Dẫn Nhập:
Đại Sư Paramahansa Yogananda (1893-1952), bậc thầy người Ấn đến đất Mỹ, Boston từ thập niên 1920, truyền giảng phương pháp thực hành Yoga qua phối hợp Thiền Định Mật Tông và Đức Tin Thiên Chúa Giáo, hiện thực kết hợp Đông-Tây. Những năm cuối đời (1948-1952), vị Thầy lui về ở ẩn vùng Sa Mạc Mojave, California do kinh nghiệm năm tháng du hành, thuyết giảng ở Arizona nên biết: Vùng sa mạc hấp thụ Năng Lượng lớn/Sức Nóng Mặt Trời tác động, giúp cho người có được những năng lực mà những địa vực khác không có.
Tôi là Người Lính của một quân đội thất trận, nước mất, nhà tan, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, di chuyển cuối đời về chốn vắng vẻ, City Queen Creek, AZ – Nơi không thể vắng lặng hơn – Không có cả hơi gió, tiếng chim, bóng lá. Nên không gì hơn là tự mình nhìn mình/với mình chứ không ai khác, và không có gì khác. Từ đó, nghĩ, viết những nội dung sẽ dần trình bày sau.
Nhưng cũng không hẳn như thế, quá trình lần tìm kiếm của chính bản thân/của tự thân có một thời điểm không thể nào quên – Sáng Thứ Hai, 7 Tháng 9, 1981 khi theo Bùi Dù, cán bộ kỷ luật Trại 5 Lam Sơn, Thanh Hóa, có Phạm Ngọc Đăng (Khóa 22A/Đà Lạt, quen thân từ 1968 ở Lữ Đoàn 2 Nhẩy Dù) giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Thi Đua đi kèm với cách thế của người theo tử tù ra pháp trường. Tại ngưỡng cổng vào khu kiên giam, khi trao gói chiếu nằm, Đăng thất sắc nói nghẹn… “Làm sao mà sống được hở anh Phan” (Pnn, Khóa 18/Đà Lạt). Đăng hiện ở Anaheim, Nam CA.
Tám năm sau, sáng 8 Tháng 1, 1988, từ buồng kiên giam Trại Thanh Cẩm, Thanh Hóa, anh Phan được tháo cùm chân đưa lên xe, đeo chung cùm tay với một người đang lâm râm cầu nguyện… Anh Phan hãy TIN vào Thiên Chúa! Sao anh biết tôi? Thảng thốt hỏi tiếng nhỏ. Tôi là Linh Mục Nguyễn Văn Lý ở Huế bị đưa ra đây mấy năm sau 1975 (LM Lý hiện ở Huế, Việt Nam). Ôi Lạy Chúa! Con người có thể biết được gì đây?
Từ mấy mươi năm của đời sống dài kể trên, tôi chỉ có một câu hỏi/Câu hỏi duy nhất: Người Biết/Không Biết những gì? Loạt bài nầy chân thật viết nên. Viết rất thật dẫu có thể sai sót những chi tiết, cách hành văn, chuyện kể về người, việc đã quá lâu.
Bài Một.
Ngày 30 Tháng Tư, 1975 ở đâu?
Sáng 30 Tháng Tư, khi lục túi lấy Chứng Minh Thư số 41/Ban Liên Hợp Quân Sự 4&2 Bên Trung Ương; Thẻ Lãnh Lương; Thẻ Sĩ Quan… đút xuống ống cống trước Nhà Sách Khai Trí, anh nói ra lời… Thì coi như đã chết. Tay dắt xe đạp, tay giữ hai máy ảnh đeo trước ngực, anh đi dần lên Công Trường Lam Sơn, đến trước Trụ Sở Hạ Viện. Lòng không chút cảm giác, lạnh tanh. Chung quanh tiếng đập, đục cửa sắt những cơ sở Mỹ kiều, kho hàng rầm rập như tiếng chày vồ đập xuống nắp áo quan. Đến Hạ Viện, anh cùng những phóng viên người Nhật sửa soạn máy hình như một kẻ chuyên nghiệp, bàng quan.
Thoáng một chốc cực ngắn: Anh thấy toàn bộ thành phố Sài Gòn biến mất khi theo dõi hai xe ZiL (Xe vận tải của Trung Cộng, tương tự như Molotova của Liên Xô) đâu từ Trần Hưng Đạo, qua chợ Bến Thành, rẽ vào Lê Lợi, đổ xuống trước Hạ Viện hai trung đội lính nữ, mũ tai bèo, áo xanh dương, quần đen, băng đạn quấn ngang ngực. Tất cả đều mới, vỏ đạn sáng bóng. Các đồng chí! Các đồng chí… Bố trí đây nì! Bố trí đây nì… Khẩn trương! Khẩn trương…
Viên chỉ huy giọng Nghệ Tĩnh vừa ra lệnh, lôi kéo, chỉ chỏ vị trí cho đám “bộ đội giải phóng khẩn trương tác chiến”. Thật sự chỉ là những thiếu nữ thôn quê miền Nam, thân thể đẫy đà, da mặt đỏ nhừ, chiếc áo chật rịn mồ hôi, những thớ thịt ở bụng căng cứng. Anh lên xe đạp về phía đường Lê Văn Duyệt với với câu hỏi tự nhiên bục sáng trong đầu: Tại sao vậy? Tại sao?
Sau thời gian dài mấy mươi năm, nay, Tháng Chín 2022 ngồi viết lại (tưởng chừng CHỈ vừa qua một giấc mơ ngắn): Sau 30 Tháng Tư 1975 từ Sài Gòn đến 1980, 1981… nơi hệ thống phòng kiên giam miền Bắc; thời gian sau khi ra tù 1990, 1991… ở Sài Gòn, Lái Thiêu; sau lần đến Mỹ, 1993, 1994… cư trú nơi Minnesota, Denver; tiếp hiện tại từ 2018 ở Arizona… dần cho anh thấy ra những nguyên lý:
1/Không có gì là ngẫu nhiên. 2/Tất cả hiện tượng người, việc THẬT trong đời sống vật thể, tinh thần, tâm lý với người, việc của GIẤC MƠ LÀ MỘT. 3/Tất cả cấu kết lại thành một diễn tiến sống/chết liên tục giữa hai điểm CON NGƯỜI KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG ĐIỀU KHIỂN/QUYẾT ĐỊNH: Lúc Sinh và khi Chết. Từ BA NGUYÊN LÝ vừa kể ra, anh hiểu những sự vật, sự việc với những con người như sau:
1/Hình tượng XE với những hình thể kỳ lạ/kỳ cục/không hề có trong thực tế (xuất hiện một cách có chủ đích trong giấc mơ (chiếm đa số của hệ thống các giấc mơ) so sánh với những chiếc XE có thật: Đồ chơi đầu tiên có được (1948) là một chiếc xe hơi sơn XANH bị thằng bé bán bánh mì giật chạy trước căn nhà số 3 Đường Tô Hiến Thành, Huế; hình ảnh chiếc xe bọc thép của Trung Úy Phan Hòa Hiệp treo nơi căn nhà số 5 (thuộc quần thể Gia Tộc họ Phan, Phường Phú Cát, Huế); chiếc xe đạp bị mất trước Nhà hộ sinh Châu Em, Đà Nẵng, 1955; Xe Lowboy bị mìn trong rừng Long Khánh, ngày 13 Tháng Mười Một 1968; Honda bị mất trước nhà 104 Công Lý Sài Gòn, 1972…
Và gần gũi cụ thể là chiếc xe bị rơi xuống vực khi lái từ Minnesota về California qua Denver trong ngày 2 Âm Lịch, Tết năm tuổi Quý Mùi 2003; cuối cùng, chiếc xe hiện sử dụng, đứng chung tên với con gái mang bảng số vô tình có được khi sang tên tại DMV CA: 8FFJ394 – 8 Tháng Chín (19)43 là Ngày Sinh Thật- Sinh Nhật của Đức Mẹ Maria. Chủ đề XE/GIẤC MƠ sẽ được khai triển với những bài viết khác sau nầy. Tóm lại, XE của Giấc Mơ – Xe của Thực Tế được lặp đi lặp lại tại những tình huống: mất xe/bể bánh xe/đụng chạm/tìm không thấy – Tất cả trộn lẫn với nhau để xác chứng: THẬT VỚI MỘNG LÀ MỘT.
2/Ngôi nhà mang số 3-5 của quần thể họ Phan; nhà mang số 7 của gia đình họ Lê đường Tô Hiến Thành/Rue Trung Bộ trước 1954; Trường Đà Lạt/Đồi 1515. Trong hệ thống giấc mơ (có chỉ huy/có ý thức) do tác động tập Thiền (trong giai đoạn 1981-1988) hai ngôi nhà số 3, 5 thường hiện hữu trong những tình huống đặc biệt (chưa hề xảy ra trong thực tế từ trước, sau 1950 – Thời điểm xảy ra biến cố lớn của gia đình -Pnn).
Diễn tiến của những giấc mơ trong thời gian dài nơi hai căn nhà số 3, số 5 luôn được cấu thành khiến cho anh phải hiểu ra giá trị thông tin nằm ở hai con Số 3, Số 5 – trong ý nghĩa, mục đích tương tự căn nhà Số 7 cũng được nhắc nhở, đưa vào trong giấc mơ để có lưu ý về Số 7, dẫu người thuộc gia đình Họ Lê trong căn nhà số 7 nầy từ trước, sau 1975 không hề có liên lạc – Song song với thông báo về căn nhà số 7 có thông báo phụ trợ về đơn vị đầu đời: Tiểu Đoàn 7 Nhẩy Dù, Biên Hòa và người bạn thiết cùng khóa, Trung Tá Nguyễn Lô, Tiểu Đoàn Trưởng thứ 7, 1974-1975. Trường Đà Lạt được nhắc nhở rất có hệ thống để nêu bật thật cụ thể về các con Số 1515 – Ngọn đồi trên đó ngôi trường được xây dựng.
3/Những người mang bạn chí thiết từ tấm bé cho đến hiện tại (Tháng Chín 2022) mang tính danh Minh như TTD Minh (nữ giáo viên hiện ở San José; HDg.Minh (sĩ quan hải quân tử trận ở Quảng Ngãi, 1968) được đưa vào giấc mơ trong một bố cục kỳ quặc như tập thể dục chung với HCMinh trên một đoạn đường rầy?! Tất cả yếu tố phi lý/không thật trong giấc mơ với những người tên Minh cuối cùng nhắm tới một mục đích: Tập trung vào Tính Danh Minh.
4/Khi tất cả #1, #2, #3 đã được cố định trong ý thức từ tình huống của những giấc mơ, anh nhớ lại câu chuyện: Nguyễn Công Trứ phá đền thờ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và trên thượng lương có bài thơ sấm ký:
Minh Mạng Thập Tứ/Đời Minh Mạng Thứ 14
Thằng Trứ phá đền/Người tên Trứ phá ngôi đền
Phá đền thì phải làm đền
Quả tình đến nay chẳng ai đã đọc tận mắt bài sấm ký trên. Và Trạng Trình viết bằng Chữ Nôm thì ngôn ngữ trên hẳn có đúng như thế không, sau khi chuyển ra Quốc Ngữ được Latin hóa? Tuy nhiên với một kẻ bị kêu án “sẽ bị đem đi bắn”, thật sự chỉ hăm dọa thì tình cảnh “cận tử” khiến anh trở nên sáng suốt (bất cứ ai cũng vậy). Thêm sinh hoạt thể chất: Không Nói/Không Nghe/Không Thấy và điều kiện ẩm thực chỉ gồm ngô, khoai, sắn với chút nước muối từ 1981… Anh vô tình được khai ngộ do sự tinh tấn bất đắc dĩ đưa lại. Anh THẤY RA BÀI GIẢI từ những Con Số được lặp lại từ giấc mơ như đã trình bày ở #1#2 #3:
41/Minh Mạng Thập Tứ = Minh Mạng 14 -> 1+ 4 = 5
42/Minh Mạng Thập Tứ -> Minh Mạng lên ngôi 1820 -> Đời 14 tức năm 1834 -> 34 -> 30 + 4
43/Minh Mạng Thập Tứ -> Đời Minh Mạng 14/Năm 1834 -> 34 -> 3 + 4 = 7 và 1+4 = 5 (#41)
Tóm lại câu sấm ký: Minh Mạng Thập Tứ được/phải được ĐỌC RA THỜI ĐIỂM 30-4-75
Nếu Quý Độc Giả đồng ý với luận giải như trên, chúng tôi sẽ tiếp tục giải tiếp: Tại sao có “Minh Mạng Thập Tứ?” Và từ đâu có “Thằng Trứ phá đền”? Và đâu là liên kết với ngọn đồi mang Số Hiệu 1515 mà Trường Đà Lạt đã được dựng lên?
Xin kính chào.
Phan Phi Danh