Oppenheimer và câu chuyện quả bom hạt nhân

“Now I am become death, the destroyer of worlds”
Robert Oppenheimer, 1904-1967 (Getty Images)

Kể từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, giới sử học và cả giới nghệ thuật đều bị cuốn hút vào những gì liên quan J. Robert Oppenheimer – một thiên tài bí ẩn, nhà vật lý lý thuyết, người lãnh đạo phòng thí nghiệm Dự án Manhattan, nơi phát triển bom nguyên tử.

Từ năm 1946, phim tài liệu, truyền hình, kịch, tiểu thuyết và thậm chí opera đã khám phá cuộc đời và di sản của nhà khoa học Oppenheimer. Một trong những trích dẫn thường được nhắc lại nhiều nhất là câu “Now I am become death, the destroyer of worlds” mà Oppenheimer thốt lên, bày tỏ sự hối hận khi dính vào dự án bom nguyên tử.

Oppenheimer của đạo diễn Christopher Nolan, ra rạp ngày 21 Tháng Bảy 2023, là bộ phim dài đầu tiên đề cập đến toàn bộ cuộc đời của nhà khoa học Oppenheimer, với tài tử Cillian Murphy trong vai chính.

Oppenheimer và Dự án Manhattan

Sinh trong một gia đình Do Thái ở New York City năm 1904 và được giáo dục tại Trường Văn hóa Đạo đức (Ethical Culture School) ở Manhattan, Oppenheimer tốt nghiệp xuất sắc Đại học Harvard chỉ trong ba năm. Sau đó Oppenheimer trải qua giai đoạn khó khăn khi vật lộn với các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần trong lúc theo đuổi Đại học Cambridge. Tuy nhiên, đến khi Đệ nhị Thế chiến nổ ra vào năm 1939, Oppenheimer đã trở thành nhà vật lý được kính trọng tại Đại học California, Berkeley.

Đó là thời gian Oppenheimer yêu Jean Tatlock (do Florence Pugh thủ vai trong phim của đạo diễn Nolan), một thành viên Đảng Cộng sản. Theo Atomic Heritage Foundation, Oppenheimer “có vẻ đồng cảm với… các mục tiêu cộng sản” nhưng ông chưa bao giờ chính thức gia nhập đảng này. Khuynh hướng chính trị của Oppenheimer không cản trở việc ông được tuyển dụng vào năm 1942 cho một dự án bí mật của Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Ba năm trước đó, Albert Einstein viết một lá thư cho Roosevelt, nói rằng những bước đột phá trong phân hạch hạt nhân hứa hẹn có thể tạo ra “những quả bom cực kỳ mạnh”.

Hè 1942, Oppenheimer tổ chức loạt hội thảo bí mật tại Berkeley, nơi các nhà vật lý hàng đầu của Hoa Kỳ phác thảo sơ bộ dự án bom hạt nhân. Tháng Chín năm đó, Tướng Leslie Groves (do Matt Damon thủ vai trong phim Oppenheimer), một kỹ sư quân đội trước đó từng giám sát việc xây dựng Ngũ Giác Đài, đảm nhận vị trí người đứng đầu Dự án Manhattan. Tháng Mười 1942, Tướng Groves bổ nhiệm Oppenheimer làm Giám đốc khoa học của dự án, qui tụ những nhà khoa học xuất sắc nhất nước Mỹ (Hans Bethe, Richard Feynman, Seth Neddermeyer, Robert Serber, Kenneth Bainbridge, Enrico Fermi…).

Những quyển sách về Robert Oppenheimer và lịch sử bom hạt nhân (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)

Phòng thí nghiệm của Oppenheimer là một phần của Dự án Manhattan. Được xây dựng trên địa điểm của một trường nam sinh cũ, Phòng thí nghiệm Los Alamos là một trong ba “thành phố bí mật” của chính phủ Hoa Kỳ vào cuối năm 1942 và đầu năm 1943. Hai thành phố còn lại – Oak Ridge, Tennessee; và Hanford, Washington – chiếm phần lớn nhân lực, chi phí và quy mô công nghiệp của dự án. Dự án Manhattan sử dụng khoảng nửa triệu người từ năm 1942 đến năm 1945. Tại Oak Ridge, uranium được tinh chế tại nhà máy lớn nhất thế giới. Tại Hanford, một khu vực có diện tích bằng một nửa Rhode Island đã bị giải tỏa trắng, hoàn toàn không còn cư dân địa phương, nhà cửa bị san phẳng, để nhường chỗ cho các lò phản ứng sản xuất plutonium.

Tại Los Alamos, dưới sự lãnh đạo tài ba của Oppenheimer, những quả bom nguyên tử cuối cùng đã được chế tạo thành công. 5:29 sáng ngày 16 Tháng Bảy 1945, kết quả của gần ba năm làm việc là vụ nổ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên trong lịch sử: Vụ thử Trinity. Ngày 6 Tháng Tám 1945, chiếc Enola Gay thả quả bom nguyên tử Little Boy xuống thành phố Hiroshima. Ba ngày sau, chiếc Bockscar thả Fat Man xuống Nagasaki. Ngày 15 Tháng Tám 1945, Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng.

“Thưa Tổng thống, tôi có cảm giác tay mình vấy máu”

Ngay sau chiến tranh, dư luận về bom nguyên tử bắt đầu bùng nổ. Lần đầu tiên Oppenheimer xuất hiện trên màn ảnh rộng là Tháng Tám 1946, khi ông có mặt trong phim tài liệu 18 phút “Atomic Power”, một phần trong loạt phim “The March of Time”. Trên màn hình, người ta thấy Oppenheimer diễn lại cảnh hồi hộp chờ đợi vụ thử Trinity. Trên thực tế, chỉ hai tháng sau sự kiện Hiroshima-Nagasaki, Tháng Mười 1945, Oppenheimer đã nói với Tổng thống Harry S. Truman (do Gary Oldman thủ vai trong phim của đạo diễn Nolan), “Thưa Tổng thống, tôi có cảm giác tay mình vấy máu”.

Ba tuần sau khi “Atomic Power” ra mắt, bài báo dài “Hiroshima” đầy nhức nhối của John Hersey xuất hiện trên tờ The New Yorker, lần đầu tiên đánh thức người Mỹ về sự khủng khiếp của bom hạt nhân. Tổng thống Truman và giới chức Mỹ lập tức phản ứng. Bộ trưởng Chiến tranh (Secretary of War) Henry Stimson được yêu cầu viết bài phản pháo, với lập luận ủng hộ việc sử dụng bom hạt nhân, trong một bài báo trên tạp chí Harper’s phát hành vào Tháng Hai 1947. Bài viết kể lại việc quyết định sử dụng quả bom được thực hiện với sự thận trọng, và quả bom đã giúp ngăn một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Nhật, vì một chiến dịch như vậy chắc chắn dẫn đến “hơn một triệu thương vong, chỉ tính riêng quân đội Mỹ”.

Tượng Robert Oppenheimer (phải) và Tướng Leslie Groves trong Bradbury Science Museum, Los Alamos, New Mexico (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)

Bộ phim lớn đầu tiên của Hollywood về quả bom, The Beginning or the End, ra mắt một tháng sau bài báo của Stimson. Ban đầu được các nhà khoa học nguyên tử phác họa nội dung như một cách để giáo dục công chúng về sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, bộ phim đã trải qua quá trình phê duyệt kịch bản và được điều chỉnh lại theo yêu cầu của Tướng Groves và Tổng thống Truman. Do Norman Taurog đạo diễn, The Beginning or the End nói rằng quân đội Mỹ đã thả tờ rơi cảnh báo về bom nguyên tử xuống Hiroshima, và chiếc Enola Gay đã bị tấn công bởi hỏa lực phòng không Nhật. Tương tự bài báo của Stimson, bộ phim cũng miêu tả Tổng thống Truman đã rất cẩn thận cân nhắc quyết định thả bom.

Trên thực tế, Mỹ đã không thả truyền đơn cảnh báo cụ thể về bom nguyên tử, dù các phi công có thể đã thả những thông báo chung chung về các cuộc tấn công sắp xảy ra ở Hiroshima. Chiếc Enola Gay cũng không bị hỏa lực phòng không Nhật tấn công. Nhiều nhà sử học không đồng ý rằng Truman chỉ có một khoảnh khắc “quyết định”. Trong bài tiểu luận được đưa vào tuyển tập The Age of Hiroshima năm 2020, Alex Wellerstein, một nhà sử học hạt nhân tại Viện Công nghệ Stevens ở New Jersey, viết rằng Truman “thực sự đứng ngoài hầu hết quyết định dẫn đến việc sử dụng vũ khí (hạt nhân)”. Wellerstein lập luận rằng Truman thậm chí có thể đã nhầm tưởng Hiroshima là mục tiêu quân sự hơn là một thành phố với phần lớn là dân thường.

Năm 1949, với tư cách người đứng đầu ủy ban cố vấn cho Ủy ban Nguyên tử Năng (AEC) mới thành lập, Oppenheimer chống lại việc phát triển bom hydrogen (mạnh hơn bom Trinity, Hiroshima hoặc Nagasaki). Năm 1953, ông ví Hoa Kỳ và Liên Xô có năng lực hạt nhân như “hai con bọ cạp trong một cái chai, con này có khả năng giết con kia nhưng phải đánh đổi mạng sống của chính nó”.

Tháng Mười Hai 1953, trong bối cảnh hoang tưởng thời McCarthy về việc “cộng sản nằm vùng” lọt vào cấp cao nhất trong bộ máy chính phủ Mỹ, Chủ tịch AEC Lewis Strauss (do Robert Downey Jr. thủ vai trong phim của Nolan), người vốn có ác cảm với Oppenheimer, gọi Oppenheimer vào văn phòng và nói rằng giấy phép an ninh của ông bị thu hồi. Oppenheimer kiên quyết chống lại, khiến AEC triệu tập phiên điều trần an ninh kéo dài một tháng, bắt đầu từ ngày 12 Tháng Tư 1954. Cuộc đời Oppenheimer tàn lụi kể từ đó.

Tượng đồng J. Robert Oppenheimer trong một công viên ở Los Alamos, New Mexico (ảnh: Robert Alexander/Getty Images)

*****

Năm 1963, Tổng thống Lyndon B. Johnson trao giải Enrico Fermi Award cho Oppenheimer, vinh dự cao nhất của AEC. Tuy nhiên, Oppenheimer chưa bao giờ gượng dậy được hoàn toàn. Ông sống những ngày còn lại ở Princeton, nơi ông làm việc tại Institute for Advanced Study cho đến năm 1966, và qua đời vì ung thư vào Tháng Hai 1967. Tờ New York Times viết, “Nhân vật phức tạp khó hiểu này chưa bao giờ hoàn toàn thành công trong việc xua tan những nghi ngờ về những gì mà mình từng làm.”

Khoa học gia Oppenheimer được Tổng thống Lyndon B. Johnson trao Enrico Fermi Award, White House, ngày 2 Tháng Mười Hai 1963 (ảnh: Imagno/Getty Images)

Giấy chứng nhận an ninh của Oppenheimer vẫn bị thu hồi cho đến Tháng Mười Hai 2022 mới được Bộ Năng lượng quyết định “xóa án”. Hơn 50 năm kể từ khi Oppenheimer qua đời, văn hóa đại chúng có nhiều cách tiếp cận để khám phá cuộc đời ông. Bộ phim tài liệu đoạt Giải Peabody năm 1981 The Day After Trinity tập trung vào sự hối tiếc của Oppenheimer về vai trò chế tạo quả bom. Ngược lại, miniseries truyền hình BBC năm 1980 “Oppenheimer” có sự tham gia của Sam Waterston lại nhấn mạnh về mối quan hệ với cộng sản và sự sụp đổ sự nghiệp của ông.

Năm 1989, đạo diễn Roland Joffé tung ra Fat Man and Little Boy, với dàn diễn viên hạng A – Paul Newman trong vai Tướng Groves, John Cusack trong vai một nhà khoa học hư cấu của Dự án Manhattan, Laura Dern trong vai bạn gái nhà khoa học này; và Dwight Schultz trong vai Oppenheimer. Bộ phim thất bại thảm hại. Trong phim series “Manhattan”, chiếu hai mùa vào năm 2014 và 2015, Daniel London đóng vai Oppenheimer. Phim này cũng không hấp dẫn. Trước đó, năm 2005, nhà soạn nhạc đoạt giải Pulitzer John Adams còn dựng vở opera Doctor Atomic.

Và bây giờ là bộ phim của đạo diễn Christopher Nolan. Oppenheimer của Nolan xuất hiện ở thời điểm mà sự lạc quan về giải trừ vũ khí hạt nhân nhường chỗ cho… một thời đại hạt nhân mới! Trong thế giới ngày nay, rất ít nhà lãnh đạo thế giới có trực nghiệm về sự khủng khiếp của bom hạt nhân, và một số người trẻ thậm chí còn không biết gì về những sự thật căn bản liên quan thời Đệ nhị Thế chiến. Ám ảnh hạt nhân vẫn chưa thật sự kết thúc. Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn dọa sử dụng hạt nhân nếu cần!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: