Căn cứ vào thái độ của họ, tôi đoán họ vốn có cảm tình với Việt Nam Quốc Dân Đảng từ trước, có thể từ ngày Việt Nam Quốc Dân Đảng còn hoạt động chống Pháp và chống Nhật ở trong bóng tối vì thời đó cán bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội vẫn ra vào biên giới qua ngả Móng Cái và thường được dân các làng ven biển tiếp tế, cho ẩn náu mỗi khi mật thám Pháp lùng bắt. Nay dưới họng súng của bọn Việt Minh, họ bắt buộc phải ủng hộ “bộ đội cụ Hồ” và dự các mít tinh do Việt Minh tổ chức như chúng tôi đã từng thấy ở làng Trà Cổ.
Tôi vừa định bước ra cửa thì tên Chúc trở về nói:
-Có thuyền rồi. Mời hai anh đi.
Chỉ nửa giờ sau, hai chúng tôi đã ra đến bờ biển. Đây là một bãi biển nhỏ sình lầy. Chiếc thuyền buồm nhỏ với hai anh “chân sào” đang đợi chúng tôi. Bãi lầy khá rộng, chừng vài chục thước. Làm sao vượt được bãi lầy này để ra đến thuyền? Tôi quay đầu lại nhìn tên Chúc. Tên này cũng có vẻ lúng túng chưa biết giải quyết thế nào. Chung quanh chúng tôi dân làng tụ tập đông đảo, đến ba bốn chục người. Ai nấy đều tỏ vẻ lưu luyến tiễn biệt chúng tôi. Bỗng có hai người đàn ông lực lưỡng bước ra khỏi đám đông. Họ đồng thanh nói:
-Để chúng tôi cõng hai anh ra đến chỗ thuyền đậu.
Anh Khải và tôi chưa biết nói sao thì hai người này đã nhanh nhảu cúi xuống cõng hai chúng tôi rồi hăm hở bước xuống đám sình. Bùn lên gần tới đầu gối, hai người bước đi một cách khó nhọc với anh Khải và tôi ở trên lưng. Nhìn trở lại tôi thấy đám đông dân làng đứng trên bờ còn vẫy tay tiễn biệt chúng tôi, quang cảnh thật là xúc động. Rõ ràng họ đặt tin tưởng nơi chúng tôi.
Vì đình chiến không những mang lại hòa bình mà chính yếu là quân đội Việt Minh sẽ phải rút khỏi làng này. Họ sẽ không còn phải sống trong vòng kiểm soát của Việt Minh nữa. Với cái đà bỏ chạy của Việt Minh, chắc chắn chỉ chiều nay các chiến sĩ Quốc Dân Quân sẽ chiếm lại làng này. Tôi nghĩ bụng phải đuổi hết bọn Việt Minh ra khỏi lãnh thổ tỉnh Móng Cái để không phụ lòng trông đợi của người dân tỉnh này.
Hai người “chân sào” tiếp tay đỡ chúng tôi lên thuyền. Chúng tôi nắm chặt tay hai người đàn ông đã chịu khó cõng chúng tôi tới thuyền, cảm ơn họ và nhắn:
-Thế nào chúng tôi cũng sẽ trở lại.
May mắn thuyền gặp gió đi khá nhanh. Người giữ mái chèo ở cuối thuyền, vừa lái vừa vui vẻ nói chuyện với chúng tôi:
–Nếu gió cứ thuận như bây giờ, chỉ bốn tiếng đồng hồ nữa là các anh sẽ tới Đông Hưng.
Vậy là hai chúng tôi đã thoát khỏi tay bọn Việt Minh. Chúng tôi thầm cảm ơn những chiến hữu Quốc Dân Quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm. Nhờ đó chúng tôi mới có cơ hội này. Một niềm vui tràn ngập dâng lên trong hai chúng tôi. Anh Khải hỏi hai người chân sào:
-Hai anh có phải gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc của Việt Minh không?
-Từ hôm chúng nó mang bộ đội từ Đông Triều và Hải Phòng ra đánh Móng Cái, quân ta phải rút vào thành cố thủ. Chúng nó cho cán bộ lùa từng nhà, bắt thanh niên, phụ nữ vào du kích và các đoàn thể của chúng nó, có chừa ai đâu. Tôi và cậu em họ tôi đây đã mất bốn năm ngày đi “lõng” (ra khơi đánh cá) vì hội với họp. Chán quá!
Người thanh niên ở mũi thuyền cũng lên tiếng:
-Lúc chúng nó mới vây thành, tưởng phen này ăn chắc như cua gạch nên tuyên truyền là nội trong ba ngày sẽ chiếm được thành. Chúng nó cho thanh niên và phụ nữ đi vận động từng nhà góp lợn, gà để khao quân mừng ngày chiến thắng. Thật là tẽn tò, chiến thắng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy bộ đội chết và bị thương kìn kìn chở về Hà Cối. Chính thuyền này đã hai lần chở thương binh, đến hơn chục mạng chứ ít sao.
-Chúng nó tấn công thành nhiều lần lắm phải không? Anh Khải hỏi.
-Không biết rõ bao nhiêu lần tất cả. Chỉ biết năm sáu ngày đầu Vệ Quốc Quân kéo đến đông lắm. Hai bên bắn nhau suốt ngày, có khi suốt đêm nữa, nhưng trong thành bắn ra dữ quá, đứa nào trèo lên được mặt thành đều bị súng máy quạt rụng hết. Có cái súng gì bắn hàng tràng nghe muốn điếc tai vẫn không rứt. Chúng nó gọi là súng “Cối Xay.” Nó khiếp súng ấy lắm.
Anh Khải và tôi nhìn nhau tủm tỉm cười. Súng “cối Xay” ấy chắc là đại liên của Quốc Dân Quân. Chiều hôm đó, trời cũng chiều người, biển chỉ gợn sóng lăn tăn, cánh buồm gió thổi căng phồng đưa thuyền rẽ sóng tiến lên. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ở ngoài khơi lãnh hải Trung Hoa. Người thanh niên lái thuyền cho thuyền từ từ lượn quanh một bán đảo nhỏ cây cối um tùm, địa đầu của thị trấn Đông Hưng. Buồm được hạ xuống vì thuyền đã vào trong sông và hai người chân sào ra sức chèo. Từ đây đến Đông Hưng chỉ còn ba, bốn cây số.
Mặt trời tuy vẫn còn cao nhưng đã ngả về Tây. Con sông hẹp mà thuyền ngược xuôi khá đông đảo. Xen lẫn giữa những thuyền nhỏ, đôi khi nổi bật lên một chiếc thuyền mành đi biển cỡ lớn, ngày trước thường được gọi là tàu ô vì trên thuyền, cho đến tận lúc này, vẫn được trang bị nhiều súng thần công ở hai bên mạn thuyền. Đã có một thời các tàu ô này là tàu của bọn cướp biển Trung Hoa hoành hành suốt một giải từ Móng Cái đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngày nay chỉ là những thuyền buồm chở hàng hóa và hành khách từ Đông Hưng đi Ốn Pu (An Phú), Bắc Hải trên lãnh thổ Trung Hoa hoặc đi Hải Phòng.
Thị trấn Đông Hưng nhà cửa san sát, đa số là nhà lợp mái ngói uốn cong cổ xưa, giống như những bức tranh vẽ trong tiểu thuyết của Kim Dung. Sau khi cảm ơn hai người ngư dân đã đưa chúng tôi sang đất Trung Hoa, anh Khải vốn đã ở Vân Nam lâu năm, nói tiếng Quan Hỏa rất sõi, hỏi thăm đường tới cầu biên giới. Bước qua cây cầu ngắn chừng năm mươi mét là chúng tôi đã tới thành phố Móng Cái. Không có ai canh gác.
Chúng tôi tự do đi vào thành phố. Chỉ độ gần nửa giờ, thành cổ Móng Cái đã sừng sững trước mặt với tấm biển thật lớn nằm trên cửa thành “Đệ Nhất Khu Tư Lệnh Bộ”. Chúng tôi vừa tới gần cửa đã thấy lố nhố có nhiều người từ bên trong bước ra. Một người cao lớn để ria mép, mặc binh phục đi trước ôm chầm lấy hai chúng tôi hỏi dồn dập:
-Các anh ở Hải Phòng ra phải không? Hai anh vừa qua cầu vào Móng Cái là tôi được tin của anh em trinh sát cho biết rồi.
Người đang hỏi chúng tôi là anh Vi Văn Lưu tức Vệ An Quốc, tư lệnh đệ nhất chiến khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, chỉ huy trưởng Quốc Dân Quân tại thành Móng Cái (anh tư lệnh Vi Văn Lưu đã mất tại Sài Gòn trước năm 1975. Con gái anh là một ca sĩ nổi tiếng ở tiểu bang California).
Đứng bên cạnh anh Vi Văn Lưu là anh phó tư lệnh ở Hà Nội ra. Sau này khi rút sang Trung Hoa, anh được cử đi học tại trường Võ Bị Hoàng Phố ở Thành Đô. Chẳng may trong chuyến đi từ Vân Nam (Trung Hoa) về Lào Cai, anh bị trúng đạn của bọn thổ phỉ Tàu, tử trận. Anh Khải và tôi vừa cười vừa nói chuyện với anh Vi Văn Lưu và các chiến hữu trong bộ tư lệnh và tỉnh bộ Móng Cái. Vào thời ấy, sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nên tình đồng đội và chiến hữu thật là thiêng liêng, thắm thiết.
Buổi tối hôm ấy, trong bữa cơm tập thể với anh em trong bộ tư lệnh, có mặt cả anh Đặng Lộc, một trong những đồng chí kỳ cựu ở Vân Nam hiện đang làm chỉ huy trưởng ty cảnh sát và công an, anh Lưu mới cho chúng tôi biết hôm bọn Việt Minh đưa chúng tôi đi quan sát mặt trận, anh Lưu khi ấy đang ở trên mặt thành cổ Móng Cái.
Thấy anh Khải và tôi mặc thường phục, sơ mi trắng giữa cán bộ và bộ đội Việt Minh mặc binh phục, anh đoán chừng chúng tôi là cán bộ chính trị cao cấp của Việt Minh từ Hà Nội ra thị sát mặt trận nên định ra lệnh bắn đại liên tiêu diệt. Vì từ mặt thành đến chỗ chúng tôi xa hơn một cây số, nên đạn bắn không tới nổi, mà dù có tới cũng khó trúng, nên anh lại thôi. Thật là may, biết đâu nếu anh em Quốc Dân Đảng nổ súng, chúng tôi có thể không chết nhưng cũng bị thương.
Lúc này các đơn vị Quốc dân Quân vẫn tiếp tục truy kích Vệ Quốc Quân của Việt Minh. Anh Vi Văn Lưu hỏi tôi về sứ mệnh của anh Khải và tôi khi ra Móng Cái. Tôi cho anh biết việc trung ương Việt Nam Quốc Dân đảng ra lệnh ngừng chiến, mục đích để buộc Việt Minh cũng phải ngưng chiến, nhằm cứu vãn tình thế nguy ngập của Quốc Dân Đảng đang bị bộ đội Việt Minh bao vây quanh thành Móng Cái vì chúng đông hơn quân ta gấp mười lần.
Tuy nhiên bọn Việt Minh đã bội ước, giam lỏng hai chúng tôi và tăng viện thêm quân, rõ ràng có ý đồ chiếm thành Móng Cái. Như vậy ta không còn bị ràng buộc bởi quyết định đình chiến. Trái lại ta cần đánh mạnh hơn nữa để giải phóng toàn tỉnh Móng Cái. Anh Lưu cũng cho biết sở dĩ bên ta có thể phá vòng vây và còn truy kích địch là vì bộ tư lệnh mới mua được bốn khẩu “Sủi Lồng Ký” tức thủy long cơ là loại đại liên hiệu Vickers Armstrong của Mỹ. Loại súng này có bầu nước để làm nguội nòng súng nên bắn liên thanh không dứt, gây sát thương khủng khiếp cho bộ đội Việt Minh, làm cho chúng bỏ chạy bán sống bán chết.
Móng Cái nằm sát biên giới Việt Hoa nên việc mua súng của quân đội quốc gia Trung Hoa không khó khăn. Tuy nhiên võ khí nặng như đại liên hay súng cối khó mua hơn vì chính các đơn vị quốc quân Trung Hoa cũng chỉ được trang bị nghèo nàn. Nếu mua được loại võ khí này phải hối lộ những viên “đình trưởng” tức tiểu đoàn trưởng, hoặc “thoàn trưởng” tức trung đoàn trưởng, đôi khi cả sư đoàn trưởng nữa.
Về tiền bạc thì bên ta không thiếu vì Móng Cái là một thương cảng nhập thuốc bắc và nhiều sản phẩm khác của Trung Hoa nên hải quan của ta hàng ngày thu được khá nhiều tiền thuế. Ngoài ra Pháp để lại hai sòng bài lớn dành cho người Tàu ở bên kia biên giới sang chơi. Tiền xâu mỗi ngày sáu ngàn đồng, tương đương với sáu mươi triệu đồng Việt Nam bây giờ.
Tối hôm ấy, trong bữa tiệc tại một nhà hàng lớn ở Đông Hưng do anh tư lệnh Vi Văn Lưu tổ chức, để chiêu đãi Lâm đoàn trưởng là vị trung đoàn trưởng chỉ huy khu vực Đông Hưng, mục đích giới thiệu hai cán bộ từ trung ương ra là anh Khải và tôi nhưng thật sự là để chúng tôi có dịp “ngoại giao” với Lâm đoàn trưởng để viên sĩ quan cao cấp này bán thêm đại liên cho những đơn vị Quốc Dân Quân ở Móng Cái.
Có thể hai chúng tôi là khách lạ từ trung ương ra nên Lâm đoàn trưởng nể nang hơn. Giữa bữa tiệc, sau khi quan khách đã đánh ngã hai, ba chai “Cổ Nhác” Martell, chúng tôi liền vào đề và đoàn trưởng họ Lâm vui vẻ nhận lời ngay. Không phải vì tài ngoại giao của hai chúng tôi mà vì ông mới tảo thanh bọn thổ phỉ, bắt được nhiều thùng võ khí còn mới nguyên trong đó có nhiều đại liên. Một lý do khác là tôi trân trọng mời ông ta về thăm Hải Phòng, thăm trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng, mọi chi phí về khách sạn cũng như các tiêu pha khác sẽ do thị bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Hải Phòng đài thọ.
Giữa bữa tiệc bỗng có tin một phái đoàn của Việt Minh, gồm một chính ủy trung đoàn và hai vệ sỹ cầm cờ đỏ sao vàng và cờ sao trắng của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đến ngoài thành, xin vào gặp anh Khải và tôi để thi hành lệnh đình chiến. Anh Vi Văn Lưu lúc ấy đang ngà ngà say, quay sang ra lệnh cho các vệ sỹ của anh:
-Nhốt cổ chúng nó lại. Không điều đình gì cả.
Một lát sau, một anh vệ sỹ mang vào trình anh Lưu một khẩu súng các-bin 2 và một khẩu súng ngắn hiệu Browning. Anh Lưu đưa tôi khẩu súng ngắn để mang về Hải Phòng làm chiến lợi phẩm tặng anh Nguyễn Văn Lực, bí thư đệ nhất khu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn khẩu các-bin anh tặng anh Lâm đoàn trưởng làm kỷ niệm. Năm đó Đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt, khẩu các-bin là của hiếm, rất quý nên ông trung đoàn trường họ Lâm cảm ơn rối rít.
CÒN TIẾP
____________