HỢP TÁC XÃ TIÊU THỤ VÀ QUỸ KÝ THÁC CAN NHÂN
Không kể phần gạo và thực phẩm, chủ yếu là cá mắm và cá khô, được tiếp tế từ đất liền cho tù nhân và các giám thị cùng gia đình, rau cải làm ra từ các sở rẩy và heo gà do thân nhân quân nhân, công chức trên đảo nuôi được chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của mấy ngàn thường dân. Đó là lý do thành lập một hợp tác xã (HTX) để thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của ngần ấy người dân trên đảo.
Hợp tác xã
Trung bình từ một đến hai tháng có một chuyến tàu từ đất liền ra đảo, chở theo thực phẩm và nhiều vật dụng thiết yếu do Ban Quản lý HTX đặt mua, căn cứ vào sự tính toán nhu cầu thực tế của người dân. Người thầu cung cấp thực phẩm là ông Huỳnh Văn Phàn, cư ngụ tại Bà Chiểu, Gia Định. Chi phí vận chuyển khá cao, trị giá hàng tiêu thụ không lớn, ước tính khoản lợi nhuận của nhà thầu không nhiều.
Trước năm 1971, vai trò Chủ tịch HTX được giao cho vị sĩ quan Đặc khu phó, song từ khi có thêm chức vụ Phụ tá Hành chánh, viên chức này đảm trách vai trò trên. Quản lý HTX Nguyễn Văn Sơn là một người có thân phận khá đặc biệt, anh không phải là quân nhân, công chức, cũng không phải là tù nhân, sống độc thân và nghe đâu đã có mặt ở Côn Đảo khoảng 15-16 năm trước năm 1971, là thời điểm người viết bài này ra nhận chức vụ Phụ tá Hành chánh đầu tiên kiêm lãnh trách nhiệm Chủ tịch HTX.
Anh Sơn được cấp chỗ ở là một ngôi nhà nằm ở góc đường, nơi các anh em Trưởng ty sở thường đến để uống trà và nói ba điều bốn chuyện. Nối liền với ngôi nhà của người quản lý là một dãy nhà dài vài mươi mét dành làm nơi hoạt động chính của HTX Côn Sơn. Tại đây, người ta trưng bày và bán những mặt hàng thiết yếu dành cho gia đình quân nhân, công chức, và cả những tù nhân đang làm công nhân văn phòng, sống ở Trại lá.
Công nhân viên ở HTX gồm hai thành phần chính, một là con em quân nhân, công chức hay giám thị trại, làm việc được hưởng thù lao trích từ quỹ hoạt động của HTX, hai là tù nhân có học vấn, không thuộc thành phần chống đối và được đối xử như các tù nhân làm công nhân văn phòng khác.
Với tư cách người kiêm nhiệm vai trò Chủ tịch HTX, tôi không can thiệp sâu vào hoạt động hàng ngày của tổ chức này; thường thì mỗi cuối tháng, anh Sơn lên Cơ sở Hành chánh mời tôi đích thân xuống HTX xem mấy cuốn sổ nhật ký kế toán, to và rất nặng nề, để ký duyệt vào đó. Chỉ khi nào có những việc khẩn cấp hay quan trọng mới có sự bàn bạc giữa Chủ tịch và Quản lý HTX, hàng ngày, Quản lý là người điều hành chính theo thông lệ hoạt động từ trước.
Gần đây, qua sự tiếp xúc tình cờ với một số người từng sống lâu dài tại Côn Đảo, được biết sau ngày 30 Tháng Tư 1975, anh Sơn là một trong những người tiếp quản Côn Đảo.
Quỹ ký thác can nhân
Trong lúc Hợp tác xã Tiêu thụ Côn Sơn là nơi đáp ứng nhu cầu thực phẩm và vật tư thiết yếu cho người dân trên đảo thì “Quỹ ký thác can nhân” lại có những hoạt động liên quan đến tù nhân trên đảo.
Những năm trước 1975, tù nhân tại Côn đảo, kể cả tù chống đối bị giam riêng, được phép nhận tiền do thân nhân từ đất liền gửi ra. Số tiền gửi ra đảo dưới hình thức bưu phiếu (mandat-poste), vào khoảng từ 2.000đ đến 4.000đ. Song có lẽ do từng xảy ra trường hợp phạm nhân có nhiều tiền một lúc, dẫn đến việc họ nhờ giám thị hay tù trật tự mua rượu thịt vào nhậu nhẹt trong tù, hoặc đánh bạc, hoặc mua chuộc giám thị, qui định của Trung tâm cải huấn Côn Sơn là chỉ cho họ được phát mỗi tuần lễ 500đ, nhận như thế cho đến khi hết số tiền họ có thì thôi.
Để thực hiện qui định này, một “Quỹ ký thác can nhân” (gọi tắt là “Quỹ ký thác) được chính quyền trung ương cho phép thiết lập để nhận tiền của thân nhân tù nhân gửi ra và phát dần cho họ, chức trách Quản lý kế toán quỹ đó do tôi kiêm nhiệm. Theo thủ tục, mỗi khi Ty Bưu điện Côn Sơn nhận được bưu phiếu đề tên người nhận, tên trại giam giữ, nơi đây sẽ thực hiện hai động tác chính: Một là thông báo tên người thụ hưởng cho ban quản lý trại nơi họ bị giam giữ để nơi đây thông báo trực tiếp số tiền họ có trong tài khoản; hai là sung đương số tiền đó vào quỹ Ký thác tại Ty Ngân khố, với đầy đủ tên người nhận, tên trại giam.
Hàng tuần, mỗi trại giam sẽ căn cứ vào yêu cầu của các phạm nhân có tiền trong quỹ ký thác, lập danh sách những người xin nhận tiền (500 đồng), kèm chữ ký của mỗi người, gửi đến ban điều hành quỹ để lập thủ tục trả tiền cho họ. Tiền do giám thị trưởng trại nhận chung cho toàn bộ phạm nhân trong trại và phát lại cho mỗi người.
Với công việc này, tôi được sự giúp sức của giám thị Lê Văn Hùng, nguyên Trưởng kho 2 lương thực, thực phẩm của Trung tâm Cải huấn. Ông có nét chữ viết đẹp, ăn chay trường, đầu cạo trọc, người trông khá hiền lương. Nhờ có ông, tôi rảnh rang lo việc khác, chỉ giúp ông giải quyết những khó khăn bất chợt về thủ tục, đặc biệt trong việc quyết định cho một số tù nhân “có máu mặt”, khả tín, nhận lãnh trọn số tiền họ có, thay vì mỗi tuần 500 đồng như đa số người khác. Chính trong sự vụ này mà tôi có dịp tiếp xúc với một số người tù “đặc biệt”, đến gặp tôi để xin nhận lãnh một lần trọn số tiền do thân nhân họ gửi ra.
__________
Người đầu tiên mà tôi muốn nhắc đến là y sĩ Lê Túy, một cán bộ MTGP, bị bắt vào năm 1968 khi lẻn từ chiến khu về thăm nhà tại trung tâm thị xã Nha Trang. Ngạch Y sĩ của miền Bắc tương đương ngạch Cán sự Y tế trong Nam; còn ở miền Nam, hai từ Y sĩ và Bác sĩ thường có nghĩa như nhau, nghiệp đoàn của các bác sĩ được gọi là Y sĩ đoàn, chứ không gọi là Bác sĩ đoàn. Anh Túy ra làm tại Ty Y tế (kiêm bệnh viện) Côn Sơn, mọi người lịch sự gọi anh là “bác sĩ”.
Anh Túy được biết đến nhiều với kỹ thuật trị bệnh đau dạ dày khá kỳ lạ: Anh chỉ cần dùng dao bén rạch một lằn nhỏ trên lòng bàn tay người bệnh, lấy ra một tí mỡ là người đó khỏi bệnh dạ dày! Anh là một trong những “thân chủ” của quỹ ký thác được tôi ưu ái nhất, cứ mỗi khi được thông báo về số tiền do thân nhân gửi ra, không đợi xong các thủ tục chuyển tiền vào quỹ, anh chạy đến tôi, nở nụ cười “cầu tài”, xin tôi ứng trước cho trọn số tiền đó. Tôi mến cái phong cách vui vẻ, cởi mở, và tinh thần phục vụ bệnh nhân của anh nên lần nào cũng “đặc cách” thỏa mãn yêu cầu của anh.
Ở một bài trước, tôi có nhắc đến vụ án Đại úy Trần Ngọc Hiền thuộc MTGP, bị bắt tại Sài Gòn khi từ chiến khu về liên lạc với Sứ quán Mỹ. Còn nhớ khi vụ án diễn ra, báo chí lúc bấy giờ có kể lại chuyện em ruột ông Hiền là Trung tá VNCH Trần Ngọc Châu, khi đang làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre), từng dùng xe jeep chở ông Hiền từ Dinh Tỉnh trưởng xuống cầu bắc Mỹ Tho. Ở Côn Đảo, ông Hiền cũng thường đến xin tôi cho lãnh trọn số tiền do thân nhân gửi ra. Tôi cũng không từ chối điều này với ông.
Tôi vốn là dân học luật và kinh tế-tài chánh, nghe đồn ông Hiền là tiến sĩ kinh tế học ở Liên Xô nên cũng tò mò muốn biết kinh tế XHCN như thế nào. Vì vậy, tôi có đôi lần lưu ông Hiền lại văn phòng để trao đổi về các vấn đề kinh tế. Có hôm tôi lịch sự mời ông khi rảnh rang thì ghé nhà tôi chơi.
Một buổi sáng Chủ Nhật, ông Hiền đến thăm tôi tại nhà. Khác với ông Nguyễn Xuân Hòe, ngồi chưa ấm chỗ, ông Hiền đã thuyết cho tôi nghe về “sự ưu việt” của CNXH, về những âm mưu của “đế quốc Mỹ”, về những điều mà một cán bộ tuyên giáo vẫn thường nhắc đi nhắc lại. Buổi “đàm luận” duy nhất đó sớm chấm dứt. Về sau, tôi không có dịp nói chuyện với ông Hiền nữa, ngoại trừ những lúc chấp thuận trả trọn số tiền ông nhận được.
Những người ở độ tuổi 60-70 trở lên, từng sống ở Sài Gòn và miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968, chắc sẽ nhớ rõ vụ án “Phở Bình” nổi tiếng, được báo chí thời đó khai thác triệt để. Theo cáo trạng lúc bấy giờ, ông chủ quán phở này đã dùng địa điểm kinh doanh của mình làm nơi chứa chấp các cán bộ cao cấp của MTGPMN. Thời đó, tôi sống xa Sài Gòn nên không quan tâm lắm đến vụ án. Nhưng tại Côn Đảo, tôi lại gặp nhân vật chính của vụ án này là chủ quán Phở Bình, ông Ngô Toại.
Ông Ngô Toại là người gốc Hoa, cao to, nước da trắng hồng. Khi đến gặp tôi để xin lãnh trọn số tiền do người nhà gửi ra, ông thường mặc chiếc quần lụa đen thẳng thớm và chiếc áo sơ mi trắng, không thể nào trắng hơn. Hỏi ra, ông Toại đang làm quản gia kiêm đầu bếp chính cho ông “chúa đảo”, tức Trung tá Đặc phái viên Hành chánh Cao Minh Tiếp.
Đó là điều rất đáng ngạc nhiên, khi một người có dính líu mật thiết với phía địch và thụ hình vì những hành vi như thế lại được chính ông Tiếp giao cho những công việc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả sinh mạng của ông và gia đình! Không chỉ thể, dinh của ông Tiếp là nơi thường xuyên khoản đãi các phái đoàn cao cấp của trung ương, từ Tổng trưởng đến các tướng lãnh.
Mọi việc cuối cùng cũng xuôi chèo mát mái và không có bất trắc nào xảy ra trước ngày ông Tiếp rời đảo (Tháng Sáu 1972). Chắc chắn là trước khi sử dụng ông Ngô Toại, Trung tá Cao Minh Tiếp đã phải xem kỹ hồ sơ cá nhân của ông ta và có thể nhận thấy những việc ông ta đã làm không có tính tự nguyện, chỉ là do chịu một áp lực từ bên ngoài. Mà như vậy thì lại không phù hợp với những gì mà nhiều cơ quan truyền thông sau 1975 đã quảng bá rùm beng về nhân vật chủ quán Phở Bình này!
Cũng cần nói thêm về cách hành xử của Trung tá Cao Minh Tiếp, của tôi, và nhiều viên chức khác ở Côn Đảo đối với các tù chính trị. Với chúng tôi, dù chính kiến có khác nhau đến đâu, họ cũng hiện diện trên hòn đảo này như những kẻ ngã ngựa, những tù nhân trong bàn tay sinh sát của mình; tính mã thượng cố hữu của những người VNCH đối với kẻ ngã ngựa không cho phép chúng tôi ngược đãi thêm đối với họ. Sự cư xử tốt với họ cũng là cách cho họ thấy tính chính nghĩa của một chế độ mà họ đang chống lại với tất cả nỗ lực cao nhất.
Điều này nói lên ở đây cũng không thừa, vì khi sau 1975, có những luồng dư luận cho rằng chúng tôi đối xử như thế với tù chính trị là nhằm những mục tiêu chính trị về sau, khi chế độ VNCH không còn nữa. Đó là một luận điểm vô căn cứ, nếu không muốn nói là đầy ác ý, bởi vì vào những năm 1971-1972, không ai trong chúng tôi nghĩ rằng sẽ có một ngày 30 Tháng Tư 1975 ập đến với mình.
KỲ SAU: Những chuyện chỉ có ở Côn Đảo
_____________