LTS: Những ngày đầu Tháng Tám 2022, một thân hữu ở Huế đã gửi đến Saigon Nhỏ loạt ảnh về khu nhà chứng tích xưa của ông Ngô Đình Cẩn, bị bỏ hoang phế điêu tàn gần 60 năm qua. Mời xem những hình ảnh mới nhất về ngôi nhà di tích của ông Cẩn và nhân đây cũng nhắc lại đôi chút về ông Cẩn.
Tương tự Tổng thống Ngô Đình Diệm nói riêng và gia đình Ngô Đình nói chung, báo chí cộng sản đã tung ra không biết bao nhiêu bài viết bôi nhọ gia đình Ngô Đình. Trong suốt thời gian lãnh đạo nền Đệ Nhất VNCH, không phải tất cả những gì các thành viên gia đình Tổng thống Diệm làm đều đúng nhưng điều đó cũng không có nghĩa họ là những người ác độc như hệ thống tuyên truyền cộng sản miêu tả. Trường hợp ông Ngô Đình Cẩn cũng vậy.
Trong quyển Nhật ký Đỗ Thọ (ấn hành năm 1970), tác giả (một trong bốn tùy viên của Tổng thống Ngô Đình Diệm) kể về ông Ngô Đình Cẩn như sau (trích):
Người em út trong gia đình, cậu ấm Cẩn cũng coi như một người tu tại gia. Cậu Cẩn không vợ con. Từ nhỏ đến lớn sống bên yếm mẹ. Mẹ về già chăm lo từng tí chẳng khác gì tôi tớ. Cụ bà hết mực yêu thương đứa con út. Cậu Cẩn là người ít học nhất trong mấy anh em của T.T Diệm. Một loại người bảo thủ. Vui thú của cậu Cẩn chăm nom những con chim yến đủ loại, ngắm cá Tàu, cá lia thia trong chậu thủy tinh hoặc sưu tầm non bộ. Tựu trung sở thích của một ông già xưa VN. Thỉnh thoảng xuống ngôi nhà mát ở bãi bể Thuận An (Huế) hứng gió học đòi kiểu cách văn minh Âu Châu (nghỉ cuối tuần).
Cậu Cẩn nhai trầu bỏm bẻm thường xuyên. Nên dân chúng miền Trung gán cho cái tên Cố Trầu. Trước 1954, khi ông Ngô đình Diệm chưa làm Thủ Tướng, đời sống cậu Cẩn thong dong, êm ấm. Gia nhân của cậu Cẩn là mụ Luyến. Một người đàn bà nhà quê thật sự, hầu hạ cho gia đình Ngô đình lâu năm. Nhiều tiếng đồn đãi vu buộc cậu Cẩn thông dâm với mụ Luyến, không có gì làm bằng chứng về điều này. Chính mắt tôi trông thấy trong ngày mùng 2 Tết hằng năm giỗ cụ Ngô đình Khả, mụ ta là một con ở rửa chén bát. Nhan sắc cục mịch quê mùa, chẳng có gì hấp dẫn cho cậu Cẩn ham muốn. Cậu Cẩn vốn bệnh hoạn bốn mùa. Gắn việc trăng gió với một người như thế thật quả là không đáng vậy (…)
Những dịp theo Tổng Thống Diệm về Huế, gặp cậu Cẩn trong ngôi nhà ở Phú Cam là một ông già thui thủi biết số phận mình. Tôi cố gắng tìm vài nét gọi là “chính trị của ông cố vấn chỉ đạo” nhưng tuyệt nhiên không thấy. Trước mặt T.T Diệm, Đức cha Thục, ông Ngô đình Nhu, cậu Cẩn ít nói và hay lúng túng, nếu T.T Diệm hỏi về tình hình hoạt động của sở chỉ đạo miền Trung.
Như đã nói, cậu Cẩn sống du dú bên yếm mẹ, nên cậu Cẩn có lối ăn nói, xã giao phong kiến, cường hào, trọc phú xưa kia. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng mấy ông anh, cậu Cẩn lột xác phần nào trong thời đại tân tiến này. Tôi chưa lần nào thấy cậu Cẩn đặt chân đến Dinh Độc lập hay sau này là Dinh Gia Long. Đời sống của cậu như đóng khung ở cố đô Huế (…)
Ban đầu ông Nhu chấp nhận cho cậu Cẩn tổ chức mật vụ ở Trung phần là để cho vui lòng cậu Cẩn. Ông Nhu không tin tưởng tài cán cậu Cẩn. Về sau có nhiều vụ tranh chấp gạo, quế giữa một số thương gia miền Trung, nên xảy ra nhiều vụ bắt bớ bí mật. T.T Diệm và ông Nhu nhận được phúc trình miền Trung có gián điệp cho Pháp do Ủy ban chỉ đạo bắt được. Trong số nạn nhân bị bắt có ông Nguyễn văn Yến chủ nhân khách sạn Morin. Song song những việc như thế cậu Cẩn cũng làm được nhiều việc là hoạt động của V.C bị Ủy ban chỉ đạo khám phá rất nhiều. Vì thế Việt cộng cố tuyên truyền những tội ác của cậu Cẩn để làm đòn ly gián giữa dân chúng và chánh quyền.
Sau đảo chánh 1-11-63, cậu Cẩn được mang cái tên Hung thần miền Trung, một danh từ quá đáng với cuộc đời nhà quê của cậu Cẩn (…) Nhiều người cho rằng cậu Cẩn là người đạo đức bên ngoài nhưng bên trong độc ác nguy hiểm. Kỳ thực nhận xét như thế là hiểu lầm về cậu Cẩn. Lòng dạ cậu Cẩn thẳng như ruột tượng. Cậu thích là cậu làm, không suy nghĩ đắn đo. Con người như thế là nông cạn (nhà quê!). Cái nham hiểm thủ đoạn kinh tài là Hoàng trọng Bá, Phan quang Đông, Lê Hoát bày trò vẽ cảnh. Bọn quân sư quạt mo này đã làm hư đốn cậu Cẩn. Tạo cho cậu Cẩn bia miệng lãnh chúa miền Trung và vô tình em út của T.T Diệm tay vấy máu do bọn này kinh tài, bắt bớ, tra tấn dân lành mà ra (…)
Ở Huế, miền Trung nói chung, quá khiếp sợ mật vụ bắt bớ dưới thời T.T Ngô đình Diệm. Vì vậy dân chúng có thành kiến với cậu Cẩn. Dù bọn mật vụ làm bậy, dân cũng nói là lệnh của Cậu. Tóm lại, tất cả những gì dân chúng gặp phải chính quyền địa phương làm khó dễ cũng tại cậu Cẩn mà ra… Khi dân phát ghét thì khó lòng chạy chữa. Bao nhiêu chuyện lớn bé của cậu Cẩn đều được bàn tán trong âm thầm. Lắm chuyện lẩm cẩm truyền khẩu, pha thêm hương vị màu mè thật khúc chiết. Vì thế ai ai cũng tin đó là sự thật, không chối cãi (…)
Mỗi lần theo T.T Diệm về Huế, tôi được vài giờ rảnh rỗi thường đến quán Lạc Sơn uống cà phê. Quán này nằm ngay cửa chính chợ Đông Ba trên đường Trần Hưng Đạo. Có thể nói quán này tập trung đủ mọi giới. Họ thường đến đây uống cà phê ăn bún bò, đấu láo nhìn người khác qua đường. Ở đây cũng là nơi tôi được nghe trộm những câu chuyện tình ly kỳ, cùng những chuyện huênh hoang của cậu Cẩn.
Bao nhiêu thói hư tật xấu của cậu Cẩn được kể thường nhật. Tôi nghĩ rằng có lẽ ở đây phát xuất những chuyện bí ẩn của cậu Cẩn truyền vào nhân gian. Tại sao ở quán này, những thành phần nhiều trai trẻ dám nói xấu cậu Cẩn như thế? Trong hạng người loan tin đồn cậu Cẩn ở quán này có hai giới: Bọn mật vụ tin dùng và bọn mật vụ hết thời.
Bọn mật vụ tin dùng la cà tìm hiểu bắt bớ những người nói xàm nói bậy chỉ trích ban chỉ đạo, còn bọn mật vụ hết thời luôn luôn tỏ ra thái độ tức giận. Bọn này đã làm việc với cậu Cẩn từ hồi Ủy ban chỉ đạo ra đời. Vì thế chúng biết rất nhiều về chuyện cậu Cẩn. Nay cậu hất chân. Nên bao chuyện ấm ức trong lòng về cậu Cẩn đưa ra bêu xấu. Bọn này mạnh ăn mạnh nói mà bọn mật vụ kia không dám bắt bớ. Vì thế những người ngồi nghe trộm đều tin tưởng những câu chuyện về cậu Cẩn là có thật. Chính mồm bọn mật vụ nói ra mà không tin sao được (…)
__________
Ảnh: Lỗ Trí