30 tháng Tư, cần một tên gọi

Cứ gần đến cuối tháng 4, lòng tôi luôn trĩu nặng, đầu óc suy nghĩ vẩn vơ. Tất cả mọi nẻo đường tôi đi đều ngợp tràn băng rôn, ápphích; mọi hội trường tôi thấy, ở đâu cũng rực rỡ cờ hoa; đêm 30 sâu thăm thẳm bùng lên những tiếng lụp bụp pháo hoa chói sáng.

30-4: NGÀY CHIẾN THẮNG?

Đất Mẹ cắt đôi bởi con sông xưa hiền hòa bỗng trở nên oan nghiệt. Anh em Nam-Bắc một nhà chia xa nguồn cội. Có ai muốn như thế không? Chắc chắn không ai. Ngày 20 tháng 7 năm 1954: Nam, Bắc trở thành hai chiến tuyến, nằm trong tầm ảnh hưởng của các nước cầm đầu hai phe đối nghịch, “chiến tranh lạnh”. Bao nhiêu người chết sau hơn 20 năm khói lửa? Nước gieo rắc hủy diệt nhiều nhất lên quê hương này mất hơn 58 ngàn sinh mạng, còn người Việt chúng ta?

Chưa chính thức nhưng số ấy phải là vài ba triệu người ở cả hai bên. Việt Nam hứng chịu bao nhiêu triệu lít chất độc da cam, bao nhiêu triệu hectare rừng bị hủy diệt; bao nhiêu ngôi nhà thân yêu bị san bằng, thiêu rụi; hàng chục ngàn người bỏ mạng ở chiến trường miền Nam chưa tìm ra nơi gởi xác. Gần cả triệu viên chức, quân nhân VNCH sống khốn khổ trong những trại tù cải tạo, thời gian dài bị dằn vặt bởi mấy tiếng “ngụy quân”, “ngụy quyền”, hàng chục ngàn người chết bệnh tật, đói rét. Cả triệu người trở thành thuyền nhân vượt biển, hàng chục ngàn người bỏ xác dưới đáy đại dương sâu thăm thẳm, mênh mông. Hậu quả chiến tranh tàn phá đất nước, vật chất và tinh thần, cho đến bây giờ chưa đo đếm được mà cũng không thể nào đo đếm được.

Chiến thắng đẫm máu và “mừng chiến thắng” vẫn diễn ra, mấy chục năm nay. Mừng chiến thắng “đành đoạn” đến nỗi một cựu lãnh đạo bên chiến thắng – ông Võ Văn Kiệt – cũng suy tư và cảm thán: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Trong khi người Mỹ nhanh chóng quên đi thất bại đau buồn của họ, người Việt Nam, “bên thua cuộc” canh cánh trong lòng nỗi oán hờn vì lao lý, gia đình ly tán, con cháu từng bị phân biêt ngược đãi, thì “bên thắng cuộc” vẫn luôn luôn ca ngợi chiến thắng, chiến thắng và chiến thắng, khi hàng triệu gia đình mất đi những người thân yêu trên hai chiến tuyến, nỗi đau vẫn còn nhức nhối: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh phe nào thắng thì nhân dân đều bại” (Nguyễn Duy, nhà thơ).

30-4: NGÀY “GIẢI PHÓNG”?

“Giải phóng” là “giải phóng miền Nam” “thoát khỏi xích xiềng, kèm kẹp” của “Ngụy quân, Ngụy quyền”; “giải phóng nhân dân miền Nam” “thoát khỏi ách nô dịch” của ngoại bang, “giày xéo” của “đế quốc Mỹ và bọn chư hầu”. Hàng chục triệu người sống ở miền Nam, dưới chế độ VNCH, hiện giờ còn sống (chưa tính những người đã mất) có ai thích “được giải phóng”? Có ai ghét ăn cơm, thích ăn khoai, ăn sắn, ăn bo bo? Có ai thích ăn rau muống, rau lang không thích ăn thịt heo, thịt bò? Có ai thích đưa ruộng đất, trâu bò vào hợp tác xã nông nghiệp, để một ngày công nhận chưa đầy một cân thóc?

Cả miền Nam đói kém. Có ai thích cầm một chiếc tem phiếu để mỗi năm được phân phối mua vài mét vải che thân? Có ai thích đập phá nền tảng kinh doanh tư sản, để chuyển tất cả vào kinh tế quốc doanh? Cuộc đời mọi cái phải nhờ bao cấp “xin-cho”? Dân sinh sống ở vùng bị kèm kẹp tại miền Nam, khi thấy quân “giải phóng” đi đến đâu, họ đùm túm, dắt díu nhau, bỏ chạy theo “Ngụy” đến đó; biết bao người bỏ xác khi gánh gồng con cái đi bộ hàng chục, hằng trăm cây số, ở Quảng Trị năm 1972 và Tây Nguyên năm 1975? Trước đó, năm 1954, gần một triệu người bỏ vùng “tự do” miền Bắc, đi vào vùng bị “áp bức” miền Nam, để rồi năm 1975, hàng triệu người khác “tránh xa” giải phóng, “đu càng” tư bản giãy chết, hàng chục ngàn người làm mồi cho cá mập, cướp biển, thân xác còn chìm sâu dưới đáy đại dương thăm thẳm. Sao người dân miền Nam không chạy về bên “giải phóng” để được tự do?

30-4: NGÀY THỐNG NHẤT?

Đất nước không còn chia cắt, non sông thu về một mối. Đây là điều mà “bên thắng cuộc” đã làm được, khi đánh đổi xương máu của hàng mấy triệu sinh linh. Đất nước không còn tiếng súng nhưng còn hận thù. Người ta cũng phải nhìn nhận: hòa bình, thống nhất, trên dải đất đau thương này có được từ đâu. Đất nước thống nhất nhưng liệu lòng người có thống nhất? Thực sự thống nhất nhưng có thực sự hòa hợp, thực sự hòa giải, và thực sự bao dung?

Câu hỏi dai dẳng, nhưng cho đến nay, vẫn còn rất khó trả lời. Gần nửa thế kỷ trôi qua sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại sao câu hỏi ấy vẫn còn gây nhức nhối, như một vết thương chưa lành của dân tộc, năm nào cũng xát muối rát đau bằng những buổi tiệc ăn mừng rầm rộ? Hòa giải và hòa hợp dân tộc vẫn còn xa tít tắp. Bao dung vẫn chưa hề đến gần với người Việt Nam hải ngoại, và người Việt Nam trong nước. “Cờ đỏ” – đang phất phới mọi ngả đường trong nước và “cờ vàng” – trở thành một kỷ niệm, vắng bóng trên quê hương – vẫn còn là biểu tượng gây chia rẽ trong lòng người Việt Nam. Cũng dễ cảm thông: sự chia rẽ không dễ gì chấm dứt.

Hai biểu tượng thắm máu của biết bao nhiêu triệu người của cả hai bên. Hai bên vẫn chưa có một cơ duyên chuyện trò chân tình và thân mật; trò chuyện của con cháu cùng một bọc sinh ra, cùng một cha Lạc Long Quân, cùng một mẹ Âu Cơ. Vì vậy, ngày 30 tháng 4, đối với tôi, vẫn chưa có một tên gọi thỏa đáng, một tên gọi có thể nhen nhóm một ngọn lửa yêu thương; một ngọn lửa giúp lòng mình vơi đi trĩu nặng; một tên gọi thực sự đem lại hòa giải, bao dung và nhân ái, cho tất cả con người hai miền Nam-Bắc, cả những người Việt phải bỏ nước ra đi.

Tôi hy vọng ngày ấy sẽ không xa khi ý thức dân tộc, chứ không phải ý thức hệ, tương lai chứ không phải quá khứ, yêu thương chứ không phải hận thù, sẽ quyết định tiền đồ đất nước và vận mệnh quốc gia. Ngày ấy sẽ không xa khi mọi người Việt Nam nhận ra: “Kẻ thù ta đâu có phải là người” (*), bất luận là Nam hay Bắc. Chất chứa oan khiên, khêu gợi hận thù ngày 30 tháng 4 thực sự là kẻ thù của con người Việt Nam lương tri. Con người mới Việt Nam cần quên đi quá khứ và biết nhìn tới tương lai: con người bao dung, yêu thương đất nước.

(*) Trong một câu hát trước 1975 ở miền Nam: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: