Bài Một
Hãy bắn bỏ! Đấy là số phận hợp lý dành cho những kẻ hèn nhát!
(Chào mừng giai cấp thợ thuyền Hung Gia Lợi. Lénine, 1919)
Lời người viết:
Nạn Kiêu Binh hay Loạn Kiêu Binh (Kiêu Binh Chi Loạn) là thuật ngữ chỉ sự kiện hỗn loạn văn hóa-xã hội-chính trị-cung đình thời Nhà Lê Trung Hưng (1533-1789) do đám quân binh gốc Thanh Hóa – Nghệ An cậy công trạng trong cuộc tái lập thành phần lãnh đạo thời Hậu Lê, nên sinh thói kiêu căng, coi khinh luật lệ kỷ cương, khiến trong triều đình, ngoài xã hội hết sức điêu đứng, thống khổ.
Sách Việt Sử Tân Biên (Quyển 3) nhận định: Nạn Kiêu Binh là một trong những nguyên nhân/nguyên chính khiến cơ nghiệp Vua Lê-Chúa Trịnh (1545-1787) đã sụp đổ. Bài học khắc nghiệt, cay đắng của lịch sử sau hai, ba trăm năm vẫn còn rất mới – Quý bạn đọc xem lại, so sánh với tình thế hôm nay hẳn tìm ra câu giải đáp cho riêng mình cũng là của tình cảnh chung.
- Kiêu Binh/Kiêu Văn
Nhà Mạc cai trị Đại Việt 150 năm (1527-1677) nhưng chỉ có được 65 năm (1527-1592) chính thức cầm quyền ở Thăng Long. Nhà Lê Trung Hưng (do bộ Tướng Nguyễn Kim thủ lãnh) muốn khôi phục nhà Lê dẹp nhà Mạc, phải tuyển lính ở ba phủ Hà Trung, Thiệu Hóa, và Tĩnh Gia thuộc hai Tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Khi quân Nhà Lê Trung Hưng đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì lính thuộc ba phủ trên (tục gọi là Lính Tam Phủ) được Vua Lê-Chúa Trịnh tin dùng làm quân túc vệ. Có công lớn, được giới cầm quyền vị nể nên quân Tam Phủ sinh thói kiêu căng, xem thường luật vua, phép nước. Điển hình năm Giáp Dần (1674) đời Chúa Trịnh Tạc, Lính Thanh-Nghệ đã nổi loạn giết các quan lại cao cấp như Nguyễn Quốc Trinh, Phạm Công Trứ; phá nhà, định triệt luôn quan Nguyễn Quý Cảnh… v.v…
Kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, từ năm Nhâm Dần (1782), sau lần giúp Trịnh Khải tranh ngôi chúa với em là Trịnh Cán, qua sự giúp sức của Đội Tiệp Nguyễn Bằng, người Nghệ An chỉ huy nhóm kiêu binh. Trịnh Khải lên ngôi, phong quan tước lớn cho Nguyễn Bằng, trọng thưởng cho nhóm quân Tam Phủ.
Từ đó quân ấy một ngày một kiêu, ngang nhiên đi cướp phá nhà dân, bất kể nhà quan, không ai kiềm chế được, suy thoái dần trở thành một đám “giặc cướp/giặc cướp ngày” có tổ chức. Hậu quả tất nhiên, cuối cùng đám Tam Phủ phải tan vỡ vào năm Bính Ngọ (1786), lúc Nguyễn Huệ dẫn quân (thiện chiến thật) từ Bình Định ra chinh phạt Bắc Hà.
Chuyện quân kiêu binh gốc Thanh Hóa-Nghệ An cậy có công (với phe lãnh đạo) đòi hỏi những mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, cửa ải, chợ búa vùng Bắc Hà, nơi Thăng Long của thế kỷ 18 không đáng bao nhiêu nếu so với “Công an còn đảng còn mình” của thời đại gọi là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” hôm nay – Không có can đảm để “viết hoa” nơi đất nước được xây dựng bởi “bác vĩ đại/đảng quang vinh”.
Nhưng đấy là (phải đợi) ở phần sau của bài viết – Chưa phải là chủ điểm của Phần Một nầy – Bài viết (sẽ) trình bày một điều đáng sợ gấp bội phần tình cảnh tàn ác của tên đại úy công an gác đường đạp vào mặt người dân đã ngã xuống đất; cũng như trận “hợp đồng tác chiến” 2012 của “tướng công an Đỗ Hữu Ca” Hải Phòng đáng được ghi vào sách sử để dạy cho công an cách triệt hạ, trấn áp, chà đạp người dân.
Những chuyện (tuy đáng sợ) nầy kể ra cũng chưa đáng bao nhiêu nếu truy ra từ nguồn gốc không liên quan đến quân binh, gươm giáo, súng đạn – Sự Ác xuất phát từ Chữ – Từ văn chương, khẩu hiệu “hoành tráng” gấp vạn, triệu lần so với đám kiêu binh Thanh-Nghệ của hai trăm năm trước. Tuy nhiên cũng có phần tương tự… Cũng Thanh-Nghệ; cũng Hà-Nam-Ninh v.v…
1/ Mục tiêu của Kiêu Văn: Phải thanh toán trời trước nhất!
Vào năm 1880, trong cuốn Les Frèes Karamazov, Dostoevsky, đại diện tinh thần Chính Thống Nga, qua nhân vật tiểu thuyết Ivan, nói lên mối khắc khoải: “Xin phải hiểu điều nầy. Không phải Thiên Chúa là đấng tôi phủ nhận. Mà tôi phủ nhận cái thế giới nầy. Thế giới mà Chúa đã tạo dựng-Thế Giới của Chúa – Tôi không nhận chịu cái thế giới nầy!”
Mối xung đột Đức Tin/Triết Học/Thần Học nầy không chỉ riêng bản thân Dostoevsky, của dân tộc Nga mà chung cho cả châu Âu, tràn ra khỏi biên giới lãnh thổ quốc gia đi ra khắp thế giới, như lời của người Đức, F. Nietzsche từ cuối thế kỷ 19 (1844-1900), đã tuyên ngôn: “Chúa đã chết”, 1882.
Lời nói (hoảng) vượt khỏi tầm thế kỷ 19, 20 vang vọng, tác động đến tận hôm nay. Nhưng đấy là chuyện văn học, triết học bên trời Tây, nơi “miền Bắc Xã Hội chủ nghĩa” trước, sau 1954 với “đảng ta”, “trời/thượng đế-không bao giờ viết hoa) bị thanh toán dễ như trở bàn tay! Điển hình với người, việc sau đây:
Cán bộ văn hóa cao cấp cộng sản Nguyễn Đình Thi chuyên viết văn, làm thơ, phê bình văn học, và viết cả nhạc. Thi (1924-2003) thuộc thế hệ sinh trưởng, hoạt động từ đầu thế kỷ 20 lấn qua thế kỷ 21. Thi đã có mặt tại Quốc Dân Đại Hội nơi cây đa Tân Trào (16/8/1945) trước khi ông Hồ thành hình nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội, 2 Tháng 9, 1945.
Thi đã giữ chức Tổng Thư Ký Hội Văn Hóa Cứu Quốc, nhiệm kỳ đầu tiên từ Tháng 10, 1945 đến Tháng 7, 1948. Chức vụ lớn trong ngành văn hóa chưa đáng kể, cán bộ văn hóa Thi còn được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khóa I (1946?) trong một nhiệm kỳ kéo dài đến 14 năm hơn (1946–1960); kiêm luôn chức Ủy Viên Ban Thường Trực Quốc Hội với nhiệm kỳ hơn 10 năm (1946-1957).
Tuy nhiên, trước, sau Nguyễn Đình Thi đúng/phải là “một nhà văn hóa lớn” với những chức chưởng như Tổng Thư ký Hội Nhà văn từ Tháng 7, 1958 đến Tháng 10, 1989. Hết giữ chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn, dẫu tuổi già, sức yếu, cuối đời, cán bộ Thi cũng vớt cho được chức Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật từ 1995 đến 2000. Qua thế kỷ 21, Nguyễn Đình Thi phải đành nhắm mắt, xuôi tay, 2003 sau khi đã lập nên thành tích vô địch: Triệt hạ “Đối thủ trời” qua tuyên ngôn sấm sét:
Trời không có thiên thần
Đất không có thánh nhân
Chỉ có Nhân Dân Thần Thánh (Lưu ý, luôn viết Hoa)
Và Đảng Ta làm nên sức mạnh (Tất nhiên, bắt buộc viết Hoa)
Bay đến chân trời!
Tuyên ngôn “triệt hạ trời” (lập lại, không bao giờ viết hoa-Pnn) như trên của Nguyễn Đình Thi gồm chữ nghĩa màu mè “nổi cộm” hình tượng, có “nhạc tính” hay hơn bố cáo “Thượng Đế đã chết” của Nietzsche trông thấy! Tiếc thay, tuyên ngôn “giết trời” của cán bộ cộng sản Thi (chỉ) được viết bằng tiếng Việt, tuy nhiên xét cường độ “tiêu chuẩn chất/lượng” chưa chắc thua kém so với ngoa ngôn (hoảng) của Nietzsche!
Nhưng cũng không hẳn thế, xét về mặt chính trị, vận động quần chúng, tuyên ngôn của Nguyễn Đình Thi có “đảng tính” hơn hẳn. Chúng ta tiếp xem hội chứng “kiêu văn” với chữ nghĩa của cán bộ Thi mà sau một thế kỷ vẫn còn nguyên độ công phá, tiếp tục được “chấp hành” nơi Hà Nội, ở Việt Nam do người của “đảng ta”. Người viết tiếp chứng minh.
Sài Gòn Tháng Tư, 1975. Ảnh: manhhai/Flickr
2/ Giết người là một sứ mạng!
Người gọi là “bác Hồ” Có Mặt Rất Thật trong cuộc sống (đêm lẫn ngày) nơi Miền Bắc nước Việt sau 1954, nên “Lời của Bác” treo cùng khắp, bày ra nơi nơi, bất cứ hóc hẻm nào, trước chuồng trâu, nơi ủ phân (bắc) gây giống trước… đều thấy ra, dẫu đứa bé chưa biết đọc, chưa biết viết!
Lời dạy “chí thánh” của bác không ngừng ở bờ Bắc Sông Bến Hải (trước 30/4/1975) mà chạy suốt vô Nam, đến tận Năm Căn, U Minh khiến một chị ả nhà quê tên gọi là Út Tịch đã tuôn lên lời nguyền sắt máu: “Còn một lai quần cũng đánh Mỹ xâm lược như lời Bác dạy.” Không chỉ chừng ấy, nay 47 năm sau 30 Tháng 4/1975 lời bác vẫn trường tồn, hiện hữu như một thứ kim cương bất hoại bất chấp thời gian, không gian, môi trường, hoàn cảnh. Tại sao? Từ đâu?
Chúng ta cần trở lại kế hoạch của đảng Cộng sản Hà Nội do Hồ Chí Minh tiên khởi chỉ đạo, giảng dạy, huấn luyện, điều hành điển hình qua lời gọi là “thơ” của cán bộ văn hóa Thi được trích dẫn bên trên.
Hãy lưu ý thêm một lần, Nguyễn Đình Thi, không phải do vô tình nên không viết hoa những từ “thiên thần, thánh nhân” mà chỉ Viết Lớn những từ “Nhân Dân Thần Thánh, Đảng Ta”. Và Nguyễn Đình Thi cũng không chỉ “xây dựng thơ cách mạng” một mình, y có những đồng chí xuất sắc giỏi giang khác.
Coi chừng còn giỏi hơn trong lãnh vực gọi là “tụng ca” mà Thánh Vịnh của Kinh Thánh Cựu Ước e rằng cũng kém phần xưng tụng, khấn niệm – Cho dẫu ngợi ca Thiên Chúa!? Người viết không dám ngoa ngôn, xin tiếp minh chứng với Tố Hữu…
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
Còn nhiều nữa…
Cảm ơn Đảng của chúng ta,
Đảng làm ra ánh sáng
Người chưa đưa ta lên được sao Kim
Nhưng Đảng đã cho ta một linh hồn và một trái tim.
Và không thể có những chữ nghĩa nào sánh cùng,
Đảng dạy tôi biết ngẩng đầu đứng dậy
Vững hai chân đứng thẳng làm người.
Sài Gòn Tháng Tư, 1975. Ảnh: manhhai/Flickr
Đối diện với những thứ loại chữ nghĩa “tụng niệm” siêu đẳng xếp chung vào một thứ, loại Kiêu Văn của Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài… và rất rất nhiều của toàn văn học Miền Bắc trước 1975 nầy… Trời, Thần, Thánh, Danh Nhân Anh Hùng Lịch Sử nào có thể tồn tại được? Thử (cố) tìm xem có thấy hay không?!
Từ những thực tế kể ra trên, chúng ta (phải) nhận ra nguồn gốc của mối “dạy (con) người” mà “bác Hồ” đã (vô tình cũng vô phúc) nhận lãnh, và hàng ngũ Kiêu Văn viết thành chữ nghĩa qua những lời gọi là “thơ”. “Từ thế kỷ 19, Karl Marx đã “dạy” rõ: “Tôn giáo (bao gồm Thượng Đế/Ông Trời) là một hình thức của một tạo lập áp bức, trái tim của một thế giới vô tâm. Đấy chỉ là tinh thần của một hoàn cảnh không lý tín. Một thứ á phiện của quần chúng!!”
Với lời dạy (tối cao) nầy, thì một chú Ba (một tên thông dụng của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Côn… tiền thân của HCM) khi làm bồi tàu trên tàu Latouche Tréville, 1911 với trí năng chỉ mới qua bậc tiểu học thì làm sao có khả năng từ chối không chịu học?! Chưa hết, “bác kính yêu” còn được “bồi dưỡng” thêm bởi những vị thầy siêu đẳng khác: Thầy Stalin của Liên Xô và Thầy Mao Trung Cộng ở Bắc Kinh.
So với Stalin, Mao hơn hẳn dù Stalin làm thầy “bác” trước. Cũng dẫu trước khi sụp đổ, 1990, Liên Xô vĩ đại hơn Trung Hoa CS về diện tích, tài nguyên, ngoại giao, chính trị, vũ khí, khoa học, kỹ thuật… Tuy nhiên, Mao (vẫn) hơn hẳn Stalin với kỹ thuật, nghệ thuật giết người bẩm sinh, thiên phú, được nuôi dưỡng bởi máu Hán Tộc – Từ hơn hai ngàn năm trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng (260-211 TCN) đã tiêu dùng hơn một triệu dân để xây phần đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành (công trình ở quả đất trái có thể thấy được từ mặt trăng!).
Hitler, Bin Laden của Thế Kỷ 20 chỉ là những tay giết người sơ đẳng vụng về so với bác Mao. Mao vượt lên tất cả. Tháng 10, 1954 Chủ tịch Mao và Thủ Tướng Ấn Độ Nehru gặp nhau bàn chuyện xây dựng tương lai thế giới. Mao bày tỏ: “Tôi không sợ Mỹ, cho dù Mỹ có bom nguyên tử. Bởi Mỹ không thể tiêu diệt hết dân Hoa, và cho dù giết hết vài ba trăm triệu (thập niên 1950-1960, Trung Hoa có dân số gây ấn tượng mạnh, 600-800 triệu), vì còn một huyện vẫn đủ xây dựng xã hội chủ nghĩa.”
Mao không ngoa ngôn. Chủ tịch nói và làm thiệt. Với tham vọng “vượt trên Anh Quốc trong 10 năm, và Mỹ trong 15 năm, Liên Xô là đồ bỏ không cần tính tới” – 1958, Mao khởi động cuộc vận động Đại Nhảy Vọt (Great Leap Forward) để trở thành một cuộc “Đại Tụt Hậu” và “Đại Nạn Đói” (Great Chinese Famine theo cuốn sách của nhà sử học Frank Dikotter), gây nên cái chết khoảng 45 triệu người.
Mao tỉnh táo kết luận: Khổng Tử có thể sai! Ta cũng vậy! Với bậc thầy cỡ như vậy, thêm đảng cộng sản với dân Hoa nay lên 1,5 tỷ, bác Hồ ngày trước, bác Trọng hôm nay sức mấy mà không chịu học. Không học là chết ngay. Bài học đầu tiên và căn bản: Học Giết Người/Giết Con Người.
Sài Gòn Tháng 5/1975. Ảnh Herve Gioaguen
3/ Đường vinh quang xây xác quân thù
Từ quyết định của Quốc tế Cộng sản, Tháng 12, 1945, Hồ Chí Minh giải tán đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời Hồ cho lệnh đóng cửa tờ báo đầu tiên của đảng, báo Cờ Giải Phóng. Tiếp theo, đảng (đã rút vào bí mật) cho ra báo Sự Thật, tiếp là Nhân Dân để thay thế.
Báo Nhân Dân khởi đầu (1950) ngoài ba thành viên cốt cán gồm Trường Chinh, Hoàng Tùng, Trần Đĩnh (sinh 1930) còn có một cây bút ẩn danh khác có bí danh là CB (Có thể là “Của Bác/Cán Bộ” theo cách ỡm ờ chuyên nghiệp của HCM – Cách khiêm nhường có những “niềm riêng” mà ai cũng biết).
Tác giả CB gởi đến báo Nhân Dân bài “Địa chủ ác ghê” có nội dung: “Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”. Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: Như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ: Mụ địa chủ Cát-Hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la..” (Sách Đèn Cù, US 2014 trang 85).
Bài báo xác nhận: Hành vi, bút phê, chữ ký của HCM quyết định giết bà Nguyễn Thị Năm (Cát-Hanh-Long), là người chủ gia đình đã đón HCM và đám cán bộ trung ương Việt Minh cộng sản về trú ngụ tại nhà bà ở Hà Nội trong những ngày Tháng 8, Tháng 9, 1945 trước khi Hồ khai sinh nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2 Tháng 9, 1945. Bà Năm còn may mặc cho Hồ và đám trung ương để bớt bèo nhèo thảm hại, thêm mấy trăm lượng vàng để chính phủ của bác có tiền “cứu nước”.
Đối lại với ân nghĩa kể trên, “bác ta” trả ơn bà Nguyễn Thị Năm không phải “được chết” một cách yên lành nhưng với cảnh kinh hoàng… “Khi du kích đến đưa bà đi, bà ta đã cảm thấy như có sự gì nên cứ van lạy “các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh…” Bà ta vừa quay người thì mấy loạt đạn tiểu liên nổ sát lưng… Áo quan mua gấp không vừa cho bà ta vào lọt. Du kích bèn đặt bà ta lên miệng cổ áo quan rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết rồi còn ngoan cố này..” Nghe xương kêu răng rắc.”
Sợ rằng viết như thế chưa trình bày đủ khả năng/quyền giết người của HCM, Trần Đĩnh trong Đèn Cù viết rõ hơn… “Cụ Hồ bịt râu đến dự buổi (giết bà Năm) và Tổng Bí Thư Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”. (ĐC, trg 84).
Giết bà Nguyễn Thị Năm, không phải do hành vi đơn lẻ của một đội Cải cách ruộng đất, nhưng là một sách lược chung được chỉ đạo nhất quán từ quyền giết người của HCM. Bởi từ mùa Hè năm 1952, Mao Trạch Đông và Stalin đã gọi Hồ sang Liên Xô, nhất định bắt phải cải cách ruộng đất. Hai nhân sự nầy, cụ thể là Mao “Hóa ra đã rắp tâm đưa đảng cộng sản Việt Nam vào quỹ đạo của Trung Quốc như bóng với hình” (ĐC, trg 95).
Đến đây chúng ta có thể kết luận không sợ sai lầm: Hitler, Himmler thậm chí đến Rudolf Höss, chỉ huy trưởng trại hành quyết Auschwitz của Đức Quốc Xã không hề bóp cò súng, hay bấm nút lò hơi ngạt để giết một ai, nhưng (vẫn) đích thực là những thủ phạm tội ác diệt chủng sáu triệu người Do Thái. Cũng thế, chính Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn… tất cả tập đoàn Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam là thủ phạm những kế hoạch tàn sát tập thể Người Dân Việt một cách có hệ thống kể từ ngày đảng cộng sản thành lập.
Quá trình tàn sát được thực hiện qua những cao điểm: Cải cách ruộng đất 1953-1956 ở Miền Bắc; Mậu Thân Huế, 1968; Đại lộ kinh hoàng, Quảng Trị 1972; Tổng công kích Miền Nam 1975. Lực lượng Kiêu Văn miền Bắc đã dậy lên men rất đượm cho kế sách giết người của đảng cộng sản từ 2 Tháng 9, 1945. Nhưng “thành tích” không chỉ có vậy! Bài Hai sẽ nói đủ.
Nhớ ngày vỡ trận Ban Mê Thuột,
Khởi đầu sụp vỡ Miền Nam (10/3/1975-2023)