Âm thanh từng giọt mưa rơi trên mái tôn, tiếng lách tách từ con chữ bàn phím, quyện vào khúc hòa tấu nhạc xưa văng vẳng, gõ xuống cảm xúc hồn tôi trong đêm lặng những nốt thật xa xăm, trôi bồng bềnh trên dòng sông ký ức… Tuổi thơ bên lũy tre làng yên bình, với ông bà cha mẹ. Tất cả tưởng chừng như chiếc lá trên dòng chảy thời gian, giữa biển đời đầy biến động.
Dòng chảy đó vội vã khiến bước chân có khi vấp ngã, có lúc mặc kệ sự qua mau, lặng đi khi ký ức bất chợt ùa về với những cột mốc trong cuộc đời, chìm vào sáng – tối vô định, hay đứng lại tiếc thương một cuộc tình, tiễn đưa người thân, từ giã ngày hôm qua để tiến về phía trước trên những bước thăng trầm.
Cuộc đời luôn là một cuộc chiến thầm lặng với kẻ thù giấu mặt. Cô đơn trong một lúc nào đó không hẳn chỉ có cảm giác lẻ loi, xót xa, buồn mang, còn cho ta giây phút một mình để tỉnh tại và nhận diện. Có những sự việc xảy ra để lại dấu ấn cả đời. Chuyện hôm nay có thể quên, chuyện ngày xưa thì nhớ mãi… Một thôi thúc trở về.
Chiều đã xuống mau, gió lồng lộng qua khoảng không gian trống, làm cho đám cỏ tranh cúi rạp nhấp nhô từng cơn sóng. Gió tạt ngang, tạo khoảng trống để kịp nhìn thấy, những ngôi mộ nằm im lìm, giữa đám cỏ tranh vươn cao. Mộ của ai đó, con cháu ra đi biền biệt không trở về. Có thể họ đã không còn trên chuyến tàu vượt biển năm xưa… Làng quê, mồ mả ông bà cứ hiu hắt trong chiều mong ngóng.
Tôi đứng bên phần mộ của ông bà mình với người anh họ, đốt nén nhang bùi ngùi nhớ thương cả một quãng đời thơ ấu đầy yêu thương, sống mũi cay nhòe nước mắt rơi. Trong ký ức của một con người, chứa đủ bóng dáng quê hương và nỗi nhớ. Dòng đời cứ mãi dạt xô, mấy mươi năm từ ngày ấy… Cuộc ra đi bỏ lại tất cả, mất tất cả. Trở về khi đã qua nửa đời người, mới được đặt chân đi lại con đường quê. Khao khát trở về cháy bỏng, chìm sâu âm ỉ, vỡ òa, mang theo niềm thương nhớ quắt quay của ba tôi mỗi khi nhắc đến Quảng Trị, và như không dừng được, bao nhiêu chuyện cứ thế được nhắc lại về “nhà mình hồi đó…” Ba rơm rớm nước mắt, thầm thì như nói với bản thân. “Nhất định ba sẽ về…” Câu nói đó tan loãng cùng gió chiều, nhưng thấm vào tim tôi mãi thôi thúc, nhói buốt.
Con đường làng ngày xưa thênh thang với tuổi thơ, bây giờ chừng nhỏ lại, đứng bên này nghĩa địa nhìn qua lăng khai khẩn thật gần, hình ảnh một đám trẻ con leo trèo, trốn tìm, sau giờ học, hay những đêm trăng sáng bày trò, không để cho ông bà nằm bên dưới được yên, sự quấn quýt đó cứ mãi ấm áp trong ký ức non trẻ.
Hồi đó gia đình tôi đông con, chị em hơn nhau cái đầu, mẹ làm nghề nội trợ thật sự vất vả với tám người con. Mỗi tháng ba nhận lương về đưa cho mẹ, không quên phát cho chị em chúng tôi mỗi đứa một đồng mới sáng lấp lánh. Nhà bà ngoại sát bên cạnh, cách cái giếng trong veo, nước mát lạnh, một cây cam đầy trái làm trĩu cành. Bước qua sân nhà ngoại, khoảng sân đất mềm dưới mưa phùn, hình ảnh cô Tài đi đôi guốc cao gót mỗi lần ghé thăm ngoại, tôi theo sau đếm coi bao nhiêu lỗ để lại từ đôi guốc nhọn in dấu trên mặt đất.
Ngoại thường ngồi trên giường với lồng ấp giữ ấm, giữa mùa Đông giá rét của miền Trung. Tôi ngồi bên cạnh, chụm hai bàn tay nhỏ vào lồng ấp nghe ngoại kể đủ thứ chuyện, có khi ngoại dạy con gái lớn lên phải chọn người như thế nào để cùng chia sẻ buồn vui cuộc đời… Những câu chuyện kể có ý giáo dục đó như gió thoảng qua tai, đến khi trải đời, va vấp, đau khổ, hình ảnh ngoại với những lời nhỏ to đó còn rõ mồn một trong tâm trí không sai chút nào. Tôi nhớ quá bao yêu thương thành hình khắc ghi trong tâm trí như chiều ngoài kia mãi vương vấn tia nắng mai trong suốt.
Chiến tranh cứ râm ran loang nhanh, tiếng súng to nhỏ khiến làng quê sợ hãi. Nhà nào cũng khép cửa im lìm, trẻ con nghỉ học, những chiếc xe nhà binh chở lính tôi thường thấy trên trục đường chính hàng ngày qua lại vắng bóng, họ đã rút đi. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ cuối cấp một, thời cuộc là gì? Chiến tranh là gì? Tất cả khái niệm đó thật xa lạ, chỉ có sự lo sợ chết chóc khi ai đó bị lạc đạn, theo lời người lớn, đã ám ảnh tâm trí tôi như thế lực bóng tối trong chuyện cổ tích. Rồi chiến tranh như cơn bão lớn quét qua dữ dội. Quảng Trị không còn bình yên. Những bước chân thậm thịch chạy vội qua ngõ, một vài người quen ghé qua nói gì đó với ba rồi biến nhanh như khi họ đến. Ba tìm cách đưa cả nhà chạy giặc, mẹ và chị em tôi ngồi trên đống hàng hóa, giấy tờ, chông chênh của chiếc xe tải nhỏ mui trần, ba có trách nhiệm phải chuyển đi. Chỉ còn ba đứng đó, ánh mắt rưng rưng nhìn ngôi nhà cũ, nhìn đống vật liệu mấy hôm trước mới chở về chuẩn bị xây lại nhà, ánh mắt đó như gửi gắm, dặn dò từng cục đất hãy chờ đợi, rồi mọi người sẽ trở lại…
Xe ra khỏi lũy tre làng, hòa vào dòng người, xe nối tiếp xe nhích từng chút, bên dưới người đi bộ chen chúc gánh gồng, tài sản mang theo gọn nhẹ, với con cái, người thân, không chỉ có người dân, còn có cả những người lính. Trên con đường phía trước sức người không biết đi được tới đâu, dưới nắng gay gắt của mùa Hè với khí hậu miền Trung, nắng đổ lửa. Khao khát được sống mạnh mẽ thêm sức cho họ, mong chạy thoát một cuộc chiến.
Mọi người sợ hãi, khi bất ngờ có đạn pháo. Sau những tiếng nổ là xác người văng tung tóe, trong tầm mắt nhìn, đâu tôi cũng thấy đầy những xác người, nằm vắt qua nhau với nhiều tư thế, có người ôm lấy người thân gào thét, mặc cho dòng người va vấp, dẫm đạp. Chiếc cầu dài thê lương. Tiếng pháo kích vẫn không ngừng, những quả pháo không có mắt, cứ rơi như định mệnh của ai đó.
Đoạn đường mười ki lô mét nhầy nhụa máu và nước mắt. Những chiếc xe trúng đạn pháo, bốc cháy khét lẹt mùi da thịt con người. Gia đình tôi ngồi níu vào nhau, lắc lư trên tầm cao của chiếc xe tải, lặng yên cầu nguyện. Tôi nhớ cảm giác sợ hãi lúc đó, đưa tay lên che đầu với niềm tin trái đạn không trúng mình, phản xạ quen thuộc của một đứa trẻ khi ra vườn hái ổi với anh trai, sợ trái ổi rơi trúng đầu, một mắt nhắm, mắt kia hi hí liếc nhìn, hai bàn tay nhỏ xíu chỉ biết đưa lên tự bảo vệ.
Người mẹ gánh con trên đôi quang gánh, há hốc miệng thở khô rát, không một giọt nước vẫn thoăn thoắt tiến về phía trước, dưới làn mưa đạn pháo. Hình ảnh người mẹ đã chết với đứa trẻ còn rúc vào ngực tìm sữa, thật thương tâm.Trên đoạn đường dài đó, chậm từng bước để nhìn thấy sinh mệnh con người như cỏ rác. Sau mỗi tiếng nổ là tan tác, máu từ thân thể bị đứt lìa loang chảy, người sống vẫn phải bước qua đồng loại khi nhìn thấy họ trút linh hồn.
Xe vô được tới Huế trời đã tối. Phu Văn Lâu đông nghẹt người chờ đón thân nhân, người gặp được ôm nhau khóc mừng tủi, người không đón được người thân sụp xuống khóc lo lắng. Không biết dùng bút mực nào để tả cho hết cảnh đoạn trường mà người dân Quảng Trị trải qua trên đại lộ bóng tối chỉ có chết chóc, tang thương cùng cảm xúc cùng cực, vượt qua sức chịu đựng của con người. Hồn vía lên mây… Ai đã từng đi qua đoạn đường đó! Mùa Hè năm 1972. Cứ mãi là một góc tối trong hồi ức của tôi.
Gia đình tôi cùng với họ hàng ghé vào Lăng Cô, ở nhờ trường học nghỉ tạm, trước khi đi tiếp vào Đà Nẵng. Nghe người lớn bàn nhau thuê tàu đánh cá, vì không tìm được phương tiện vận chuyển đường bộ giữa đoàn người di tản. Mọi người như tàu lá chuối rũ xuống, sau đoạn đường dài kinh hoàng. Trong thời gian chờ thuê được tàu, được sự giúp đỡ, được ăn uống nghỉ ngơi nên tỉnh táo hơn, sẵn sàng đi tiếp.
Tiếng sóng biển rì rào, vỗ bờ như réo gọi, từng con sóng trắng xóa vỡ ra tiếp nối trên bờ cát có sức hút mãnh liệt. Biển sạch và đẹp quá! Tôi biết biển qua sách vở, qua ti vi trắng đen của một nhà bác ngoài lộ, mỗi đêm con nít cả xóm kéo đến xem. Chưa từng một lần đến biển. Khi được ở gần bên, được nhìn thấy, nghe âm thanh của biển rì rầm réo gọi… Đôi chân nhỏ cứ len lén bước, thoát khỏi tầm mắt của cha mẹ, tôi chạy nhanh trên bãi cát qua rặng dương xanh rì rào ca hát.
Biển vắng, thưa người, lúc này tôi quên mất tình cảnh hiện tại, quên nỗi sợ chết chóc, biển sớm mai hiền hòa cứ thế vỗ về bàn chân nhỏ nghịch sóng. Những con chành chành theo sóng dạt vào bờ, dưới nắng mai con ốc nhỏ tròn như hạt nút lấp lánh nhiều màu sắc thật đẹp, tôi biết nó qua những lần mẹ đi chợ mua về, tôi cứ mải mê nhặt, túm vào vạt áo đi dọc bờ biển, gió thổi mát rượi quên mất thời gian. Trong tâm một đứa trẻ chỉ có điều tốt đẹp trước mắt, không biết cuộc chiến rình rập sau lưng kéo dài bao lâu với biến động cuộc đời.
Chúng tôi vô được Đà Nẵng trên con tàu đánh cá. Từ xa đã nhìn thấy bờ với nhiều tàu thuyền lớn nhỏ. Một con tàu lớn chạy ngang qua rẽ sóng phủ qua đầu, mọi người bất ngờ hoảng hốt. Con tàu đó chạm vào tàu nhỏ khiến nó bị xô nghiêng muốn lật úp trong phút chốc, may không ai rơi xuống biển. Trong trí nhớ của tôi con tàu đó lớn tới mức hình ảnh con tàu chúng tôi như đám bọt biển có thể vỡ tan bất cứ lúc nào.
Gia đình tôi ở trại Sáu, một trong những trại tập trung của dân tị nạn. Đó là căn cứ quân sự Mỹ, rút đi để trống. Lúc chúng tôi đến trại đã có người ở, may sao vẫn còn chỗ. Gia đình tôi được ở một căn nhà vòm phía trước có hầm tránh đạn. Trại có nhà thờ, lớp học, đặc biệt có nhà xác. Những nơi này được dựng tạm sơ sài. Trước cuộc sống luôn bị đe dọa bởi chiến tranh, con người chỉ biết cầu xin Thượng Đế ban phước.
Đêm giấc ngủ mơ màng, ác mộng vẫn còn đó, nửa đêm về sáng, đạn pháo với tiếng hú kéo dài chạm điểm rơi vang dư âm của sự chấn động. Bọn con nít hay bắt chước tiếng nổ ám ảnh, âm thanh chết chóc trong những trò chơi pháo kích “hú…xình…” sáng mai nhà xác đã có người. Đối diện với trại Sáu có trại Năm cách nhau một con đường nhựa, trại vẫn còn lính Mỹ chưa rút. Những trái đạn pháo đêm đêm rơi chậm xuống trại Sáu với người dân vô tội.
Giữa biến loạn cuộc đời. Chúng tôi những đứa trẻ vẫn có bạn chơi chung, được đi học, vô tư hồn nhiên, qua một đêm không biết ai nằm trong nhà xác lạnh tanh đó. Con đường nhựa dẫn lên chùa Non Nước, chùa tọa lạc trên núi với nhiều thạch động rất đẹp. Những người thợ chạm khắc tượng đá, đồ lưu niệm, vòng đá trang sức. Khuôn mặt họ phủ đầy bụi trắng qua lớp bảo hộ. Tôi tò mò, thích thú khi chạm nhẹ vào những đồ vật. Một lần được cô giáo cho cả lớp đi thăm chùa Non Nước. Lớp học đó chỉ được một niên khóa rồi kết thúc. Gia đình tôi lên đường vô Nam theo chương trình di dân lập ấp dưới sự dẫn dắt của một vị linh mục.
Một vùng đất mới có con đường giống nhau, ngôi nhà giống nhau. Được chia làm bốn thôn với tên làng mang theo. Đó là một thung lũng nằm dưới chân núi giữa có trục đường chạy thẳng ra biển. Hình như nắng mưa cũng đi theo không nỡ ở lại, mùa Hè nắng gió hanh khô nhắc mọi người nhớ đến cơn gió Lào khắc nghiệt, mùa Đông sáng tối lạnh tê tái làm khổ người già. Mưa cũng sụt sùi nhớ làng quê.
Cuộc sống mới bắt đầu để thích nghi và yêu thương mảnh đất mới cho chúng tôi nơi dừng chân. Dù ở đâu cũng là quê hương. Nhưng nơi mình cắm cây cột xuống làm nhà, nơi sáng tối thức dậy và đi ngủ cùng mặt trời, nơi con đường mình đi qua đã quen bước bàn chân, sự yêu thương, gắn bó đó thật sâu sắc. Chúng tôi có quê hương thứ hai, chưa xa vẫn nhớ mỗi ngày. Khi chiều xuống xa xa núi tím thẫm, đậm nhạt hắt bóng từ tia nắng chiều còn lại, những cột khói bốc lên nghiêng theo chiều gió như mây xám bồng bềnh vắt ngang, tựa chiếc khăn choàng cổ của thiếu nữ hững hờ duyên dáng. Trông thật đẹp!
Ba đi làm, chị em tôi đi học, nghề nội trợ vẫn ưu tiên cho mẹ. Cuộc chiến ngoài kia chưa dừng lại. Tin chiến sự trên radio mỗi ngày, tôi thấy ánh mắt ba lo lắng, thấy mẹ thấp thỏm vô ra. Còn tôi, mỗi ngày trên con đường đến trường với các bạn trong tà áo dài trắng, nay đã biết làm duyên, tung tăng cùng nắng gió, lặng yên lắng nghe như uống từng lời khi cô giáo văn bình thơ tác giả, biết bao khao khát, học hỏi, kiếm tìm với ước mơ. Giống chăng những đóa hoa mọc trên vách đá với điều kiện khắc nghiệt vẫn vươn lên để tìm ánh sáng.
Cuộc chiến lại bùng lên dữ dội. Tháng Tư 1975, tin thất thủ nhiều nơi, gia đình tôi khăn gói theo đoàn người chạy giặc. Đi bộ trên đoạn đường 30km xuống biển, đoàn người với những cộ xe bò ngày thường đi rẫy, trẻ con được ngồi trên đó, chị em tôi chạy lấp xấp theo ba mẹ cho kịp mọi người, cố đua thời gian với sự rượt đuổi của chiến tranh. Đến tối khi không còn đi nỗi, ghé vào một nhà thờ bên đường xin ngủ nhờ, đàn bà, trẻ con vào trong, đàn ông ngồi ngoài sân, họ hút thuốc, nhỏ to bàn chuyện thế sự.
Tôi không tài nào ngủ được, dù đã nằm co sát vào chị em mình để tìm hơi ấm, để xua tan sợ hãi bên cạnh người thân. Qua nửa đêm, tất cả đàn ông vào hết bên trong, đóng chặt cửa. Nằm trên nền nhà, tôi nghe rất rõ tiếng chuyển động của một đoàn quân đang bước rất nhanh, người lớn căng mắt nín thở, họ thì thầm với nhau “Việt cộng về rồi…”.
Tiếng bước chân nhỏ dần rồi mất hẳn. Trời chưa sáng, cả đoàn tiếp tục lên đường. Tôi lóng tai nghe chuyện người lớn. Theo chương trình, chúng tôi đi về biển Ninh Chữ, có tàu đón vào Long Hải có đoàn đi trước, cùng vị linh mục di dân ra nước ngoài. Đêm đó trên bãi biển gia đình tôi căng bạt ngủ tạm như bao nhiêu gia đình khác. Một đêm dưới trời sao nghe sóng biển rì rào, nghe được nhiều câu chuyện hoang đường từ người lớn. Họ truyền tai nhau: “Một đàn sâu lớn từ trong rừng bò ngang qua quốc lộ, khiến ai cũng ghê sợ, rồi chuyện hòn đá dao ở làng Tri Thủy, quê hương Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bao đời nay bị đổ nghiêng.”
Đêm đó, tôi đi cùng mấy anh chị lớn, sau một nhóm chừng năm người lạ mặt, giọng nói rất lạ, tò mò chúng tôi đi theo cách xa, núp sau một cồn cát căng mắt để nhìn cho rõ. Hai người cầm súng, bịt mắt mấy người còn lại, họ đọc gì đó trên một tờ giấy, rồi tiếng súng nổ… Bóng người ngã xuống bờ sóng chênh chao, chìm vào đêm lặng. Tôi run lẩy bẩy với hình ảnh trước mắt, cả bọn ngồi thu mình nín thở, chờ hai người lạ đi rồi, chúng tôi ù chạy về lán trại.
Sáng hôm sau Phan Rang thất thủ. Quân cách mạng tiếp quản, ra lệnh cho người dân ai ở đâu trở về nơi ấy. Gia đình tôi đã không kịp một chuyến đi. Cả đoàn năm ấy trên bãi biển, chúng tôi, những sinh mệnh bé nhỏ loay hoay giữa biến loạn cuộc đời.
Trở về. Một trang mới với những bước thăng trầm… Ba đi học tập cải tạo. Nghề nội trợ của mẹ không còn, bởi bươn chải, nuôi con. Chị em chúng tôi khó khăn với học hành, thi cử, công việc. Thậm chí trong tình yêu, lý lịch cũng vạch rõ ranh giới… Như những chú chim non xao xác bay giữa trời giông bão để rồi thương tích đầy mình.
Người anh họ đưa tôi về xóm nhà ngày đó. Tôi đi chậm để tìm lại những xưa cũ… Tất cả đã thay đổi. Chỉ có lăng ông tổ chứng minh vùng đất mấy đời họ nhà tôi. Đứng trên đất quê lòng bồi hồi xúc động… Một ngôi nhà mới khang trang với chủ nhân mới. Bao cảm xúc trở về trong phút chốc, tôi nghẹn ngào quay mặt giấu giọt nước mắt. Giếng nước trong veo, cây cam nhà ngoại sát bên vẫn còn, dù đã già cỗi với thời gian.
Chủ nhà gặp chúng tôi lên tiếng hỏi: “Có phải về lấy lại đất không?” Tôi nhìn họ trả lời: “Không! Chúng tôi chỉ ghé thăm”. Tôi đứng bên giếng nước hồi lâu, mặc cho chủ nhà mời vào phòng khách, bàn tay chạm nhẹ vào thành giếng, cảm giác mát lạnh, không muốn rời đi. Mấy mươi năm với nhiều thay đổi trong cuộc sống, quê hương luôn có chỗ trong trái tim tôi cùng nỗi nhớ lắt lay, sâu thẳm, dẫu bộn bề mưu sinh.
Tôi thay ba vẫy chào mảnh đất quê, lỗi hẹn trở về, nhưng chắc một điều: Tình yêu ba luôn hướng về không ít hơn người đang sống trong nó, người nhận lấy mảnh đất này làm quê hương. Sự trở về trong tâm tưởng để giữ lấy yêu thương dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Làng quê ngày ấy…!
Lắng nghe tiếng gió đong đưa những hạt mưa bụi lắt lay, trong phút chốc, hình ảnh ngoại ngồi ôm lồng ấp, với nụ cười thật hiền bên chiều cuối Đông như đang nhìn tôi. Một hương vị rất riêng ký ức giữ lại… Cho tôi còn nhớ lối về.
Sài Gòn tháng 10|2021
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.