Như mới ngày hôm qua

Có thể nói là cuộc chiến tranh Việt Nam đã được định đoạt tại Bắc Kinh năm 1972, trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng cố vấn Henry Kissinger với Chủ tịch đảng Cộng sản Trung Hoa Mao Trạch Đông và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Hoa Chu Ân Lai. Để rồi ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris ra đời như sự thực thi thỏa hiệp Bắc Kinh, cái thỏa hiệp được xem như sự gỡ gạc chút thể diện của người Mỹ trước thực chất là một cuộc đầu hàng.

Với một trong những bộ máy quân sự, tình báo lớn nhất thế giới, không một chính khách Mỹ nào ngu khờ đến mức không biết rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là con đẻ của chính quyền miền Bắc. Thế mà họ đã dùng mọi áp lực để người đứng đầu chính thể miền Nam là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận đứng ngang hàng với một tổ chức do chính phủ Hà Nội đẻ ra để bàn việc chia chác quyền hành và đất đai trong phạm vi lãnh thổ miền Nam! Không khác cảnh hai ông hàng xóm giành đất, đánh nhau, một ông để thằng con ra thương lượng chia đất của đối phương, còn mình thì ngồi xổm vuốt râu!

Để làm yên lòng những người đang bảo vệ mảnh đất mà chính quyền Washington đã nhiều phen tôn xưng là “tiền đồn của thế giới tự do”, Tổng thống Nixon đưa ra những lời hứa hẹn sẽ tăng cường viện trợ tối đa, thậm chí có thể quay trở lại khi đối phương không tôn trọng hiệp định. Không hẳn là ông Thiệu không biết rằng đó chỉ là lời hứa hẹn suông, song dưới áp lực nặng nề của người đồng minh cũ, ông đã chấp nhận uống chén thuốc đắng!

Sự sụp đổ của Chính quyền Nixon sau scandale Watergate là cơ hội lý tưởng để chính quyền kế nhiệm tại Washington quay lưng lại với tất cả những gì mà người tiền nhiệm đã hứa hẹn. Đối phương không hề án binh bất động để chờ một kết quả thương lượng giữa tổ chức con đẻ của mình và một chính quyền hợp pháp tại miền Nam theo đúng tinh thần hiệp định. Họ đẩy mạnh các cuộc tấn công trực diện, thận trọng thăm dò thái độ của Washington, và bước thử cuối cùng là trận đánh vào tỉnh lỵ Phước Long đầu năm 1975. Người Mỹ im lặng, như chẳng có gì xảy ra!

Sau hai năm quân Mỹ rút khỏi Việt Nam, vũ khí, quân dụng ngày một hao mòn, viện trợ quân sự giảm sút nghiêm trọng dưới tác động của tình hình chính trị rối beng tại nước Mỹ. Tháng 3-1975, sau thất thủ Ban Mê Thuột, việc rút khỏi Tây Nguyên, co cụm trên vùng đồng bằng để phòng thủ tốt hơn là một chọn lựa chiến lược không thể khác hơn. Theo kế hoạch của ông Thiệu và Bộ Tham mưu, việc rút bỏ Tây nguyên, co về đồng bằng là một cuộc di tản chiến thuật, bảo toàn tối đa vũ khí, đạn dược, quân dụng và tiềm lực về con người.

Song chiến thuật  này đã bị phá sản ngay từ những ngày đầu. Cuộc rút bỏ Kontum-Pleiku vào những ngày giữa tháng 3-1975 là cuộc tháo chạy kinh hoàng, không chỉ của những người dân nhớn nhác, mà cả những người lính không thể để cho vợ yếu con thơ tự họ tuôn rừng lướt bụi giữa lằn tên mũi đạn. Phóng viên Nguyễn Tú của báo Chính Luận kẹt trong đoàn người di tản và cũng vì thế, anh đã viết ra một loạt phóng sự để đời, tường thuật chi tiết thảm kịch có một không hai trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, có bài viết anh dùng máy bộ đàm gọi về tòa soạn trong tiếng khóc nức nở của chính anh. Những ai trưởng thành tại miền Nam trong thời khoảng kinh hoàng này có lẽ không quên hai câu thơ dịch từ một bài thơ của thi sĩ Anh Lord Byron, được Nguyễn Tú nhắc lại khi nói về những cảnh chia lìa của con người:

Xin chia tay, và nếu là mãi mãi,

Thêm một lần, rồi mãi mãi chia tay…

Có thể nói trong những ngày tháng 3-1975  kinh hoàng, loạt phóng sự trên báo Chính Luận của Nguyễn Tú là tiếng kêu bi thương của loài chim phải rời bỏ cánh rừng thiêng từng ẩn  náu ngàn đời, là bài điếu văn đọc sớm của một chế độ đang từng bước lụi tàn.

Sau thảm kịch đầu tiên với hàng ngàn người nằm lại rừng thiêng trên những tử lộ từ cao nguyên hướng về đồng bằng, là thảm kịch cuộc di tản có một không hai từ Nha Trang vào Sài Gòn, những ngày cuối tháng 3, khi thành phố này sắp sửa rơi vào tay đối phương. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng nhiều tàu hải quân để di tản đồng bào. Cảnh chen lấn, hỗn loạn diễn ra chưa từng thấy, mỗi người giành nhau một khoảng không gian chỉ đủ cho hai bàn chân, đau lòng nhất là cảnh người mẹ bị chen lấn làm rớt đứa con nhỏ xuống biển và chỉ có thể trơ mắt nhìn theo đứa con mình ngụp lặn giữa dòng nước bạc!

Tháng 4-1975, khi phòng tuyến Ninh Thuận kiên cố với sự chỉ huy của hàng loạt tướng lãnh bị xuyên thủng thì đó có nghĩa là tiếng chuông báo tử đã vang dội vào đến tận đầu não Sài Gòn. Những người chiến sĩ ở Long Khánh ghìm chắc tay súng chờ đợi một cuộc tử chiến, nhưng lệnh rút quân đã đột ngột ban ra như nhát cứa vào trái tim của họ. Sự chia biệt giữa người lính trận và cô gái quê nghèo Xuân Lộc thể hiện trong những lời thơ toát lên nỗi ngậm ngùi của một mối tình tan vỡ:

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc

Ta muốn tìm em nói ít lời

Nhưng sợ em buồn, không nói được

Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc

Bao người vợ lính sẽ buồn theo

Yếu đuối tim ta người chiến sĩ

Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu

Để rồi:

… Em hỡi em thương người lính trận

Người lính đêm nay phụ bạc rồi!

(Nửa hồn Xuân Lộc – Nguyễn Phúc Sông Hương)

Ngày 30-4-1975 đánh dấu một chương mới trên một đất nước đã tan hoang vì chiến cuộc. Nó tiếp nối bằng những cuộc di tản, những cuộc vượt biển mà số phận con người được định đoạt bằng những rủi may! Người ở lại chịu đựng những thử thách nghiệt ngã trong một xã hội mà mọi trật tự đã bị đảo lộn từ gốc rễ.

Những ngày tháng 4 năm 2021, nhìn lại 46 năm qua, quãng thời gian đủ cho sự ra đời và trưởng thành của hai thế hệ. Vậy mà những ai từng chứng kiến những ngày tháng ấy vẫn tưởng như mới ngày hôm qua, vì ấn tượng đậm nét của chúng đã hằn sâu trong tâm tưởng mọi người.

46 năm sau cái ngày “đổi đời” đó, vẫn chưa bao giờ kẻ thắng-người thua cùng nhau nhìn về một hướng, lấy sự hòa giải dân tộc làm kim chỉ nam cho mọi kế hoạch hành động nhằm đưa đất nước tiến nhanh theo kịp người. Vẫn là sự hậm hực, oán hờn của kẻ thua cuộc bị đày ải nhiều năm nơi nước độc rừng sâu, vẫn là nỗi ám ảnh về những “thế lực thù địch” luôn tìm cách lật đổ chính quyền. Những chàng trai mười tám đôi mươi từng cầm súng nhắm vào nhau nay cũng đã già lão hết rồi, có chăng là những cảm xúc cá nhân khi nhìn về quãng đời tủi cực của nhau, như người lính miền Bắc Nguyễn Thái Sơn ngậm ngùi nhìn lại ngôi mộ của người tù cải tạo miền Nam nằm chơ vơ ở một góc ruộng ở Phủ Lý, Hà Nam, quanh năm chẳng có người chăm sóc, tháng Ba còn thấy bao quanh bởi những hàng ngô xanh ngắt, mà tháng Bảy đã nhấp nhô chìm nổi dưới những trận mưa rào:

Thanh minh còn thấy xanh ngô,

Mưa ngâu tháng Bảy nhấp nhô nổi chìm.

Mộ phần chẳng thấy tuổi tên,

Dăm ba chữ số vạch trên ván thùng….

…. Cỏ khâu ngoi nước úa tàn,

Kiếp người còn lại nhân gian chút này,

Chết rồi hết nợ trả vay,

Núm xương tù tội biết ngày nào tha.

Và cuối cùng, những lời thơ bày tỏ nỗi xót thương một kiếp làm người:

Hương hoa, bẹ chuối thả trôi,

Biết rằng còn được luân hồi nữa chăng?

(Mả tù)

Những tình cảm ấy giữa con người với nhau, không phân biệt quan điểm, chính kiến, thật đáng trân trọng biết bao! Sau 46 năm, sự hòa hợp không đến từ những người chủ trương trên phương diện thuần túy ngôn từ, mà đến từ lương tri của những con người còn biết cảm xúc, trân quý tình tự dân tộc, ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng đồng bào.

Sau 46 năm, sự phân lìa không chỉ giữa kẻ thắng-người thua, nó còn là nỗi đau âm ỉ giữa những người thua cuộc khi nhìn về nhau bằng những con mắt trách hờn và nghi kỵ. Những ngày tháng Tư, chạnh lòng nhớ đến câu thơ để đời của một Vũ Hoàng Chương, như lời nhắn nhủ cho những thế hệ về sau:

Chúng ta mất hết – chỉ còn nhau

Chỉ còn nhau, sao không nói với nhau những lời ân tình trĩu nặng và nhìn vào mắt nhau bằng cái nhìn tử tế?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: