Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 12

Chương III – Mất một thời cơ

Bảy giờ sáng ngày 6-3-1946… 

Vừa bước vào tòa soạn của báo Sao Trắng trong trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng trông ra vườn hoa Bóp Kèn tại Hải Phòng, tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông người đang tụ tập trên sân cỏ, trong vườn hoa. Có tới vài ngàn người. Họ mặc đồng phục của tự vệ thành bằng vải kaki và vải đen. Một số vai đeo súng trường Mousqueton hay súng Nhật. Số khác thì mang kiếm Nhật hoặc cầm mã tấu. Họ đứng thành hàng ngũ chỉnh tề, từng đại đội khoảng một trăm người. Hàng hàng lớp lớp trông rất nghiêm chỉnh. Trên mặt đất, trước mỗi đại đội có đặt khẩu trung liên. Có cả vài khẩu đại liên, băng đạn dài lòng thòng đặt trên thảm cỏ.

Tự vệ thành là một tổ chức bán quân sự, gồm thanh niên ở các khu phố. Mặc dù do mặt trận Việt Minh tổ chức nhưng các đơn vị tự vệ này gần như độc lập, tuy họ đội mũ ca-lô gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng. Lý do là Việt Minh không hề cấp vũ khí cho tự vệ thành mà họ phải bỏ tiền túi ra mua. Đồng phục họ cũng tự may lấy. Họ mang giày đủ loại như dép da, giày Bata, ủng da cao gần đến đầu gối, thời ấy chưa có dép râu. Những đơn vị tự vệ này cũng tự huấn luyện về quân sự. Họ được cả hai bên, Việt Minh và Việt Quốc trọng dụng trong nhiệm vụ huấn luyện và chỉ huy.

Tuy bề ngoài có vẻ độc lập, các đơn vị tự vệ vẫn là các tổ chức bán quân sự của Việt Minh. Bởi vậy việc họ tụ tập đông đảo trước trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng là một điều lạ, chưa bao giờ xảy ra. Hồi sáng hôm nay, khoảng 5 giờ, chúng tôi đã nghe thấy nhiều loạt đại bác vọng từ bến cảng về. Tôi đoán chừng là các đơn vị quân đội quốc gia Trung Hoa đóng trên bờ đang giao chiến với quân Pháp thuộc hạm đội của Đô đốc D’Argenlieu từ nhiều ngày nay vẫn thả neo trong vịnh Hạ Long.

Gần đây nhiều tin tức cho biết có những cuộc điều đình giữa Bộ Ngoại giao Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch nhằm mục đích trao trả tô giới Pháp ở Thượng Hải để đổi lấy việc quân đội Pháp sẽ thay thế quân đội quốc gia Trung Hoa đảm nhiệm việc tước khí giới quân đội Nhật ở miền Bắc và một phần miền Trung Việt Nam (tô giới là danh từ dùng để chỉ những khu phố nằm trong thành phố Thượng Hải đã bị các cường quốc Pháp, Đức, Nhật… dùng võ lực ép buộc nhà Thanh, dưới triều Từ Hy Thái Hậu, nhường cho họ cai quản giống như thuộc địa. Thành phố Thượng Hải bị cắt nát thành nhiều tô giới, có cả một tô giới gọi là tô giới quốc tế do liên quân quốc tế đồng quản trị).

Do cuộc trao đổi chính trị này, Pháp sẽ có thể trở lại Việt Nam một cách hợp pháp để thực hiện âm mưu tái chiếm bán đảo chữ S làm thuộc địa như cũ. Chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” của Hồ Chí Minh đã ra tuyên ngôn tán thành cuộc điều đình kể trên, giữa chính phủ Pháp và chính phủ Trung Hoa.

Đây là một âm mưu chính trị đen tối. Họ Hồ và Đảng cộng sản rất lo ngại về sự hiện diện của hai trăm ngàn quân Trung Hoa đang đóng từ Lạng Sơn tới Huế, với danh nghĩa thay mặt Đồng Minh tước khí giới quân đội Nhật. Hồ Chí Minh lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không biết sẽ bị quân Trung Hoa hậu thuẫn cho Việt Nam Quốc Dân Đảng và các đảng quốc gia khác cướp chính quyền lúc nào.

Thật ra Tổng thống Tưởng Giới Thạch tuy không ra lệnh cho tướng Lư Hán giải thể chính quyền cộng sản của Hồ Chí Minh và thay thế bằng một chính quyền do các đảng quốc gia thành lập, nhưng có chỉ thị cho Lư Hán phải tích cực giúp đỡ những đảng quốc gia và trong trường hợp các lực lượng vũ trang quốc gia tấn công cộng sản, quân đội Trung Hoa phải ngầm hỗ trợ về mặt vũ khí và đạn dược.

Tuy nhiên viên tướng Trung Hoa này đã lơ là, không tuân theo chỉ thị của Tổng thống Tưởng Giới Thạch, vì đã nhận quá nhiều vàng và gái đẹp do Hồ chí Minh và bộ hạ dâng hiến. Dân Hà Nội hồi ấy ai cũng biết chuyện Việt Minh tổ chức “Tuần lễ vàng” để lấy tiền mua súng đánh Pháp, thế nhưng những đôi khuyên vàng, nhẫn cưới, kiềng vàng và những chuỗi hạt vàng của các phụ nữ buôn thúng bán bưng, chắt bóp từng đồng xu cho đến những kí lô vàng khối của các nhà buôn lớn, nổi tiếng nhất là bà Hoa Tương, một đại thương gia ở phố Hàng Bồ, Hà Nội, đã mang “cúng” một ngàn lạng vàng.

Tất cả chỉ vì lòng yêu nước sôi nổi, hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi quyên góp của “Hồ Chủ Tịch”. Thay vì dùng số vàng này để mua vũ khí, Hồ Chí Minh đã cho đúc thành một cái đỉnh lớn để mang biếu tên Lư Hán, gọi là lễ ra mắt. Số vàng còn lại được dùng để đúc lót tên Tiêu Văn, phó tư lệnh kiêm chính trị viên của Lư Hán. Tên này là một cán bộ nằm vùng của Trung Cộng, sau này bị chính phủ Trung Hoa bắt giữ tại Nam Kinh.

Do đó không bao giờ tướng Lư Hán thực sự giúp đỡ các đảng phái quốc gia Việt Nam, mà chỉ là lời nói suông. Quốc Dân Đảng, cũng như nhiều đảng khác đều phải tự bỏ tiền ra mua súng của các cấp chỉ huy quân đội Trung Hoa bán lậu ra ngoài. Còn bên phía cộng sản, nhờ vơ vét tiền của dân ta dưới chiêu bài giả tạo kháng Pháp, đồng thời tận dụng ngân quỹ quốc gia đã mua được rất nhiều vũ khí, kể cả đại bác 75 ly (trong một trận đánh lớn ở Yên Bái, các chiến sĩ Quốc Dân Quân đã tịch thu được của Vệ Quốc Quân Việt Minh một khẩu đại bác 75 ly, trong trận đánh ác liệt này đại đội trưởng Quốc Dân Quân Phan Đức đã hy sinh).

Mặc dù đã mua chuộc được bốn tướng lãnh Trung Hoa, Hồ Chí Minh bao giờ cũng coi hai trăm ngàn quân Trung Hoa đang đóng trên lãnh thổ Việt Nam để giải giới quân Nhật là một lực lượng thù nghịch có thể trở mặt bất cứ lúc nào. Nay đuổi được bọn “tàu phù” về nước (danh từ tàu phù thường được dùng thời ấy để mỉa mai quân của Lư Hán thuộc phương diện quân 93 – 93rd army, khi kéo nhau từ Vân Nam sang Hà Nội không có xe cơ giới để vận chuyển, toàn đi bộ, lại gồm đa số là những tên lính gầy ốm, đi chân không hoặc chỉ đi “hai xào” bằng rơm nên dọc đường chết rất nhiều vì bị bệnh phù thũng do thiếu ăn và kiệt sức), tuy phải rước Pháp vào thay thế, vẫn là điều đáng mừng.

Đã có lần Hồ tuyên bố “ta phải đón quân Pháp vào, tuy biết rằng việc sau này đánh Pháp sẽ khó khăn hơn, phải hy sinh nhiều chiến sĩ hơn vì chúng đang ở ngay trên lãnh thổ nước ta, nhưng nước Pháp thì ở xa trong khi Trung Hoa đang ở kề cận ta nên Pháp không đáng sợ bằng Trung Hoa! Nguy hiểm hơn nữa là bọn “Tàu Tưởng” sẽ tiếp tay cho bọn Quốc Dân Đảng mở rộng ảnh hưởng, tiến tới lật đổ chính quyền. Nay bọn “Tàu Tưởng” phải rút về nước, ta mới có cơ hội dẹp tan bọn quốc gia phản động. Hơn nữa đảng ta và thực dân Pháp cũng coi bọn quốc gia là kẻ thù chung, chắc chắn Pháp sẽ ngầm yểm trợ chúng ta tiêu diệt bè lũ phản động.”

Ngày 6-3-1946 chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” của Hồ Chí Minh ký Hiệp Định Sơ bộ với Cộng Hòa Pháp trên tàu chiến của Pháp tại vịnh Hạ Long. Đại diện Pháp là Sainteny, đại diện Việt Nam là Hồ Chí Minh và quân ủy phó Vũ Hồng Khanh trong chính phủ Liên hiệp Quốc-Cộng hội bấy giờ.

Trong thời gian lưu vong ở Trung Hoa sau này, người viết tài liệu này đã có lần hỏi lãnh tụ vũ Hồng Khanh về lý do tại sao ông lại chịu ký vào bản hiệp định mất lòng dân này mà đáng lẽ người ký phải là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, nhưng ông Tam nhất định không ký bằng cách ẩn mặt mấy ngày liền mặc dù Hồ Chí Minh đã cho người đi tìm kiếm khắp nơi.

Ông Khanh cho biết lúc đầu ông cũng từ chối không chịu ký, nhưng Hồ và đồng bọn đe dọa nếu ông không ký chúng sẽ bắt hết các ủy viên trung ương và cán bộ cao cấp của Việt Nam Quốc Dân Đảng đang ở trong chính phủ Liên Hiệp hoặc đang công tác tại Hà Nội. Mặt khác, tuy Hiệp Định Sơ Bộ 6-3-1946 là một hiệp định bất lợi cho Việt Nam vì đã nhượng bộ Pháp quá nhiều nhưng nó là một văn kiện có tính cách quốc tế, nếu mang chữ ký của đại diện Việt Nam Quốc Dân Đảng thì nó sẽ chính thức hóa địa vị của Việt Nam Quốc Dân Đảng trên phạm vi quốc tế, có lợi sau này trong cuộc đấu tranh chính trị giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng với đảng Cộng Sản.

Theo tinh thần của Hiệp Định Sơ Bộ này, Việt Nam sẽ được “độc lập” trong Liên Hiệp Pháp, có nghĩa là chỉ có quyền tự trị, quốc phòng và ngoại giao sẽ do Cộng Hòa Pháp đảm nhiệm hộ, vấn đề Nam Bộ (lúc ấy đang bị Pháp tấn công và chiếm đóng Sài Gòn cùng nhiều thành phố khác) sẽ giải quyết sau. Năm mươi ngàn quân Pháp sẽ đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam và đóng tại Hải Phòng, Hà Nội, Vinh và một số địa điểm khác.

Ngay sau khi ký kết, Khuất Duy Tiến, ủy viên Trung Ương đảng Cộng Sản được Hồ Chí Minh ủy nhiệm thay mặt, xuống cảng Hải Phòng đón và dẫn đường cho quân Pháp lên Hà Nội. Chữ “dẫn đường” lẽ ra chỉ có tính cách tượng trưng, nhưng ở đây phải hiểu theo nghĩa đen của nó, vì lẽ đoàn quân xa của Pháp phải khó khăn lắm mới về tới Hà Nội. Suốt đoạn đường dài hơn một trăm cây số, dân chúng phẫn uất việc chính quyền cộng sản bắt tay với thực dân Pháp, chấp nhận một hiệp định phản bội dân tộc, đã nổi lên chống đối kịch liệt việc cho quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng và kéo lên Hà Nội bằng cách dựng hàng trăm rào cản trên quốc lộ Số 5 nối liền Hà Nội-Hải Phòng.

Họ cương quyết ngăn không cho quân Pháp kéo lên Hà Nội, mặc dù trước đó Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cao cấp khác của đảng Cộng Sản với mặt trận Việt Minh đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục dân chúng là Pháp bây giờ là Pháp mới, không còn là Pháp thực dân như xưa nữa, ta không nên coi Pháp là kẻ thù, trái lại, nên xem họ là bạn, là đồng chí… Thế nhưng dân Việt Nam vẫn không tài nào hiểu nổi chỉ mới cách đây một năm, trước ngày nền thống trị của Pháp tại Đông Dương bị quân đội Nhật lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 9-3-1945, Pháp vẫn còn là thực dân đặc sệt nay đã lột xác mau như thế để thành Pháp mới!

Bởi thế phong trào chống Pháp đổ bộ vẫn sôi nổi, không sao dập tắt được. Lòng hận thù của dân Việt Nam đối với thực dân Pháp, sau gần tám mươi năm sống dưới ách thống trị của chúng vẫn cuồn cuộn dâng cao. Nay bỗng nhiên Hồ Chí Minh trắng trợn nuốt lời thề long trọng mà ông ta từng kêu gào tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 (“Không hợp tác với Pháp! Không đi lính cho Pháp! Không chấp nhận cho Pháp trở lại Việt Nam!”) làm cho dân chúng, đặc biệt là giới thanh niên vô cùng phẫn nộ. Những cuộc biểu tình chống Pháp bùng nổ khắp nơi. Đặc biệt tại cảng Hải Phòng tình hình rối loạn. Dân chúng tự động võ trang, chuẩn bị đánh Pháp.

Như đã nói ở trên, những loạt đại bác từ bờ biển bắn ra hồi sáng sớm ngày 6-3-1946 là do pháo binh Trung Hoa thuộc đạo quân tinh nhuệ trực thuộc chính quyền trung ương của Tổng thống Tưởng Giới Thạch dưới quyền chỉ huy của tướng Wong Su Truong, tư lệnh khu vực Hải Phòng. Viên tướng này cương quyết không chấp nhận thỏa hiệp giữa chính phủ Trung Hoa và chính phủ Pháp, cho phép quân đội Pháp đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam.

Cuộc chạm súng tuy ngắn ngủi nhưng đã gây nhiều thiệt hại cho hạm đội Pháp dưới quyền chỉ huy của Đô đốc d’Argenlieu: Một hạm truyền tin bị bắn chìm, hai khu trục hạm bị trúng đạn, bốc cháy. Một đơn vị nhỏ, gồm vài chục chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng và cán bộ dân sự thuộc trụ sở Hải Phòng và tòa soạn báo Sao Trắng, tuy chỉ có một khẩu súng trung liên và hai khẩu tiểu liên cùng hơn mười khẩu súng trường Nhật và Mousqueton, cũng ra bến cảng để tham gia chống Pháp đổ bộ. Mặc dù trời chưa sáng hẳn, chúng tôi cũng trông thấy khá rõ các tàu chiến của Pháp bốc cháy ở ngoài khơi, đang rút chạy dưới hỏa lực mạnh mẽ của những khẩu đại bác biên phòng khổng lồ của các đơn vị pháo binh hạng nặng đặt trực tiếp dưới quyền chỉ huy của Wong Su Truong.

Chúng tôi trở về trụ sở được vài tiếng đồng hồ thì xảy ra việc các đơn vị tự vệ thành tới tụ tập trước trụ sở. Sau một hồi thảo luận giữa những người chỉ huy, một phái đoàn năm người tiến đến vọng canh đặt trước trụ sở. Họ yêu cầu được gặp bí thư của Việt Nam Quốc Dân Đảng, lúc ấy là anh Thanh Hùng, người đã đặt lời cho bài Đảng ca Cờ Sao Trắng. Mấy anh trong phái đoàn còn trẻ lắm, chỉ mới trên dưới hai mươi tuổi. Bằng một giọng nghẹn ngào, đầy phẫn uất, các anh nói:

Việt Minh đã phản bội tổ quốc, rước thực dân Pháp trở lại Việt Nam, chúng tôi kiên quyết chống lại bọn phản quốc, nhất định chiến đấu đến người cuối cùng, không cho Pháp đổ bộ lên thành phố Hải Phòng. Nay chúng tôi chỉ còn biết trông vào Việt Nam Quốc Dân Đảng. Kể từ lúc này, hai ngàn anh chị em tự vệ chúng tôi xin tự đặt dưới quyền chỉ huy của các anh. Xin các anh lãnh đạo chúng tôi đánh Pháp.

Thật là một sự bất ngờ, chưa từng thấy “hàng ngàn tự vệ đội mũ ca-lô có gắn huy hiệu cờ đỏ, sao vàng xin theo Việt Nam Quốc Dân Đảng đánh Pháp. Thật ra chính chúng tôi cũng chưa hề nhận được chỉ thị cụ thể nào của Trung Ương Đảng liên quan tới việc quân Pháp sắp đổ bộ lên cảng Hải Phòng. Các anh em trong trụ sở đều bàng hoàng và hết sức cảm động trước lòng yêu nước nồng nhiệt của những anh em tự vệ thành. Chúng tôi xiết chặt tay các anh trong phái đoàn và mời vào trong trụ sở.

Chúng tôi lập tức mở một cuộc hội ý chớp nhoáng giữa các anh em trong Ban chấp hành Thị bộ. Tất cả đều đồng ý nếu chờ liên lạc với Trung Ương Đảng tại Hà Nội sẽ mất hết thời gian tính vì đường dây điện thoại Hà Nội – Hải Phòng đã bị cắt đứt, còn giao thông bằng đường bộ trên quốc lộ Số 5 lúc này không có cách nào thực hiện được, vì đường bị đào ở nhiều chỗ do dân chúng tự động phá đường, không cho quân Pháp kéo lên Hà Nội, mặc dù bọn lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh hết lời kêu gọi “nhân dân yêu nước” hãy để cho quân “Pháp mới” di chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội. Anh Thanh Hùng nhận định:

Thị bộ phải tự quyết định, không để mất thời cơ, phụ lòng tin tưởng của quần chúng!

Tuy nhiên sau này phải chịu trách nhiệm trước Trung Ương Đảng thì phải tính sao? Anh Phi Hải và tôi đề nghị nên liên lạc với thành bộ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, mời họ cùng tham gia lãnh đạo lực lượng tự vệ thành phố Hải Phòng, tổ chức dân chúng chiến đấu kháng Pháp, để họ chia sẻ bớt trách nhiệm.

Trong trụ sở hiện có một chiếc xe hơi hiệu Citroen cà rịch cà tang, nhưng cũng có thể đi tạm được. Để động viên tinh thần dân chúng, đồng thời đề phòng Việt Minh ngăn cản, không cho xe đi, anh em trong thị bộ cắm ở đuôi xe hơi ba lá cờ lớn “chính giữa là cờ Sao Trắng của Việt Nam Quốc Dân Đảng, bên phải là cờ Sọc Trắng và Xanh trên nền đỏ của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, bên trái là cờ Đỏ Sao Vàng của Việt Minh”.

Xe vừa ra khỏi cổng trụ sở, mấy ngàn đoàn viên tự vệ thành đã hò reo ầm ĩ. Chắc chắn họ tin tưởng chúng tôi đã quyết định tổ chức dân chúng kháng chiến chống Pháp! Tôi cũng như các anh ngồi trong xe vô cùng cảm động, ai cũng dơm dớm nước mắt. Xe chạy chưa được một trăm thước thì đã gặp rào cản đầu tiên. Đủ thứ “bàn, ghế, tủ, thùng phuy, cả đến xe đạp cũ, chồng chất lên nhau, xe không có cách nào vượt qua nổi”. Chúng tôi còn đang phân vân, bỗng thấy dân cư ngụ ở những nhà hai bên đường ào ra đón chờ cho xe chúng tôi đi qua, miệng không ngớt la to:

Hoan hô Việt Nam Quốc Dân Đảng!

Chúng tôi hết sức xúc động, không ngờ được dân chúng tin tưởng đến như thế. “Chắc chắn chỉ cần chúng tôi kêu gọi một tiếng là họ sẽ nhất tề đứng lên theo chúng tôi đánh Pháp.”

Vì phải vượt qua nhiều rào cản nên chúng tôi tiến rất chậm. Khi đi ngang qua mấy trại lính của Vệ Quốc Đoàn (quân chính quy của Việt Minh), chúng tôi hết sức ngạc nhiên, vì cổng trại mở toang, không có ai canh gác, mà cũng không thấy bóng dáng một người lính nào bên trong. Họ đã đi đâu hết! Cả các cơ quan của chính quyền cũng không có lính gác như thường ngày. Những lực lượng võ trang của chính quyền đã rút ra khỏi thành phố và thành phố Hải Phòng hiện đang bỏ trống.

Rất có thể Việt Minh đang hoang mang trước thái độ chống đối của dân chúng, điển hình là hàng ngàn tự vệ thành đã công khai chống lại Việt Minh, buộc cho chúng tội phản bội dân tộc. Một cuộc đụng độ võ trang với dân chúng sẽ đưa Việt Minh đến chỗ tiêu vong.

Mãi gần trưa chúng tôi mới tới khu Tam Giang, nơi có trụ sở của thành bộ Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội. Trụ sở chỉ là ngôi nhà một tầng, không lớn lắm. Ngoài cửa không có ai canh gác nên chúng tôi đi thẳng vào trong. Anh Pha, chủ nhiệm thành bộ Việt Cách (tên gọi tắt của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội), đang ngồi ở phòng khách với một ông già, có lẽ là một lão đồng chí của anh.

Anh Pha trạc độ bốn mươi tuổi, trông anh mặc một bộ đồ xanh nhà máy tôi có cảm tưởng anh là một công nhân. Thật ra anh là một giáo viên trung học, tôi đã có cơ hội gặp anh nhiều lần, tính anh vui vẻ, dễ thương. Thấy chúng tôi bước vào, anh tỏ vẻ sửng sốt. Sau khi nghe chúng tôi trình bày mục đích của cuộc đến thăm, anh trầm ngâm suy nghĩ một hồi rồi hỏi lại chúng tôi:

-Lãnh đạo tự vệ thành chiến đấu chống Pháp là hợp lòng dân, nhưng các anh có nghĩ đến hậu quả của việc này không? Liệu đánh được bao lâu, đã đánh là có súng, nhưng dân được lấy ở đâu, lương thực, thuốc men ai tiếp tế? Các anh có chắc Trung Ương của các anh đồng tình với các anh không? Nếu mấy anh tự quyết định khi chưa có lệnh của Trung Ương thì các anh vi phạm kỷ luật của đảng, nhất là một quyết định quan trọng như thế này.

Anh còn nói nhiều nữa, nhưng tất cả là để đuổi ra, mặc dù chúng tôi luôn nhấn mạnh đây là thời cơ ngàn năm một thuở, lòng dân hướng cả về mình, không thể phụ lòng tin của dân. Chúng tôi cũng thuật lại rõ ràng cho anh Pha nghe việc mấy ngàn tự vệ thành kéo đến trụ sở của chúng tôi, buộc tội Việt Minh là phản bội dân tộc, hiện nay vẫn còn đứng chờ quyết định, cũng như việc dân chúng nhiệt liệt hoan hô khi xe chúng tôi đi ngang qua, nhưng anh Pha vẫn cương quyết từ chối đề nghị của chúng tôi, viện lẽ anh còn phải tìm cách liên lạc với Trung Ương của Việt Cách mới dám quyết định.

Rõ ràng là anh tránh né trách nhiệm, theo chỗ chúng tôi nghĩ có thể anh sợ nếu anh tham gia thì anh sẽ bị lép vế, dân chúng đã chống lại Việt Minh và nghiêng hẳn về Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng cũng có thể anh không muốn ở thế bị động, chỉ muốn an nhàn.

Ở trụ sở Cách Mạng Đồng Minh Hội ra, chúng tôi vô cùng chán nản. Thế là không còn hy vọng gì nữa, thời cơ ngàn năm chưa chắc có đành để trôi qua. Trên đường về, chúng tôi cho xe chạy ngang qua tòa thị chính và sở công an của thành phố – tất cả đều vắng lặng, không một bóng người!

Thành phố Hải Phòng đã hoàn toàn bỏ ngỏ, không có chính quyền, quân đội, công an, cảnh sát. Một ý nghĩ táo bạo chợt đến với tôi. Hoàn cảnh thuận tiện như thế này, tại sao không chiếm lấy thành phố Hải Phòng, nhất là dân chúng bắt đầu nổi dậy chống Việt Minh, tình nguyện theo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Về quân lực, ta hiện có hàng ngàn tự vệ thành với hàng ngàn khẩu súng.

Mặc dù quân chính quy của Việt Minh đóng ở Hải Phòng để bảo vệ thành phố có một trung đoàn, theo luận điệu tuyên truyền của cộng sản, nhưng tin tình báo của chúng tôi thì cho biết cái trung đoàn này chỉ có hơn hai tiểu đoàn mà vào thời ấy mỗi tiểu đoàn của Việt Minh có không quá bốn trăm tên, đấy là chưa kể số “bạch binh” không có súng, vũ khí chỉ là kiếm hay mã tấu mà thôi.

Cho dù chúng có lấy viện binh thêm ở chiến khu Đông Triều cũng chỉ được vài, ba trăm tên nữa là cùng, vì lẽ phần lớn được điều ra Móng Cái ở biên giới Việt – Hoa để tấn công thành Móng Cái thuộc Đệ Nhất quân khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Như vậy cán cân quân sự đã nghiêng hẳn về phía ta, ngoài ra ta còn có một lợi thế quan trọng là lòng dân. Một khi ta đã chiếm Hải Phòng, chắc chắn dân thành phố sẽ đứng về phía Việt Nam Quốc Dân Đảng, chiến đấu bảo vệ thành phố, đồng thời tiếp tế lương thực, thuốc men cho lực lượng vũ trang của ta. Lẽ tất nhiên sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp ngoài khả năng giải quyết của ta, như gây rắc rối trong chính phủ liên hiệp ở Hà Nội giữa Việt Minh, Việt Quốc và Việt Cách.

Mất Hải Phòng, thành phố lớn thứ hai ở Bắc Việt, đời nào Hồ Chí Minh chịu ngồi yên. Ngoài ra còn vấn đề quân Pháp đang lăm le đổ bộ lên cảng Hải Phòng để kéo lên Hà Nội theo tinh thần của Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Thật là nhức đầu nếu ta bỗng nhiên làm chủ thành phố cảng này. Không phải chỉ có mình tôi, mà các anh cùng ngồi trên xe cũng có những ý nghĩ như tôi, nhưng không ai dám thực hiện. Nếu như ngày ấy chúng tôi cứ liều lĩnh chiếm Hải Phòng thì không biết cục diện sẽ ra sao.

Có điều chắc chắn trong những ngày đầu, uy thế của Việt Quốc sẽ lên cao, không những ở quốc nội mà cả trên chính trường quốc tế nữa, vì nó cho thấy dân chúng nổi lên phản đối chính quyền của Hồ Chí Minh và ồ ạt theo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Biết đâu không phải chỉ có một thành phố Hải Phòng mà nhiều thành phố khác, kể cả Hà Nội, cũng sẽ lần lượt vào tay Việt Quốc nhờ sự ủng hộ và hậu thuẫn của dân chúng không chừng.

CÒN TIẾP

____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: