Tất cả ‘như chỉ mới hôm qua’…

30-4-1975 – một ngày đen tối nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam; một ngày mà cả miền nam Việt Nam phải gánh chịu những sự trả thù tàn khốc của Việt Cộng, ngày mà Việt Cộng đã trả thù không thương tiếc với những sĩ quan, quân, cán chánh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, không những với người từng cầm súng trực tiếp trên chiến trường, mà còn đối với vợ, con của họ. Nước mắt, đau thương và tang thương cao ngất trời do Việt Cộng đã gây ra kể từ cái ngày 30-4-1975, ngày mà chúng gọi là “giải phóng miền Nam”. Viết ra cả ngàn trang giấy cũng không thể nào hết được!

Gia đình tôi thuộc loại “gia đình ngụy quân” như chúng gọi. Sau cái ngày ấy, bố tôi mắc kẹt ở lại, không di tản kịp. Những ngày sau đó, bố tôi ra “trình diện” để “học tập 10 ngày!” như Việt Cộng lúc đó  kêu gọi. Bố tôi cũng tưởng “chính sách hòa giải- hòa hợp dân tộc, không trả thù những người đứng bên kia chiến tuyến” của Việt Cộng là thật. Bố tôi vốn là trung uý ngành chiến tranh-chính trị của Không quân VNCH.

Ngày 26-6-1975, bố tôi ra “trình diện”, rồi 10 ngày trôi qua, và một tháng trôi qua cũng không thấy tin tức bố tôi. Mọi người trong gia đình đều lo lắng, nhưng không biết hỏi ai và hỏi ở đâu. Trong lúc không khí Sài Gòn u ám và ảm đạm, không ai dám lên tiếng vì sợ Việt Cộng nhốt tù vì ghép vào tội “phản động”, “chống lại chính quyền cách mạng”. Sài Gòn không còn tên gọi, không còn luật lệ, không còn đạo đức, và văn minh. Sài Gòn đã mất hết, mất tất cả, kể từ 11:30 trưa ngày 30-4-1975.

Bố tôi bị “tập trung, cải tạo” như hàng vạn sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa lúc đó và cả gia đình phải chịu đựng những đòn trả thù của Việt Cộng. Một hôm, bỗng có lá thư bố tôi gửi về từ “Hòm thơ T, D” từ Kà Tum, Tây Ninh, một nơi rừng thiêng, chướng khí mà ngày xưa đầy mìn, bom và chất độc thời chiến tranh. Kà Tum xưa kia là Mật khu Trung Ương Cục R của Việt Cộng. Hơn một tuần sau, nhà tôi bị một đám thanh niên mang băng đỏ trên cánh tay vào lục soát. Một buổi trưa, tháng 7-1975, bọn chúng gồm bốn tên vào nhà tôi, súng dắt trên lưng.

 – “Yêu cầu mọi người im lặng, chấp hành kể từ giờ phút này!” – tên chỉ  huy nhóm Cờ Đỏ ra lệnh.

Tôi lúc đó ngỡ ngàng và không hiểu chuyện gì. Chúng đi vòng quanh nhà, mắt nhìn mọi nơi, mọi đồ vật. Thấy hai tủ sách của bố tôi ngay giữa nhà, chúng bắt đầu nạy khóa, lục soát hết mọi quyển sách và hình ảnh của bố tôi từ ngày vào quân đội đến khi làm sĩ quan. Chúng thấy cái bằng “Tốt Nghiệp Sĩ Quan Trường Bộ Binh Thủ Đức Khoá 6-69” và bằng Thủ Khoa của bố tôi. Chúng xé tan nát với thái độ thù hằn. Tên trưởng nhóm hằn học với giọng Nghệ Tĩnh: “Đồ Ngụy! Ác ôn!” Sau đó, sách vở, hình ảnh, đồ đạc của bố tôi bị tịch thu và mang đi.

Phan Lạc Tuyên là anh trai của bố tôi. Trước 1960 ông ấy là đại úy Biệt Động Quân nhưng sau cuộc đảo chánh hụt Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông ấy trốn sang Miên và đi theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông ấy trở về Sài Gòn vào tháng 8-1975, sau khi được Cộng sản Bắc Việt cử đi học và lấy bằng tiến sĩ tại Ba Lan. Chúng không tin ông ấy nữa sau ngày 30-4-1975. Tuy nhiên, ông Tuyên vẫn cố “lấy điểm, lập công” với gia đình họ tộc miền Nam. Ông ấy tìm về gặp ông nội tôi. Ông tôi vốn là nhà nho, trưởng tộc của cả họ Phan Lạc. Cụ cứ ngỡ con trai mình vẫn là con người như ngày nào, nhưng vừa chưa kịp thỏa vui mừng cho ngày đoàn tụ thì Tuyên ghé qua nhà Từ đường của họ Phan và gây chuyện. Khi thấy ông Nội tôi treo hình Khổng Tử cũng như quả chuông của dòng họ Phan từ thời nhà Lê ở nhà Từ đường, Tuyên nói như ra lệnh:

 – “Tại sao Cậu lại treo hình tên Khổng Tử? Một tên phong kiến. Tôi đã theo cách mạng giờ đây về Sài Gòn. Tôi mà thấy mười tên phản động chống lại cách mạng, tôi cũng bắn! Từ giờ phút này phải dẹp cái Từ đường, nhà thờ họ kia đi!”.

Ông Nội tôi kinh ngạc và rất buồn khi thấy Tuyên cầm hình cụ Khổng Tử xé nát. Từ ngày ấy, Tuyên đóng cửa nhà thờ họ Phan. Ông nội tôi từ đó hiểu rằng: Tuyên không phải là đứa con ngày xưa nữa mà nay đã thành cộng sản với chủ trương Tam Vô (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo). Cụ lặng lẽ dọn về nơi khác ở Hòa Hưng đến cuối đời. Cụ biết rằng, dù thế nào đi nữa thì giờ này cụ đã ở cái tuổi gần 80 và thân cô thế cô. Cụ từng được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc vào năm 1973.

Còn tôi lúc ấy 15 tuổi, là tuổi ăn, tuổi học. Thế nhưng, tôi bị buộc đi “lao động thủy lợi” và nằm trong thành phần “gia đình ngụy- thuộc diện đi kinh tế mới”. Chúng cắt hộ khẩu, cắt lương thực… Tôi phải rời xa mái trường, xa nhà. Hôm đưa tôi cũng như hàng trăm anh em cự binh lính quân lực VNCH lúc đó đi lao động không công, xe chuyển bánh từ Bảy Hiền, hướng Bà Quẹo, lên Củ Chi, tôi ngoảnh nhìn ngôi trường Nguyễn Thượng Hiền mà lòng buồn không tả. Thế là mình xa mái trường, và mất hết ước mơ. Cái nón tai bèo che khuất tương lai. Giờ đây trên tay tôi là cuốc, xẻng… để lấp hố bom, mìn bẫy ở Củ Chi, nơi trước kia là Vành Đai Trắng của Việt Nam Cộng Hòa. Chiếc xe chở tôi ngang qua Thành Ông Năm, Hóc Môn, nơi bố tôi đang bị giam giữ với cụm từ mỹ miều “học tập cải tạo”, tôi buồn vô cùng.

Thân phận những người thua cuộc là đây! Con cũng như bố, cũng trong cái gọng kìm kẹp, trả thù dã man của Việt Cộng. Vận nước, vận nhà đều chung một vận. Miền Nam Việt Nam kể từ ngày 30-4-1975 đã biến thành một nhà tù lớn.

Việt Cộng đã đánh lừa hơn 30 triệu dân miền Nam lúc đó! Sau 46 năm kể từ “tháng Tư Đen” ấy, bản chất Cộng sản Việt Nam vẫn tham lam, quỷ quyệt, và luôn đàn áp những người mà chúng chụp mũ là “phản động”, những người dám đứng lên cất tiếng nói ôn hòa vì khao khát cho nhân dân Việt Nam được sống trong tự do, dân chủ, và nhân quyền, muốn bảo vệ, duy trì đạo đức đích thực, của dân tộc Việt Nam hơn 4000 năm lịch sử. 

46 năm trôi qua, nhưng tiếng thét, tiếng gào của người dân Đồng Tâm, Lộc Hưng… vì bị cướp đất, cướp nhà thì vẫn ‘Như Chỉ Mới Hôm Qua’. 46 năm trôi qua, nhưng vết sẹo vẫn còn trên thân thể của những người thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa. Họ phải lê lết, xin ăn, và chết mòn nơi quê hương. Chúng ta từng là nạn nhân của cái gọi là “hòa giải, hòa hợp” của Cộng sản Việt Nam sau 30-4-1975, xin đừng bao giờ lầm một lần nữa, hãy ghi nhớ: ‘Như Chỉ Mới Hôm Qua’.

Seattle, 4-3-2021

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: