70 năm nhìn lại cuộc thanh trừng khủng khiếp tàn bạo nhất Việt Nam

Cảnh một địa chủ bị đấu tố và tra tấn. (Hình chụp qua phim tư liệu: World’s News/YouTube)

70 năm trước đây (1954), gia đình tôi bị chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ), còn được gọi là cuộc “Cách Mạng Trời Long Đất Lở” của ông Hồ và đảng CSVN ở miền bắc đấu tố tơi bời ngay trong làng tôi.

Và vào thời gian trước đó không xa, khi đang học trường trung học phổ thông Xuân Huy tại làng Sơn Lũng, tôi cũng đã được tham dự một phiên xử của Tòa Án Nhân Dân Đặc Biệt (TANDĐB) của chiến dịch này.

Kết thúc phiên xử, TANDĐB đã tuyên án tử hình một địa chủ của làng này, tên là Nguyễn Viết Đạo và ông bị xử bắn sau khi bị tuyên án trước mắt tôi và những người tham dự. Hình ảnh ông Đạo quằn quại trên đám cỏ khô hôm ấy, dù đã 70 năm trôi về quá khứ, nhưng vẫn còn in đậm nét trong tôi.

Vì vừa là nạn nhân lại vừa là nhân chứng sống trong cuộc CCRĐ này,  nên sau 70 nhìn lại cuộc CCRĐ này, tôi thấy cuộc CCRĐ thật vô cùng dã nam và mọi rợ, và chỉ có những con người không còn nhân tính mới có thể thực hiện được. Vì lẽ đó, tôi rất tâm đắc với ông Nguyễn Đăng Mạnh, một thành viên của một đội CCRĐ, sau năm 1955, viết trong cuốn hồi ký của ông (HN, 2008 ; tr. 41-42) như sau: “Cải cách ruộng đất đúng là một sai lầm nghiêm trọng. Bắt oan, giết oan hàng vạn người, nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế.” 

Theo lý thuyết Cộng Sản, một quốc gia nông nghiệp muốn trở thành một quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa, một trong những điều quan trọng là phải thực hiện chương trình CCRĐ để tiêu diệt giai cấp địa chủ, đồng thời để giải phóng nông dân thoát khỏi ách thống trị và bóc lột của giai cấp này. Vì lẽ đó, ông Hồ và đảng CSVN trước sau gì cũng phải thực thi CCRĐ ở Việt Nam.

Vào năm 1950, ông Hồ bí mật đi Liên Xô để gặp Stalin, thủ lãnh của Liên Xô và cũng là thủ lãnh của Quốc Tế Cộng Sản (QTCS). Mục đích chính của chuyến đi này là báo cáo trực tiếp với Stalin về những gì mà ông Hồ và đảng CSVN đã và đang làm ở Việt Nam, đồng thời cũng để xin yểm trợ vũ khí cho cuộc kháng chiến chống Pháp do ông ta lãnh đạo. Nhân dịp này Stalin đã chỉ thị cho ông Hồ là, sau khi về nước phải thực hiện ngay hai việc: Một là phải đưa đảng Cộng Sản Đông Dương mà ông Hồ đã tuyên bố giải tán trước đây ra hoạt động công khai trở lại. Hai là phải thực thi cuộc CCRĐ dựa theo khuôn mẫu của cuộc Thổ Cải hay CCRĐ mà Mao Trạch Đông đã và đang thực thi tại Trung Quốc.

Để thực thi lời dậy bảo hay mệnh lệnh của Stalin, vào Tháng Hai 1951, ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông tổ chức một đại hội trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên để chính thức đưa đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) ra hoạt động công khai trở lại, nhưng dưới một cái tên ngụy trang là đảng Lao Động Việt Nam (LĐVN). Rồi vào năm 1952 trước khi thật sự thực thi cuộc CCRĐ ở VN, ông Hồ lại một lần nữa thân hành sang Liên Xô để trình bày với Stalin về kế hoạch thực hiện CCRĐ với sự đóng góp của đảng cộng sản Trung Hoa trong việc soạn thảo kế hoạch, đồng thời cũng để xin Stalin chấp thuận cho thi hành kế hoạch CCRĐ này. Vì một lý do nào đó mà Stalin không muốn gặp mặt ông Hồ, nên ông Hồ đã phải viết thư để lại cho Stalin. Dưới đây là bức thư viết tay bằng tiếng Nga của ông Hồ gửi cho Stalin: 

Đồng chí Stalin thân mến: 

Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam. Chương trình hành động này được lập bởi chính tôi với sự giúp đỡ của các đồng chí Luu Shao Shi và Van Sha San. Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn. Gửi lời chào cộng sản. 

Hồ Chí Minh. 

31/10/1952 

Sau khi đã được Stalin chấp thuận, ông Hồ và đảng LĐVN của ông bắt đầu cho thực thi cuộc CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam. Mục tiêu của cuộc CCRĐ không chỉ là đào tận gốc, trốc tận rễ thành phần trí phú địa hào ở nông thôn mà còn nhằm mục tiêu thiết lập một chính quyền chuyên chính vô sản ở nông thôn nữa. Ngoài ra, ông Hồ và đảng LĐVN của ông, cũng muốn nhân cuộc CCRĐ để thanh toán tận gốc rễ tất cả các thành phần thuộc các đảng phái quốc gia đối lập đang tiềm ẩn ở nông thôn.

Để thực thi cuộc CCRD, ông Hồ và đảng LĐVN hay đảng Cộng Sản của ông ta đã tập hợp và huy động khoảng 50,000 cán bộ. Số cán bộ này được chia thành từng đoàn, mỗi đoàn có từ 300 tới 400 cán bộ và địa bàn hoạt động là một quân khu. Cán bộ lãnh đạo một đoàn thường là một trung ương ủy viên. Mỗi đoàn lại được chia thành từng đội, mỗi đội có khoảng 15 tới 20 cán bộ và địa bàn hoạt động là một xã. Cán bộ lãnh đạo một đội thường là một đảng viên đảng CS. Trong thời gian thực hiện cuộc CMRĐ, Hồ và đảng LĐVN đã ban cho đội cải cách rất nhiều quyền hành nên trong thời gian này đã có một thành ngữ: “Nhất Đội Nhì Trời.”

Dưới đây là những nguyên tắc căn bản mà đoàn và đội bắt buộc phải tôn trọng trong thời gian thực thi chương trình CCRD trong các làng xã: 

-Đào tận gốc, trốc tận rễ thành phần Trí-Phú-Địa-Hào 

-Tối thiểu 5% dân số trong mỗi xã phải là địa chủ 

-Thà bắt hay giết lầm còn hơn tha lầm.

Mặt khác, trong chiến dịch thực thi CCRĐ, Hồ và các đồng chí cao cấp trong đảng LĐVN của ông khuyến khích cán bộ CCRĐ càng giết được nhiều địa chủ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu:

*Tố Hữu, nhà thơ nổi tiếng là khát máu, ủy viên trung ương đảng LĐVN đã viết những vần thơ khuyến khích cán bộ CCRĐ và bần cố nông giết địa chủ như sau: 

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ

Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong

Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.

*Xuân Diệu, một đảng viên thâm niên của đảng LĐVN và cũng là một nhà thơ nổi tiếng, viết một bài thơ cổ động cán bộ và bần cố nông hành hạ và đấu tố địa chủ:

“Anh em ơi, quyết chung lưng

Đấu tranh tiêu diệt tàn hung tử thù

Địa hào, đối lập ra tro

Lừng chừng phản động đến giờ tan xương

Thắp đuốc cho sáng khắp đường

Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay

Lôi cổ bọn nó ra đây

Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi.”

*Hồ Chí Minh, trong một buổi họp với cán bộ của chiến dịch CCRĐ vào ngày 31/10/1955, dạy cán bộ CCRĐ rằng: “Càng giết được nhiều bao nhiêu thì cuộc CCRĐ càng thành công bấy nhiêu.”

Trước khi cho thực hiện chương trình CCRĐ một cách rộng rãi trong vùng kiểm soát của ông, ông Hồ và đảng LĐVN đã dùng 11 xã thuộc quận Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên làm thí điểm. Thí điểm này khởi sự vào ngày 25/12/1953 và kết thúc vào ngày 31/03/1954 và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của trung ương đảng LĐVN. Tất cả thành công hay thất bại của thí điểm đều là những kinh nghiệm quí giá cho các chiến dịch CCRĐ sau đó. 

Ngay sau thí điểm CCRĐ ở Thái Nguyên kết thúc, ông Hồ và đảng LĐVN đã cho phát động một chiến CCRĐ rộng lớn ở Bắc vĩ tuyến 17, trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Chiến dịch CCRĐ được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn I gọi là: Phóng Tay Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ Đòi Giảm Tô (gọi tắt Giai đoạn I) và giai đoạn II là Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực (gọi tắt: Giai đoạn II). 

*Giai đoạn I: Việc phối trí một đội phát động vào một xã được thực hiện một cách âm thầm khiến người dân trong xã không hề biết được sự hiện diện của một đội cán bộ phát động trong xã của họ. Tuy nhiên họ có thể nhận thấy đã có một vài điều khác lạ xuất hiện trong xã của họ, như là có một số người lạ mặt lảng vảng trong các thôn xóm, hoặc thấy một hàng cọc tre cao độ 2 mét với một sợi dây trên đầu chạy dài từ làng của họ tới những làng kế cận. Lúc đầu họ lấy làm lạ về hai hiện tượng này, song chỉ ít lâu sau họ mới biết những người là mặt là cán bộ của đội phát động và hàng cọc tre là đường dây điện thoại nối từ trụ sở của đội phát động trong xã tới trụ sở của đoàn cán bộ. 

Ngay sau khi được phối trí vào một xã, công việc đầu tiên của đội là bố trí ngay các thành viên của đội nắm giữ toàn bộ các chức vụ then chốt thuộc các cơ quan, đoàn thể trong chính quyền xã như Đảng Ủy, Ủy Ban Nhân Dân, và Nông Hội… trong xã này, đồng thời đình chỉ công tác hầu hết các cán bộ và viên chức cũ. Sở dĩ phải làm như thế, là vì trung ương đảng LĐVN cho rằng, phần lớn các cán bộ cũ trong xã tuy có chút học thức và am tường tình hình địa phương, nhưng không ít thì nhiều đã bị bọn địa chủ trong làng mua chuộc. Nếu những thành phần này còn tiếp tục nằm giữ các chức vụ trong chi bộ xã cũng như chính quyền xã thì công cuộc CCRĐ ở nông thôn không thể thành công tốt đẹp được. Tuy nhiên đội phát động cũng chọn lọc để lưu giữ một số thành viên của đảng bộ xã và chính quyền xã cũ để giúp đội trong thời gian đầu khi còn quá xa lạ đối với nhân dân trong xã. Sau khi đã tạm ổn định về mặt chính quyền, đội bắt đầu thực thi những bước kể sau: 

-Bước I là thăm nghèo hỏi khổ và tam cùng:

Trong bước này, Đội cho các thành viên của đội tới thăm viếng các gia đình bần cố nông trong xã, trước là để thăm nghèo hỏi khổ và sau là để điều nghiên cho việc cử một thành viên của đội đến một trong những gia đình đã thăm viếng để tam cùng. Tam cùng có nghĩa là cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Cùng ăn không có nghĩa là gia đình bần cố phải nuôi cơm cán bộ, mà là cán bộ mang phần gạo của mình đến góp với gia chủ để nấu ăn chung, và cũng đóng góp một số tiền nho nhỏ nữa để mua mắm, muối, rau cỏ. Cùng ở, có nghĩa là cán bộ đến ở luôn trong nhà, ngày cũng như đêm. Cùng làm có nghĩa là gia chủ làm gì cũng được cán bộ cùng làm, mà không phải trả công.

Theo lý thuyết của đảng CSVN, tam cùng có mục đích làm cho nông dân coi cán bộ CCRĐ như một người bạn “tri kỷ”. Để từ đó có thể “tâm sự” hay bộc lộ với cán bộ này tất cả những nỗi khổ đau thầm kín đã xảy ra trong đời họ, trong gia đình họ mà trước đây họ không dám bầy tỏ cùng ai, hay cũng không có ai đáng tin cậy để tâm sự.

Khi một cán bộ nào đó của đội được gởi tới một gia đình bần cố nông để tam cùng được gọi là bắt rễ và gia đình này được coi là rễ thứ nhất của cán bộ này. Sau khi đã hoàn tất công tác giác ngộ được rễ thứ nhất, cán bộ này sẽ yêu cầu rễ thứ nhất giới thiệu một người thân quen có củng một cảnh ngộ để đến bắt rễ thứ hai. Cứ lần lượt làm như thế, một cán bộ có thể bắt được nhiều rễ khác nhau. Việc bắt rễ từ rễ này đến rễ kia được gọi là “xâu chuỗi.”

Sau một thời gian tam cùng, mỗi cán bộ của đội sẽ có một chuỗi rễ và những chuỗi rễ của các cán bộ trong một đội được đan kết với nhau để tạo thành mạng lưới bao vây và tiêu diệt giai cấp địa chủ.

Trong thời gian tam cùng để bắt rễ, bất kỳ những khó khăn trở ngại nào đó đã xảy ra trong quá khứ ba đời của những gia đình bần cố nông này như nghèo đói, dốt nát, khổ đau, bệnh tật, chết chóc.., đều được cán bộ CCRĐ quy kết là do giai cấp địa chủ gây ra. Người dân quê, tuy chất phác, nhưng cũng đã có một số ít nhận ra được phần nào sự ngụy biện trắng trợn và vô lý của các cán bộ phát động, nên họ đã tỏ ra hoài nghi, nên không còn tin tưởng vào những gì mà cán bộ nói ra nữa. Trường hợp này được coi là bắt lầm rễ hay là bắt phải rễ thối. Khi gặp những trường hợp như thế, cán bộ CCRĐ thường đem quyền lợi vật chất và tinh thần ra để dẫn dụ, như hứa hẹn cho họ vào đảng, cho nằm giữ các chức vụ trong uỷ ban nhân dân xã, chi bộ đảng, nông hội v.v.., và hứa hẹn sẽ chia chác cho họ, ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, vật dụng… tịch thu của địa chủ vào những ngày sắp tới.

-Bước II là phân định thành phần dân chúng:

Trên phương diện lý thuyết, trước khi phân định thành phần thì cán bộ của đội phải tổ chức những buổi học tập các tài liệu liên quan đến việc này, rồi sau đó, đội lại tổ chức các buổi họp khác để dân chúng trong xã tự bình bầu thành phần trong xã của họ. Song trong thực tế, vì hầu hết bần cố nông tham dự những buổi học tập chính sách cũng như những buổi bình bầu thành phần. Vốn thất học hay ít học nên trong những buổi học tập cũng như bình bầu bần cố nông ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, nên không hiểu gì cả. Do đó đội phát động đã tự động làm công việc này, rồi sau đó mới mang ra một cuộc họp của dân chúng để hợp thức hóa. 

Để phân định thành phần nông dân trong xã đang công tác, đội thường chia các gia đình trong xã theo thứ bậc từ A tới Z, căn cứ vào ruộng đất, gia súc, gia cầm… mà gia đình này hiện có. A là gia đình giầu nhất cho đến Z là gia đình nghèo nhất, rồi sau đó lấy từ A đến C, D, E hay F gì đó sao cho đủ số 5% là địa chủ như quy định của Cố Vấn Trung Quốc. Và số còn lại được xếp vào những thành phần khác như phú nông, trung nông lớp trên, trung nông lớp dưới, bần nông và cố nông đại khái theo thứ tự sau đây: 

-A, B, C: địa-chủ 

-D, E, F: phú nông 

-C, H, I, J: trung nông lớp trên     

-K, L, M, N: trung nông lớp dưới

 -O, P, Q, R, S, T: bần nông 

-U, V, X, Y, Z: cố nông

Bảng quy định thành phần nông dân của một xã là một tài liệu vô cùng quan trong việc thực thi chương trình CCRĐ, vì mỗi thành phần được ông Hồ và đảng LĐVN có một chính sách đối xử riêng biệt. Cố nông và bần nông là lực lượng nòng cốt. Trung nông lớp dưới và lớp trên là đồng minh của lực lượng nòng cốt. Phú nông là thành phần liên hiệp của thành phần nòng cốt. Thành phần địa chủ là đối tượng tranh đấu của thành phần cốt cán và là mục tiêu phải đào tận gốc, trốc tận rễ.

Vì ranh giới giữa những thành phần phú nông và địa chủ khá mong manh, nên hầu như những gia đình được đội đánh giá tạm thời là phú nông và địa chủ đều không được mời tham dự những buổi họp để bình bầu thành phần nên họ lo âu rằng gia đình họ sớm hay muộn gì cũng bị sắp xếp vào một trong hai thành phần, phú nông hay địa chủ. Song không được biết một cách chính thức là được xếp vào loại nào, mà phải chờ cho tới lúc nhận được sự đối xử của đội phát động mới biết rõ. Nếu không bị bao vây và cô lập chặt chẽ bởi dân quân và du kích thì gia đình này được liệt vào thành phần phú nông. Trái lại thì chắc chắn đã bị liệt vào thành phần địa chủ.

-Bước III là kể khổ

Trong bước này, cán bộ CCRĐ khuyến khích bần cố nông “kể khổ” hay bộc lộ về những khổ đau và nghèo khó đã kéo dài ba đời (đời ông, đời cha và đời họ) trong những buổi họp. Trong việc thực hiện bước này, các địa chủ thường được dẫn giải đến các buổi họp của bần cố nông để nghe lời kể khổ của họ và thường bị hạch hỏi và thúc ép moi móc của chìm và của nổi ra để trả số tô mà họ đã thu của nông dân cao hơn tỷ lệ cho phép của chính phủ. Tỷ lệ này là 25% tổng số tô mà địa chủ đã thu trước đây của nông dân. Thí dụ trong thời vụ năm vừa qua, địa chủ đã thu của nông dân 1.000 ký thóc cho một mẫu ruộng mà nông dân đã mướn của địa chủ thì địa chủ phải trả lại cho nông dân 250 ký thóc.

-Bước IV là đấu tố địa chủ:

Trong bước này đội cán bộ phải tập trung thực hiện ba việc sau đây:

1.Đội phải chọn lựa ít nhất một địa chủ trong số những địa chủ đã được bình bầu là gian ác nhất của xã để đưa ra đấu tố công khai trong một cuộc meeting với sự tham dự của toàn thể nhân dân trong xã. 

2.Đội phải vận động và tuyển chọn một số đông thành phần bần cố nông trong xã tình nguyện hay xung phong đứng ra tố cáo tội ác địa chủ.

3.Đội phải huấn luyện những bần cố nông đã tình nguyện đứng ra đấu tố địa chủ một cách thuần thục trước khi họ thật sự bước ra đấu tố. Lý do buộc cán bộ của đội CCRĐ phải huấn luyện kỹ như thế là vì phần đông bần cố nông là người thất học thường e thẹn và nhút nhát trong việc ăn nói trước đám đông. Mặt khác phần lớn những tội ác được gán ghép cho địa chủ là giả tạo hay chỉ là một gợn sóng trong lòng một tách trà lại được thổi phồng hay cường điệu thành một cơn sóng thần giữa đại dương. Do đó cần phải huấn luyện thuần thục, nếu không thì khi bước vào đấu tố thật sự họ sẽ mất tự tin và cảm thấy lúng túng trong việc vach mặt và kết tội địa chủ trước đám đông. Sự lúng túng này có thể dẫn đến việc làm giảm uy tín của ông Hồ và đảng LĐVN.

4.Đội phải tổ chức một buổi meeting công khai và rộng lớn để bần cố nông đấu tố địa chủ đã được chọn lựa là độc ác nhất trong số những địa chủ của xã mà đội đang công tác.

Vào cuối giai đoạn I, một số đông thành phần bần cố nông nòng cốt được kết nạp vào đảng, được bố trí nắm giữ các chức vụ như bí thư Chi Bộ, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã và các chức trưởng khác trong các cơ quan đoàn thể trong xã, mặc dù có thể họ chưa đọc và viết thông thạo chữ quốc ngữ.

Trong thời gian thực thi giai đoạn I, các gia đình địa chủ bị bao vây, cô lập, bị cấm không được liên hệ với bất cứ người nào trong hay ngoài làng. Nếu liên hệ với bà con, thì bị nghi ngờ “tẩu tán” tài sản để trốn trả nợ. Nếu liên hệ với phú nông hay địa chủ khác, thì bị kết tội là cấu kết với nhau để chống phá CCRĐ. Vì thế trong giai đoạn này, một địa chủ muốn bán một vật gì đó cũng chẳng ai dám mua; muốn mua một vật gì đó cũng chẳng ai dám bán; muốn làm thuê cũng chẳng ai dám thuê; muốn đi ăn xin cũng chẳng ai dám cho.

Để hạ uy thế giai cấp địa chủ ở nông thôn, đội phát động đã bắt buộc tất cả địa chủ trong xã không phân biệt tuổi tác, mỗi khi ra khỏi nhà, hễ gặp nông dân, bất kỳ lớn nhỏ, phải đứng lại, nép về một phía bên đường, khoanh tay trước ngực, cúi đầu thật thấp, thưa lớn: “Con xin kính cẩn chào ông/bà nông dân ạ.” Mặt khác đội cũng bắt buộc nông dân trong làng không được gọi địa chủ là ông hay bà mà phải kêu là “thằng này” và “con kia”, và cho họ quyền đánh đập, ném đá, ném đất, mắng chửi, xỉ vả… địa chủ bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.

Kết thúc giai đoạn I, ngoài việc tịch thu một số khá lớn nông cụ, trâu bò, ruộng đất và nhiều tài sản khác của địa chủ để chia cho bần cố nông, và ít nhất là một địa chủ trong xã bị đấu tố công khai.

Cải cách ruộng đất. (Hình: Trần Quang Đức/Wikipedia.org)

*Giai đoạn II

-Giai đoạn I mới chỉ là màn khai mào nhằm thanh toán một thiểu số địa chủ là những người giàu nhất, và cũng là những người được đảng Cộng Sản Việt Nam coi là  phản động nhất, nên tương đối ôn hòa hơn so với cuộc Cải Cách Ruộng Đất Đích Thực. Chiến dịch đòi giảm tô chỉ là hành động mở đường cho một cuộc quét sạch mọi mầm mống, mọi tiềm lực chống  đối với một chính sách mới mà ông Hồ và đảng LĐVN hay đảng CSVN sẽ ban hành sau đợt CCRĐ đó là: Tập thể hóa nông nghiệp và thiết lập một chính quyền vô sản chuyên chính ở nông thôn.

-Trong giai đoạn II, cán bộ của đội CCRĐ tiếp tục triển khai và phát huy các công tác đã được thực hiện trong giai đoạn I, song với một cường độ mãnh liệt và tàn bạo hơn. Ngoài ra, giai đoạn cải cách đích thực còn có một mục tiêu phụ khác nữa là tiêu diệt tất cả các thành phần phản động và các đảng viên thuộc các đảng đối lập đang trốn tránh ở nông thôn hầu ngăn ngừa những mầm mống chống lại việc thiết lập chính quyền vô sản chuyên chính ở nông thôn.

Chính vì thế mà bầu không khí đấu tranh trong giai đoạn II làm ngột ngạt vùng nông thôn vốn dĩ hiền hòa và tĩnh lặng và rất nhiều gia đình hầu như không hề có một yếu tố nào để có thể liệt kê hay bình bầu vào thành phần địa chủ. Tuy nhiên chỉ sau một đêm định mệnh, bỗng sáng hôm sau trở thành địa chủ đại gian, đại ác vì bị đội gán cho cái tội là có liên hệ hay là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, rồi bị đấu tố và có thể bị xử bắn nữa.

-Trong giai đoạn này một tòa án có tên là Tòa Án Nhân Dân Đặc Biệt (TANDĐB).

Tòa án này  là một công cụ sắc bén và quan trọng được ông Hồ và đảng LĐVN sử dụng trong giai đoạn CCRĐ đích thực. Công cụ này được thiết lập và quy định bởi Sắc Lệnh số 150/SL ngày 12/04/1953 và được sửa đổi bởi SL số 233/SL ngày 04/06/1955.

-Vào cuối giai đoạn II, giữa những địa chủ đã được bình bầu trong xã, đội cái cách phải chọn hai trong số những địa chủ này vào danh sách đề nghị TANDĐB xét xử và có thể bị tòa này tuyên án tử hình. Tiêu chuẩn này thật sự là quá cao đối với những xã thưa dân lại nghèo nữa, vì thế đội cải cách công tác tại các xã nghèo và thưa dân này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng với tiêu chuẩn này. Nếu dựa vào tiêu chuẩn ruộng đất mà một gia đình trong xã hiện có thì không một ai trong xã có đủ tiêu chuẩn để được liệt vào thành phần trung nông lớp trên. Song tiêu chuẩn 5% nông dân trong một xã phải là địa chủ lại là tiêu chuẩn cưỡng hành mà những viên cố vấn Trung Cộng đã đặt để, nên dù muốn hay không đội cải cách bắt buộc phải tôn trọng. 

Để đáp ứng với tiêu chuẩn đã được ấn định của đoàn cố vấn CCRĐ của Trung Quốc và cũng để làm vừa lòng cấp trên một số vị lãnh đạo đội cải cách đã phải miễn cưỡng hoàn tất tiêu chuẩn này mặc dù họ biết đó là một việc làm hoàn toàn trái với lương tâm của họ và tự an ủi rằng việc làm của họ chẳng qua là để tôn trọng lời giáo huấn của Bác Hồ: “Càng giết nhiều địa chủ bao nhiêu thì cuộc CCRĐ càng thành công bấy nhiêu.”

Một cựu cán bộ CCRĐ đã kể lại một câu chuyện hết sức thương tâm mà đội Cải Cách của ông ta đã làm, khiến người nghe cười ra nước mắt. Câu chuyện mà ông ta thuật lại có thể tóm tắt như sau: 

“Cái xã mà đội của tôi được phối trí đến công tác là một xã thưa dân và rất nghèo đến nỗi đội của tôi phải làm việc rất cực nhọc để đáp ứng tiêu chuẩn của cố vấn Trung Quốc đặt ra là 5% dân số trong xã là địa chủ. Vì thế chúng tôi phải duyệt đi duyệt lại rất nhiều lần danh sách thành phần nông dân trong xã này, cuối cùng thì đội của tôi cũng đạt được tiêu chuẩn này. Tuy nhiên trong thực tế họ là những nông dân nghèo và số ruộng đất mà họ hiện có không hội đủ điều kiện để xếp họ vào thành phần trung nông. Song họ được đội của tôi nâng lên thành phần địa chủ bóc lột. Mặc dầu vậy, đội của tôi vẫn còn một khó khăn khác nữa bắt buộc phải hoàn tất, đó là việc phải đề nghị một hay hai trong số những địa chủ này là địa chủ gian ác nhất để đề nghị TANDĐB tuyên án tử hình.

Vào phút chót, để lựa được tên địa chủ đại gian đại ác này, đội của tôi đã phát huy sáng kiến bằng cách tổ chức một buổi họp khoáng đại với sự có mặt của hầu hết thành phần bần cố nông trong xã. Trong buổi họp khoáng đại này một gã chăn vịt trong xã được bình bầu là một tên địa chủ bóc lột gian ác nhất của xã với lý do “hết sức thuyết phục” rằng: Địa chủ bóc lột nông dân bằng cách thâu tô của nông dân, vì thế địa chủ bị TANDĐB tuyên án tử hình. Đàn vịt của người chăn vịt cũng thường hay lẻn vào ruộng lúa của nông dân để ăn lúa, vì thế đàn vịt được coi như là một tên địa chủ bóc lột nông dân nghèo, nên cũng phải chịu xử tử như là địa chủ. Tuy nhiên vì đàn vịt bị lên án là bóc lột nông dân nghèo nay còn đâu nữa mà để tuyên án tử hình. Hơn nữa đàn vịt này không có tư cách pháp nhân để TANDĐB tuyên án tử hình. Do đó chủ nhân của đàn vịt phải nhận bản án tử hình thay thế cho đàn vịt của ông ta.”

Kết thúc giai đoạn II là hầu hết địa chủ trong xã đều bị TANDĐB tuyên án tịch thu toàn bộ tài sản để chia cho bần cố nông, còn bản thân địa chủ có thể bị tuyên án tù có thời hạn, tù chung thân, hoặc tử hình. Tất cả các bản án của TANDĐB đều là chung thẩm, không thể kháng cáo, và có hiệu lực thi hành ngay. 

Tóm lại người ta có thể nói mà không e ngại là đã vu khống những tội ác tầy đình cho ông Hồ và các đồng chí trong đảng Lao Động hay đảng CSVN của ông. Để có thể tin rằng những tội ác mà ông Hồ và các đồng chí của ông đã gây ra trong cuộc CCRĐ khủng khiếp, khốc liệt và ghê tởm đến mức nào, kẻ viết bài này xin được trích dẫn ở đây một số những bài viết của các nhà báo, nhà văn là đảng viên cao cấp của đảng Cộng Việt Nan hoặc là những nạn nhân hay những nhân chứng sống nói về những tội ác này.

*Tố Hữu, một ủy viên bộ chính trị Trung Ương Đảng cũng đã phải thừa nhận: “Không thể kể hết những cảnh tượng bi thảm mà những người bị vu oan là địa chủ, cường hào ác bá (thực tế là trung nông) phải chịu đựng ở những nơi được “phát động.”

*Trần Chiến, trong cuốn “Trần Huy Liệu–Cõi Người” (Nxb Kim Đồng, 2009 ; chương 20) cho biết ông Trần Huy Liệu, phụ trách kiểm tra trong đoàn chỉ đạo công tác ruộng đất tại Việt Bắc năm 1953, đã viết sau khi dự một buổi đấu tố tại thí điểm ở Thái Nguyên: “Đến lượt địa chủ vào. Hai tay bị trói quặt ra sau, nhưng vẫn phải bò từ ngoài vào, đeo bên mình những gói quần áo. Ngoài tiếng hô đả đảo, những người ngồi gần lối y vào cũng với tay ra đánh tát tơi bời. Không đợi để quỳ lên bục, một người đã túm lấy tóc mà “tố”. Trận vũ bão bắt đầu…

Sau khi chủ tịch đoàn đọc bản cáo trạng, mình phải lấy làm ngạc nhiên là cuộc tố đã không nêu ra được tội trạng của địa chủ B. Chẳng những thế, người ta bắt tội nhân phải quỳ trên sàn gỗ tính ra từ 11 giờ đến 4 giờ rưỡi chiều. Mỗi khi tội nhân run rẩy gục xuống thì những tiếng thét từ xung quanh lại vang lên: “Quỳ cao lên!” Anh du kích đứng sau lưng thỉnh thoảng lại dọng một báng súng mỗi khi thấy phạm nhân quỳ thấp xuống, nghĩa là đặt đít vào hai gót chân…

Ngoài hình phạt bắt quỳ thường xuyên, người ta đã đánh đập tội nhân rất tàn nhẫn. Mỗi người ra tố, theo thói quen và bắt chước lẫn nhau, đều nắm tóc tội nhân để giật hỏi. Sau mấy câu hỏi không đi đến đâu, người tố thấy mình trơ trẽn nên phải kết thúc bằng một cái tát để xuống đài…

Trước mắt mình đã có một ấn tượng rất xấu: một anh, cứ cách năm, mười phút lại lên nắm tóc tội nhân hay xen vào cuộc đấu tố của người khác để hỏi một vài câu trống rỗng, rồi theo đó một cái tát. Mình không thể thấy được ở y một căm thù giai cấp mà chỉ thấy ở y một hèn nhát của một kẻ đánh hôi trong trận đòn hội chợ. Mình còn thấy ở y, cũng như một số khác trong khi đánh đập tội nhân còn có ý biểu dương tinh thần trước mặt cán bộ. Cũng hôm ấy, mình còn thấy hai đứa trẻ con trong đám quần chúng cốt cán cũng luôn chạy ra bắt địa chủ phải quỳ cao và túm tóc đánh tát theo kiểu này. Họ hiểu lầm hai chữ “đấu lực” bằng cách dùng nhục hình vô nhân đạo. Họ không biết sức mạnh của giai cấp không phải đánh hôi một cách hèn nhát, có tính chất báo thù cá nhân.”

*Nguyễn Đăng Mạnh, một thành viên của một đội cải cách năm 1955, đã viết trong cuốn hồi ký của ông (HN, 2008 ; tr. 41-42):

“Cải cách ruộng đất đúng là một sai lầm nghiêm trọng. Bắt oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế: 5%! Làm sao mà Quốc dân đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn. Quốc dân đảng là đảng chính thống, đảng cầm quyền ở Trung Quốc hàng bao nhiêu năm mới có lắm quốc dân đảng như thế chứ. Thực ra trước khi sửa sai, chúng tôi cũng có ngờ ngợ thế nào ấy. Bởi vì thấy nhiều địa chủ chẳng giàu có gì lắm. Và họ cũng lao động ra trò, cũng biết đi cày đi cấy. Con cái hiền lành, ngoan ngoãn. Tôi từng được giao triệu tập con cái địa chủ lại để giáo dục, tôi thấy như thế. Bây giờ sửa sai, thấy sai lầm của cải cách ruộng đất là chuyện dĩ nhiên và rất dễ hiểu. Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế, sai từ đường lối chính sách đến các biện pháp cụ thể. Phát động quần chúng, mà quần chúng sợ đội cải cách quá, như sợ cọp thì làm sao dám nói trái ý đội. Tôi lúc đó chỉ là một thằng thanh niên ngoài hai mươi tuổi, vậy mà đi lại trong làng, có những cụ già râu dài, chắp tay vái ‘lạy đội ạ!’

Một chính sách lớn như thế, liên quan đến sinh mạng hàng vạn dân mà giao phó cho những cốt cán dốt nát thực hiện. Cán bộ của đội cũng thế, trong đội tôi có một anh tên là Khả mù chữ. Mù chữ mà giảng chính sách và vận dụng chính sách –một chính sách rất lớn và rất phức tạp –vào việc bắt người, bắn người, tịch thu tài sản của người! Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tầu đối với Việt Nam về chính trị và văn hoá.” 

*Vũ Thư Hiên, con của cụ Vũ Đình Huỳnh, bí thư của ông HCM. Cả hai cha con ông Vũ Thư Hiên đã từng ở tù về tội “Xét lại chống đảng.” Trong cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” (trang 30-31) ông Hiên viết về CCRĐ như sau:

“Từ tinh mơ đoàn người rầm rập trên các nẻo đường làng còn tối đất, khản tiếng hô vang những khẩu hiệu có mùi máu. Dân chúng ùn ùn đổ về những sân đình, những bãi rộng, nơi sẽ diễn ra những cuộc đấu tố bọn địa chủ cường hào ác bá… 

Đấu tố diễn ra liên miên, ngày một khốc liệt. Người dân cày bình dị hôm trước, được đảng phóng tay phát động, bỗng chốc trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm vui hành hạ đồng loại. Tôi kinh hoàng nhìn cảnh tượng không hiểu nổi: nườm nượp lướt qua mắt tôi từng bày đàn người bị kích thích bởi mùi máu, hăm hở đi dưới lá cờ đỏ sao vàng không biết để chiến đấu với quân xâm lược mà với chính đồng bào mình…

Chúng tôi nghe tiếng kêu khóc, khi chạy tới thì thấy mấy anh du-kích quen đang lôi xềnh xệch một bà. Hai tay bị trói giơ lên trời, bà xiêu vẹo bước sau họ, kêu gào thảm-thiết: ‘Ơi cụ Hồ ơi, cụ trông xuống mà xem người ta đối xử với con dân cụ thế này đây!’

Ở một xã khác, một người đàn bà bị trói vào hai cây nứa bắt chéo, bên dưới là một đống lửa. Con mẹ ni là phú nông phản động, ngoan cố lắm, những người bu quanh nhao nhao nói thế. Người đàn bà quằn quại mãi tới khi ngất đi mới được người ta hạ xuống. 

Cha bạn tôi, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, bị tống giam vì bị vu là đảng viên Quốc Dân đảng, thắt cổ tự tử, để lại bức thư tuyệt-mệnh: “Oan cho tôi lắm, cụ Hồ ơi. Tôi trung thành với cụ, với đảng. Tôi không phản bội. HCM muôn năm!”

Người ta lấy gai bưởi cắm vào đầu ngón tay một cô gái, có trời biết cô ta tội gì, có thể cô ta là con địa chủ, cứ mỗi câu hỏi lại nhấn những cái gai sâu thêm một chút làm cho cô gái rú lên vì đau, quằn quại trong dây trói.”

*Trần Đĩnh trong cuốn “Đèn Cù” cho biết ông Chu Văn Biên (1912- 2006), cựu thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp, là người đã đấu tố mẹ mình trong CCRĐ, vào thời gian đấu tố mẹ, Biên là bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất Khu 4. Biên bắc ghế ngồi trên thềm cao chỉ tay vào mặt mẹ đẻ, trong khi bà mẹ của Biên chắp tay đứng dưới sân, dằn giọng nói: “Tao với mi không mẹ không con, mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì sẽ nhất định chống lại…” Sau khi nghe Biên nói như thế, bà mẹ của Biên quá tức giận nên đã cắn lưỡi tự tử nhưng không chết, ít lâu sau bà đã nhảy xuống giếng và đã được toại nguyện.

Cũng trong “Đèn Cù” Trần Đĩnh có cho biết một người bạn của ông đã kể cho ông nghe về vụ xử bắn bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) trong cuộc đấu tố địa chủ ở Đồng Bẩm thuộc tỉnh Thái Nguyên vào ngày 29 tháng 5 âm lịch tức ngày 9 tháng 7 năm 1953 như sau:

Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã linh cảm thấy có một điều gì đó không hay sắp đến với bà ta, nên cứ lạy van:

-Các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh.” 

-Đưa đi chỗ giam khác thôi, im!”. Du kích quát.

Khi bà Năm vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng.

Cũng trong Đèn Cù, Trần Đĩnh còn cho biết thêm một người bạn của ông tên Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan và được chỉ thị là chỉ mua áo quan thuộc loại tồi nhất, và không được tiết lộ là mua để chôn địa chủ, vì như thế là đề cao uy thế địa chủ. Khổ cho tớ là, khi mua cứ bị chủ cửa hàng áo quan thắc mắc rằng ông ta chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi mua loại rẻ tiền nhất. Khi đem áo quan về thì không cách nào đặt xác bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo quan rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”

Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gãy vậy…”

*Nguyễn Minh Cần (1928-2016), một thành viên kỳ cựu của đảng CSVN và là người đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Hà Nội và cũng là người đã tỵ nạn chính trị ở Liên Xô, đã kể một câu chuyện trong cải cách ruộng đất ở khu 4. Trong câu chuyện này ông Cần đã đề cập đến một nhân vật nổi tiếng là hiếu sát, tên là Đặng Thí, là Phó Bí Thư đảng ủy Quân Khu 4 và cũng là Đoàn Phó của đoàn cán bộ CCRĐ phụ trách quân khu 4 (Chu Văn Biên là đoàn trưởng). Câu chuyện có nội dung như sau:

Một đội cán bộ CCRĐ trong đoàn của Đặng Thí được phối trí vào công tác một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Nghệ An, vì thế mà đội này đã tìm đủ mọi cách mà vẫn không thể tìm đủ được 5% dân số trong xã là địa chủ như quy định. Khó khăn này được anh đội trưởng trực tiếp báo cáo với Đặng Thí và Đặng Thí đã đả thông tư tưởng anh đội trưởng rằng: “Cố vấn Trung Quốc đã dạy rồi phải có đủ 5% dân số trong xã là địa-chủ, đội của đồng chí cần phải cố gắng hơn nữa để đạt được chỉ tiêu này.”

Trên đường trở về trụ sở của đội, anh đội trưởng nghĩ rằng nếu đội của anh ta không đạt được chỉ tiêu này thì sẽ bị phê bình là một trong những đội bết bát nhất của đoàn. Do đó đội của anh ta duyệt đi duyệt lại danh sách phân định thành phần giai cấp trong xã, cuối cùng cũng đã hoàn tất được danh sách 5% dân số trong xã là địa chủ.

Sau khi có được danh sách này anh đội trưởng đã vội vàng mang đi nộp ngay cho đoàn và khi nhận danh sách này, vì không thấy danh sách này được đi kèm với một danh sách “lên thớt” tức danh sách đặc biệt trong đó có ít nhất là hai địa chủ được đề nghị TANDĐB tuyên án tử hình, nên Thí tức giận lớn tiếng hỏi: “Có địa chủ mà không bắn thằng nào à?” Tiếp theo câu hỏi, Đặng Thí ném thẳng danh sách 5% địa chủ vào mặt anh đội trưởng.

Khi về đến trụ sở của đội, anh đội trưởng và các đội viên của anh lại duyệt đi duyệt lại danh sách 5% dân số trong xã là địa chủ để cố moi móc cho bằng được hai địa chủ ác ôn nhất để đưa vào danh sách “lên thớt.” Cuối cùng anh đội trưởng cũng đã đạt được chỉ tiêu và mang danh sách này đi nộp ngay cho đoàn. Trên đường từ trụ sở của Đội đến trụ sở của Đoàn, anh đội trưởng may mắn đã gặp Thí đang đạp xe ngược chiều. Thí đã dừng xe lại và nhận danh sách, rồi để danh sách này lên ghi đông xe và ký tên mà không cần biết đến những người nào có tên trong danh sách “phong thánh” này, rồi đạp xe dông thẳng. 

*Dương Thu Hương, một nhà văn và là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, đã kể lại trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Đinh Quang Anh Thái, tại Little Saigon Radio vào năm 2016:

“Đối với tôi ý thức hệ cộng sản là một cái gì đó khủng khiếp và xa lạ, vì ngay trước cổng nhà tôi là một người chết treo năm cải cách ruộng đất, và năm tám tuổi tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến những cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, đường tàu, cùng là xác một người tự tử chết bằng cách tự đặt cổ mình vào đường ray. Khi tôi tám tuổi, buổi sáng tôi đi tưới rau tôi thấy những người chết đó và điều đó làm cho tôi vô cùng kinh khiếp.”

*Trần Mạnh Hảo, một nhà văn nổi tiếng ở miền Bắc, cũng trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Đinh Quang Anh Thái, khi được hỏi lý do tại sao ông ta có ý định từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và ông Hảo đã trả lời như sau:

“Tôi nhận ra điều này cũng lâu rồi, mà nhận từ từ bởi vì tôi đã được chứng kiến cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc mà gia đình tôi là nạn nhân, tôi thấy nó rất khủng khiếp. Tôi không hiểu cái chủ nghĩa gì mà nó chỉ có một biện pháp duy nhất là trấn áp người ta, mang người ta ra đấu tố và bắn bỏ người ta, mà không có xét xử công minh, cũng không có bằng cớ gì cả. Cuộc cải cách là một cuộc diệt chủng như là Pon Pot và Yeng Sary đã làm bên xứ Chùa Tháp mà thời đó tôi đã chứng kiến.”

***

Nói một cách tổng quát, cuộc CCRĐ đã được thực thi trong một thời gian khá dài ở miền Bắc trên vĩ tuyến 17 trong 3,314 xã thuộc 22 tỉnh gồm có 2,435,518 gia đình với 10,699,504 người. Trong chiến dịch giảm tô, ông Hồ và các đồng chí của ông đã buộc địa chủ phải thoái tô cho bần cố nông 31,310 tấn thóc và tịch thu được 15,475 mẫu ta ruộng và 8,426 trâu bò.

Trong cải cách đích thực ông Hồ và các đồng chí của ông tịch thu được 81,000 mẫu ta ruộng, 106,448 trâu bò; 1,846,000 nông cụ và 148,565 căn nhà. Tất cả chiến lợi phẩm thu được trong hai chiến địch đều được chia cho bần cố nông, trung bình mỗi gia đình bần cố nông nhận được 0.38 mẫu ta ruộng (1,358 m2); 1 dụng cụ nông nghiệp và 1/10 căn nhà. 

Cho tới bây giờ hầu như không có bất kỳ một con số chính thức nào về số địa chủ bị giết trong cuộc CCRĐ này. Theo tập san Lịch Sử Kinh Tế VN thì tổng số địa chủ bị hãm hại trong cuộc CCRĐ này là 172,008 người. Số người này bị coi là kẻ thù chính và cũng là đối tượng chính của giai cấp bần cố nông để đào tận gốc trốc tận rễ, nên vào cuối Giai đoạn II, số địa chủ này, nếu không bị TANDĐB tuyên án tử hình thì cũng bị bỏ tù chung thân và trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù họ đã chết dần, chết mòn bởi đói khát, bởi hành hạ đánh đập, bởi phải làm việc khổ sai và bởi bệnh tật không thuốc men.

Nói tóm lại việc ông ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông đã vâng lệnh quan thầy Liên Xô và Trung Quốc thực thi cuộc Cải Cách Ruộng Đất ở Việt Nam vào năm 1953 tới năm 1956 thật sự là một việc làm ngu xuẩn hết chỗ nói và là một tội ác Trời không dung Đất không tha, chưa từng có trong lịch của dân tộc Việt Nam. 

Có lẽ vì tin Stalin của Liên Xô và Mao của Trung Quốc là thánh sống, vì chính ông Hồ cũng đã từng nói với các đồng chí của ông rằng: “Ai cũng có thể phạm sai lầm; song một ông có râu (Stalin) và một ông không râu (Mao) thì không bao giờ phạm sai lầm cả.”

Có lẽ vì tin tưởng một cách mù quáng như thế, nên các ông này bảo ông Hồ làm gì, thì ông Hồ ngoan ngoãn và vâng lời làm đúng như thế. Cho đến khi nhận ra rằng, vì nghe lời dạy bảo của các ông thầy này, nên đã phạm quá nhiều sai lầm và hậu quả là ông ta đã giết oan quá nhiều đồng bào vô tội của ông, nên ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông đã vội vàng mở chiến dịch sửa sai. Trong chiến dịch này ông Hồ đã cố tiết ra một vài giọt nước mắt. Không một ai có thể xác nhận được rằng, những giọt nước mắt mà ông Hồ đã tiết ra có phải là những giọt nước mắt thực tâm hối hận về những sai lầm của mình, hay chỉ là những giọt nước mắt cá sấu. 

Để kết luận về Cuộc Cách Mạng Ruộng Đất của ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN vào đầu thập niên 1950, tôi xin mượn lời của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, trả lời báo Quê Mẹ về cảm nghĩ của ông đối với cuộc CCRĐ ở Việt Nam, khi ông du lịch sang Pháp sau năm 1975:

“Trong lịch sử Việt Nam từ thời lập quốc đến nay chưa có một cuộc thanh trừng nào giết dân khủng khiếp tàn bạo như trong cuộc CCRĐ; hầu như mọi cuộc đấu tố đều có sự nhúng tay của cố vấn Trung Cộng. Điều đó cho thấy chính quyền HCM lệ thuộc ngoại bang như thế nào.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: