Cuộc trốn chạy từ miền Bắc Cộng Sản vào miền Nam Tự Do 1954 (3)

Tàu USS Montague của Hoa Kỳ đang chuẩn bị đón người di cư tại cảng Hải Phòng. (Hình: US Navy/Wikipedia.org)

(tiếp theo và hết)

Giai đoạn II từ Hà Nội xuống Hải Phòng

Trong thời gian chờ đợi tìm đường đi Hải Phòng, gia đình tôi được thu xếp đến tạm trú và ăn Tết Ất Mùi trong một căn hộ tại phố Hàng Đậu. Căn nhà này do người cháu gọi bố tôi bằng chú làm chủ, và trước khi di cư vào Nam, được giao cho bà chị của bố tôi quản lý. Tết Ất Mùi là cái tết đầu tiên cũng là cái tết cuối cùng gia đình tôi được ăn tết ở cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật. Ngay tối hôm đó, tôi được mấy đứa cháu dẫn đi coi chợ hoa. Tại đây, tôi còn thấy cảnh ông Đồ già, quần trắng áo the thâm, “bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” nhưng người thuê viết chỉ lác đác có mấy người.

Vào chiều mồng ba Tết, người chị ruột của bố tôi đến thăm, bà mang đến cho chúng tôi một giỏ bánh Tây (bánh mì) và thịt quay còn nóng hổi và khi cả nhà đang ăn và nói chuyện vui như Tết, thì tôi nghe thấy có tiếng xì xào ở phía cửa sau.  Đứng lên, bước tới cửa sổ, nhìn ra sân sau, rồi nhìn sang gia đình hàng xóm kế cận, tôi thấy một người cao lớn, mặc đồ đại cán, đội nón cối xanh có gắn huy hiệu Công An Nhân Dân đỏ chót. Có lẽ vì “có tật, giật mình” gia đình tôi hoảng hồn tưởng là công an Hà Nội đã đánh hơi thấy việc trốn chạy của gia đình tôi, nên đến để dò xét và điều tra qua gia đình người hàng xóm. Những miếng bánh mì giòn tan và những miếng thịt quay béo ngậy đang ăn trong miệng bỗng nhiên mắc kẹt ở cuống họng.

Sau một vài phút nghe trộm, tôi mới vỡ lẽ ra rằng đó chỉ là một anh công an bình thường, đến thăm một gia đình quen biết là hàng xóm của chúng tôi, nhân dịp đón tết Nguyên Đán. Vì nhà tôi và nhà người hàng xóm, chẳng những kế cận nhau mà còn có sân sau ăn thông với nhau nữa, và khi nói chuyện với gia chủ, chú công an đã vô tình đứng lấn sang phần sân của chúng tôi, nên mới gây ra sự hiểu lầm.

Tới được Hà Nội với đầy đủ các thành viên trong gia đình, là điều rất mừng, vì đã vượt qua được một đường đầy bất trắc và nguy hiểm, song chúng tôi vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh, chỉ khi nào vào được tới Hải Phòng, mới có thể nói là thành công trọn vẹn. Trong thời gian chờ đợi tại Hà Nội, tôi tranh thủ thăm viếng hầu hết các thân bằng quyến thuộc để hỏi thăm đường đi nước bước và cũng thăm dò xem họ có cách nào giúp chúng tôi trốn xuống Hải Phòng không?  Một trong số thân nhân mà tôi đã viếng thăm là cô Lan, cùng lứa tuổi và là bà con bạn dì với tôi, nhà ở phố Hàng Cót.  Được biết cô Lan vừa mới xuống Hải Phòng thăm mẹ trở về, nên tôi hỏi thăm khá kỹ về đường đi nước bước. Cô cho biết, vì là người đang cư ngụ hợp lệ tại Hà Nội, nên việc cô xin phép đi Hải Phòng hầu như không gặp khó khăn nào cả và chỉ cần đến đồn Công An, xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh là cư dân Hà Nội là được cấp giấy phép đi Hải Phòng ngay. Còn người Hải Phòng, trong thời gian ấy thường lên Hà Nội để coi hát rất đông, vì đoàn văn công của Liên Khu Bắc Việt đang trình diễn thường trực tại Nhà Hát Lớn, song cô không rõ là những người này khi trở về phải trình những giấy tờ gì? Cô còn cho tôi xem Giấy Phép do công an Hà Nội cấp cho cô đi Hải Phòng nữa.

Khi xem giấy phép này, tôi thấy trong giấy phép của cô không có hình và còn tới hai tuần nữa mới hết hạn và đặc biệt hơn nữa trong giấy phép tên của cô là TRẦN PHƯƠNG LAN mà không phải là TRẦN THỊ LAN như tôi vẫn tưởng. Khi thấy giấy phép tên lót của cô lại là PHƯƠNG mà không phải là THỊ, như phần đông phụ nữ trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, nên tôi nghĩ ngay đến việc lợi dụng giấy phép này để đi Hải Phòng. Vì với cái tên TRẦN PHƯƠNG LAN người ta có thể nghĩ là tên của một cậu con trai hơn là tên của một cô con gái. Tôi bèn ngỏ lời hỏi mượn giấy phép của cô và được chấp thuận một cách không do dự.

Sáng hôm sau tôi đã có mặt tại ga Hàng Cỏ để đáp chuyến xe lửa đầu tiên đi Hải Phòng. Khi bước vào phòng bán vé, tôi thấy một vài chú công an lảng vảng, nên cũng hồi hộp đôi chút, nhưng không bị xét hỏi gì cả, tuy nhiên khi mua vé đi Hải Phòng tôi đã phải xuất trình giấy phép. Người bán vé dường như cũng chẳng thắc mắc gì về cái tên Trần Phương Lan là nam hay nữ cả.

Vài giờ sau đó tôi đã đến được ga Phạm Xá, nơi đây xe lửa từ Hải Phòng lên Hà Nội, và Hà Nội xuống Hải Phòng phải ngừng lại cả giờ đồng hồ để hai bên Quốc-Cộng bàn giao xe và thay đổi nhân viên điều hành, với sự chứng kiến của Ủy Hội Quốc Tế gồm Ấn Độ, Gia Nã Đại và Ba Lan. Tại giao điểm này, tôi thấy những hành khách ăn mặc có vẻ nửa quê, nửa tỉnh trên xe lửa Hà Nội đi Hải Phòng thường được công an  “chiếu cố” kỹ lưỡng. Nhiều ông già, bà cả, và em nhỏ được công an và bộ đội đến hỏi han đôi ba câu rồi bỏ đi. Và một lát sau, có lẽ là công an giả dạng đến hỏi han và chuyện trò rất thân mật và vui vẻ với họ như con cái hay chị em trong nhà, nhưng đến khi đoàn xe lửa kéo còi báo hiệu sắp sửa chuyển bánh đi Hải Phòng thì các cô công an giả dạng chồm tới ôm chầm lấy đối tượng kéo xuống xe, đồng thời miệng bù lu bù loa khóc lóc và năn nỉ rằng, ông hay bà, bố hay mẹ, anh hay chị em đừng nghe theo lời tuyên truyền dụ dỗ của những tên Việt Gian bán nước, bỏ lại con cái, anh chị em, nhà cửa, ruộng vườn cùng mồ mả của ông cha để di cư vào Nam. Mặc dù người bị lôi kéo vừa giãy giụa vừa la hét chối bỏ sự liên hệ gia đình với những người này, nhưng vẫn bị công an và bộ đội ôm kéo xuống xe, trước sự ngơ ngác của các thành viên trong Ủy Hội Quốc Tế.

Mãi tới hơn 10 giờ sáng tôi mới tới được căn nhà của cô tôi (mẹ của cô Lan) tạm trú trong thời gian chờ đợi đến lượt đi máy bay vào Sài Gòn. Đó là gia đình của một bà bạn thân của cô tôi. Chồng bà, theo cô Lan cho biết, là một viên chức cao cấp của Sở Công An Bắc Việt. Trong khi hàn huyên với cô tôi và bà chủ nhà về thảm cảnh ở quê tôi trong tám năm kháng chiến, và đặc biệt về những nghiệt ngã mà bố mẹ tôi đã phải chịu đựng trong chiến dịch Phóng Tay Phát Động Quần Chúng, cùng những khó khăn của gia đình tôi trong việc kiếm đường từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tôi thấy bà chủ nhà hiểu biết khá đầy đủ về những gì đã và đang xảy ra trong vùng Việt Minh đang kiểm soát. Đây là lần đầu tiên tôi gặp bà, song phong cách lịch thiệp của bà đã khiến tôi có cảm tưởng như quen biết bà từ lâu. Vì là bạn thân của của cô tôi, nên khi nói chuyện với tôi bà xưng là cô và bà gọi tôi bằng cháu rất thân mật. Sau đó bà cho biết là 12 giờ trưa, chồng bà, sẽ về nhà ăn cơm, và bà sẽ hỏi xem có cách nào giúp gia đình tôi xuống Hải Phòng. Bà mời tôi dùng cơm trưa thanh đạm với gia đình bà và cô tôi.

Một người Thiên Chúa giáo di cư từ miền Bắc nhận đồ dùng do Mỹ phân phát. (Hình: US Govt/Wikipedia.org)

Hơn 12 giờ, chồng bà về tới nhà trên một chiếc xe mobylette cọc cạch. Phong thái giản dị và cách ăn nói nhẹ nhàng của ông đã làm cho kính trọng ông. Sau khi được biết về tình trạng khó khăn của gia đình tôi, ông cho biết là thủ tướng Ngô Đình Diệm đã chỉ thị cho Thủ Hiến miền Bắc là Lê Quang Luật phải vận dụng mọi phương tiện để giúp đỡ tất cả những người nào ở miền Bắc muốn di cư vào miền Nam. Sở công an của ông cũng đã nhận được chỉ thị là phải tìm mọi cách để giúp đỡ dân chúng đang sống trong vùng Việt Minh kiểm soát trốn sang vùng Quốc Gia càng đông càng tốt. Ông còn thêm là, mới đây sở công an được biết trên các tuyến xe lửa cùng như xe hơi vào Hải Phòng, bọn Việt Minh chặn xét giấy tờ rất nghiêm ngặt và chỉ cho phép những người nào có giấy tờ của chúng cấp mới được vào vùng kiểm soát của Pháp và những người nào có đủ giấy tờ chứng minh là đang cư ngụ trong vùng tạm chiếm mới được vào Hải Phòng. Do đó ty công an Hải Phòng đã tương kế tựu kế, buộc những người dân đang sống trong vùng, khi muốn thăm thân nhân vùng Việt Minh kiểm soát phải xin giấy thông hành. Khi cấp thông hành, thì giấy Căn Cước có hình được giữ lại cho đến khi nào trở về mới được hoàn trả. Trên giấy thông hành không bắt buộc phải dán hình, nên Ty Công An có thể cấp giấy này cho một số người dân đang sống trong vùng Việt Cộng để họ có giấy tờ hợp lệ vào Hải Phòng. Sau hết, ông cho biết thêm là ông sẽ tới Ty Công An Hải Phòng lấy cho tôi một số Giấy Thông Hành đã đóng dấu và ký tên, nhưng chưa có tên người được cấp, để tôi tùy nghi sử dụng. Ông cũng khuyên tôi là khi đã có đủ giấy tờ nên đi ngay, không nên chần chờ, vì chỉ một thời gian ngắn sau thôi, bọn Cộng Sản sẽ đánh hơi được việc này, thì  nguy hiểm khó lường.

Ngay chiều hôm ấy tôi trở về Hà Nội với một xấp giấy thông hành thật dưới dạng “bạch khế” được giấu trong lớp giấy lót trong chiếc nón cối của tôi. Như thế là khâu khó nhất trong việc trốn chạy của gia đình tôi đã có lối thoát. Chỉ còn mỗi một việc chót nữa là vào một buổi sáng đẹp trời rất gần, cả gia đình sẽ “hiên ngang” bước vào ga hàng cỏ, đáp xe lửa đi Hải Phòng là xong. Nào ngờ vào phút chót lại gặp trở ngại khá lớn. Số là người chị dâu của tôi, khi thấy giấy thông hành để đi vào Hải Phòng đã được cấp, bỗng oà lên khóc, đòi trở về sống với bố mẹ ở làng Vĩnh Lại. Công bằng mà nói, việc xuất giá tòng phu của chị vào lúc ấy là một sự mất mát lớn lao cho cá nhân chị. Gia đình chị trong chiến dịch Phát Động Quần Chúng cùng một đợt với làng tôi, được xếp vào loại Trung Nông, nên không bị đối xử tàn tệ như gia đình tôi.  Do đó việc lôi kéo chị đi trốn chạy cùng với gia đình tôi vào miền Nam, không một lời từ biệt mẹ cha và anh em ruột thịt, và rất có thể chị sẽ không bao giờ còn gặp lại họ nữa, chắc chắn đó là một nỗi đau lòng đối với chị. 

Khi rời căn nhà trại ra đi, anh tôi đã không nói rõ cho chị biết chuyện trốn chạy này, mà chỉ nói với chị là đi chợ Sơn Tây bán rau củ thôi. Sau khi bán hết rau củ, mặt trời vẫn còn trên đỉnh đấu, anh tôi mới bàn với chị và cô em gái đi Hà Nội để thăm bà bác nhân dịp cuối năm và viếng thăm danh lam thắng cảnh. Đối với chị và cô em gái của chúng tôi hầu chưa bao giờ bước chân tới những thành phố lớn, nói chi đến Hà Nội, nên đồng ý ngay. Đến khi thấy bố mẹ tôi và tôi cũng đã tới nhà bà bác tôi ở Hà Nội, lúc bấy giờ anh tôi thấy rằng không còn “lấy thúng úp voi” được nữa, mới thú nhận việc trốn chạy của gia đình tôi với chị. Có lẽ phần vì chị có bầu sắp đến ngày sanh, phần vì chưa chắc gì gia đình tôi có cơ may trốn thoát xuống Hải Phòng được, nên chỉ khóc lóc sơ sơ thôi. Nhưng đến khi có giấy thông hành đi Hải Phòng trong tay rồi, nghĩa là việc ra đi của gia đình tôi hầu như không còn gặp khó khăn nào nữa, nên chị mới đòi trở về với bố mẹ của chị.

Tôi không biết anh tôi xoay xở và năn nỉ làm sao, mà sáng hôm sau chị dâu tôi bằng lòng cùng gia đình tôi đi Hải Phòng. Song sự ra đi đầy miễn cưỡng của chị khiến gia đình tôi lo ngại rằng, trên đường đi, chị có thể tìm gặp công an ở ga xe lửa Hàng Cỏ hay ở ga Phạm Xá để xin trở về làng, gián tiếp tố cáo sự trốn chạy của gia đình tôi. Cuối cùng nhờ Trời Phật và tổ tiên phù hộ, việc lo ngại này đã không xảy ra và gia đình tôi đã lọt vào Hải Phòng một cách êm xuôi.

Giai đoạn III từ Hải Phòng vào Saigon

Sau khi đã lọt vào Hải Phòng, do sự sắp xếp của một người cháu gọi bố tôi bằng chú, chúng tôi đến tạm trú trong một căn nhà ở phố Cầu Đất. Rồi sáng hôm sau được dẫn tới trại Tỵ Nạn của Phủ Tổng Ủy Di Cư làm các thủ tục cần thiết để di cư vào miền Nam tự do. Tại đây gia đình tôi được tiếp đón niềm nở và trở thành viên ngoại trú của trại di cư này.

Khoảng hai tuần sau, một chiếc GMC đến căn nhà ở phố Cầu Đất để đưa chúng tôi ra bến cảng. Tại đây gia đình tôi và nhiều gia đình khác được đưa xuống một chiếc tàu “há mồm” để đi ra chiếc tàu lớn của Mỹ có tên là ADDER, đậu ở Vịnh Hạ Long, trong chuyến đầu tiên của nó chở người tỵ nạn cộng sản từ cảng Hải Phòng vào cảng Sài Gòn.

Đứa con gái đầu lòng của anh tôi được sinh ra trên tàu Adder  và cháu được ông nội đặt tên là Vũ Nam Mỹ. Vũ là họ của gia đình chúng tôi. Nam tượng trưng cho cuộc trốn chạy vào miền Nam của gia đình chúng tôi. Mỹ tượng trưng cho cho con tàu của nước Mỹ đã chở gia đình tôi từ miền bắc Cộng Sản vào miền Nam Quốc Gia.

(hết)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: