Ba muốn ghi âm lại đoạn khi nãy. Ba muốn nói thêm… Tôi dạ, để con mở file lên lại ba cứ nói tiếp vô thôi… Tôi nhìn vẻ băn khoăn của ba mà thương…
Ba đã bắt đầu lẫn lộn nhiều chuyện nhưng các mốc thời gian trong quãng đời tù tội trần ai của ba, của cả nhà dù chẳng mấy khi ba nhắc tới ba lại không quên được. Từ một năm trước, ba nói mắt ba giờ không nhìn rõ để đọc để viết nữa, tôi bắt đầu ghi âm những gì ba muốn viết lại. Chuyện ba muốn thu đi thu lại cũng chỉ để đừng quên, không thể quên…
Tôi hiểu những day dứt của ba. Cũng gần tròn nửa thế kỷ rồi, cứ đến ngày đến tháng là ba đau lại vết thương ngày cũ. Ba đừng nhớ nữa, cho nhẹ lòng, ngay cả nỗi đau giờ cũng đâu còn nhiều ý nghĩa nữa. Tôi đã nhiều lần nghĩ như vậy. Nhưng cũng hiểu lời ba – Có phải mình ba gánh chịu đâu mà nói buông là buông, bỏ là bỏ.
Tôi mới vừa trò chuyện với đứa em đồng nghiệp. Nó nói về cuốn sách đang đọc, về khái niệm sự chọn lựa của linh hồn. Đại ý là, trong xác phàm này không mấy ai nhớ được những gì của tiền kiếp nhưng những gì xảy ra trong kiếp sống này vốn từ trước khi bắt đầu đã là sự lựa chọn của linh hồn.
Nhưng nếu hiểu như vậy tại sao hàng triệu linh hồn lại cùng nhau lựa chọn một tổn thương? Thật chẳng có lý gì cả.
… Tôi nhớ có một ngày ba chở đường bát đi bán dưới chợ Tam Giác về. Một ngày không giống mọi ngày. Ba dựng chiếc xe đạp bên hiên nhà, vào ngồi rất lâu trong gian nhà thờ tối nhập nhoạng. Và rồi tôi nghe tiếng khóc tức tưởi. (Sao tôi lại có cái định mệnh tình cờ nghe tiếng khóc của cha mẹ mình vậy? Linh hồn tôi có từng lựa chọn phải trải qua những chuyện này không?). Chỉ biết lúc đó tôi rất sợ. Sợ nhiều hơn là thương xót. Đau khổ đến mức nào mà người lớn phải khóc ai oán đến mức như vậy. Tôi lại có cảm giác sợ như những đêm bị đánh thức bởi tiếng khóc của má khi ba còn ở trên trại giam.
Rồi ba cũng ngưng khóc. Ba nói với má, lẽ ra nó (một người anh của tôi) phải được đi học chớ không phải mặc bộ đồ thợ rách nát, chân mang đôi dép cũng rách nát kéo chiếc xe cải tiến đầy bột (thứ bột chì trét để làm sườn cho bình ắc quy) nặng như sắp đổ ập lên người nó. Nó ốm quá… Má không nói gì, chỉ thở dài rồi quay xuống bếp. Chắc má lại đi khóc một mình.
Anh tôi không vào được đại học, xuống phố phụ việc với người anh khác. Những thằng con trai học giỏi của ba má phải từ bỏ con đường học vấn từ sau 1975.
Khi ba từ An Điềm về, bắt đầu phụ má những việc đồng áng hay chạy chợ, theo nhịp phục hồi sức khỏe của ba. Nhưng những người anh thất học của tôi trước đó đã tản tứ tán kiếm cơm phụ má nuôi em. Người đi đốn mía thuê tỉnh khác; người đi cạo mủ cao su ở mấy lâm trường trên Gia Lai-Kon Tum; người xuống phố làm bình ắc quy, chạy xe đạp thồ…
Ba đã bắt đầu lẫn lộn các trình tự thời gian, vừa nói xong đã quên nhưng những chuyện gắn với mốc thời gian ấy ba chưa từng quên. Mấy chục năm dẫn dắt được cả nhà qua Mỹ, ba chỉ muốn làm những việc đáp đền ý nghĩa, nhưng vẫn cứ đau vết thương ngày cũ. Chiều Lynnwood quạ về đậu đầy cây, nghỉ chân rỉa lông sau một ngày bay lượn đâu đó kiếm ăn. Hồi mới qua đây, tôi mới biết là không phải ở đâu quạ kêu cũng là điềm báo tử, báo chuyện xui rủi, nhưng vẫn không quen nhìn chúng như một sắc màu tươi sáng của đời sống. Ba thường lặng thinh khoác thêm cái áo dày chống gậy ra vườn nhìn lũ quạ khi có việc nghĩ ngợi.
Có lần tôi hỏi ba, có điều gì trong khoảng thời gian đó khiến ba ân hận không? Tôi cứ tưởng ba lại nói về chuyện vợ con nheo nhóc, bất hạnh, nhưng đột nhiên ba nói, ba ân hận vì đã đánh con Bĩnh, nó khốn khổ hơn mình. Bĩnh là con trâu nhà tôi. Sau “giải phóng”, má ôm con chạy về quê chẳng mang được gì nhiều, phần đi thăm nuôi ba, phần bầy con đang đói, vẫn cố gom góp mua cho được con Bĩnh để không phải đi thuê trâu cày.
Chưa được bao nhiêu ngày bị buộc bán hóa giá cho hợp tác xã chỉ bằng giá một cái chân trâu. Má cũng vì chuyện này mà khóc suốt. Trâu của mình thành trâu hợp tác xã, như mấy đám ruộng vậy. Nhưng nhà tôi vẫn được giữ trâu, con Bĩnh cũng được chấm điểm, chấm công, như một người lao động. Anh em nhà tôi luân phiên nhau giữ trâu, đứa này lớn lên là giao dây sẹo lại cho đứa nhỏ để làm công việc nặng hơn.
Ngày ba ở tù về đã tới phiên con Út giữ trâu. Con Bĩnh mấy năm đó bỗng dưng trở chứng, khuya là phá cổng chuồng chạy ra ruộng ăn lúa. Tối con Út dắt nó về chuồng cột dây sẹo kiểu gì nó cũng bứt ra được. Khuya mà nghe tiếng chân cộp cộp bên vách nhà là biết nó đã bứt được dây sẹo. Con Út đang ngái ngủ vùng dậy chạy theo nó, mấy anh chị ngủ say hay giả ngủ hết vì coi đó là trách nhiệm của con Út (sau này thấy thương con Út dễ sợ). Út đâu có chạy theo kịp con Bĩnh. Nó khôn tới mức chỉ ăn ở mỗi đám ruộng một vạt nhỏ, liếm rất nhanh tới khi con Út đuổi kịp là đã qua một dãy ruộng. Nhưng hàng xóm rồi cũng biết, la lối bắt đền, ba hay đánh nó.
Hồi đó ba cũng biết nó đói quá mới làm vậy nhưng sao vẫn đánh nó. Những giận dữ trong lòng ba trút vào con Bĩnh. Ba hối hận… Tôi thôi không đào mấy chuyện cũ cho ba buồn nữa. Giờ thì dường như ba nhìn cây lá, chim chóc, con Bĩnh rõ ràng hơn giữa những mờ mịt của ký ức nhân sinh.
Cuối Tháng Ba 2023, tôi tìm về đường Đào Duy Từ, Đà Nẵng. Đây là con đường nhỏ ngắn, nhưng không mấy ai không biết, vì có một địa chỉ khó quên: Kho Đạn. Một chú đang ngồi chơi đầu đường nghe tôi hỏi thăm chuyện cũ, nói Kho Đạn là tên gọi từ thời Pháp, thời Việt Nam Cộng Hòa gọi là Trung tâm Cải huấn. Sau 1975 là trại tạm giam, là nơi trung chuyển tù nhân. Còn bây giờ là khu tập thể của công an rồi. Không thấy gì trong đó nữa đâu…
Ba đã ở đây 40 ngày trước khi bị chuyển lên An Điềm. Ba từng kể không phải những năm tháng ở An Điềm, mà chính ở đây mới là giai đoạn khủng khiếp nhất để biết cái gì là tù tội. 60 người trong một căn phòng ngột ngạt, nằm xếp lớp sát nhau không có chỗ cục cựa, 40 đêm ba thức trắng. Mà hầu như ai trong căn phòng đó cũng vậy.
Nóng bức, mùi mồ hôi, mùi trung tiện, cả thứ mùi bất an quyện vào nhau, không ai ngủ nổi. Họ không sợ hãi cho mình, lúc đó ai cũng không biết vợ con rồi sẽ ra sao. Ở độ tuổi mới ra trường đi làm vài năm cho tới cỡ trung niên thì hầu như ai cũng có một đàn con chưa kịp lớn bên ngoài. Những người vợ đa phần là nội trợ rồi sẽ xoay sở thế nào? Tin tức không vào được càng khiến cho mỗi người vẽ một viễn cảnh theo tưởng tượng của riêng mình. Nhưng dù có vẽ kiểu gì thì cũng không bằng một phần thực tế khủng khiếp của những năm tháng sau đó mà vợ con họ gánh chịu…
Từ phía cổng chợ Cồn, tôi đi vào khúc đường ngắn đó, nhìn hai bên con phố giờ hàng điện tử, quán ăn tấp nập chẳng nhận ra gì vết tích ngày cũ. Cũng có thể còn ở một góc nào đó với những cư dân lâu năm của Kho Đạn nhưng không ai hướng dẫn cho mình. Thật lạ là gần nửa thế kỷ rồi người ta cũng vẫn e dè khi kể lại chuyện xưa ngay tại nơi của nó.
Thời gian của ba giờ đã mỏng như sương, như khói, thi thoảng chỉ còn lại nỗi hoài vọng về một giấc mộng thời thế, giờ cũng đang mờ mịt, mang theo đau thương của hàng triệu người chìm dần vào lịch sử…
Tháng Tư 2023