Người thọ hơn 100 tuổi luôn là phụ nữ, vì sao?

(Hình minh họa: Andreea Popa/Unsplash)

Đây là thực tế đã được chứng minh, và có vẻ là một bí ẩn mà khoa học vẫn đang tìm hiểu để giải mã hoàn chỉnh.

Khoảng 85% người từ 100 tuổi trở lên là phụ nữ, chỉ 15% là nam giới, theo công bố từ các nghiên cứu lớn toàn cầu. Trong đó nhóm thọ từ 110 tuổi trở lên thì có tới 90% là phụ nữ. Tại Mỹ, theo thống kê phụ nữ sống lâu hơn nam giới khoảng sáu năm.

Những yếu tố nào tạo nên xu hướng này? Đầu tiên và cơ bản nhất phải kể đến yếu tố sinh học.

Về nhiễm sắc thể, phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X (XX), trong khi nam giới có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y (XY). Nhiễm sắc thể X chứa nhiều gen quan trọng liên quan đến hệ miễn dịch và sửa chữa DNA, giúp phụ nữ có hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn và khả năng phục hồi tốt hơn.

Về hormone, estrogen, hormone nữ, có tác dụng bảo vệ tim mạch và tăng cường hệ miễn dịch, trong khi testosterone, hormone nam, lại có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Theo một nghiên cứu năm 2020, liệu pháp estrogen sau mãn kinh cũng góp phần kéo dài tuổi thọ ở phụ nữ lớn tuổi.

Theo Tiến Sĩ Naushira Pandya từ đại học Nova Southeastern University, estrogen giúp giảm stress oxy hóa ở mô, cải thiện lipoprotein mật độ cao (HDL), đồng thời giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL). Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của phụ nữ lão hóa chậm hơn, giúp họ duy trì sức khỏe tốt hơn khi về già.

Lối sống có ảnh hưởng quan trọng đối với tuổi thọ.

Phụ nữ thường có xu hướng quan tâm đến sức khỏe bản thân hơn, đi gặp bác sĩ thường xuyên hơn nam giới.

Họ thường là người chăm lo cho gia đình, nên với tâm lý là “phải khỏe để lo cho con cháu, khỏe để khỏi phiền đến con,” họ rất sợ bị đau ốm.

Moti Gamburd, Giám đốc CARE Homecare, giải thích phụ nữ thường đảm nhận trách nhiệm chăm sóc gia đình, từ con cái đến người lớn tuổi. Điều này khuyến khích họ khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ hướng dẫn y tế và duy trì những thói quen chăm sóc bản thân.

Nam giới thường có khuynh hướng “bạt mạng” hơn, có nhiều hành vi nguy cơ cao hơn như hút thuốc, uống rượu bia nhiều, lái xe liều lĩnh cũng như làm các công việc nguy hiểm, và né tránh việc đi bác sĩ. Với tâm lý chủ quan, cho rằng mình có sức khỏe, không thể nào bệnh được!

Mạng lưới xã hội
Phụ nữ thường có mạng lưới xã hội rộng hơn và có xu hướng thoải mái khi tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác khi gặp khó khăn, điều này giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần.

Phụ nữ cũng xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội tốt hơn, điều này ảnh hưởng tích cực đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Nghiên cứu cho thấy sự thiếu kết nối xã hội có thể gây hại tương đương với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Nam giới thường ngại ngùng khi phải tìm kiếm sự hỗ trợ. Họ có xu hướng kìm nén cảm xúc, việc này có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Tất cả có thể giải thích sự kết hợp của các yếu tố sinh học, lối sống và xã hội đã tạo nên sự khác biệt về tuổi thọ giữa nam và nữ.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là tuổi thọ cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như di truyền, môi trường và điều kiện kinh tế xã hội.

Tiến Sĩ Pandya chỉ ra những người ở độ tuổi 90 và thậm chí là những người sống trăm tuổi có hệ thống hỗ trợ tốt hơn, nhiều kết nối xã hội hơn, theo đuổi các hoạt động có ý nghĩa, cảm thấy được coi trọng và có khiếu hài hước.

Một cái nhìn tích cực và chủ động về cuộc sống, cùng với việc chấp nhận quá trình lão hóa của chính mình, có thể giúp mọi người “vượt qua giới hạn gene của mình,” theo chuyên gia.

Trong một công trình nghiên cứu về lão hóa, mục đích sống và khả năng phục hồi là then chốt cho việc sống thọ.

Mặc dù ăn uống lành mạnh và tập thể dục, hoạt động góp phần vào sức khỏe, nhưng thái độ của một người về lão hóa và cách họ thể hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày, các mối quan hệ và cộng đồng là một phần của các yếu tố tạo nên một cuộc sống tốt đẹp.

Cũng theo các nhà nghiên cứu, bất kể tuổi tác hay giới tính, có một số thói quen có thể giúp bạn trở thành phiên bản khỏe mạnh nhất của chính mình và góp phần kéo dài tuổi thọ.

Những thói quen này bao gồm tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh, cân bằng, ngủ đủ giấc, tránh hút thuốc và giảm lượng rượu tiêu thụ. Những thói quen khác bao gồm tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, có cái nhìn tích cực, cảm giác có mục đích và làm theo những sở thích mang lại cho bạn niềm vui.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo