Cuộc Cách Mạng Ruộng Đất 1954 ở làng tôi (Kỳ 1)

Một cuộc đấu tố địa chủ. (Hình: hinhanhlichsu.org)

Nửa năm cuối năm 1954, một đội cán bộ Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ được ông Hồ và đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) phối trí đến làng tôi, làng Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Vùng quê tôi nằm trong vùng kiểm soát của ông Hồ và các đồng chí của ông ngay sau ngày Tổng Khời Nghĩa, 19/08/1945. Sau ngày Toàn Quốc Kháng Chiến, 19/12/1946, vì nằm đối diện với đồn Hưng Hóa của quân đội Pháp ở phía hữu ngạn sông Hồng, nên làng tôi đã trở thành tiền tuyến trong cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và đội quân viễn chinh Pháp. Sau hiệp định Geneva 1954, quân Pháp rút khỏi vùng bên kia sông Hồng, dân làng tôi, cũng như các làng khác trong vùng, bắt đầu được sống lại những ngày thanh bình như thuở xa xưa, và không còn bận tâm đến tên rơi đạn lạc nữa. Gia đình tôi đã trở về mái nhà xưa, nằm giữa một khu vườn khá rộng ở trong làng.

Được trở về mái nhà xưa, gia đình tôi thật vô cùng vui mừng, dù rất đau lòng trước cảnh hoang phế bởi chiến tranh, song chúng tôi cũng bắt tay ngay vào việc sửa sang, lấp bằng những hố sâu do đạn súng cối hay đại bác của quân đội Pháp tạo ra, phát quang những bụi rậm, sửa chữa những chỗ hư hại trên mái nhà. Chỉ vài tháng sau, cảnh hoang dại và trống vắng đã biến đi, bụi chuối, bờ tre đã lấy lại sức sống, những luống khoai xanh tươi đã mọc lên. Những tưởng chiến tranh đã chấm dứt, cuộc sống gia đình tôi cũng như dân làng tôi sẽ sung túc trở lại. Song nào ngờ, nỗi vui mừng được sống trong hoà bình của gia đình tôi, cũng như dân làng tôi chỉ kéo dài được một thời gian ngắn, ông Hồ và đảng CSVN đã vâng lời quan thầy Liên Xô và Trung Cộng đẩy dân làng tôi vào một cuộc Cách Mạng Ruộng Đất (CMRĐ) và được gọi với một cái tên mới, thoạt nghe đã làm nhiều người khiếp đảm, cuộc “Cách Mạng Trời Long Đất Lở.”

Thật ra cuộc cách mạng này không có gì là mới lạ cả, mà chỉ là phó bản của chương trình “Thổ Cải” đã được Mao Trạch Đông và đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ) thực thi ở nước Tàu, từ năm 1946 tới năm 1953 và đã lấy đi trên dưới mười triệu sinh mạng của người dân nước này. Vì ông Hồ và đảng CSVN chỉ là tay sai của Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) do Liên Xô lãnh đạo và vị lãnh tụ cao cấp nhất của tổ chức này là Joseph Stalin, nên nhất cử nhất động của ông Hồ và đảng CSVN thực thi ở Việt Nam phải được sự chấp thuận trước của Stalin. Do đó, trước khi thực thi chương trình CCRĐ ở Việt Nam, ông Hồ đã phải thân hành sang Liên Xô xin phép Stalin. Song không biết vì lý do nào đó Stalin không muốn gặp mặt ông Hồ, nên ông ta đã phải viết thư cho Stalin. Dưới đây là bức thư viết bằng tiếng Nga của ông Hồ gửi cho Stalin:

Đồng chi Stalin thân mến:

Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao Động Việt Nam. Chương trình hành động này được lập bởi chính tôi với  sự giúp đỡ của các đồng chí Lưu Shao Shi (Lưu Thiếu Kỳ) và Văn Sha San. Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.
Gửi lời chào cộng sản.
Hồ Chí Minh.

31/10/1952

Ngay sau khi được Stalin chấp thuận, trên đường về nước, ông Hồ đã ghé Trung Quốc, xin đàn anh Mao Trạch Đông và đảng CSTQ hỗ trợ cho chương trình này, bằng cách mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ trước, cho một số cán bộ CCRĐ từ Việt Nam gửi sang, và cung cấp một đoàn chuyên gia làm cố vấn cho chương trình này khi được thực thi ở Việt Nam. Việc thực thi cuộc Cách Mạmg Trời Long Đất Lở trong vùng quê tôi vào thời gian ấy, được chia ra làm hai giai đoạn: Phóng Tay Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ đòi giảm tô và CCRĐ Đích Thực.

Quê tôi, tuy thuộc Liên khu Bắc Việt, do ông Hồ và đảng CSVN kiểm soát kể từ tháng Tám năm 1945, nhưng lại nằm kế cận với vùng tạm chiếm của Pháp. Vì thế, các làng xã khác nằm xa vùng tạm chiếm đã thực thi xong giai đoạn I và giai đoạn II, thì làng tôi mới bắt đầu giai đoạn I vào nửa năm cuối của năm 1954. Sở dĩ làng tôi hay vùng quê tôi thực thi giai đoạn I cuộc CMRD trễ hơn các làng khác là vì ông Hồ và đảng CSVN e ngại rằng, nếu thực thi sớm hơn thì bọn địa chủ trong vùng tôi sẽ trốn chạy sang vùng kiểm soát của quân đội Pháp hết, nên phải đợi đến thời gian hiệp định Geneva 1954 có hiệu lực, và các đồn bót của quân đội Pháp phía bên kia sông Hồng và sông Đà đã rút hết về Hải Phòng, ông Hồ và đảng CSVN mới gửi các đội cán bộ phát động đến làng tôi và các làng lân cận.

Khi đội Phát Động được phối trí vào làng tôi và các làng lân cận, hầu hết dân làng không một ai hay biết, mà chỉ thấy lác đác một vài kẻ lạ mặt đi lang thang trong làng. Đồng thời với một sự kiện lạ mắt khác nữa là, những hàng cột tre, cao hơn đầu người, trên đầu mỗi cột mang những sợi dây nhỏ bọc cao-su, nối tiếp nhau chạy dài qua những cánh đồng từ làng này tới làng kia. Lúc đầu, người dân quê vùng tôi không rõ những cây cột và những sợi dây ấy là cái giống gì, song một vài ngày sau mới hay đó là hệ thống đường dây điện thoại dã chiến, nối từ bộ chỉ huy các đội phát động trong mỗi xã tới một nơi nào đó là bộ chỉ huy của đoàn phát động hay bộ chỉ huy tiền phương cùng ban cố vấn tối cao Trung Quốc.

Ngay sau khi được phối trí vào làng xã, đội phát động bố trí ngay các thành viên của đội nắm giữ toàn bộ các chức vụ trong Chi Bộ, Ủy Ban Nhân Dân, và Nông Hội… trong xã, đồng thời đình chỉ công tác hầu hết các cán bộ và viên chức cũ. Sở dĩ đội phát động phải làm như thế, là vì trung ương đảng CSVN cho rằng, phần lớn các cán bộ cũ tuy có chút ít học thức và am tường tình hình địa phương, nhưng không ít thì nhiều đã bị bọn địa chủ trong làng mua chuộc. Thành phần trong chính quyền chuyên chính vô sản ở nông thôn, phải là những người thuộc giai cấp bần cố nông, không tài sản, và đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc đấu tranh chống địa chủ và cường hào ác bá ở nông thôn.

Khi phối trí vào hoạt động trong một làng xã, đội CCRĐ được ông Hồ và CSVN trao cho rất nhiều quyền hành, ngoài quyền sinh sát bọn địa chủ trong làng xã, đội còn có quyền “triệu hồi” hay bắt bớ bất cứ người nào dính líu hay có liên hệ máu mủ với các gia đình điạ chủ nơi họ đang hoạt động, dù những người ấy có đảng tịch thâm niên và đang giữ một chức vụ quan trọng trong đảng, trong chính quyền huyện, tỉnh hay là sĩ quan cao cấp trong quân đội nhân dân, để hạch hỏi, đấu tố và có thể bị giết nữa. Vì thế vào thời gian này trong vùng liên khu Bắc Việt xuất hiện câu cách ngôn: “Nhất Đội Nhì Trời.” Vì có quyền lực cao hơn Trời, nên các Đội CCRĐ đã gây ra không biết bao nhiêu là tang tóc cho rất nhiều người trong vùng quê tôi nói riêng và cho toàn miền Bắc nói chung.

Sau một thời gian tìm hiểu, và đã nắm vững tình hình về mọi mặt trong xã, đội phát động bắt đầu cho nông dân học tập tài liệu của đảng liên quan đến việc phân định thành phần dân chúng trong làng, sau những đêm học tập là đến những đêm bình bầu. Trong khi học tập, vì vốn thất học hay ít học, nên thật sự tầng lớp bần cố nông trong làng tôi không hiểu được rõ ràng về đường lối của Đảng. Do đó, trong những buổi họp bình bầu thành phần trong làng xã, họ ù-ù cạc-cạc như vịt nghe sấm, nên đã giơ tay biểu quyết chấp thuận toàn bộ danh sách thành phần dân chúng trong làng xã do cán bộ phát động thiết lập. Trong danh sách này gồm có các thành phần sau đây:

-Cố nông

-Bần nông

-Trung nông lớp dưới

-Trung nông lớp trên

-Phú nông

-Địa chủ

Căn cứ vào tỷ lệ 5% dân số trong làng phải là thành phần địa chủ do cố vấn Trung Quốc ấn định, và căn cứ vào quy luật bất di bất dịch của ông Hồ và đảng CSVN là: thà giết lầm 10 người, còn hơn tha lầm một người”, nên số lượng điạ chủ trong làng tôi trở nên đông đảo hơn trước rất nhiều. Nhiều gia đình trong làng trước đó cứ đinh ninh rằng, quá lắm là gia đình họ cũng chỉ thuộc thành phần trung nông lớp trên là cùng, nhưng sau những đêm bình bầu dưới sự lãnh đạo “sáng suốt” và “công minh” của đội, những gia đình này bỗng được nâng lên thành phần địa chủ, mà không cần phải kinh qua các thành phần trung gian khác.

Sau khi bình bầu và phân định thành phần dân làng xong, một số gia đình thuộc thành phần bần cố nông được đội cử cán bộ CCRĐ đến tận nhà, trước là để “thăm nghèo hỏi khổ” và sau là thăm dò nếu thấy thuận lợi sẽ đi thêm bước thứ hai nữa là “tam cùng.” Tam cùng có nghĩa là “cùng ăn, cùng ở, cùng làm.”

Cùng ăn không có nghĩa là gia đình bần cố phải nuôi cơm cán bộ, mà là cán bộ mang phần gạo của mình đến góp với gia chủ để nấu ăn chung, và cũng đóng góp một số tiền nho nhỏ nữa để mua mắm, muối, rau cỏ. Cùng ở, có nghĩa là cán bộ đến ở luôn trong nhà, ngày cũng như đêm. Cùng làm, có nghĩa là gia chủ làm gì cũng được cán bộ cùng làm, mà không phải trả công.

Theo lý thuyết của đảng CSVN, tam cùng có mục đích làm cho nông dân coi cán bộ CCRĐ như một người bạn “tri kỷ.” Để từ đó có thể “tâm sự” hay bộc lộ với cán bộ này tất cả những nỗi khổ đau thầm kín đã xẩy ra trong đời họ, trong gia đình họ mà trước đây họ không dám bầy tỏ cùng ai, hay cũng không có ai đáng tin cậy để bầy tỏ.

Cũng từ đó, bất kỳ những khó khăn trở ngại nào đó đã xẩy ra trong quá khứ cho ba đời của những gia đình bần cố nông này như nghèo đói, dốt nát, khổ đau, bịnh tật, chết chóc…, đều được cán bộ CCRĐ quy kết là do giai cấp địa chủ gây ra cả. Rồi cũng từ đó, cán bộ CCRĐ chỉ vẽ cho họ một con đường duy nhất để thoát khỏi tình trạng nghèo khổ, đói rách, bất công, và có một cuộc sống tốt đẹp và xứng đáng hơn trong tương lai. Đó là con đường phải triệt để tuân theo và trung thành với sự lãnh đạo sáng suốt của ông Hồ và đảng CSVN, để vùng lên đấu tranh đào tận gốc, trốc tận rễ giai cấp địa chủ.

Người dân quê vùng tôi, tuy chất phác, song cũng đã có một số ít nhận ra được phần nào sự nguỵ biện trắng trợn và vô lý của các cán bộ phát động, nên họ đã tỏ ra hoài nghi. Gặp những trường hợp như thế, cán bộ CCRĐ thường đem quyền lợi vật chất và tinh thần ra để dẫn dụ, như hứa hẹn cho họ vào đảng, cho nằm giữ các chức vụ trong uỷ ban nhân dân xã, chi bộ đảng, nông hội…, và hứa hẹn sẽ chia chác cho họ, ruộng đất, nhà cửa, đồ đạc, vật dụng v.v… tịch thu của địa chủ vào những ngày sắp tới.

Những gia đình bần cố được chọn để tam cùng đợt đầu, được coi như cái “rễ” và việc phân công cán bộ đến để tam cùng trong các gia đình này được gọi là “bắt rễ.” Sau khi đã tam cùng và đã bắt rễ được một gia đình bần cố nông, có nghĩa là đã tuyên truyền, vận động, móc nối được một gia đình tham gia một cách tích cực vào cuộc đấu tranh chống địa chủ, và gia đình này đã “giác ngộ” quyền lợi giai cấp và trung thành với Đảng.

Tới lúc này cán bộ tam cùng mới yêu cầu gia chủ giới thiệu bạn bè hay thân nhân của họ có cùng thành phần và cảnh ngộ, để lựa chọn đến tam cùng đợt hai. Việc cán bộ chuyển “tam cùng” hay “bắt rễ” từ gia đình bần cố này tới gia đình bần cố kia, được gọi là “xâu chuỗi.” Cứ từng bước một, dần dà cán bộ phát động trong một xã có thể bắt rễ và xâu chuỗi được một số khá đông bần cố nông nòng cốt tạo thành một mạng lưới bao vây và đấu tranh chống địa chủ.

Trong và sau chiến dịch Phát Động Quần Chúng một số đông thành phần bần cố nông nòng cốt được kết nạp vào đảng, được bố trí nắm giữ các chức vụ như bí thư chi bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân xã và các chức trưởng khác trong các cơ quan đoàn thể trong làng xã, mặc dù có thể họ chưa đọc thông viết thạo “quốc ngữ.”

Trong thời gian thực thi chiến dịch Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ ở làng tôi, bố mẹ tôi cũng như các địa chủ khác trong làng hằng đêm được dân quân du kích trong làng áp giải đến cuộc buổi họp của nông dân để cho họ tố khố, mắng chửi, hành hạ và đầy đọa… Ngoài ra, trong những buổi họp này, địa chủ còn bị truy tô, nghĩa là đòi trả lại cho tá điền số địa tô mà trước đây họ đã bội thu của tá điền hay người thuê ruộng của địa chủ, đồng thời còn bị tra hỏi về số của chìm của nôỉ cất giấu, với mục đích trốn tránh việc thoái tô cho nông dân.

Cũng trong thời gian này gia đình tôi cùng các gia đình địa chủ khác bị bao vây, cô lập, cấm không được liên hệ với bất cứ người nào trong hay ngoài làng. Nếu liên hệ với bà con, thì bị nghi ngờ “tẩu tán” tài sản để trốn trả nợ. Nếu liên hệ với phú nông hay địa chủ khác, thì bị kết tội là cấu kết với nhau để chống phá cách mạng ruộng đất. Để hạ uy thế giai cấp địa chủ ở nông thôn, đội phát động đã bắt buộc tất cả điạ chủ trong làng không phân biệt tuổi tác, mỗi khi ra khỏi nhà, hễ gặp nông dân, bất kỳ lớn nhỏ, phải đứng lại, nép về một phía lề đường, khoanh tay trước ngực, cúi đầu thật thấp, thưa lớn: “Con xin kính cẩn chào ông/bà nông dân ạ.” Mặt khác đội cũng bắt buộc nông dân trong làng không được gọi điạ chủ là ông hay bà mà phải kêu là “thằng này” và “con kia” và cho họ quyền đánh đập, ném đá, ném đất, mắng chửi, xỉ vả… địa chủ bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Bố mẹ tôi cũng như các địa chủ khác trong làng, ngoài việc bị đối xử như thú vật, còn thường xuyên bị áp giải tới các buổi họp của nông dân, ngoài việc bị hành hạ, xỉ vả, và truy tố mà còn làm đối tượng cho bần cố nông “tố khổ” nữa. Trong các buổi họp tố khổ, bần cố nông trong làng thường nêu lên những lý do, nguyên nhân, nguồn gốc… của mọi sự nghèo khó, tồi tệ đã xẩy ra trong gia đình họ như mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn, con cái thất học, ốm đau không tiền thuốc thang, nhà cửa vào những ngày nắng ấm thì trứng gà treo đầy trên vách, vào những ngày mưa thì có thể tắm gội ngay trong nhà… nhất nhất đều đổ lên đầu địa chủ.

Số ruộng đất mà bố mẹ tôi có vào thời gian ấy chỉ vào khoảng 50 mẫu ta. Một mẫu Ta (Việt Nam) có diện tích là 3,600 mét vuông. Một mẫu Tây (French) có diện tích là 10,000 mét vuông. Nếu tính bằng mẫu Tây, gia đình tôi chỉ có khoảng 17 mẫu. Một số là do ông bà nội tôi để lại cho bố mẹ tôi, một số là của hồi môn của mẹ tôi, và một số khác do công lao của bố mẹ tôi buôn bán, tần tảo, dành dụm trong nhiều năm mới mua thêm được. Dành dụm hay tiết kiệm được bao nhiêu là bố mẹ không mua vàng lá để cất giữ, mà mua ruộng đất để đầu tư. Người Việt thời xưa thường nghĩ rằng “tiết kiệm hay đầu tư hoạch để dành tiền bạc không gì bằng mua ruộng đất,” vì ruộng đất trồng tỉa và cấy lúa được thì có giới hạn, còn con người thì mỗi ngày một đông, nên không bao giờ lo mất giá cả, và cũng không lo có một đảng cướp nào có thể lầy được ruộng đất mang đi. Ông bà ta ngày xưa chắc không thể nào tưởng tượng được rằng vào giữa thế kỷ 20 lại có một đảng cướp lớn có tên là đảng CSVN, có thế cướp ruộng đất của tất cả mọi người.

Khi chiến dịch Phát Động Quần Chúng Đấu Tranh Chống Địa Chủ thực thi tại làng tôi, bố mẹ tôi, ngoài việc bị kết tội là cấu kết với thực dân phong kiến và lợi dụng thời cơ để mua ruộng đất của nông dân với giá rẻ mạt, còn bị lên án là đã vi phạm trầm trọng Sắc Luật Giảm Tô số 78/SL của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Theo sự giải thích của đội phát động, thì đạo luật này được ban hành vào ngày 14/7/1949 tại liên khu Bắc Việt, nghĩa là ở trong một khu rừng âm u nào đó thuộc tỉnh Thái Nguyên hay Tuyên Quang và đã được công bố trên mặt báo Nhân Dân cũng được phát hành trong vùng rừng núi âm u này.

Vào lúc ban hành đạo luật này, toàn bộ vùng đất do Việt Minh Cộng Sản kiểm soát đang thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến, nên hầu hết đường xá và cầu cống trong vùng hoặc được đắp ụ cao, hay đào hào sâu, hoặc bị phá huỷ, nên việc đi lại rất khó khăn và vô cùng vất vả. Do đó, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN, không được bán cho dân mà chỉ phổ biến trong nội bộ Đảng và các cơ quan nhà nước. Mỗi chi bộ xã và Ủy Ban Hành Chính Kháng Chiến trong vùng quê tôi, mỗi số cũng chỉ được một vài tờ. Đôi khi vì tình hình chiến sự, báo gửi cho đảng ủy xã còn bị thất lạc, nên họ cũng không có báo để đọc huống chi đối thường dân sống trong khu vực này. Với tình hình giao thông trở ngại và báo chí hiếm hoi như thế, nên hầu như dân vùng quê tôi chẳng mấy ai được thấy mặt mũi của tờ báo Nhân Dân, còn nói chi đến trường hợp một địa chủ ở vùng quê hẻo lánh được cầm trong tay tờ báo Nhân Dân công bố Sắc Luật Giảm Tô để đọc. Do đó, địa chủ trong vùng tôi hầu như không hề biết đến sắc luật giảm tô của ông Hồ tròn hay méo thế nào để thi hành.

Cũng theo sự giải thích của đội, thì trước khi có luật giảm tô, tá điền phải nộp cho địa chủ thường là 50% tổng số thóc mà họ thâu hoạch được trên thửa ruộng của địa chủ, hoặc theo số lượng thóc hay tiền mà hai bên đã thỏa thuận trước với nhau. Kể từ khi có Sắc luật 78/SL được ban hành, tá điền vẫn được giữ lại 50% như trước, và còn được giảm 25% trong số 50% nộp cho địa chủ, tức là lấy thêm 12.5% trong tổng số thóc thâu hoạch. Nói khác đi là, kể từ khi sắc luật giảm tô có hiệu lực, người thuê ruộng hay tá điền được hưởng 62.5% thay vì 50% tổng số hoa lợi thâu hoạch của thửa ruộng cho thuê; còn địa chủ chỉ được hưởng có 37.5% thay vì 50% như trước.

Theo cách tính bình quân, nhân sản lượng và tỷ lệ giảm tô 25%, để tìm ra số thóc mà gia đình tôi đã bội thu của tá điền từ năm 1947, năm sắc luật giảm tô bắt đầu có hiệu lực tới năm 1954, năm làng tôi bắt đầu thực thi chương trình CCRĐ, cán bộ phát  động đã tính trồng tréo thế nào không biết, mà gia đình tôi đã bội thu của tá điền lên tới con số hàng chục ngàn tấn thóc. Cán bộ nói ra bao nhiêu là chúng tôi phải chấp nhận bấy nhiêu. Vì không tin vào khả năng tính toán của đám cán bộ, nên đã nhiều lần gia đình tôi yêu cầu cho phép chúng tôi được tính lại, song chẳng những không được chấp thuận mà bị kết tội là ngoan cố nữa. Tính ra, gia đình tôi chỉ cho cấy rẽ phần lớn số ruộng đang có trong vòng 5 hay 6 năm thôi, mà số tô bội thâu đã lên cao đến nỗi, nếu bán hay gán tất cả số ruộng đất mà gia đình hiện có theo thời giá cho nông dân vào lúc bấy giờ đi nữa, cũng chỉ trả được phân nửa số tô bội thu mà gia đình tôi đã thu của tá điền. Số còn lại, có lẽ bố mẹ tôi phải trả bằng chính mạng sống của họ.

Để truy thâu món nợ to lớn này, bố mẹ tôi bị áp giải, lúc cả hai lúc riêng rẽ, hết trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân xã, tới trụ sở của đội, trụ sở của nông hội, hay tới những buổi họp của bần cố nông hầu như mỗi đêm. Tại những trụ sở này, chúng doạ nạt, thúc ép, dụ dỗ bố mẹ tôi khai báo về số của chìm, cùng các tài sản khác còn giấu giếm hay gửi gấm, phải moi ra trả món tô bội thu cho nông dân. Là con cái địa chủ, tôi cũng thường được “mời” tới các buổi học tập do đội tố chức để được nghe giảng giải về đường lối của Đảng và Nhà Nước, và đặc biệt là về chính sách đối xử rất khoan hồng với con cái địa chủ. Vì muốn chia để trị, nên Đảng không coi con cái địa chủ, khi chúng chưa trực tiếp tham gia vào công việc bóc lột nông dân, là địa chủ, và chỉ coi họ là thành phần có liên hệ máu mủ với địa chủ mà thôi. Do đó chúng không gọi chúng tôi là thằng này con kia, và cũng không bị chửi bới thậm tệ như bố mẹ tôi. Chúng thường dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để thuyết phục và “chiêu hồi” con cái địa chủ đứng về phía nông dân tố cáo tội ác của bố mẹ chúng.

Riêng tôi, vì đã được học hết lớp 7, tương đương với lớp đệ tứ trong vùng quốc gia, nên chúng đã khai thác triệt để việc được đi học này để thuyết phục tôi đầu hàng giai cấp nông dân và tố cáo tội lỗi của bố mẹ tôi đối với nông dân. Hết cán bộ đội phát động, đến cán bộ nông hội, rồi đến cả mấy ông, bà bần cố vừa mới được bắt rễ xâu chuỗi nữa, cứ lập đi lập lại như con vẹt tập nói, như con trâu nhai lại rằng, việc tôi được học hết 4 năm bậc tiểu học, và ba năm trung học là công lao và mồ hôi nước mắt của nông dân, mà không phải là của thằng Quang (bố tôi) và con Quán (mẹ tôi) vì họ không trực tiếp tham gia lao động nên không thể sản xuất ra của cải và lúa gạo được. Họ bảo tôi phải ý thức rõ điểm này, đừng để lòng yêu thương cha mẹ mù quáng, làm mất sáng suốt trong việc nhận định đúng đắn ai là thù, ai là bạn của bản thân. Nói thế, có nghĩa là đám cán bộ của đội phát động muốn tôi phải coi bố mẹ tôi là kẻ thù của tôi.

Họ cũng an ủi tôi rằng đừng quá lo lắng về vấn đề con cái địa chủ, vì Đảng rất quang minh, chính đại, và chỉ đánh những kẻ chạy đi, không bao giờ đánh kẻ chạy lại. Họ còn nêu ra nhiều trường hợp điển hình như con tố cha, vợ tố chồng, con cháu tố ông bà nội ngoại… trong làng tôi và trong vùng quê tôi, nghĩa là toàn những chuyện trái tai gai mắt, trái với luân thường đạo lý của ông bà ta ngày xưa, để tôi khuyên bảo và khuyến khích tôi noi theo. Những lời “vàng ngọc” của đám cán bộ rót vào tai tôi lúc ấy khi trầm, khi bổng, khi chậm, khi nhanh, nhưng tất cả đều như “nước đổ đầu vịt” hay “nước đổ lá khoai” vô tai này, ra tai kia. Những lời lẽ “quý báu” mà ông Hồ và đảng CSVN dậy bảo họ bấy lâu nay, bây giờ họ moi ra để nhai lại rót vào tai tôi. Quả thật những lẽ trái với luân thường đạo lý này không thể nào lọt vào tai tôi được, song tôi cũng không dám phản đối, vì kinh nghiệm trong những năm tháng dài sống với Bác và Đảng cho biết là “nhẫn nhục” là vàng.

Cuộc Cách Mạng Ruộng Đất 1954 ở làng tôi (Kỳ cuối)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: