Chuyện tình Vua Bảo Đại

Cố đô Huế (PCP)

Tôi đến Huế vào đầu xuân, mùa những cơn gió Lào bên kia dãy Trường Sơn còn ngủ. Song cái nóng đã có mặt thường trực. Đi xuyên qua những hành lang dài sơn son thếp vàng không biết đâu là nơi tận cùng trong Tử Cấm thành,  tôi nhìn thấy một tòa nhà dài cũng bất tận như vậy phía đối diện. Chính xác hơn là cả trăm căn phòng giống hệt nhau, vách liền vách, chung một mái ẩn dưới vòm lá xanh. Cảnh quan kiến trúc ảm đạm như số phận những nữ chủ nhân cách đây hai, ba thế kỷ trước.

Tôi nhớ một câu Trịnh Công Sơn viết:

Những hẹn hò từ nay khép lại

Thân nhẹ nhàng như mây

Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời

Như một lời chia tay

Song chắc hẳn, nhiều lắm sắc nước hương trời hội tụ về đây không thiết tha gì với cuộc sống mà những người chưa biết mộng mị cho là huyền ảo. Dưới triều Nguyễn các cung phi có cơ hội thoát thân, đều “thân nhẹ nhàng như mây”, không về lại chốn gấm son, lầu tía.

Sử gia Pháp Charles Fourniau viết trong tác phẩm Những tiếp xúc Pháp-Việt ở An Nam và Tonkin 1885 đến 1896:

“Khi ánh mắt của ông vua trẻ Đồng Khánh vừa khép lại trước ánh sáng thì theo phép lịch sự là phải tìm ra những tính xấu khủng khiếp, nhắc lại những sự đồi bại, sự quá trớn và tính tàn nhẫn của ông. Ở xứ này cũng như ở tất cả các nơi khác, sự đê tiện cũng hợp lề thói như danh dự, và người thượng lưu sẽ phải chú ý làm theo. Đám tôi tớ, thậm chí cả người mẹ của Đồng Khánh nữa cũng xác nhận cái tiếng xấu xa này, tranh nhau cướp bóc ngay trong đêm và ngay hôm sau cái chết của nhà vua. Trong hai ngày, 120 người vợ và hầu gái đã rời bỏ cung điện mang đi theo khăn gói, hòm rương…’’

Hai lần bất đắc dĩ khác, những bông hoa, những bóng nguyệt của các bậc “minh quân” được chạy tóe đi lấy chồng, thoát khỏi kiếp gái già chiếu lạnh. Đó năm 1825, sau hai năm liền hạn hán, kinh thành không có mưa, vua Minh Mạng lo lắng lập đàn cầu đảo, thảo dụ rằng, thâm cung hãm nhiều cung nữ, âm khí uất tắc, phải thải bớt 100 cung nhân thì giải hạn. Lần thứ hai là năm 1885, sau biến cố kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết mang vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng. Các cung phi chạy giặc thừa dịp trốn về quê.

Nỗi khổ bọc nhung của cuộc hệ thống quân chủ phong kiến Việt Nam ấy đã bị vua thứ 13 triều Nguyễn phá bỏ.

Không có sự văn minh và lòng dũng cảm của Vua Bảo Đại, một người tiếp thu văn hóa Pháp, thì tục đa thê được các nền văn minh phương Tây coi là hành vi trì độn nhất của chế độ phong kiến sẽ còn nối dài. Được học tại Paris từ nhỏ, Vua Bảo Đại được ướp trong một nền văn hóa nhân bản, được truyền thụ những kiến thức văn hóa chưa có, hoặc bị coi là nghịch nhĩ ở xã hội Việt nam. Ông đã giao lưu với thế giới khác. Với sự thông minh thiên phú, ông được sở hữu những kiến thức để biến cõi tạm thành chốn cư trú đầy huyễn hoặc.

Song, nghịch lý ở đời vẫn tồn tại ngay trong số phận của mỗi cá nhân, kể cả với “con trời”. Trời không cho ai tất cả, cũng không nỡ lấy của ai tất cả. Nếu không, các cô gái thiệt thòi về sắc đẹp sẽ biến mất, như định luật đào thải tự nhiên. Ông trở nên cô đơn chính trên vương quốc của mình. Ai đã từng sống lâu ở nước ngoài sẽ có trải nghiệm chông chênh đó khi về Việt Nam. Ông đã may mắn và hạnh phúc gặp được cô gái đoan trang Nguyễn Hữu Thị Lan Mariette, sau này là Hoàng hậu Nam Phương, người có mái tóc chở mưa cho những sa mạc vô hình mà hiện hữu trong vương quốc ông.

Ảnh vua Bảo Đại chụp tại Studio Hartcourt (ảnh tư liệu)

Người đời gán ghép chuyện ông chọn Hoàng Hậu Nam Phương như mưu đồ của Pháp. Thật khốn khổ cho những trưởng giả học làm sang, họ không thể hiểu được những điều vĩ đại ẩn sau sự hoàn hảo và nét đẹp duyên dáng trong mối tình giữa Vua Bảo Đại và cô gái đến từ Gò Công. Lòng chung thủy, sự kín đáo và tính kiên nhẫn của Nam Phương là những điều vĩ đại mà thói trọc phú nhìn người qua bụng mình khiến họ lảm nhảm. Mối tình đậm màu yêu đương ấy sao thể hiện được với kẻ trong bảng pha màu chỉ có tuýp sơn đỏ?

Ông đã không chọn các cô gái Paris tóc vàng có cái háng mênh mông và bộ ngực sửng sốt. Dù các cô gái Pháp đều thầm mong các chàng trai Việt nam, những con quái vật còn sót lại của chủ nghĩa lãng mạn. Ông không chọn tình dục mà chọn tình yêu cao quý, trân trọng chính mình để không biến thành kẻ nô lệ cho những mối tình tầm thường, hoặc dục vọng bản năng.

Không có người con gái cao quý đó, ông sẽ ra sao?

Vua Gia Long có 21 vợ, mở đầu cho triều đại như 21 phát đại bác danh dự. Vua Minh Mạng chọn 300, Vua Tự Đức sở hữu 103 cung phi, Vua Đồng Khánh 120… Trong số họ chỉ có một số được gần vua hai, ba lần trong suốt cả đời. Bước vào đây, họ không được tiếp xúc với người ngoài, nhất là đàn ông, cha mẹ đến thăm cũng phải đứng xa. Sau khi vua chết, họ sống bên lăng mộ, trông nom hương hỏa, không được tái giá, không được rời khỏi lăng, ở vậy từ khi ngày tuyển vào cung ở tuổi cập kê 16, 17 đến lúc chết.

Vua Minh Mạng để lại cho đời bài thuốc “Minh Mạng thang nhất dạ ngũ giao” (Ân ái năm lần một đêm), mỗi đêm chọn năm cung nữ thưởng thức với hy vọng không đậu được năm thai thì cũng được ba. Ông như một nông phu cần mẫn, mộng du gieo hạt trên ruộng nương mênh mông của mình, tra những hạt ngô vào luống đất vừa xới lên. Tội nghiệp cho ông, một đêm phải thức đến năm lần chăm lo vụ mùa. Ông là nô lệ cho họ hay họ là nô lệ của ông?

Đa số các cung phi không được biết mặt rồng cạn. Thái giám ghi tên tuổi cung nữ đều tăm tắp mỗi đêm trên những tấm thẻ tre, đặt lên bàn cho vua chọn. 100 đến 200, 300 cái tên. Không biết có tên ai trùng nhau, dễ lắm? Tránh bị trù ẻo, các thái giám thả một con dê, dê dừng trước phòng nào thì chọn phi đó. Còn có chuyện họ chọn bằng cách lăn trên lưng các cung nữ mặt úp sấp như gieo xúc xắc, dừng trên lưng ai, thì người đó đêm cho vào hầu. Tránh việc đem theo ám khí, cung nữ trước khi vào hầu vua phải cởi hết sống áo, chỉ choàng một tấm lụa mỏng. Xong việc, vua lăn ra ngủ, họ phải lén ra về. Năm cung nữ khác nằm dưới đất canh cho giấc ngủ của vua.

Từ ngày tuyển vào cung ở tuổi cập kê 13, 14 phải ở vậy cho đến lúc chết, phải bỏ cả giọng nói cha sinh mẹ đẻ để nói giọng “Phượng Đức”, cách nói pha giữa giọng Huế và giọng miền Nam. Trong chu vi chưa đến 1 km vuông có đến 1.000 người chung sống để chăm lo thế giới về đêm của vua. Một án tù chung thân mượn màu son phấn.

Đối với Vua Bảo Đại, có điều gì nhảm nhí hơn là phải nhìn thấy xung quanh những thái giám, những kẻ tự giải trừ quân bị để đổi miếng cơm, manh áo. Ông không đủ tài chọn cho mình một cô tình nhân xinh ròn mà phải ủy thác cho một con dê? Cung phi nào sẽ thủ thỉ cho ông câu chuyện 1.001 đêm của nàng Scheherazade huyền bí với đôi mắt lúng liếng, hay chuyện phi hành gia đầu tiên đổ bộ lên Mặt trăng là người Việt nam, không về, có tên là chú Cuội?

Huế lúc đó nghèo. Cung điện lâu đài chỉ là sự mô phỏng nhỏ bé của kiến trúc đền đài Trung Hoa. Những bức tường thành nặng nề của một công trình phòng thủ bao bọc Huế trầm uất so với cảnh quan của Versailles với những dãy pho tượng nghệ thuật bằng đá trắng nuột và những thác phun nước đổ theo tiếng nhạc. Giai cấp quý tộc cao cấp nhất ở Huế vẫn sống dựa vào thặng dư còm cõi của một xã hội buôn đầu chợ, bán cuối chợ, khép kín, nơm nớp sợ sệt. Không có cảnh những chiếc xe song mã màu đỏ chở các công nương mặc áo lông cáo tuyết mầu bạch kim đến Opera xem trình diễn nghệ thuật như Paris, những buổi đàm đạo triết học hay các loại hình biểu diễn, kịch nghệ, âm nhạc.

“Người Annam đầu tiên mặc quần áo kiểu châu Âu năm 1900 là một người bồi trên tầu thủy từ Pháp về. Khi xuống tầu, những người đồng hương của anh ta tụ tập lại xem. Họ trầm trồ và chờ cảnh sát tới bắt anh ta”.

Bác sĩ Pháp Hocquard kể lại một chuyện ông tai nghe mắt thấy trong một buổi tiếp kiến ngoại giao ở soái phủ Pháp tại Sài Gòn. Một sĩ quan Pháp đã hỏi một đại thần triều đình là khách mời, là ông nghĩ sao về dạ tiệc. Vị đại thần đó đã rỉ tai nói với viên sĩ quan ấy rằng:

“Các công nương Pháp trông cũng kháu khỉnh thật đấy, nhưng răng họ trắng như răng chó”.

Việt Nam đến thế kỷ 20 còn giữ tục nhuộm răng đen, chê người nước ngoài thì nói “răng trắng như răng thằng Ngô” (người Tàu).

Chú bé Bảo Đại đi học ở Paris mặc quần sooc, áo trắng thắt nơ, đi tất trắng, giầy da. Lớn lên chú sẽ chọn các con gái của những người đồng hương kia? Dĩ nhiên là làm khó cho ông rồi! Ông là người sành điệu, biết cái đẹp. Trên đời vẫn có những điều thơ mộng với những ai xứng đáng với nó. Studio chụp hình danh tiếng Harcourt ở Paris còn lưu giữ một tấm ảnh chân dung nghệ thuật của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Gần như tất cả minh tinh điện ảnh nghệ thuật Pháp và thế giới đều qua tay các nhiếp ảnh gia ở đây. Cây vợt Roger Federer qua Paris đánh giải Grand Slam dù mỗi trận cũng đã có hàng nghìn bức ảnh, cũng không đành lòng ra về nếu không có một chiếc ảnh đen trắng khổ 30×40 cm của Studio Harcourt. Ai công hầu, ai khanh tướng không biết, nhưng ai không có ảnh chân dung của Harcourt thì chưa được coi là biết cái lãng mạn Paris.

Vua Bảo Đại cùng hoàng thân Vĩnh Cẩn hồi đi học tại Paris (ảnh tư liệu)

Ở tuổi 19, tuổi “muốn đạp cơn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”, ông vua trẻ hẳn bay trên đôi cánh lông chim trắng của Icarus trong thần thoại Hy lạp. Ông đã đọc những câu chuyện phiêu lưu của nhà văn Pháp Jules Verne (1828-1905), Hai vạn dặm dưới biển (1865), 80 ngày vòng quanh thế giới (1873), và câu chuyện Từ trái đất đến mặt trăng kể về ước mơ chinh phục bầu trời. Sau này ông đã mua một chiếc phi cơ và học lái. Trải nghiệm lượn lờ trong khoang hành khách của chuyến bay thương mại chẳng mảy may giống như tự lái một chiếc máy bay riêng.

Tôi đã thử học lái cùng với một người bạn phi công Pháp trên máy bay tư nhân một động cơ và biết trải nghiệm tâm lý khi nhìn khoảng cách mong manh giữa sống và chết chỉ là bề dày 10cm của phi cơ. Nên tôi tin, vua Bảo Đại có đủ sức khỏe và can đảm để tìm cảm giác giữa trời và đất.

Sở hữu một tâm hồn bay bổng và mơ mộng, ông chán ngán việc các quan đại thần muốn ẵm con gái lên giường cho mình. Đôi tai biết âm nhạc bác học sẽ nhàm chán những câu chuyện không ra đầu ra cuối, nhưng ghen tuông tầm thường, vô vị. Ông vượt lên cái nhỏ nhen, ích kỷ của những vị vua thuở trước, ra đường thấy gái vừa mắt thì ẵm, vần vò xong bỏ xó trong hậu cung. Phường Kim Long nằm trên đường các quân vương thường rảo qua thuở xưa ở Huế, nơi nhiều mỹ nữ “được tuyển” vào kiếp cung nô, mất cái xôn xao dân giã chợ tình sau khi ông lên ngôi.

Trò đánh xổ số của các đại thần, những kẻ lấy con gái mình cho vòng quay may rủi cũng mất theo. Ảo tưởng, sự ích kỷ, hám danh của các đại thần, những kẻ nhẫn tâm đào huyệt cho những cung phi sứt duyên chẳng còn chỗ. Những cung phi thoát kiếp búp bê tình dục, các đại thần gián ham hố trục lợi từ tam cung lục viện, ổ của những trò trụy lạc, các mưu mô chạy chọt, xúc xiểm bị nhà vua xóa sổ.

Đám cưới của vua và hoàng hậu mang lại sắc màu mới tươi tắn cho một Huế vốn u buồn, ủ dột. Phóng viên tờ Le Monde Colonial thốt lên: “Hình bóng đôi uyên ương vàng rực uy nghi tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ làm say đắm người họa sĩ. Hoàng hậu Nam Phương xuất hiện rực rỡ trong nét duyên dáng tinh tế của tuổi trẻ như một huyền thoại“.

Tên “Nam Phương” của Hoàng hậu mới có liên quan đến tên tờ báo Nam Phong của Thượng thư Phạm Quỳnh, con người uyên bác mà Vua Bảo Đại ưu ái. Phương ngữ của tờ báo, cái tâm của người viết hợp với tư duy đổi mới, tự cởi trói của ông. Phạm Quỳnh đã thực hiện thành công nỗi hối tiếc mang xuống suối vàng mà chưa làm nổi của Cao Bá Quát:

Tự tùng phiếm hải lịch ba sơn
Thủy giác lục hợp hà mang mang
Hướng tích văn chương đẳng nhi hí
Thế gian thùy thị chân nam tử
Uổng cái bình sinh đọc thư sử

Ðại ý: Từ chuyến đi thuyền trên biển sang tới Batavia thì mới hiểu rằng trong cõi trần hoàn này rất rộng lớn và thấy rằng những chuyện văn chương mà tôi học được từ xưa, đều là chuyện trò chơi con trẻ cả.

Người được coi là “thần Siêu, thánh Quát” ấy ước rằng:

Nếu trong thế gian này, có người nào là chân nam tử tức là người có bản lĩnh thật sự thì mong người đó đừng uổng công, cái công bình sinh đời Cao Bá Quát đã bỏ ra rất nhiều năm để đọc thư và đọc sử.

Khi đọc Chiếu nhường ngôi của Bảo Đại với câu “Trẫm thà làm dân của một nước độc lập, hơn là làm vua của một nước nô lệ”, tôi thấy nó hợp với khí phách Phạm Quỳnh hơn là ông Phạm Khắc Hòe, tự nhận là người chấp bút. Trong hồi ký chính trị của ông Phạm Khắc Hòe, chính trị phủ trùm lên sự thật, nhiều sự kiện ông né tránh, nhiều sự kiện vơ vào, không đáng tin. Thậm chí ông dùng cả từ Việt Cộng trong ngữ cảnh năm 1946. Một từ chỉ có 20 năm sau. Vua sở hữu một văn tài như Phạm Quỳnh lại dùng ông đổng lý văn phòng trong việc soạn thảo một văn kiện trọng đại như vậy?

Cung nữ và thái giám (ảnh tư liệu)

Nam Phương sinh trong một gia đình sống với văn hóa Pháp. Cô gái có nhiều lựa chọn hơn là lấy vua. Lần đầu gặp Bảo Đại, Mariette chỉ tò mò mà không bị choáng ngợp. Thậm chí, khi bàn về chuyện cưới hỏi, gia đình Mariette đã nghĩ về một hợp đồng phân chia tài sản trong trường hợp ly dị. Một điều không thể có trong tưởng tượng của những người Việt Nam dũng cảm nhất. Thậm chí có thể khép vào tội “khi quân”, đặt vua bằng vai phải lứa với một người phụ nữ? Ai đời, vua mê mà còn chảnh?

Gia đình bà là gia đình đều có chữ nghĩa, tất cả đều học tại Paris. Ông của bà, Philippe Lê Phát Đạt (1841-1900), biết cả tiếng Latin, tiếng Bồ Đào Nha. Cha của bà cũng sở hữu bằng tú tài Pháp. Lối sống trong gia đình là lối sống châu Âu. Khi có tiệc, cha bà thuê đầu bếp người Pháp về nấu nướng. Chị của bà lấy một bá tước người Pháp. Estienne d’Orves một sĩ quan hải quân quý tộc Pháp, sau này trở thành anh hùng trong Đại chiến thế giới thứ hai, đã mượn chiếc xe nức tiếng Alfa Romeo của gia đình bà thời đó đi thăm xứ chùa Tháp. Alfa Romeo là loại xe đua giành chức vô định thế giới về đua tốc độ năm 1932. Năm 1935, cả thế giới mới có 91 chiếc.

Rất có thể, nếu không lấy Bảo Đại, Mariette – cái tên Pháp của Hoàng hậu – sẽ rơi vào lưới tình của chàng quý tộc. Năm lần bảy lượt tới Cochinchine, Estienne d’Orves đều ghé nhà bà. Hiện nay có tàu hộ vệ tên lửa mang hỏa tiễn và một bến metro tại Paris mang tên Estienne d’Orves. Sự thành công của gia đình bà nói lên đường lối phát triển kinh tế của Pháp đã đơm hoa tại một vùng đất bán khai, nằm lấp lửng giữa An Nam và Cam Bốt. Không có những công cuộc khai khẩn đất đai, chính sách điền địa hợp lý, Cochinchine sẽ không có đôi cánh cho các người Việt trở thành các nhà tư bản, thậm chí tư bản rất lớn.

Mariette mang về nhà chồng một triệu francs. Một số tiền không ít hơn 100 triệu đôla hiện tại. Cả đời bà không sử dụng một xu nào tiền thuế của dân cung phụng cho triều đình. Hoàng hậu Nam Phương không bỏ tiền ra mua chức, mà bà mang tiền nhà đi làm những chuyện chưa từng ai làm ở Việt Nam. Bà cho xây những cô nhi viện, để mắt tới các em nhỏ bất hạnh bị bỏ rơi. Ngày sinh nhật của bà là ngày các người tù được xét tha trước thời hạn, các trẻ em trong trường được phát kẹo. Cũng nhân dịp này, giải thi đấu bóng bàn được tổ chức ở Huế. Bà cùng với Vua Bảo Đại khánh thành hai trường cho Việt Nam mô phỏng theo mô hình ngôi trường giáo dục mà hoàng hậu theo học tại Paris. Trong album gia đình còn giữ tấm ảnh Nam Phương mặc váy đầm chụp ảnh bằng chiếc máy Rolleiflex 6×6, và Vua Bảo Đại ngự trên chiếc ngai do Vua Pháp Louis XVI tặng Vua Gia Long tại lễ tế đàn Nam Giao. Loại máy 6×6 huyền thoại này ngay đến những năm 1990 của thế kỷ 20 vẫn còn là ước mơ không với tới của nhiều nhiếp ảnh gia Pháp.

Bà đứng ra chăm sóc giáo dục Bảo Long cùng với Agnès Staub, nhũ mẫu người Thụy Sĩ của hoàng tử. Sinh ra, chú bé cũng không đeo những bùa chú, vòng bạc tránh gió. Bảo Long biết chăm sóc tiền bạc của mẹ để gia tài sinh sôi, nảy nở. Song sau thời gian phục vục tại quân đội, vị hoàng tử kế vị vẫn chọn sống trong một ngôi nhà nhỏ khiêm nhường với một người phụ nữ Pháp đã có hai con. Một ví dụ nữa để nói rằng sự giáo dục do mẹ dạy cho hoàng tử khác xa thói kênh kiệu của lớp trưởng giả nửa mùa. Khi rảnh rỗi bà cưỡi ngựa, chơi golf, tennis, buổi tối chơi piano, đàn mandoline.

Gia đình là một hình ảnh đẹp trên trường quốc tế. Bên cạnh cử chỉ khúm núm của Norodom Sihanouk, Quốc vương Campuchia, Vua Bảo Đại vượt lên đường bệ ngay cả trong giọng nói. Nam Phương còn mua cho vua Bảo Đại 200 hecta ở châu Phi để thỏa ý thích săn bắn. Những biến động chính trị đã phá tan hạnh phúc gia đình. Có lẽ, sau khi ra Hà Nội nhận chức cố vấn đặc biệt cho chính phủ Việt Minh, ông nhận ra mình đã bị lừa. Trong hồi ký của mình, ông nhận xét chua chát về cái ghế đại biểu Quốc hội của tỉnh Thanh Hóa nhận được mà không cần ra ứng cử, các công việc thì đã có các đại biểu Việt Minh làm hết… Bức điện nhân danh cựu hoàng gửi nước Pháp đánh đi ông không được đọc, chỉ biết qua một lời nhắn miệng. Nó như một sự xúc phạm, vượt ngoài đạo đức thông thường. Tên tuổi, uy tín cá nhân của ông được sử dụng trong việc đứng ra kêu gọi nhân dân trong tuần lễ quyên góp vàng mua súng đạn.

Như một câu tục ngữ “Thất vọng và nản chí là căn bệnh nặng nhất của cuộc đời”, sống xa Hoàng hậu Nam Phương và các con, ông đến với những người đàn bà khác. Ông được nhiều người phụ nữ yêu. Những người bước vào cuộc đời ông đều là những người đáng kính. Những lúc chẳng còn gì trong tay, ông cũng được những cô gái mang tiền nhà ra nuôi, chăm sóc ông, đi theo ông. Sau khi gắn bó với ông, tất cả đều ở vậy, không đi bước nữa. Nỗi buồn nào ông đã gieo vào lòng họ? Đừng trách tình yêu hững hờ, hiểu được tình yêu là chuyện chưa ai dám nói.

Tôi đã gặp nhiều lần thứ phi Bùi Mộng Điệp, người mà cựu hoàng gắn bó từ thời gian ở Hà Nội. Bà ưu ái, rộng lượng, sống tình cảm. Lúc vua thất thế, sống vất vưởng ở Hong Kong, bà mang tiền nhà ra nuôi cựu hoàng, được ân sủng, song bà luôn cung kính với mẹ đẻ của vua, được Đức Từ Cung yêu mến. Bà kể rằng một người nhận là “nhà Huế học” đến gặp, người mà bà biết rõ chân tướng, bà chỉ mặt, song vẫn tha thứ, vẫn kể những ký ức cho ông này mang về bán sách. Bà có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Vua Bảo Đại. Song hai đứa con trai có với ông đều mất sớm, đi trước mẹ, gieo cho bà nỗi buồn mênh mông.

Bà là người Hà Thành thứ hai bước vào cung đình Nguyễn trong suốt chiều dài 143 năm của triều đại này. Người đầu tiên là vợ của Hoàng đế Quang Toản, Vua Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân ẵm luôn người đẹp Thăng Long. Trong cuộc đời chính trị của mình, vua Bảo Đại không bắt một thủ tướng nào thề trung thành tận tụy với mình. Duy nhất, cựu hoàng đề nghị ông Ngô Đình Diệm làm việc đó. Ông đã nhìn không lầm người. Sự phản bội của ông Diệm làm ông tan nát.

Ông đến với một cô gái Pháp tóc vàng 35 tuổi. Con trai ông sinh với cô gái vùng Alsace Christiane Bloch-Carcenac mang tên Patrick-Edouard. Đó là cô gái Pháp đầu tiên trong danh sách những người tình của cựu hoàng. Patric-Edouard kể về những kỷ niệm ấm áp với cha mình khi đòi ông mua bánh kẹo. Những câu chuyện của Patric có thể tái dựng phần nào tính cách giấu kín dưới cái nhìn buồn buồn sâu thẳm của Vua Bảo Đại.

Cô gái Pháp cuối cùng mà ông chung sống cũng có mái tóc vàng, 26 tuổi. Tôi cầm trên tay bảng thanh toán tiền hưu của Vua Bảo Đại mà nhà nước Pháp trả cho ông được chuyển giao sang cho cô sau khi vua mất, dưới chữ ký của Bộ trưởng Tài chính hồi đó là  Dominique Strauss-Kahn. Ông để lại cho cô ½ lương hưu, một số tiền khá lớn so với thu nhập trung bình của người Pháp. Ông đã cưới cô, để cô có một cuộc sống đảm bảo về vật chất sau khi ông mất? Tôi không biết, nhưng chắc đó cũng là việc Thiện cuối cùng ông muốn làm cho người phụ nữ đi với ông chặng cuối của cuộc đời. Ông cảm thấy đã phụ nền văn hóa đã gửi gấm cho mình lý tưởng làm giàu mạnh cho vương quốc ông, Cochinchine một thời ngọt ngào của Mariette cũng đã tan nát rồi.

Thôi, chút tình còn lại gửi vào hạt vàng nhỏ nhoi ông đặt lên bàn tay người con gái của dân tộc ấy như một chút đền bù, rồi đi. Người đàn ông mạnh mẽ, lãng mạn, mơ mộng và một thời khát khao với lý tưởng ấy mất ở tuổi 83. Ông thọ hơn tất cả các Hoàng Đế của vương triều Nguyễn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: