngân vừa trông con vừa làm công việc chăm sóc trẻ suốt hàng chục năm.
Sau đúng một năm, tôi bỏ công việc kiểm và giao hàng cho một hãng may để theo học college. Tôi chỉ học các lớp tối, dành thì giờ ban ngày để đi làm cho người cháu tại một tiệm chuyên bán pagers và nước lọc cho đến tuổi về hưu. Ở trường, tôi không học chuyên ngành, chỉ lấy các môn từng học ở Văn khoa Sài Gòn, thêm vài lớp Tây Ban Nha ngữ – để tiện giao tiếp với khách hàng phần đông là dân nhập cư từ Nam Mỹ- vừa đủ tín chỉ để tốt nghiệp.
Cũng trong thời gian đầu đến Los Angeles, vợ chồng tôi đã rất vui khi được gặp lại hai vị tu sĩ ngày trước từng có các công tác nhân đạo với Ngân ở Quảng Ngãi – thầy Lê Quang Sách đạo Cao Đài và linh mục Châu Xuân Báu, Công giáo. Nhờ sự khuyến khích của hai vị, chúng tôi đã quyên góp tiền từ bạn bè thỉnh thoảng gởi về phụ giúp Sơ Martha nuôi nấng các cháu cô nhi, hoặc giúp một số thương phế binh già yếu.
Riêng tôi, cũng đã dành nhiều thì giờ để viết bài biên khảo có chủ đề Lược sử Nền Giáo Dục Tân Học Tỉnh Quảng Ngãi Thời Nửa Đầu Thế Kỷ XX, với cả những hình chụp và danh tánh đầy đủ quý nhà giáo những năm 1913-1922, tại ngôi trường tiểu học đầu tiên và duy nhất của tỉnh vào thời đầu thế kỷ, nhiều bản sao các văn bằng ghi bằng hai ngôn ngữ Việt-Pháp qua các thời kỳ, để đăng trên đặc san Hội đồng hương Quảng Ngãi California.
Ngôi trường thời ấy có những học trò, cả trong và từ ngoài tỉnh, về sau có tên tuổi trong làng văn học báo chí miền Nam như hai anh em Bút Trà và Hồng Tiêu, Nguyễn Vỹ, Hàn Mặc Tử, Hồ Văn Đồng, Minh Đức Hoài Trinh, Thinh Quang… Đó cũng chính là ngôi trường, nơi lần lượt ông nội rồi đến ba tôi đã theo học khi còn niên thiếu.
Làm việc đến năm 2012, sức khỏe của tôi đột nhiên sa sút hẳn, rồi được bác sĩ cho biết tôi mắc bệnh ung thư máu lymphoma, và sau hơn sáu tháng được hóa trị chemo tôi hồi phục, một phần nhờ tôi không có bệnh phụ nào nên dễ trị. Chưa hết, còn may mắn hơn nữa, tôi lại được các lương y chữa lành bệnh ung thư cổ thyroid bằng xạ trị một năm sau đó! Như được trở về từ cõi chết, tôi nghĩ trước tiên nhờ ơn trên cứu độ, nhờ nước Mỹ và người Mỹ cưu mang, phần khác nhờ sự cầu nguyện của mẹ tôi ở quê nhà, như bà đã từng xuống tóc mong cho tôi và vợ con tôi bình an ngày sắp lưu lạc xứ người.
Nhưng thật đau đớn, tôi đã không về được để thọ tang mẹ vì bà đã qua đời trong lúc tôi đang bị bạo bệnh. Tôi được phần nào an ủi khi các em tôi bên nhà báo cho biết đã có Sơ Martha, một vị sư, và cả sư cô Hạnh Tường vốn quen thân từ lúc vợ tôi còn làm ở hợp tác xã Mây Đan, đến viếng tang và cầu nguyện cho mẹ tôi sớm siêu thoát, như mấy năm trước đã từng cùng đến đưa tiễn lần cuối ba tôi và cả bố mẹ của vợ tôi.
Trong một lần về thăm mộ các bậc sinh thành, ban đầu tôi rất ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra thì vô cùng xúc động, khi nghe những người hàng xóm trẻ gọi em trai tôi là “ông Văn”! Do ở quê tôi có thói quen gọi người cha bằng tên của đứa con trai đầu lòng, còn tôi chỉ được gọi là chú hai hoặc anh hai; cứ thế, người ta bây giờ vẫn gọi “ông Văn ơi” như đã quen gọi ba tôi mỗi khi gõ cửa, dù ông đã mất hơn hai mươi năm trước và tôi thì đã xa nhà từ lâu lắm!
***
Đường đời muôn vạn nẻo, và con người trước sau cũng đến đoạn cuối khi đã trải qua lắm đường xuôi nẻo ngược. Tự nhiên tôi chợt nhớ đến câu ông nội tôi năm xưa từng viết cho tôi, ở trang đầu của cuốn tiểu thuyết Một Người của Lê Văn Trương, trích lửng từ một bài thơ của nhà ái quốc Phan Bội Châu gởi cho những người trai trẻ Việt Nam “Ví thử đường đời bằng phẳng cả…”, được ông nội tôi ân cần nhắc lại. Nhưng là một đứa cháu tầm thường, tôi chỉ mong mình không gục ngã trước những chông gai luôn đầy dẫy trên đường đời.