Từ cậu bé chăn trâu đến tiến sĩ kinh tế

Minh họa: Pixabay

Thưa các bạn, câu chuyện tôi muốn kể sau đây về “Sức Vươn Lên Của Cậu Bé Chăn Trâu 11 Tuổi” tên Quảng. Quảng và tôi có một nhân duyên kỳ lạ có lẽ kết lại từ bao kiếp trước để run rủi kiếp này có những ràng buộc dù muốn hay không đã trở thành con nuôi của tôi.

Quảng sinh ra và lớn lên tại núi đồi Yên Bái, vùng sâu và xa, nơi đa số toàn người sắc tộc thiểu số, đêm đêm chỉ có tiếng ếch nhái ễnh ương nỉ non hay khỉ ho cò gáy từ rừng xa vọng lại.

Núi rừng Yên Bái nơi Quảng được sinh ra.

Nếu năm 1975 vùng kinh tế mới, cộng sản dành cho người dân miền Nam thuộc thành phần tư sản và “ngụy quân, ngụy quyền” bị đẩy ra khỏi thành phố về nơi hẻo lánh rừng núi hoang vu đất cằn cày lên sỏi đá; thì năm 1954 tại miền Bắc, những nơi rừng thiêng nước độc giáp với biên giới Trung Quốc như Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái… v.v… họ đày thành phần “trí, phú, địa, hào” bị kết tội “phản động” dìm xuống tận cùng đất đen, không một cơ hội nào ngoi lên được.

Chính nơi này, năm 1969 Quảng được sinh ra, cất tiếng khóc chào đời rồi chịu mọi nỗi gian khổ vất vả trong cuộc sống. Quảng thứ giữa trong bảy anh chị em (ba trai, bốn gái) và là con người em trai của chồng tôi. Hồi nhỏ công việc thường nhật của Quảng chỉ chăn trâu, học hành lõm bõm vài ba chữ mà còn dốt và tinh nghịch phá phách nhất nhà.

Sau 1975, liên lạc được với miền Nam, hay tin chúng tôi hiếm muộn, nhà đơn chiếc, chồng tôi đi tù cải tạo, chỉ còn tôi và cụ bố chồng 70 tuổi; cụ không họ hàng thân thích vì năm 1954 cụ di cư vào Nam với mỗi chồng tôi. Nắm lấy cơ hội này, người em trai của chồng tôi muốn… tống Quảng (lúc đó sáu tuổi) cho làm con nuôi tôi để tôi hủ hỉ đỡ buồn, phần cho Quảng gần ông nội, một nhà nho cực kỳ nghiêm khắc để dạy bảo Quảng; phần khác vì trong Nam, Quảng có cơ hội học hành dù sao vẫn hơn miền núi. Tiếc là hồi đó, chính tôi còn không nuôi được thân, nhà chồng lại nghèo, tôi vắt giò lên cổ kiếm cơm, tôi lấy gì nuôi Quảng?! Rồi trước cuộc sống bế tắc, một mình, tôi tìm đường vượt biên.

Ngày tôi định cư tại Thụy Sĩ, cũng là lúc Quảng được gởi vào Sài Gòn với nhiệm vụ trông nom săn sóc ông nội thay tôi. Lúc đó, Quảng đúng 11 tuổi. Có lẽ gian khổ quen, bẩm sinh lại táy máy tinh nghịch, tiềm năng của người tháo vát nhanh nhẹn, Quảng bắt kịp nhanh với đời sống trong Nam. Hằng ngày ngoài giờ học, Quảng phải đi chợ, nấu nướng, quét dọn nhà cửa, giặt giũ cho mình và ông nội. Tài chánh, có tôi ở hải ngoại gởi về, đương nhiên không phải lo nghĩ gì nữa.

Phải nói, số Quảng rất đặc biệt. Trong Nam, Quảng gặp nhiều kỳ duyên. Những nhân tài miền Nam từ văn cho tới võ, nhất là kịp lúc chồng tôi năm 1984 cùng đa số sĩ quan ào ạt từ tù trở về, Quảng may mắn được nhận cho thọ giáo. Về võ, Quảng được gởi học với ông Đẩu, võ sư của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Về văn, Quảng được ông nội và chồng tôi, hướng dẫn đọc hết tủ sách còn sót lại trong nhà, sau khi một số đã bị đốt trong chiến dịch “Bài trừ văn hóa đồi trụy Mỹ, Ngụy” theo chính sách “tẩy não” dân miền Nam của cộng sản. Anh văn, Quảng học với cô giáo du học Hoa Kỳ về thăm quê hương bị kẹt tại Việt Nam…

Mười tám tuổi, Quảng khả dĩ đủ vốn liếng hộ thân: Kiến thức rộng, biết viết văn, làm thơ, thông thạo Anh văn và võ giỏi. Tại trường, Quảng luôn được đề cử làm thông dịch cho trường (cả sau này, khi Quảng vượt biên đến đảo Pulau Bidong, Malaysia, Quảng cũng làm thông dịch viên cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc nữa). Về võ, Quảng có thể dùng cùi chỏ đập nát một quả sầu riêng, hay quả dừa xanh, dùng hai ngón tay đập bể quả cau, dùng sắt đập vào khuỷu chân, xương không gãy mà sắt cong, gồng mình dùng mác đâm cổ mà không lủng. Hồi đó, Quảng được mời đi biểu diễn hoài tại Nhà hát lớn Thành phố khi có phái đoàn nước ngoài đến Việt Nam thăm viếng.

Quảng biểu diễn võ thuật (ảnh tác giả gửi)

Những pha võ thuật lôi cuốn của Quảng (ảnh tác giả gửi)

Tiếc thay, với khả năng như thế, học xong tú tài, tương lai Quảng bị khựng lại, mờ mịt như đêm ba mươi khi sơ yếu lý lịch không là khuôn vàng thước ngọc để cộng sản đo đếm tài năng mà chỉ để phân biệt thù hay bạn. Chính sách “hồng hơn chuyên” hay chủ trương “lý lịch trao quyền” của chế độ cộng sản chỉ đưa người của họ vào những địa vị quan trọng, đã giết chết bao người con ưu tú của dân tộc, nếu ông, cha họ khác chính kiến với chính quyền. Thật là một sự lãng phí tiềm năng chất xám không thể nghĩ bàn khi trí thức bị đẩy vào lao tù, bị đày đi vùng kinh tế mới.

Với lý lịch xét ba đời của chế độ, lại thêm Quảng không có hộ khẩu tại Sài Gòn, Quảng như kẻ sống bên lề xã hội, không được tiếp tục đại học. Trước tương lai mờ mịt, Quảng mơ ước tung bay. Và Quảng tìm cách vượt biên…

Ngày Quảng đến được Pulau Bidong, Malaysia năm 1989 cũng là lúc có lệnh đình chỉ người tị nạn đến các nước thứ ba. Chồng tôi đã đến Thụy Sĩ trước Quảng hai năm, chúng tôi vẫn chưa có con, vin vào lý do này, chúng tôi làm đơn xin chính phủ Thụy Sĩ xét nhân đạo nhận Quảng làm con nuôi.

Tại Thụy Sĩ

Ngày Quảng đến Thụy Sĩ, chuyến bay đáp xuống phi trường lúc sáu giờ sáng. Đây là lần đầu tiên tôi và Quảng gặp nhau. Đón Quảng với lòng lâng lâng vui sướng, tôi được “làm mẹ” dù đó là đứa con tôi không có diễm phúc sinh ra. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng vẫn là thứ tình cảm tiềm ẩn trong tim mọi người đàn bà, khi có cơ hội, sẽ bột phát một cách tự nhiên, và tình yêu thương chân thành thì không phân biệt do sanh hay dưỡng dục.

Về tới nhà, sau khi ăn trưa và nghỉ trưa, tôi đưa Quảng ra phố ghi danh học tiếng Đức, sợ trễ ngày phải đợi khóa sau mất thời gian. Trường ngôn ngữ mang tên “Thông Dịch” là một trường tư, giáo viên chuyên nghiệp, giáo trình quy mô đầy đủ, dạy cấp tốc mỗi buổi chiều hơn hai tiếng với ba trình độ: Một, hai, ba. Mỗi khóa sáu tháng, học phí 3,800 quan Thụy sĩ tương đương gần $4,000. Nghỉ ngơi được một tuần, Quảng bắt đầu nhập học.

Tiếng Đức rất khó, nhất là văn phạm. Nội mạo từ vừa giống đực, giống cái, số nhiều, còn có nửa đực nửa cái. Thêm tĩnh từ, giới từ, trạng từ thiên biến vạn hóa thay đổi luôn theo từng mạo từ và ý nghĩa của từng câu. Động từ thì biến thể lung tung, lúc nằm đầu câu, lúc cuối câu, lúc ngược, lúc xuôi, đôi khi nói một hơi quên phứt cái động từ. Ví dụ “Tôi muốn đi học” nếu tiếng Anh viết “I want to go to school” thì tiếng Đức phải nói “Tôi muốn học đi” như thế tiếng Anh sẽ viết “I want to school go”. Đã vậy, một số động từ khi sử dụng còn bị chẻ đôi. Khúc đầu lại ném về cuối câu, khúc sau thì nằm phía trước. Còn con số như 21 tuổi, thì số 1 đọc trước nên đôi khi tưởng 12 tuổi, chao ôi, vô cùng rắc rối, khó ơi là khó!

Chưa hết. Thụy Sĩ là một nước nhỏ, diện tích chỉ 42,300 cây số vuông, dân số gần chín triệu mà nói tới ba thứ tiếng. Giáp biên giới Pháp nói tiếng Pháp, giáp Ý nói tiếng Ý và giáp Đức, tuy sử dụng tiếng Đức nhưng ngộ một điều dùng để viết trong lãnh vực hành chánh mà không nói. Họ chỉ mở miệng nói tiếng Đức khi giao tiếp với người nước ngoài, còn họ với nhau dùng tiếng Thụy Sĩ, một ngôn ngữ để nói mà không viết. Do vậy, rất khó cho người tị nạn mới đến định cư vùng nói tiếng Đức. Tuy vậy, nhờ Quảng vốn giỏi tiếng Anh, lại thêm có khiếu ngoại ngữ, trí nhớ rất tốt nên Quảng… “bơi” kịp, không đuối.

Quảng lúc mới đến phi trường Zürich (ảnh tác giả gửi)

Trong khi Quảng vật lộn với tiếng Đức, tôi thăm dò đường đi nước bước cho tương lai Quảng. Tại Thụy Sĩ, sinh viên đại học chỉ chiếm 6% so với người bản xứ, đối với Việt Nam thì đếm trên đầu ngón tay. Đa số người tị nạn đến Thụy Sĩ chỉ đi làm ngay hay học nghề. Mà nghề cũng vô vàn nhiêu khê, ngoài kén tuổi, nội học nghề may, y tá, uốn tóc, làm bánh, bán hàng, sửa xe vớ vẩn…v.v… đòi hỏi đào tạo từ hai đến ba năm, có khi bốn năm. Thư ký tùy ngành, đôi khi cần thông thạo hai ngoại ngữ. Thử hỏi đại học sẽ khó thế nào (?). Ngay từ lớp chín, nhà trường đã sàng lọc khả năng học sinh, ai muốn chọn con đường học vấn đi lên phải qua một kỳ thi (như bằng Trung học của ta xưa vậy) mới cho lên lớp mười. Mà ngay lớp mười, học không nổi cũng đẩy ra cho học nghề thôi. Bậc trung học, đúng mười ba năm (có tiểu bang phải học mười bốn năm) mới chuẩn bị thi tú tài.

Quảng đã hai mươi tuổi chân ướt chân ráo đến Thụy Sĩ, tiếng Đức còn i tờ, nên bạn bè, người quen (kể cả cô giáo đang dạy tiếng Đức) cũng khuyên Quảng, đừng phiêu lưu mơ tưởng chuyện cao xa ở đại học phí thời gian lại tốn kém, hãy học một nghề cho vững chắc rồi tìm cách đi lên không muộn.

Đại học Kinh tế St. Gallen, Thụy Sĩ

Riêng tôi hoàn toàn nghĩ khác. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông” (câu nói bất hủ của cụ Nguyễn Bá Học). Phần nữa, tôi dựa quá trình học tập của Quảng từ Việt Nam, chỉ vài năm mà có thành quả hơn người, trò chuyện và xem bài vở Quảng học, tôi đánh giá tiềm năng Quảng sẽ tiến xa theo cấp số nhân. Tôi thường nói với Quảng: “Đường đi dễ là con đường xuống dốc. Đường đi khó càng gian nan mới dẫn đến vinh quang”. Và tôi đề nghị Quảng thử.

Muốn vào đại học tại Thụy Sĩ đối với người nước ngoài phải qua lớp dự bị học một năm với bốn lần thi sàng lọc. Tốt nghiệp xong coi như tương đương bằng tú tài. Nhưng ngay lần đầu hay cả lần cuối bị rớt, đều bị văng ra ngoài.

Để theo kịp lớp dự bị, Thụy Sĩ tổ chức khóa ba tháng tiếng Đức dạy toàn danh từ chuyên môn, học phí cao ngất ngưỡng. Tôi đã ghi danh cho Quảng để khi vừa học xong khóa sáu tháng tại trường Thông Dịch, sẽ có chỗ theo học lớp đặc biệt này.

Sau chín tháng học tiếng Đức, Quảng nhập học lớp dự bị tại một thành phố khác, cách nhà tôi hơn ba tiếng xe lửa. Đúng như tôi dự đoán, Quảng đã thong dong trên đường học vấn. Không kể sự khuyến khích hỗ trợ hết mình của chúng tôi, Quảng cũng nỗ lực không kém. Nhiều đêm Quảng thức suốt sáng để tra tự điển cho hết chữ khó. Cũng may, Quảng có trí nhớ tốt, một trí nhớ đặc biệt, hiếm thấy từ những người khác. Quảng học chữ nào nhớ chữ đó, đọc cuốn sách nào là nhớ luôn nội dung từng trang trong cuốn sách đó, do vậy cuối cùng, Quảng tốt nghiệp dự bị dễ dàng mà còn là sinh viên giỏi với điểm số cao.

Khung trời đại học thênh thang mở rộng. Quảng được phép ghi tên học bất cứ ngành nào theo tiêu chí đại học tại Thụy Sĩ, không phải thi tuyển, nhưng nhà trường sẽ sàng lọc sinh viên ngay khi đang học. Mỗi năm mỗi thi, ngoài thi viết còn thi vấn đáp. Sẽ có hai giáo sư lạ cùng một luật sư “áp đảo tinh thần sinh viên”, họ quay như chong chóng câu hỏi tự mình bốc lấy. Rớt hai lần là vĩnh viễn không được phép học ngành đó nữa.

Quảng sau khi học xong tiến sĩ kinh tế và đi làm (ảnh tác giả gửi)

Quảng ghi danh học kinh tế, miệt mài ngày đêm với sách đèn. Tôi vốn quý sự học, thấy Quảng chăm chỉ, siêng năng, tôi ủng hộ hết mình trên mọi phương diện từ vật chất lẫn tinh thần để Quảng không phải phân tâm bất cứ việc gì. Tôi thương Quảng, quý Quảng như thương một đứa trẻ mồ côi (xa cha mẹ từ nhỏ) thiếu sự chăm sóc của gia đình, biết vươn lên từ gian khổ.

Và để đáp lại sự mong đợi của mọi người, nhất là tấm lòng tôi, Quảng chẳng những theo đuổi kịp đại học mà còn là sinh viên xuất sắc! Sau một thời gian theo học, Quảng tốt nghiệp đại học với văn bằng danh dự. Với số điểm cao, Quảng được phép tiếp tục ghi danh nhập học lấy chương trình tiến sĩ tại trường Đại học Kinh tế St. Gallen, một ngôi trường nổi tiếng xếp hạng thứ tư của Âu châu năm 2019, đứng đầu với ngành Quản trị.

Vào đúng ba mươi tuổi, Quảng cầm về mảnh bằng tiến sĩ kinh tế với điểm hạng cao. Chỉ tiếc là ngày vinh quang của Quảng, ông nội đã qui tiên để không chứng kiến được thành quả của con cháu mình.

Riêng tôi, còn niềm vui nào cho tôi, không chỉ từ sự thành công của Quảng mà tôi còn chứng minh, nói lên được điều sai lầm của chính sách cộng sản đố kỵ, trù dập, phân biệt đối xử thành phần bất đồng chánh kiến dẫn đến tiêu diệt tinh hoa của đất nước. Có thể xem họ là tội đồ của dân tộc được chăng!

Thụy Sĩ, Tháng Một 2022

________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: