Kontum chiều di tản

Cửa ngõ Dakbla, Kontum. Ảnh tác giả gửi

Tháng Năm 1974, Cộng quân bắt đầu mở các cuộc tấn công gặm nhấm, trước hết là tràn ngập chi khu Dak Pek, Thiếu tá Vương Thế Cận, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng mất tích. Sau đó lần lượt các chi khu Mang Buk, Tou mơ Rong và cuối cùng ngày 3 tháng 10 năm 1974 là Chi khu Chương Nghĩa lọt vào tay Cộng sản. Tất cả các sĩ quan chi khu trưởng đều mất tích trừ Thiếu tá Thạch Lợi thoát hiểm về tới Tiểu khu Kontum. 

Trước tình hình chiến sự sôi động, tất cả các đơn vị Địa phương quân ở vùng phía Bắc tỉnh Kontum đã tan rã và nguyên một vùng rộng lớn hơn 2/3 lãnh thổ hoàn toàn đã mất về tay địch, Trung tá Mai Xuân Hậu cho xúc tiến xây dựng và khánh thành tượng đài “Tổ Quốc Ghi Công” tại ngã ba bên nầy cầu Dak Bla đường về thị xã Kontum để an dân. Phía dưới tượng đài có gắn bảng đồng nhỏ ghi: 

Nắng về én lượn chim tung cánh
 Ghi dấu muôn đời vạn sử xanh
 Trung tá Mai Xuân Hậu

Cuối Tháng Mười 1974, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu và phái đoàn Chính phủ VNCH sau khi kinh lý Quân đoàn II, Quân khu II đã đến thăm tỉnh lỵ Kontum vào buổi xế trưa. Quân Cán Chính tỉnh Kontum đã tiếp đón phái đoàn tại Cơ quan Chính quyền Tỉnh (Tòa Hành Chánh.)

Sau các thủ tục lễ nghi tiếp đón duyệt dàn chào quân nhân công chức trước cổng, TT. Thiệu cùng phái đoàn gồm Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã và một số các tổng bộ trưởng đã có một buổi nói chuyện về tình hình đất nước tại hội trường Cơ quan Chính quyền Tỉnh.

Mở đầu buổi nói chuyện, Trung tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum đã chào mừng phái đoàn và trình bày những điểm chung về tình hình quân sự cũng như dân sự của tỉnh. Về mặt quân sự thì đầu năm 1974 đến nay công việc phòng thủ diện địa rất là khó khăn hạn chế.

Lãnh thổ tỉnh về phía Bắc đã hoàn toàn lọt vào tay địch cho nên thực tế chỉ còn lại hai quận trong đó Dakto là quận di tản nằm trên lãnh thổ của quận Châu Thành. Lực lượng Nghĩa quân và Địa phương quân không được yểm trợ để hoạt động tầm xa mà chỉ thu gọn cố thủ trong các ngọn đồi chung quanh quận ly. Tình hình quân sự tỉnh chỉ còn là phòng thủ thị xã.

Về dân sự, đặc biệt là kho dự trữ gạo và nhu yếu phẩm tại tỉnh ở mức rất thấp và theo kinh nghiệm năm 1972, khi Cộng quân cắt đứt quốc lộ 14 tại đèo Chu Pao trong vòng một tháng thì tình hình lương thực trong tỉnh đã thiếu thốn trầm trọng đến mức cạn kiệt. 

Kết thúc phần trình bày, Trung tá Hậu nêu rõ những khó khăn hiện nay của tỉnh cũng như tình hình quân sự áp lực của địch là rất nặng nề.

Tổng thống Nguyễn văn Thiệu chủ tọa buổi nói chuyện rất là sinh động và đề ra các biện pháp sẽ giúp tỉnh vượt qua được các khó khăn. Tổng thống nói rằng các khó khăn của tỉnh Kontum về vấn đề lãnh thổ cũng như tiếp liệu cũng giống như các địa phương khác trên toàn quốc trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên Kontum luôn là địa điểm mà Cộng quân thường khởi động chiến tranh trước nhất nên sẽ được ưu tiên yểm trợ. Tổng thống hỏi kho gạo an toàn của tỉnh có sức chứa là bao nhiêu. Trả lời: Thưa Tổng thống là 100 tấn. Tổng thống hứa sẽ chỉ thị cho Tổng cuộc Tiếp tế tăng cường 300 tấn và tỉnh cố gắng huy động mở rộng các kho chứa. 

Cổng Dân Y viện Kontum trước 1975

Về phương diện tiếp liệu, tỉnh phải cố gắng sử dụng tiết kiệm tối đa ngay cả đạn dược và nhiên liệu cũng vậy vì tình hình viện trợ đã thay đổi. Tổng thống còn nói rõ là Cộng quân sẽ tấn công vào lãnh thổ do chúng ta kiểm soát vào đầu mùa khô năm tới cho nên tất cả đều phải chuẩn bị. “Nếu chúng ta đứng vững trong cuộc tấn công sắp tới thì tình hình chính trị thế giới sẽ có chiều hướng thuận lợi cho chúng ta hơn và buộc Cộng Sản phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Võ Văn Muồi – Chủ tịch Hội đồng tỉnh, đại diện quân cán chính và đồng bào tỉnh Kontum đã ngỏ lời cám ơn Tổng thống và phái đoàn chính phủ đã quan tâm giúp đỡ tỉnh nhà có đủ điều kiện để chiến đấu và chiến thắng như trong chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Ông Chủ tịch đã hứa với Tổng thống là toàn thể dân quân cán chính tỉnh Kontum sẽ quyết tâm “tử thủ” để giữ vững tuyến đầu lãnh thổ VNCH nếu bị địch tấn công.

Trung tuần Tháng Mười Một 1974, Quân đoàn II cử Đại tá Phan Đình Hùng lên Kontum đảm nhận chức vụ Tiểu khu trưởng Tiểu khu Kontum.

Tháng Mười Hai 1974, Chuẩn tướng Phan Đình Niệm, Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh, đại diện Quân đoàn II t chức lễ bàn giao Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum rất gọn nhẹ và nhanh chóng, không có hiệu lệnh lễ nghi quân cách, không có các nghi thức đọc diễn văn hay ban huấn từ. Đại tá Phan Đình Hùng là sĩ quan chiến đấu nhiều năm ở vùng Tây nguyên, hiện là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 và nguyên là Trung đoàn phó bị thương trong mặt trận Tân Cảnh năm 1972 được tản thương kịp thời trước khi Cộng quân tràn ngập Dakto, Tân Cảnh.

Trong thời gian trước Giáng Sinh năm 1974, Quân đoàn II đưa ra kế hoạch phối hợp các Liên đoàn Biệt động quân với các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân thuộc Tiểu khu Kontum thành lập một Bộ Tư lệnh “chiến trường Kontum” mà Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân đoàn II là Tư lệnh và Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng là Tư lệnh phó chịu trách nhiệm vùng lãnh thổ Kontum. Bộ Tư Lệnh đặt bản doanh ở Pleisar cách thị xã Kontum về phía Tây chừng 20Km. 

Tình hình chiến sự rất yên ắng chỉ đụng độ lẻ tẻ ở xa không đáng kể, mặc dầu tin tức tình báo hằng ngày ở Tiểu khu Kontum cho biết là địch đang di chuyển và tập trung các đơn vị lớn dọc theo các hành lang biên giới. Bộ tư lệnh chiến trường Kontum dàn quân thành một vành đai rộng lớn phía Tây Bắc Thị xã Kontum. 

So với chiến cuộc năm 1972 thì lần này với quân số hiện hữu cùng với sự chuẩn bị có thể nói là chu đáo và vững chắc. Lực lượng Biệt động quân là lực lượng trước đây thường trấn đóng ở các trại biên phòng cao nguyên với cấp số tiểu đoàn (như Tiểu đoàn Biệt động quân Biên phòng ở Dak Pek), sau khi giải tán các trại biên phòng, các tiểu đoàn Biệt động quân được sát nhập thành những liên đoàn và là những lực lượng diện địa thiện chiến. Lực lượng Nhảy dù và Thủy quân lục chiến là các đơn vị trừ bị cơ động và thiện chiến trên các chiến trường qui ước rộng lớn. 

Tháng Một 1975, giáp Tết âm lịch năm Ất Mão 1975, một phái đoàn đại diện Dân Quân Cán Chính tỉnh Kontum do Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng hướng dẫn đã đến Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II ở Pleiku để chúc tết Thiếu tướng Tư lệnh Phạm Văn Phú và các sĩ quan tham mưu của quân đoàn. Nói chuyện với phái đoàn, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết là tình hình Kontum vẫn còn yên tĩnh và hiện nay tuy địch quân đang tấn công mạnh vào các đơn vị ở phía Tây Pleiku (Thanh An), nhưng cũng chưa có yếu tố rõ rệt là địch sẽ tấn công chính diện ở đâu và vào lúc nào. 

Có thể địch quân sẽ tấn công chính diện vào mặt trận Kontum trước và chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.” Thiếu tướng nói. Trong cuộc chiến tranh giữ gìn lãnh thổ hiện nay, địch có thể tấn công bất cứ nơi nào với mức độ tập trung quân rất lớn nên có thể đè bẹp và chiếm giữ vị trí của ta.

Nhưng với sự cơ động nhanh và lực lượng tăng viện kịp thời ta sẽ giành lại các vị trí bị chiếm đóng và thường thì các trận đánh phản công có hiệu quả sẽ làm cho tinh thần của binh sĩ lên cao và sau đó sẽ là những trận thắng lớn vì đã bẻ gãy được các kế hoạch chiến lược của địch. Nói chung, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết Quân đoàn sẽ có các kế hoạch cơ động để yểm trợ cho các chiến trường khi cần thiết. Kontum sẽ là vành đai thép ở phía Bắc.

Sau khi ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn ra, phái đoàn được giới thiệu đi đến căn cứ Hàm Rồng nơi đặt Bộ Tư lệnh Tiền phương Sư đoàn 23 Bộ Binh và được Chuẩn tướng Tư lệnh Lê Trung Tường tiếp đón và dự thuyết trình về tình hình quân sự. Nói chung mặc dù địch pháo kích dữ dội vào quận lỵ Thanh An và đang tập trung quân đông đảo dọc theo hành lang biên giới phía Tây để tấn công, nhưng các lực lượng của ta đã chống trả hữu hiệu và tiêu diệt địch hoàn toàn. Phần thăm viếng căn cứ chỉ có mục đích xã giao và tạo thêm tinh thần cho phái đoàn tin rằng địch có thể sẽ mở cuộc tấn công ở nơi khác chứ không phải Kontum.

Tháng Hai 1975, Tổng cuộc Tiếp tế điện cho tỉnh Kontum chuẩn bị tiếp nhận 200 tấn gạo tiếp tế được chuyển vận từ Kho Tiếp tế Qui Nhơn và Nha Trang. Từng đoàn xe dài, mui trần phủ vải bạt liên tiếp chở gạo lên thị xã, không khí rất là nhộn nhịp. Sau khi trưng dụng hết các kho bãi, tỉnh cấp tốc trưng dụng Hội trường của trường Trung học Hoàng Đạo Kontum để làm kho chứa gạo an toàn. 

Tâm lý dân chúng đã trải qua bao nhiêu cuộc tấn công của Cộng sản bắt đầu từ năm 1965, 1968, 1972 đến nay mới thấy yên tâm hơn bao giờ hết, với lực lượng quân đội sẵn sàng đủ sức chống trả địch quân tại địa phương, cùng với các phương tiện tiếp liệu dồi dào, gạo thóc đầy đủ.

Tỉnh bắt đầu phân phối gạo cho dân chúng với giá tiếp tế và hầu như chưa có ai nghĩ đến việc di tản về Pleiku hay các tỉnh duyên hải như các lần tấn công trước đây của Cộng quân. Trung tá Biệt động quân Huỳnh Văn Lộc được cử giữ chức vụ Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng chi khu Kontum (quận Châu Thành).

Dân biểu Nguyễn Văn Thống (nguyên Tổng thơ ký Hạ Viện) đơn vị tỉnh Kontum đã có buổi nói chuyện với toàn thể Quân Cán Chính Kontum về “Tình hình đất nước” ở rạp hát Thanh Bình. Sau phần trình bày những khó khăn, không thuận lợi của chính phủ VNCH trong vấn đề viện trợ Mỹ cũng như tình hình chung trên toàn quốc. Dân biểu Thống bắt đầu cuộc thảo luận về những vấn đề tại địa phương Kontum.

Nói chung, các phát biểu của các hội thảo viên xoay quanh vấn đề chiến sự tại địa phương trong đó có một câu hỏi của một giáo chức là trong trường hợp chiến sự xảy ra ác liệt như năm 1972 thì chính quyền địa phương đã có kế hoạch di tản dân chúng về các khu vực an toàn hay chưa?

Cuối Tháng Hai 1975, một phái đoàn năm người do Đại tá Sánh (Oánh?) hướng dẫn thuộc Phủ PTT. Đặc trách Khẩn Hoang Lập Ấp ghé tỉnh Kontum bằng phi cơ đặc biệt VO2, phái đoàn có đến Cơ quan Chính quyền đ thảo luận về kế hoạch KHLA của tỉnh. Sau đó Đại tá Sánh nói sẽ duyệt xét toàn bộ chương trình tại Sài Gòn và đề nghị tỉnh cử một phái đoàn gồm các cơ quan chuyên ngành có liên quan về Phủ để họp thông qua kế hoạch.

CLB Dakbla, Kontum 1970. Ảnh tác giả gửi

Đầu Tháng Ba 1975, tình hình chiến sự vẫn yên tĩnh, Cộng quân pháo kích rải rác vòng ngoài thị xã. Ngày 5 Tháng Ba địch pháo kích hai hỏa tiễn 122 ly vào trung tâm thị xã gần Bộ chỉ huy Tiểu khu. Không có thiệt hại nhân sự và không có giao chiến trên toàn vùng lãnh thổ tỉnh Kontum.

Ngày 8 Tháng Ba 1975, phi trường Kontum vẫn hoạt động bình thường. Đoạn đường 40km nối liền Kontum-Pleiku thông suốt (chưa có dấu hiệu đóng chốt của địch).

Ngày 10 Tháng Ba 1975, tin Cộng quân tấn chiếm Ban Mê Thuột làm dao động, xôn xao trong toàn tỉnh Kontum. Tiểu khu Kontum ra lệnh giới nghiêm. Quân nhân, công chức cấm trại 100%.

Ngày 11 Tháng Ba 1975, các đơn vị Biệt động quân bắt đầu di chuyển nhanh chóng về Pleiku.

Ngày 13 Tháng Ba 1975, tất cả lực lượng BĐQ rút khỏi Kontum an toàn, không có một trận giao tranh nào xảy ra trên tuyến đường rút quân Kontum-Pleiku cũng như trên toàn lãnh thổ Kontum.

Ngày 14 Tháng Ba 1975, thăng cấp Chuẩn tướng Phạm Duy Tất.

Ngày 15 Tháng Ba 1975, Tiểu khu Kontum không liên lạc được với Bộ Tư lệnh Quân đoàn II. Quân nhân, công chức và dân chúng được tin Pleiku và Quân đoàn II chuẩn bị di tản.

Ngày 16 Tháng Ba 1975, cuộc di tản ở Kontum bắt đầu, quân nhân, công chức và dân chúng lũ lượt rời thị xã Kontum hướng về Pleiku. Đoàn xe Bộ chỉ huy tiểu khu bị phục kích tại đèo Chu Pao. Đại tá Phan Đình Hùng bị trọng thương và mất tích.

Ngày 17 Tháng Ba 1975, thị xã Kontum hoàn toàn bỏ trống. Không một tiếng súng nổ. Cộng quân bất ngờ làm chủ tình hình trên toàn lãnh thổ tỉnh Kontum.

Đoàn quân “di tản chiến thuật” vượt qua cầu Dak Bla xuôi Nam chiều tối ngày 16 Tháng Ba 1975 là đoàn quân ra đi không bao giờ trở lại. Còn đâu khúc khải hoàn ca bi tráng “Kontum Kiêu Hùng”(*)

        “Chu Pao ai oán hờn trong gió
        Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường.”


 (*) Về chiến trường Kontum năm 1972, địch đã tràn ngập Dakto, Tân Cảnh và trong vòng một tháng Cộng quân đã tiến quân ồ ạt về Kontum và chiếm được phân nửa thị xã về phía Bắc. Quân ta lui về phía Nam dựa vào bờ sông Dak Bla cố thủ chờ quân tăng viện từ Pleiku đến phản công. Ngày 31/5/1972 quân ta toàn thắng, chiếm lại hầu hết lãnh thổ phía Bắc và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng chiếm đóng, buộc địch phải rút lui để lại vô số thương vong cùng nhiều vũ khí, đạn dược. Vinh thăng tại mặt trận Chuẩn tướng Lý Tòng Bá và “Kontum Kiêu Hùng” được xướng danh từ đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: