Trời se lạnh, nắng như mỏng hơn, màu trong suốt. Khoảng thời gian giao mùa cuối Đông và đầu Xuân thật dễ chịu. Cảm nhận không khí này, người ta hay nói “Trời giống như Tết…” Nhìn đâu cũng thấy vội vã… Thời gian và không gian gợi cho tôi nhớ xóm chợ ngày ấy. Ngày tôi còn lạ lẫm trên đất Sài Gòn.
Con Lành chưa thấy người, đã nghe tiếng:
– Nè! Mấy bà coi tui mua cái áo này đẹp không?
– Có thấy đâu, biết đẹp hay không! – Tiếng con Hai bán hột vịt lộn vang lên.
– Đây nè! Đây nè!
Vừa dài giọng ra, mở giỏ xách khoe với mọi người áo mới. Thì ra một cái áo đầm hai dây. Nó vừa ướm lên người săm soi, nghiêng qua, quay lại khoe mọi người ra điều thích thú.
– Mày mặc áo này giống cưa sừng làm nghé quá! Chị Tám bún riêu cũng góp ý kiến.
Con Lành quay lại nhìn chị Tám liếc một cái sắc lẻm, đỏng đảnh trả lời:
– Bà làm như tui già lắm không bằng. Tui mua đặng tết về quê mặc. Bây giờ tụi bạn tui mặc đồ xì tin lắm bà ơi!
Tôi bật cười. Xóm chợ coi vậy mà vui. Cứ ba giờ chiều, mọi người lỉnh kỉnh dọn hàng. Nói là chợ chứ thật ra chỉ là một dãy hàng ăn bán lề đường trong khu phố chợ. Không thiếu món gì, từ món ăn no cho đến ăn vặt. Sài Gòn chiều về đêm nhộn nhịp với ẩm thực đường phố bày ra.
Gian hàng của tôi sát bên hàng chị Tám bún riêu. Mấy chị em bán gần nhau, lúc vắng khách hay qua lại chuyện trò. Con Lành đã ngoài ba mươi tuổi. Lấy chồng năm năm rồi chưa có con. Chồng nó lớn tuổi hơn, rất mê con. Hai vợ chồng bán cơm tấm đêm với kế hoạch để dành tiền sinh con.
Con Hai hột vịt lộn nhà tít tận miền Tây. Vô được nhà nó phải đi qua hai cái cầu tre lắc lẻo. Ba mẹ ở quê làm thuê. Em nó học giỏi, thi đậu đại học. Thế là nó theo em khăn gói lên Sài Gòn mướn phòng trọ, buôn bán kiếm tiền nuôi em ăn học. Mỗi lúc kể về em, mắt nó sáng lên. Em là niềm tự hào của gia đình và xóm quê nhà nó.
Gia đình chị Tám có hai con đang tuổi ăn học, từ ngoài Trung vô. Chồng chị làm nghề xây dựng, nhưng lúc rỗi rảnh, ai kêu gì cũng làm. Hai con chị Tám rất siêng học, vợ chồng chị dồn cả tương lai vào hai con.
Muốn bơi ra biển lớn mênh mông… Gia đình nhỏ của tôi cũng không ngoại lệ. Hai con trai đang tuổi đi học. Cuộc sống đưa đẩy và rồi cũng khăn gói làm dân nhập cư thành phố. Đồng vốn lận lưng ít ỏi không nhiều lựa chọn. Cái nghề bao năm đèn sách tạm gác qua một bên. Để tồn tại, tôi chọn ra chợ bán hàng ăn chiều tối. Trời thương, cho bán đắt hàng, đêm nào cũng hết sạch. Cuộc sống gia đình dễ thở hơn. Tôi không nghĩ nhiều. Thấy trước mặt có đường là bước, đây là một bước trong những bước dài của cuộc đời tôi.
Hai con được đi học. Chồng kiếm việc đôi ba chỗ, vẫn chưa vừa ý. Sống và sinh hoạt gói gọn trong căn nhà trọ chật chội. Hy vọng ngày một vươn lên. Những người đàn bà như tôi, như những chị em xóm chợ. Quanh năm, suốt tháng vì gia đình, người thân, họ quên mất tuổi xuân. Cứ như cối xay gió không ngừng nghỉ. Một tháng ba mươi ngày, một năm mười hai tháng. Vất vả không quản ngại, họ có biết nghỉ ngơi là gì?
Gần Tết. Xóm chợ tấp nập hơn. Mọi người xôn xao tính chuyện về quê ăn Tết. Tôi chạnh lòng. Quê tôi đi hơn nửa ngày là tới. Vậy mà đã hai cái Tết tôi chưa về. Nhớ cha mẹ, anh chị em, chợ quê và bạn bè. Lại hẹn với lòng: “Thôi tới Hè cho con về thăm ngoại luôn.” Nén tiếng thở dài, chợt bâng khuâng… Từ ngày có chồng, cuộc sống gia đình riêng cuốn lấy. Cảm giác đang chênh chao giữa dòng, chỉ cần lơi đi là bị nhấn chìm không phương hướng. Thời gian để quan tâm, chăm sóc cha mẹ không còn. Cũng may nhà đông anh chị em ở gần cũng đỡ.
Đêm, khi thời gian và không gian lắng xuống, trong sự im lìm, vắng lặng, trăn trở xốn xang cứ như những giọt mưa đầu mùa nặng hạt rơi xuống dồn nén.
Vừa dọn hàng xong, tôi hỏi chị Tám:
– Tết này chị có về quê không?
Chị nhìn xa xăm rồi nói:
– Chắc không! Cũng nhớ nhà, muốn về lắm. Nhưng mỗi lần về cả nhà tốn kém nhiều. Mùa này mình lại bán đắt hàng. Kiếm thêm chút tiền lo cho con. Biết sao được. Chị nén tiếng thở dài.
Quê chị ở Quảng Ngãi, còn người mẹ sống với anh cả. Những người con xa quê, xẻ đôi yêu thương, xẻ đôi nỗi lòng. Có bao giờ thôi nhớ! Nỗi nhớ lâu dần co lại, chai lì. Thỉnh thoảng lại đau nhức.
Tôi chuẩn bị hàng để bán đầu năm. Mồng hai Tết đã khai trương. Mấy ngày này, khách đi ăn không tính toán giá cả, lại ít người bán, nên thu nhập gấp hai ngày thường. Ngày lễ, Tết. Mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi. Với những người dân nhập cư như chị em xóm chợ chúng tôi là một điều xa xỉ. Cuộc sống chưa cho phép. Kiếm được thêm chút tiền trong quyết tâm vượt khó, vươn lên đó là niềm vui.
Đã qua một năm, chẳng dư được bao nhiêu. Tiền nhà trọ, hai con đi học, sinh hoạt gia đình. Tiền kiếm được từ việc buôn bán nhỏ, cộng thêm đồng lương ít ỏi của chồng. Việc thoát nghèo là một điều không thể! Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi bàn với chồng:
– Anh à! Em thấy mình làm như thế này không khá được. Hay anh đổi việc đi.
Chồng quay lại nhìn tôi rồi hỏi:
– Em nghĩ gì mà nói vậy?
Suy nghĩ một chút tôi trả lời:
– Cuộc sống người dân Sài Gòn ngày một phát triển. Ai cũng quý sức khỏe. Hay anh đi tập gym. Rồi xin coi phòng cho người ta. Sau đó đi học huấn luyện viên thể hình. Em kiếm vốn. Mình mở phòng tập.
Chồng ngồi bật dậy:
– Em nói thiệt hay nói chơi?
– Em nói thiệt. Có như vậy mới mong khá hơn được.
Đêm đó anh cứ trăn trở khó ngủ. Còn tôi là cả một sự quyết tâm!
Kế hoạch để mở một phòng gym kéo dài năm năm… Thời gian cho tôi tạo uy tín trong mua bán, vừa đủ để có được yêu thương của mọi người. Chồng năm năm tập gym, có bằng huấn luyện viên, có nhiều bạn bè và có được ngoại hình chuẩn. Đã đến lúc tôi có đủ lòng tin để thực hiện bước tiến. Đàn bà ở chợ vậy mà hay. Có thể chơi huê hụi, vay mượn rồi trả dần từng tháng. Nhờ vậy giúp nhau giải quyết được nhiều việc. Vài chân huê cộng với số tiền dành dụm năm năm. Một phòng gym rộng rãi khang trang ra đời.
Xóm chợ thay đổi nhiều. Con Lành cũng có một em bé. Vợ chồng nó vui còn hơn Tết. Con Hai hột vịt lộn – Em nó đã ra trường, kiếm được việc làm ở thành phố, thương chị Hai tần tảo nên cố gắng nhiều.
Hôm qua chị Tám khoe. Kỳ thi đại học năm nay con chị đủ điểm vô trường Y. Chị vừa nói vừa rớt nước mắt. Những giọt nước mắt vui mừng bù lại bao gian khổ ngày đêm vợ chồng chị không quản ngại. Nghe chị bùi ngùi tôi không nén nỗi xúc động.
Hai con trai tôi. Thằng lớn cấp hai, học trường Nguyễn Khuyến. Lên cấp ba đủ tiêu chuẩn vô trường điểm Lê Quý Đôn. Con trai nhỏ còn học cấp một. Tôi cũng vui với hạnh phúc của mình. Cả nhà cùng cố gắng. Ngày khai trương phòng gym, tôi nghỉ một buổi chợ, phụ với chồng và cũng để tận hưởng cảm giác của sự quyết tâm vươn lên. Nếu không từ bỏ ước mơ, với thời gian, giấc mơ đó rõ dần, đủ hình hài để trở thành sự thật.
Học viên đông. Nhạc sống động. Nhìn chồng vui rạng rỡ, tôi thấy thương anh. Tôi không muốn ai xem thường chồng mình. Vẫn biết trong cuộc sống vợ chồng có những hạt sạn, nhưng không vì những hạt sạn đó đổ bỏ cả nồi cơm. Tôi chỉ từ bỏ khi tận cùng cơ hội!
Đêm đó khi đóng cửa phòng tập. Kiểm lại số tiền thu được, tôi cảm giác tay mình nhẹ hẫng. Có thể cầm bút để vẽ ước mơ… Thu nhập như thế này chẳng mấy chốc trả hết nợ. Mua nhà thành phố!
Hai con trai học bài xong đi ngủ. Trong căn phòng trọ mọi ngày nóng bức là thế, hôm nay cảm giác đó không còn. Một cảm giác thênh thang vì mình đã tìm ra lối đi… Cơn buồn ngủ mọi ngày trốn đâu mất. Nằm bên cạnh. Anh nói với tôi:
– Để hôm nào trả bớt nợ, mình nghỉ một bữa. Anh đưa em đi coi ca nhạc một lần cho biết.
Tôi rúc vào lòng anh, dạ nhỏ. Cảm giác thật hạnh phúc. Sự kiên trì và nhọc nhằn nhẹ hẩng. “Tạ ơn Thượng đế! Tạ ơn đời!”. Có lẽ sóng đã yên, gió đã lặng. Phía trước là bình minh.
Với một thời gian rất dài. Tính ra bằng tuổi con trai lớn. Đêm nay tôi có một giấc ngủ mà trên môi phảng phất nụ cười. Tôi đâu biết rằng ngoài kia giông bão đang đến gần. Cuốn trôi ước mơ, cuốn tôi và các con quăng lên bãi hoang cuộc đời. Tôi vừa mơ hồ thấy bóng dáng của ước mơ. Nhưng bước chân đó chênh chao, hụt hẫng và trượt dài đến hết tuổi tóc xanh của người đàn bà.
***
Tết rồi cũng qua. Xóm chợ trở lại sinh hoạt bình thường. Chỉ có tôi là không bình thường… Áp lực tiền bạc khiến tôi mệt mỏi. Vậy mà trong đầu lại tính. “Bây giờ anh ấy đã là ông chủ phòng tập lớn. Phải mua cho anh cái xe máy cho xứng tầm.” Phòng gym vẫn đông học viên. Trong đó là một xã hội thu nhỏ, đủ thành phần tốt xấu. Anh có thêm nhiều mối quan hệ mà tôi không yên lòng. Thu nhập ngày một ít đi, trong khi đó học viên ngày một đông hơn. Tôi hỏi thì anh trả lời:
– Làm ăn thì phải xã giao. Em đàn bà biết gì!
Cảm giác trong tôi mơ hồ lo sợ. Mỗi khi chiều tối xuống hiu hắt, trời chuyển từng cơn, mưa bắt đầu nặng hạt, tôi ngồi đếm từng giọt rơi với gánh hàng bên hè phố. Bụng cồn cào “Không biết giờ này chồng đang ở đâu?”. Miếng cơm nguội lạnh con mang ra, tôi không buồn mở nắp.
Có một khoảng cách nào đó ngày càng rõ nét giữa anh và mẹ con tôi. Anh ít giới thiệu vợ với những người quen sau này. Hình như anh ngại công việc tôi làm. “Bán vỉa hè”. Dạo này mấy chị em xóm chợ có điều gì đó khó hiểu. Cứ chụm đầu to nhỏ. Thấy tôi là nín bặt. Chị Tám hay nhìn tôi với cái nhìn ái ngại. Cho đến một hôm. Thấy hai cùi vé xem ca nhạc trong túi áo chồng, tôi như không thở được. Chiều hôm đó dọn hàng, như người mất hồn.
Chị Tám tinh ý hỏi:
– Em có sao không?
– Dạ không! Tôi trả lời như cái máy.
Chờ tôi dọn hàng xong. Chị lại gần kéo ghế ngồi xuống bên cạnh.
– Phải em và chồng có chuyện không?
Tôi quay lại nhìn chị như thầm hỏi “Chị biết chuyện gì?”. Giọng chị Tám hạ xuống từ từ.
– Có người thấy chồng em chở cô gái đi về hướng đó nhiều lần.
Tôi lặng đi. Tiếng chị Tám lùng bùng.
– Sao em không để ý?
Anh ấy khác nhiều. Tôi tìm đủ lý do để biện minh cho sự thay đổi đó. Tôi không tin anh từ bỏ ước mơ. Dưới chân tôi hụt hẫng. Đất như sụp xuống nuốt chửng linh hồn tôi. Thể xác vật vờ không trọng lực. Tôi cầu buổi chợ mau hết. Cảm giác tồi tệ này không biết còn hành hạ tôi đến bao lâu.
Đêm đó, nhắc các con học bài rồi đi ngủ sớm. Tôi ngồi đó bất động. Không gian đặc quánh với từng hơi thở ngột ngạt. Thời gian không muốn trôi, vì tôi đang đợi… Từng giây chậm chạp qua trong cái lắc lư của kim đồng hồ. Con mắt dán chặt vào sự chuyển động của thời gian. 12 giờ, rồi 1 giờ. Chợt nghe tiếng xe anh. Tim tôi nhảy lên đau nhói, như va phải tảng băng vỡ ra để rồi tan nát. Tôi phải đối diện sự thật!
Vào nhà thấy tôi ngồi đó anh lên tiếng:
– Làm gì giờ này chưa ngủ?
Giọng nhựa nhựa, mùi nước hoa lạ khiến tôi khó chịu. Tôi trả lời:
– Em có chuyện muốn nói với anh!
– Có chuyện gì mai nói. Tôi mệt!
Cổ họng tôi như ai đó bóp nghẹt, cố gắng lắm để bật ra từng chữ.
– Em muốn nói ngay bây giờ!
Không đợi phản ứng của anh. Tôi đưa hai cùi vé ca nhạc ra trước mặt chồng hỏi?
– Tuần rồi anh đi xem ca nhạc với ai vậy?
Chồng sững người ấp úng:
– Thì với bạn.
Bao nhiêu dồn nén, bào chữa cho chồng bấy lâu nay phản bội lại tôi. Từng chuyện cứ thế tuôn ra với nước mắt. Tôi khóc, cầu xin anh thương con, vì gia đình mà dừng lại. Khó khăn lắm mới vươn lên được một chút. Nợ nần chưa trả xong.
Mặc cho tôi nói… Anh như không cảm xúc. Trả lời:
– Bà lạc hậu. Đàn ông có bồ là chuyện bình thường. Từ nay chuyện bà tự lo. Phòng tập tôi lo. Nợ còn bao nhiêu tôi trả một nửa, bà trả một nửa.
Tôi ngồi chết lặng không nói thêm câu nào. Có phải khi đã trở mặt rồi thì không còn gì. Kể cả trách nhiệm và tự trọng. Trước khi đứng lên anh ấy còn nói thêm một câu:
– Bà nói nữa tôi không về luôn.
Anh quay lưng, mặc cho tôi rũ xuống run rẩy dưới nền nhà lạnh căm làm đông cứng mọi cảm xúc. Trong phút chốc tôi như lịm đi, cảm giác trôi bồng bềnh vô định. Chợt có một cánh tay quàng qua vai ôm chặt. “Mẹ!” Tôi chợt tỉnh.
– Con chưa ngủ sao? Nhìn hai mắt con đỏ hoe, tôi biết nó đã nghe tất cả. Con đủ lớn để hiểu vấn đề. Không muốn ảnh hưởng con nhiều, tôi lên tiếng:
– Mẹ không sao. Đi ngủ con. Mai còn đi học.
Qua hôm sau. Tôi nằm liệt giường không dậy nổi. Một ngày. Cho tôi một ngày với những nát tan yếu đuối. Tôi là tôi với chấp nhận thất bại. Không còn gồng người lên làm như giỏi lắm.
Tôi chợt nhớ đến con. Đến nợ. Đến tiền nhà. Tiền học. Vội vàng lau khô nước mắt.
Chợ chiều hàng tôi lại dọn. Chị em xóm chợ thấy tôi xúm lại, mỗi người hỏi một câu. Tôi muốn khóc quá! Khóc như một đứa trẻ không cầm giữ… Tôi trả lời cho qua. Buổi chợ từ đó lững thững chỉ còn một nửa tâm tư.
Tôi tự vấn bản thân. Mình đã sai ở đâu? Cuộc sống không chỉ cơm, áo, gạo, tiền. Còn những nhu cầu khác? Sự đánh đổi nào cũng có giá của nó. Chỉ cần giữ được nhu cầu cơ bản, nếu không cố gắng, kiên trì và hy sinh thì không bao giờ đến được đích. Không kiên định sẽ không còn là chính mình.
Sáng đi chợ ngang qua hàng quần áo. Cô em bán hàng đon đả:
– Có nhiều hàng mới về, chị ghé coi.
Đã bao lâu rồi mình chưa mua áo đẹp. Có muộn chăng? Nhìn thấy cái áo ngủ hoa văn nhẹ nhàng, lại vừa túi tiền. Thế là mua.
Đêm tan chợ, sự ồn ào lắng xuống. Qua một ngày mệt mỏi. Thời gian ít ỏi lãng đãng với suy tư… Chợt nhớ cái áo mới mua. Khoác thử lên người chiếc áo ngủ, xõa bung mái tóc gợn sóng tự nhiên. Soi mình trong gương. Phần thân thể đàn bà sau làn vải mỏng vẫn “đàn bà”. Đưa tay xoa nhẹ khuôn mặt đã bao lâu rồi không son phấn. Tôi nhớ chồng đã từng khen tôi xinh đẹp. Người đàn bà ngoài ba mươi tuổi quên soi lại nhan sắc. Tôi chỉ soi bóng mình trong nhọc nhằn, trong ước mơ của gia đình!
Tôi nghĩ: “Vợ, chồng cảm xúc phải từ trên xuống…”. Chợt thấy cái áo ngủ tội nghiệp, không giúp gì được cho hạnh phúc, còn làm tổn thương thêm lòng tự trọng. Trong tôi rỗng không! Cởi chiếc áo ngủ mặc lại bồ đồ ngắn mọi ngày. Chiếc áo lạc giữa mênh mông nỗi buồn trên chiếc móc nhôm chênh chao trong ánh sáng mờ nhạt.
Không ngủ được. Mở rộng cánh cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Cái lạnh ẩm hơi sương làm cho tôi tỉnh hơn. Màn đêm đặc quánh, xa xa thưa thớt đèn đường mệt mỏi trong bóng tối. Phố chợ im lìm. Đâu đó trong trong xót xa vang lên câu nói “Để hôm nào anh đưa em đi xem ca nhạc một lần cho biết.” Bao nhiêu năm ở Sài Gòn tôi chỉ thuộc những con đường quanh khu phố chợ. Mỉm cười chua chát. Tự nhủ thầm “Chuyện tưởng bình thường mà xa tít tầm tay”. Có nỗi buồn nào cứ vỗ về hồn tôi như sóng không buông. Tôi muốn hét lên!
Buồn như sóng cả từng cơn/ Xô nghiêng bờ cát sóng miên man buồn/ Buồn sâu đáy biển ngập hồn/ Ta như chết lặng trong tồn tại đau.
Giờ này anh đang ở đâu đó vui thâu đêm. Anh không có quyền hủy hoại ước mơ mà tôi đã truyền lửa cho các con để cùng nhau dệt từng ngày. Với thời gian rất dài. Ai trả lại thời gian cho tôi!
***
Thằng Hai thi tốt nghiệp. Rồi thi đại học. Nó nói với mẹ:
– Mẹ yên tâm. Con sẽ cố gắng hơn.
– Cám ơn con. Xoa đầu con mà nghe nhói buốt.
Thằng Ba ít nói hơn. Đi đâu hai anh em cũng không rời nhau, như sợ sệt một điều gì đó mơ hồ. Không còn tự tin nữa. Nhìn con tôi xót xa. Con đường về quê ăn Tết của mẹ con tôi như dài ra.
Tôi đã trả hết nợ. Con lớn vô đại học. Tôi quyết định chia tay xóm chợ. Muốn được thoát ra khỏi ám ảnh cái nhìn thương hại từ mọi người. Chị em níu kéo dặn dò “Bữa nào rảnh ghé chơi”. Tôi cười héo úa “Ừ. Thì ghé!”
Tôi đã bước ra khỏi nơi mà tôi đã dừng lại khá lâu với ước mơ bị đánh cắp. Bước phía trước với một quyết tâm. “Phải cho con học đến nơi…”. Có những người họ tốt lên khi có tiền và ngược lại…
Bao lâu rồi tôi chưa ghé thăm xóm chợ. Đi một vòng lớn. Thời gian dài bằng thanh xuân đời người đàn bà. Với một người mẹ như tôi, con cái trưởng thành tốt là gia tài lớn nhất. Chợt nhớ xóm chợ ngày giáp Tết! Nhớ những chị em thân như ruột thịt. Thời gian họ ở chợ nhiều hơn ở nhà. Khi gió Đông se lại làn da khô sạm, ngày giáp Tết vội vã. Những người phụ nữ vẫn miệt mài với hy vọng và ước mơ của mình.
___________
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.