Lễ ký-kết hiệp-định ngưng-chiến tại lầu đài Hội-Quốc-Liên

LTS: Cách đây gần 70 năm, Hiệp định Geneve phân chia hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã được ký kết. Một nền hòa bình mới ấm yên đã được bao người kỳ vọng nhưng cuối cùng niềm khát khao sống trong không khí thanh bình đã không xảy ra. Cuộc chiến kéo dài sau đó không chỉ làm xáo trộn Việt Nam mà còn dẫn đến cuộc xung đột ý thức hệ kéo dài lê thê đến tận nay. Dưới đây là một số đoạn trích nguyên văn trên tờ Việt Thanh; phát hành năm thứ bảy, số 1636, ra ngày 23 Tháng Bảy 1954…

Với lằn phân ranh tại vĩ tuyến 17, Việt-Nam chia hai phần gần nhau

LỄ KÝ-KẾT HIỆP-ĐỊNH NGƯNG-CHIẾN tại lầu đài HỘI-QUỐC-LIÊN

THỦ TƯỚNG NGÔ ĐÌNH DIỆM tiếp Đại-tướng ELY

Hồi 8 giờ sáng thứ tư 21-7, Thủ-tướng Ngô-đình-Diệm đã tiếp Đại-tướng Ely, Tổng Ủy viên Pháp kiêm Tổng Tư-lịnh tại Đông-Dương. Đại-tướng Paul Ely, Tổng-tư-lịnh Tổng-ủy-viên Pháp ở Đ.D, lại được Thủ-tướng Ngô-đình-Diệm tiếp hồi sáng 22. Đại-tướng thông-tri cho thủ-tướng rõ sự ký kết các hiệp định ở Geneve.

Tại Trung Việt, 18 tỉnh về V.N., 5 tỉnh thuộc V.M., với tỉnh Thừa-Thiên chia hai.

Mỹ ngỏ ý: các nước liên hệ phải bảo-vệ lằn phân-ranh đã vạch ra.

Lằn phân ranh: vĩ-tuyến 17

Hôm qua, chúng tôi loan báo vắn tắt: đã ký kết đình chiến tại Genève. Tin V.T.X. mới cho biết thêm chi tiết sau đây:

Theo tin tức đầu tiên nhận được thì lằn phân ranh ở Việt-Nam sẽ hoạch định tại vĩ tuyến 17, cắt đôi xứ này đúng làm hai phần tức là 316.600 dậm vuông về miền nam và 320.000 dậm vuông về miền bắc. 13 triệu người Việt-Nam sẽ đặt dưới sự cai trị của Việt-Minh đối với 8 triệu dân chúng ở miền Nam, kể từ vĩ tuyến 17. Trong sự phân chia này, tại Trung-Việt có 18 tỉnh thuộc về Pháp-Việt và 5 tỉnh thuộc về Việt-Minh. Tỉnh Thừa-Thiên (Huế) chia ra làm hai. Sự phân chia này sẽ khiến Việt-Minh mất một trong những “vựa lúa” quan trọng của họ.

Lễ Ký Kết

Lễ ký kết bản hiệp định chấm dứt chiến tranh vào hồi 02 giờ 50 (quốc-tế) sau một bản tuyên ngôn chánh thức cho biết rằng một thỏa hiệp trọn vẹn đã thực hiện được giữa các cường quốc liên hệ. Bản văn kiện chánh thức đã ký kết giữa thiếu tướng Henri Noel Deltheil (đại diện đại tướng Paul Ely, tổng ủy kiêm tổng tư lịnh ở Đông dương và đại tá Tạ-quang-Bửu, phó tổng trưởng quốc phòng Việt minh). Cả hai nhân vật này đều vận thường phục.

Những bản văn kiện ngưng bắn đề ngày 20 Juilet. Trước hết, chính thiếu tướng Delheil đã ký vào hai bản văn kiện. Trong số các nhân vật hiện diện, người ta để ý thấy có ô. Jean Chauvel, đại sứ Pháp tại Thuỵ-sĩ, đại-tá Gilbert Monckton (Anh), trung-tá John Swan (Mỹ).

Các sĩ quan ký tên vào các bản văn kiện này đã ngồi trước một cái bàn hình bầu dục đặt tại một gian phòng nhỏ kế bên gian phòng hội-nghị, là nơi từng họp phiên nhóm lịch sử chót của hội nghị giữa chín phái đoàn. Hội nghị này đã kéo dài suốt 10 tuần rưỡi và đã bế mạc hoàn toàn vào hồi 14 giờ (quốc tế) hôm nay (20-07).

Lễ ký kết chỉ kéo dài 7 phút, sau đó tướng Delheil và ông Tạ-quang-Bửu không bắt tay nhau. Lối 20 nhiếp ảnh viên và 30 thông-tín viên dự kiến. Lúc đầu người ta tính dùng cái bình mực lớn bằng ngà và vàng của Hoàng-đế A-bit-xi-ny tặng H.Q.L. (Hội Quốc Liên – ghi chú của người hiệu đính) song sợ nó gợi kỷ niệm không hay nên cuối cùng dùng bình mực thường với hai cán viết sơn trắng và xanh để các đại biểu ký các văn kiện. Khi các đại biểu ra về thì mặt trời ló dạng trên chỏm núi xa xa.

V.N. (tức Việt Nam Quốc gia, chính phủ của ông Diệm – ghi chú của người hiệu đính) được loan báo trước nửa giờ

Việt Nam không có đại diện tại cuộc lễ đó. Một phát ngôn của V.N. quốc gia tuyên bố rằng Pháp đã thông báo cho phái đoàn Việt Nam biết đúng nửa giờ trước khi ký kết. Phái-đoàn Việt-Nam đã quyết định không tham dự phiên nhóm chót này chấm dứt cuộc thương thuyết ngưng bắn một cách dứt khoát.

Thi-hành hiệp-định ngưng bắn cách nào?

Nếu các hiệp định ngưng bắn ở Việt-nam Ai-lao vừa ký-kết ngày hôm nay trù liệu việc ngưng các chiến cuộc kể từ ngày 20 Juilet thì người ta vẫn nhấn mạnh rằng về mặt thực-tiễn việc thi hành hiệp định đã trù liệu sẽ khai-diễn lần hồi trong các khu vực kể từ ngày ấy.

Mỹ ngỏ ý: các nước liên hệ phải bảo vệ lằn phân ranh

Ông Charles Wilson, tổng trưởng bộ quốc phòng Mỹ, đã tuyên bố trong một cuộc nhóm họp báo chí hôm 20-7 rằng theo ông biết, “Mỹ không có cam kết gì cả về việc bảo vệ lằn phân ranh có thể được ấn định giữa Việt-Minh và Pháp ở Đông dương”. Ông Wilson so sánh lằn ranh ngưng bắn ở Đông dương với lằn ranh ở Cao-ly và tuyên bố rằng bổn phận các nước liên hệ là bảo vệ lằn ranh ấy, hiện nay có thể là cách giải quyết hay nhứt cho những vấn đề đặt ra ở Đông-dương. Ông Wilson đã không trả lời những câu hỏi về việc ngưng cuộc viện trợ Mỹ cho Pháp ở Đ.D. và chỉ nói rằng việc này sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với người Pháp, đã được viện trợ đủ thứ trừ ra sự can thiệp trực tiếp của Mỹ.

***

Hội-nghị ghi-nhận sự phản kháng long trọng của Ngoại-trưởng TRẦN-VĂN-ĐỖ CHỐNG SỰ PHÂN CHIA NƯỚC VIỆT NAM

Từ 28-7, hiệp-định đình-chiến khởi sự thi hành song có thể gia hạn 15 ngày cho các vùng xa xuôi, hẻo lánh;

Vấn-đề chi phí về việc kiểm soát đình chiến trao cho hai ô. Eden và Molotov nghiên cứu.

Hiệp-định chót ký-kết với C.M. hồi trưa thứ thứ tư 21-7

Hội-nghị kết thúc

Geneve: Tới 5 giờ 20 chiều bữa nay, thứ tư 21-7-54, Hội-nghị Geneve chấm dứt. Sự ký kết ngưng chiến ở Đông-Dương là mục tiêu chánh mà hội-nghị tự vạch ra từ khi mới khai mạc, đã đạt được sau khi thỏa-hiệp cuối cùng, giữa V.M và Cao-Miên đã ký kết hồi trưa này. Từ đây tiếng súng đã êm và ai nấy đều hy-vọng cho nó êm luôn, để hai nước Việt, Miên, Lào, thứ nhứt nước Việt-Nam thân yêu của chúng ta đã đau khổ và bị thương-tích quá nhiều, sẽ có thể rảnh rang, cương quyết bắt tay vào việc trùng tu và phục-hưng. Người ta tha-thiết ước mong ai nấy sẽ dẹp bỏ hết những sự thù hận, bất bình mà tám năm chiến tranh gây ra không ít, với mọi sự bất đồng tư tưởng, chánh kiến, để thiệt-hiện sự toàn-dân đoàn-kết chặt-chẽ, chăm lo kiến thiết một nước Việt-Nam trù-phú hùng-cường, ngõ hầu góp mặt, chung lời một cách xứng-đáng, với liệt-cường thế-giới, và mưu đời sống ấm-no, sung-sướng cho toàn dân.

Thỏa hiệp với Cao-miên ký kết

Thỏa hiệp ngưng chiến ở Cao-miên rốt cuộc đã ký hồi 11 giờ 38 phút GMT ngày thứ tư 21-7. Tuy nhiên, trên văn kiện vẫn ghi: ký hồi 24giờ 20-7. Thỏa hiệp do ông Tạ-quang-Bửu, thứ trưởng ngoại giao Việt-minh và thiếu tướng Nhiek Tiou Long, tổng trưởng quốc phòng Cao-miên ký kết. Thỏa hiệp ấy thi hành liền và sẽ chấm dứt chiến tranh trên toàn thể lãnh thổ Cao-miên. Sau khi ký kết, hai ô. Bửu và Tiou Long ôm nhau hun.

Ngày 28-7 đỗ đi (sic – có lẽ là lỗi xếp chữ; ám chỉ “Đông Dương”, ghi chú của người hiệu đính) sẽ ngưng bắn

Sau các vụ ký kết vừa qua, hiệp định ngưng bắn sẽ bắt đầu thiệt thi ở Đ.D. từ 28 tháng 7 d.l. Tuy nhiên người ta trù hoạch những thời hạn lâu hơn để thiệt hiện sự ngưng bắn tại những vùng xa xuôi, hẻo lánh, khó mà loan tin tức cho quân đội hai phe biết một cách mau lẹ. Thời hạn ấy có thể kéo dài đến 15 ngày, thứ nhứt cho vài vùng ở Nam Bộ. Như vậy, thì tất cả chiến sự sẽ hoàn-toàn chấm dứt trên khắp lãnh thổ Đông-Dương trong thời hạn ba tuần nhựt.

Phiên nhóm chót

Phiên nhóm chót cử Hội-nghị đã khai mạc tại đại thỉnh đường trong lầu đài H.Q.L. (Hội Quốc Liên – ghi chú của người hiệu đính) hồi 15 giờ 10 thứ tư 21-7, dưới quyền chủ tọa của Ngoại-trưởng Eden. Các nhiếp ảnh viên của báo chí và hãng phim được phép vô chụp hình song thông tin viên và công chúng không được vào dự thính. Một số rất đông công chúng tề tựu trước lầu đài và đã hoan nghinh nhiệt-liệt các phái đoàn lần lượt tới. Trong phòng hội kê bốn bàn bầu dục lớn. Thủ-tướng Pháp Mendes-France ngồi giữa đại sứ Chauvel và viên thông ngôn tiếng Nga. Hai bên phái đoàn Pháp là hai phái đoàn Ai-lao và Việt-minh ở bên trái, phái đoàn Mỹ ở bên mặt. Mỗi phái đoàn gồm năm đại biểu và tất cả trưởng phái đoàn đều có mặt. Hôm nay chỉ khác bữa nhóm khai mạc là thứ trưởng Bedell Smith cầm đầu phái đoàn Mỹ thế cho Ngoại-trưởng Foster Dulles.

Ngoại-trưởng Đỗ lên tiếng

Ngoại-trưởng V.N. Trần-văn-Đỗ lên tiếng trước. Trước hết ông ngỏ ý tiếc rằng đề nghị của V.N để thiệt hiện ngưng chiến mà không cần phân chia V.N. bằng cách giải giới tất cả các binh lực tác chiến, tập trung lại những khu nhứt định và trao quyền kiểm soát lại cho L.H.Q. trong khi chờ đợi trật tự và hòa bình vãn hồi để mở tổng tuyển cử, lại không được chấp nhận.

Long trọng phản kháng

Phái đoàn V.N. long trọng phản kháng:

a/ Sự ký kết ngưng chiến hối hả giữa hai Tổng tư-lịnh Pháp và V.M. khi mà thỏa hiệp ấy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai chánh trị V.N.

b/ Thỏa hiệp ngưng-chiến bỏ cho V.M. nhiều khu vực mà quân đội V.N. còn chiếm giữ và rất cần cho sự phòng thủ V.N chống mọi mưu toan bành trướng của Cộng sản và làm hại tới quyền thiêng liêng của V.N. tổ chức sự phòng thủ của mình.

c/ Tổng-tư lịnh Pháp không thỏa hiệp trước với phái đoàn V.N. đã tự ý thỏa thuận và nhứt định ngày giờ mở các cuộc tuyển cử vị lai, mặc dầu đó là vấn đề hoàn toàn chánh trị. Do đó, chánh phủ quốc gia V.N. yêu cầu hội nghị ghi nhận sự phản kháng long trọng của mình chống lại cách thức ký kết thỏa hiệp đình chiến, các điều kiện thỏa hiệp nó không kể đến tới nguyện vọng sâu xa của V.N. Việt-Nam tự giành cho mình trọn quyền tự do hoạt động để bảo vệ cách ôn hòa quyền thiêng liêng của dân V.N. trong việc thiệt hiện sự thống nhứt lãnh thổ độc lập Quốc-gia và tự do.

Thủ-tướng Mendes-France an-ủi

Thủ-tướng Mendes-France tuyên-bố sự ký-kết giữa một Tổng-tư-lệnh-bộ đều do các lý-do và theo những bắt buộc quân-sự. Ông hiểu nỗi đau đớn và lo âu của V.N và hy vọng rằng Việt-Minh sẽ tôn trọng các khoản đã ký-kết, để cả hai phần nước V.N đều có thể sanh sống và kiến thiết trong tự-do và hòa-bình.

Ông Eden hỏi có phái đoàn nào muốn nói gì thêm chăng?

Thứ-trưởng Mỹ Bedell Smith nhắc lại tuyên ngôn long-trọng của ông, đại-ý nói Mỹ hứa sẽ không dùng võ-lực mà xâm phạm vào các điều cam kết về Đông-Dương. Ông Đỗ nhắc lại lời yêu cầu hội nghị ghi tuyên ngôn phản kháng của ông. Chủ-tịch Eden liền cho ông hài lòng.

Phí khoản về việc kiểm soát

Kế đó vấn đề “phí khoản về việc kiểm soát đình chiến, do sự lưu thông, cư trú của các kiểm soát viên trung lập trên đất Đông-Dương” được nêu ra và người ta đặt câu hỏi: số chi phí do ai chịu? hoặc sẽ phân chia cho mỗi nước bao nhiêu? Hội nghị quyết định trao vấn đề quan trọng đó cho hai Chủ tịch Eden và Molotov nghiên cứu.

Chót hết chủ-tịch Eden cám ơn các phái đoàn đã thành thật hiệp tác và giúp hội nghị thâu hoạch kết quả tốt đẹp bữa nay. Ông Molotov cũng cám ơn hai ông Eden và Bedell Smith với các trưởng phái đoàn khác để mưu đồ ngưng chiến ở Đ.D. Vẫn biết nền hòa bình đạt được không toàn vẹn song nó có thể trở nên hữu ích nếu là một sự xây dựng không ngừng. Tới 17 giờ 20, ông Eden tuyên bố bế mạc hội nghị 9 nước về Đ.D.

Trên đường về

Người ta cho hay nội chiều thứ tư hoặc sáng thứ năm ông Mendes France sẽ về Paris để kịp ra mắt Quốc Hội và sau vụ ký kết đình chiến ở Geneve, người ta phỏng định ông sẽ được một đa số lớn lao ủng hộ. Ngoại trưởng Eden đã từ giã Geneve đi Lon-dres hồi tối thứ tư.

***

Huỳnh Minh Hiệp chép lại từ bộ sưu tập cá nhân; Cao Trí hiệu đính và đối chiếu bản gốc.

Đón đọc “Sạp báo miền Nam” kỳ tới: NHỮNG XÌ CĂNG ĐAN TRONG GIỚI NGHỆ SĨ SÀI GÒN

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: