Ngày không mong đợi

... Để nhớ lại các biến cố xưa nhân Tháng Tư Đen sắp tới!
Sài Gòn 1978 vẫn còn ngộp thở với thành phần gọi là lực lượng “cờ Đỏ” ôm súng ngang nhiên ngoài đường đe dọa người dân (ảnh: Wally McNamee/CORBIS/Corbis via Getty Images)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Ngày không mong đợi
Loading
/

Nắng ban mai rơi xuống bãi cỏ xanh sau nhà, đổ dài lên cái “deck” mới sơn mùa hè vừa qua một cách nhẹ nhàng như cuộc sống êm đềm nơi đất Ohio này. Mọi vật im lìm, cảnh vật thật yên lặng, đẹp đẽ như tranh vẽ. Tôi tần ngần đứng trong “sunroom” ngó mông lung ra ngoài, tận hưởng cái thanh bình có được sau một đời tranh đấu vất vả, “ba chìm bảy nổi, bốn lênh đênh” mới có được, rồi lặng lẽ tới săm soi mấy chậu orchid đang ra hoa. Bỗng chuông điện thoại nhà reo:

-Bonsoir, khỏe không mậy?

Tiếng thằng Trung bên Tây vang lên từ đầu giây phía bên kia làm tôi biết giờ này ở Paris đã chiều rồi. Định cư bên Pháp hơn bốn mươi năm sau ngày ra đi “bán chính thức,” nó và tôi tưởng sẽ không bao giờ gặp nhau nữa nhưng ai ngờ khi cuối cùng tôi lò dò qua được tới Mỹ thì nó cũng mò mẫm tìm được tôi qua bạn bè để từ đó thỉnh thoảng anh em vẫn “phone” cho nhau tâm sự, nhất là vào lúc đời bắt đầu như nắng xế đầu non!

Sau một hồi đấu láo, Trung bỗng chợt hỏi:

-Ê, mày nhớ truyện “Vòng Tay Học Trò” không?

Tôi đáp và hỏi lại:

-Sao không. Có chuyện gì?

-Nghe nói nó được Việt Cộng cho lưu hành và in lại ở bên nhà rồi.

-Ừ! Cộng sản mà mậy, nhưng thôi cũng mừng cho tác giả.

Tôi tiếp lời nó. Tiếng thằng Trung làu bàu chửi thề trong điện thoại và bỗng lên giọng:

-Tao thiệt tình không hiểu nổi đám này? Mày còn nhớ cái vụ “đấu tố” cuốn truyện này hồi xưa không?

-Làm sao không nhớ!

Câu nó hỏi làm quá khứ như một khúc phim quay ngược, được chiếu lại.

… Sau Tết Nguyên Đán năm 1977, bỗng một hôm tất cả học sinh của hai Khối Lớp 11, 12 ở toàn thành phố Sài Gòn được lệnh tập trung về Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Niên ở số 4 Duy Tân tức là Nhà Văn Hóa Thanh Niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch bây giờ để được học tập chính trị ba buổi. Diễn giả là Lê Văn Nuôi; cộng sản nằm vùng, hoạt động chung với Huỳnh Tấn Mẫn trong phong trào sinh viên học sinh xuống đường quyết liệt chống chính quyền Sài Gòn trước 1975, lúc ấy là Bí Thư Thành Đoàn sau đó là Chủ Tịch Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Thành Phố Hồ Chí Minh, cuối cùng là Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ.

Mỗi ngày, cả mấy ngàn học sinh quy tụ về đấy và ngồi chật kín hội trường để nghe Lê Văn Nuôi “sinh hoạt.”  Tôi còn nhớ ngày đầu tiên là ngày kết tội, lên án nền văn hóa lai căng, đồi trụy của “Mỹ Ngụy” nhằm đầu độc, ru ngủ thanh niên Miền Nam và tác phẩm điển hình được mang ra mổ xẻ, quy chụp để chửi bới là cuốn “Vòng Tay Học Trò” của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng.

Tác phẩm bị lôi ra phân tích tỉ mỉ và bị cho rằng nhìn xuyên suốt thì cuốn truyện chỉ xoay quanh chủ đề yêu thương ủy mị, nhớ thương vớ vẩn để rồi tác giả bị chì chiết, bị luận tội, bị kết án nặng nề bằng những ngôn từ thật độc ác, chẳng hạn tác giả “dâm đãng”, viết truyện có tính cách tình dục để khêu gợi thị hiếu độc giả. Bà bị buộc tội phá vỡ luân lý Á Đông, vi phạm đạo đức thầy trò vì “cô giáo cố tình giăng bẫy dụ trò Minh vào bẫy tình”… Tất cả là những điều không thể chấp nhận được! Truyện bị qui kết chỉ đáng “ba xu!”, không thể so sánh với truyện của “cách mạng” được. Lê Văn Nuôi càng nói, càng phân tích bao nhiêu thì càng khiến cho đám học sinh thêm tò mò bấy nhiêu. Thằng Trung ngồi cạnh huých cùi chỏ vào bụng tôi, thì thầm:

-Mày đọc truyện này chưa?

-Rồi.

-Hay không?  Có giống như ổng nói không?

-Kẻ chiến thắng muốn nói gì lại không được mậy! Tôi lầm bầm.

-Mày có cuốn này không? Hôm nào cho tao mượn đọc coi.

Tôi liếc thấy con Dung; bí thư chi đoàn, phó lớp học tập của tụi tôi, ngồi cách đó không xa, đang nhìn hai thằng và có vẻ chăm chú theo dõi câu chuyện của chúng tôi. Tôi lườm thằng Trung, nháy mắt ra hiệu cho nó câm miệng lại. Thấy thái độ của tôi, nó dường như cũng đoán được sự việc nên nín thinh không nói nữa. Trưa về, tôi chửi nó một trận:

-Đang “bị đi học xóa bỏ nền văn hoá đồi trụy, lai căng, mà mày lại hỏi tao có còn giữ mấy truyện như thế không là sao? Mày có bị điên không? Mày có biết bây giờ mà còn giữ loại sách này thì sẽ bị đi tù không? Nếu có giữ thì phải giấu đi chớ khoe ra cho chết à? Cà chớn vừa vừa thôi chớ!”

Nó biết lỗi, cười hềnh hệch, xuề xòa giả lả:

-Lỡ miệng có chút mà làm gì chửi dữ vậy mậy?

-Chửi cho mày cẩn thận “mồm mép” lại. Thời buổi này, lạng quạng là “ăn đạn” dễ như chơi đấy con à!

Ngày thứ hai và thứ ba, Lê Văn Nuôi nói và kể vô số chuyện hoạt động nội thành của anh ta và các “đồng chí” của anh ta trong phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn-Gia Định rầm rộ xuống đường chống “Thiệu, Kỳ, Khiêm” vào mấy năm đầu thập niên 70. Anh ta ca ngợi sự chiến đấu kiên cường, đấu trí khôn ngoan của những đồng chí trẻ tuổi với bầu nhiệt huyết “cách mạng” thật cao; sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt là sự hy sinh của các nữ cán bộ, kể cả chuyện hy sinh thân xác lấy Mỹ làm chồng vì… sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước” – như câu chuyện mà tôi còn nhớ dưới đây.

Năm 1971, theo chỉ thị của Trung Ương Cục Tình Báo, một cô bạn của Lê Văn Nuôi – vốn là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Dược khoa Sài Gòn và là đoàn viên nằm vùng của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản – nhận được lệnh làm thế nào để tiếp cận và làm thân cho được với một sĩ quan cao cấp Mỹ đang làm cố vấn tham mưu cho quân đội VNCH. Sau nhiều ngày theo dõi, tìm hiểu, “tổ chức” quyết định cho cô này dùng “mỹ nhân kế” để quyến rũ viên sĩ quan nọ. Cuối cùng họ có với nhau một đứa con và cô sinh viên nọ sống cùng chồng trong một cư xá sĩ quan Mỹ.

Đến một đêm khi anh cán bộ nằm vùng đến nhà cô ta để lấy tin thì bất ngờ người chồng Mỹ trở về. Trong lúc cấp bách, anh ta chui xuống gầm giường trốn khi ông ta chơi đùa với con bên trên. Bỗng đứa bé làm rơi trái banh xuống dưới giường, viên sĩ quan cúi xuống lượm trái banh nhưng người cán bộ đã lanh trí, lẹ tay quơ tìm trái banh và đặt nó ngay vào đôi dép dùng để đi trong nhà dưới chân giường. Khi người sĩ quan này bước xuống, chân tức thì đụng phải trái banh. Nhờ đó mà anh ta tránh bị phát hiện và tổ chức không bị phá vỡ…

Lê Văn Nuôi nói với vẻ mặt giương giương tự đắc về sự “đấu trí thông minh” của họ, “những chiến sĩ cách mạng”. Và lúc người chồng Mỹ cho biết ông ta sắp về thăm nhà trước khi đi càn quét Việt Cộng, cô vợ cố moi tin tức để tìm hiểu ông ta sẽ đi nơi đâu, lúc nào… để báo cho “cách mạng.” Nhờ vậy mà nhiều lần khi địch tới thì “lực lượng của ta” đã rút đi khỏi hoặc phục kích gây tổn thương lớn cho địch…

Tuy nhiên trong đấu tranh cũng có lúc bị bại lộ và bị địch bắt, như vào năm 1974, một người bạn của Lê Văn Nuôi bị Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo VNCH phát giác và bắt giam ở B4. Tại đây đương sự bị tra tấn dã man nhưng vẫn “ngoan cường” đấu lý chối bỏ cáo buộc của cảnh sát, mật vụ chìm, đến khi họ đưa ra bằng chứng thì bấy giờ anh lại quyết im lặng không khai “đồng chí và cơ sở”, đồng thời giả bệnh để tránh bị tra tấn thêm, theo phương châm “cơ sở” đã đào tạo: “Nhứt lý, nhì lì, tam suy, tứ tử.”

Một góc Sài Gòn 1978: công an siết chặt kiểm soát người dân (ảnh: Jean-Claude LABBE/Gamma-Rapho via Getty Images)

Suốt ba buổi ngồi nghe rồi hội thảo, nhiều thằng bạn ngày xưa chơi rất thân nay bỗng mở miệng xưng tụng “Bác với Đảng” ngọt như mía lùi. Chúng đăng đàn ca ngợi miền Nam được giải phóng là nhờ vào sự lãnh đạo thần thánh của Đảng. Chúng tâng bốc không ngượng miệng, chúng quăng liêm sỉ của chúng vào sọt rác, chúng chửi “Mỹ Ngụy” không tiếc lời…, khiến anh em không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước thái độ “cuốn theo chiều gió” một cách sống sượng của chúng. Trong thời gian đi học sau này, lúc nào chúng cũng cắp kè kè bên hông quyển “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai A. Ostrovsky; sách gối đầu nằm của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, như một cách khẳng định lý tưởng và lập trường quyết một lòng sống chết theo Đảng!

Sau ngày thứ ba, chúng tôi làm bản “thu hoạch” rồi nộp để cán bộ đánh giá xem tư tưởng chính trị của mỗi học sinh “giác ngộ” đến đâu. Trên đường về, trước khi tan hàng, Trung rủ tôi với thằng Vọng ghé vô uống cà phê cóc ở quán vỉa hè quanh Hồ Con Rùa (rùa thì đã biến mất sau vụ nổ hôm nào!). Buổi trưa nắng gắt nhưng nhờ gió hiu hiu nên không khí khá dễ chịu. Trong lúc đợi cà phê, bọn tôi lơ đãng nhìn ra ngoài. Tôi đang xem hoa nắng nhảy múa một cách ngộ nghĩnh trên những viên gạch lót đường còn Vọng huýt sáo, ngó chăm chăm hai cô nữ sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ) đạp xe ngang qua. Bỗng tiếng thằng Trung vang lên phá vỡ bầu không khí yên lặng:

-Chà, nước chanh này chua quá chắc phải xin thêm đường!

Thấy nó vừa hớp xong ngụm cà phê, tôi ngạc nhiên sao nó uống cà phê mà lại bảo là nước chanh. Tôi chưa kịp hỏi thì thằng Vọng đã lên tiếng:

-Ủa, mày kêu ba ly cà phê mà?

-Ừ!

-Thì cà phê đó, sao lại nói nước chanh khiến tao tưởng chủ quán làm lộn.

-Đ.m, anh Nuôi nói thế nào thì tụi mày cứ tin thế ấy đi. Đừng hỏi lộn xộn!

Đến lúc đó thì hai thằng tôi mới hiểu ý nó. Ba đứa cùng cười to…!

Sài Gòn, thập niên 1980 (ảnh: Christopher Pillitz/Getty Images)

______________

Tiếng thằng Trung vang lên bên kia lôi tôi ra khỏi vùng trời quá khứ:

-Còn đó không mậy?

-Tao đây! Mày nhắc chuyện cũ làm tao nhớ lại việc ngày xưa. Hồi ấy ghê thiệt, dân chúng bị khủng bố tối ngày, có thể bị bắt đi cải tạo bất cứ lúc nào. Nhưng thôi cũng mừng cho bà ấy (nhà văn Nguyễn Thị Hoàng).

Thằng Trung tức tối:

-Tao không biết thằng cha Lê Văn Nuôi ngày xưa chửi tác giả dữ dội rồi bây giờ nghĩ sao khi thấy truyện được chính Hội Nhà Văn và Nhã Nam tái bản hôm Tháng Ba 2021 vừa qua? Đ.m. ngày ấy nó bắt đám con nít mình ngồi nghe nó chửi tầm bậy tầm bạ, lý luận ba xu suốt mấy ngày trời. Đ.m… một thời bị lừa dối!

-Mình nghe chửi thôi thì cũng đỡ. Còn bả bị hành, bị đày lưu lạc tứ phương mới tội nghiệp kìa. Hôm được báo Tuổi Trẻ Online phỏng vấn, bà bảo bà sống mười mấy năm không hộ khẩu, không biên chế, không nhà cửa với năm con nhỏ, thấy thương làm sao!

Thằng Trung tặc lưỡi kêu cái chốc như ngao ngán cho tình đời, đoạn hạ giọng:

-Dù sao thì sự tái bản của cuốn truyện này cũng là một minh chứng mà cuối cùng họ phải công nhận nền văn học của Miền Nam trước 1975 là một thực thể của dòng văn học sử có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực văn chương đất nước mà họ không thể giết chết được.

-Có lẽ tác giả cũng không bao giờ mong đợi có ngày bà trở lại văn đàn như thế này. Tôi tiếp lời nó.

-Ừ, thôi hôm khác nói dóc nữa nghe.

Nói xong nó cúp máy. Tôi vẫn còn đứng tần ngần với ý nghĩ “được, mất” đang lởn vởn trong đầu. Danh vọng, tiếng tăm, đúng là có sinh thì có diệt. Đời là mộng ảo, vô thường! Chỉ có sự chân chính là có giá trị trường tồn theo năm tháng…

Ohio, ngày 27 Tháng Ba 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: