Quần đảo Hải Tặc ở Hà Tiên (2)

Bài 2: Băng cướp Cánh Buồm Đen
Cửa biển Hà Tiên, với hai ngọn núi Tiểu và Đại Tô Châu. Hình khoảng năm 1938-1946. (ảnh: Facebook “Thú Chơi Sách”)

Hiện có hai truyền thuyết nói về băng cướp biển khét tiếng Cánh Buồm Đen. Thứ nhất, người ta cho rằng đây là những tay hảo hán dọc ngang trên vùng biển Tây Nam chỉ cướp của tàu buôn nước ngoài, không giết người vô tội, số của cải cướp được chia cho dân nghèo.

Thứ hai, có người cho rằng đây là một đảng cướp khét tiếng man rợ, giết người. Nhưng đến nay vẫn không ai biết đâu là sự thật về băng đảng cướp có biệt danh Cánh Buồm Đen.

Một chiếc thuyền cướp biển được phục dựng (VNExpress)

Theo một số dân đảo, nơi băng cướp Cánh Buồm Đen chọn làm sào huyệt là Hòn Tre Vinh. Hiện nay trên đảo ở gần bờ có một chiếc tàu cướp biển được phục hiện có màu đen, trên tàu cũng treo cờ đen, vẽ những chiếc đầu lâu trắng, những thanh kiếm rùng rợn.

Hòn Tre Vinh có diện tích khoảng 70.000 m2, là một hòn đảo nhỏ nằm gần Hòn Tre. Đảo được một doanh nghiệp thuê làm điểm đến cho khách du lịch từ đất liền theo tour. Khách ra đây ăn trưa, tắm biển lặn san hô, chiều về lại đất liền. Chủ thuê hạn chế khách du lịch ngoài tour lên đảo. Cảnh quan ở Hòn Tre Vinh tuyệt đẹp, biển xanh, cát trắng như viên ngọc lấp lánh giữa đại dương.

Nhưng nhiều người khác lại nói Cánh Buồm Đen lấy đại bản doanh là nhóm đảo thuộc Hòn Tre, chứ không phải ở Hòn Tre Vinh. Truyền thuyết lại kể rằng, xưa kia đảo Hòn Tre bị chia ra làm ba hòn khác nhau, trung tâm của ba hòn này là một cái hồ lớn. Các băng nhóm hải tặc thường vào đây trú ngụ khi không ra ngoài cướp bóc hay khi biển động.

Sau này, theo thời gian, được xâm thực và biển bồi đắp, nên ba hòn hợp nhất thành đảo Hòn Tre như ngày nay. Cái tên Hải Tặc được đặt địa danh hành chính cho quần đảo Hòn Tre ngày nay xuất hiện từ thời Pháp, khởi nguồn từ nhóm cướp biển này. Hiện nay trên đảo, nhiều thế hệ con cháu của hải tặc vẫn còn sinh sống. Ông Mạc Ngọc Thạch, một cư dân sống trên đảo cho biết: “Nghe bố tôi kể lại, đảo Hòn Tre từng có năm đảng cướp thay phiên nhau bám trụ, cướp bóc. Trong đó băng Cánh Buồm Đen trú ẩn lâu nhất trên đảo”.

Mặt tiền khu chợ cá cũ ngày xưa ở Hà Tiên (ảnh: Rich Krebs, HaTien 1966-1970, Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)

Như vậy nơi đây từng có một băng cướp biển gắn với nhiều giai thoại, Cánh Buồm Đen là cái tên được dân địa phương nhắc đến rất nhiều. Dân đảo nói: “Băng này mạnh lắm. Người ta bảo trên cánh buồm màu đen của họ có treo ngược cây chổi, để quét sạch mọi tàu ghe trên vùng họ “làm ăn”. Từ đó có người lý giải rằng, cái tên “Cánh Buồm Đen” là bắt nguồn từ hình ảnh “cây chổi treo trên cánh buồm đen”. Khoảng cuối thế kỷ XIX, tàu buôn qua lại khu vực vịnh Thái Lan khiếp sợ bởi cái tên Cánh Buồm Đen.

Trong số hơn chục người là cháu chắt của các thành viên đảng cướp thì ông Mười mập là người có vẻ nắm khá rõ về Cánh Buồm Đen. Tình cờ, ông Mười lại kết giao với con trai ông Hai Hưng ở thị xã Hà Tiên. Trong một lần đến chơi, ông Mười mới biết ông Hai Hưng từng là thành viên của đảng cướp lẫy lừng ấy. Ông nói: “Lúc đó tui chừng 20 tuổi, ông Hai Hưng đã ngoài 80, ông nói năng lập bập nhưng vẫn minh mẫn lắm”.

Theo lời ông Mười thì nhóm thủ lĩnh của đảng cướp có sáu người: các ông Năm Bùn, Tư Vân, Tư Hạt, Hai Hưng, Ba Cang và bà Tằng Thủy Hoàng. Còn lâu la thì có khi lên đến trăm người. Ông Năm Bùn tướng tá cao to, lớn tuổi nhất là người đứng đầu. Lúc 80 tuổi, ông Năm Bùn vẫn gánh được hai đôi nước đi phăng phăng. Về lá cờ treo trên cột buồm, ông Mười nói: “Người ta đồn thổi chuyện cây chổi cắm trên đỉnh cột buồm là không đúng. Đó là lá cờ hình tam giác, chính giữa có đính một mảnh hình tròn tượng trưng cho mặt trời chiều. Cờ hiệu này cũng là để phân biệt với những đảng cướp khác”.

Một đảo nhỏ bên cạnh hòn Đốc (VNE)

Về hành tung của Cánh Buồm Đen, ông Mười nói: “Căn cứ chính của đảng cướp là ở Hòn Chông thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, Hà Tiên. Chỗ đóng quân trồng rất nhiều dừa. Trời chuyển gió nồm thì núp ở Hòn Đá Bạc, tránh gió Nam thì chạy qua tuốt bên Campuchia”.

Theo ông Mười, băng hải tặc này gồm những con người hào hiệp, nghĩa khí. Sau mỗi chuyến “làm ăn” trở về, tiền vàng, của cải, lương thực họ đều chia cho người nghèo, chỉ giữ lại đủ dùng cho các thành viên và chuyến lên đường tiếp theo. Cánh Buồm Đen gồm những con người “xuất quỷ nhập thần”, là nỗi sợ hãi của các đảng cướp cùng thời.

Mỗi khi tàu Cánh Buồm Đen áp sát tàu đối phương còn chừng nửa thước, ông Năm Bùn thường hai tay xách hai cái tĩn bằng sành, loại đựng rượu 20 lít, nhảy qua trước, nhào tới quơ hai cái tĩn quật té ngửa vài người. Chỉ tung ra hai, ba chiêu là khống chế được các thành viên trên tàu. Lúc đó, Cánh Buồm Đen “cập mạn”, đồng bọn mới nhảy lên. Khiếp sợ võ nghệ cao cường của ông Năm Bùn, các đảng cướp khác mỗi khi giong buồm ra khơi phải canh chừng, tránh xa tàu này.

Sức mạnh, tiếng tăm ngày càng lớn mạnh nhưng cuối cùng đảng cướp này cũng tan rã. Trong một lần, đụng độ với một tàu khá lớn, băng cướp của ông Năm Bùn thất bại, Cánh Buồm Đen hủy hết binh khí ngoài biển. Nhóm thủ lĩnh giải nghệ, chia tay. Ông Năm Bùn về Rạch Vượt ở Hà Tiên. Ông Tư Vân ra Bãi Bổn ở Phú Quốc. Ông Ba Cang về Rạch Sỏi ở Rạch Giá. Ông Tư Hạt đến một hòn ở huyện Kiên Lương nuôi heo, nên về sau người ta gọi hòn đảo này là “Hòn Heo ông Hạt”. Còn bà Tằng Thủy Hoàng thì bỏ đi biệt xứ.

Theo như một hậu nhân khác của đảng cướp là bà Nguyễn Thị Gái, còn gọi bà Mười Bầu, đã qua đời vào Tháng Ba 2013 ở tuổi ngoài 80. Bà từng kể rằng, cha bà tên là Nguyễn Thanh Vân, gốc ở huyện Kiên Lương trong đất liền, là một tay giang hồ rất giỏi võ nghệ, từng theo băng cướp Cánh Buồm Đen, sục sạo vùng biển thuộc Vịnh Thái Lan tấn công lái buôn nước ngoài. Của cải cướp được thường đem về chia cho dân nghèo ở địa phương cùng hưởng.

Một góc chợ cá Hà Tiên ngày xưa (1950-1960) (ảnh: Nguyễn Bích Thủy, Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)

Băng cướp Cánh Buồm Đen tồn tại đến đầu thế kỷ XX và cha bà là thế hệ cuối cùng. Bà kể: “Hồi còn sống ổng đi hoài à, lâu lâu mới về thăm má con tôi. Ổng giỏi võ lắm…”. Ông chính là Tư Vân, là một thành viên nổi tiếng trong băng cướp, cùng “hoạt động” còn có ông Năm Bùn, ông Sáu Minh. Theo bà thì cha và các đồng bọn sống bằng nghề chặn tàu thuyền cướp bóc. Đến cuối đời, ông thoái ẩn giang hồ, quy y Phật pháp rồi qua đời.

Bà Mười Bầu là một phụ nữ có tâm niệm hướng Phật. Một phần cũng vì mặc cảm quá khứ gia đình, nên bà cụ tự gánh đá lập ngôi một chùa trên đảo. Tới năm 1964 thì làm xong được một gian. Thật ra đó chỉ là một chiếc am nhỏ vài chục mét vuông, dựa lưng vào núi và quay mặt ra biển. Chùa lấy tên là Sơn Hòa Tự. Bà ngụ ý: “sơn” là núi, “hòa” là hòa bình và “tự” vừa có nghĩa là chùa, lại vừa có nghĩa là tự làm ra.

Bà mong muốn “Sơn Hòa Tự” ra đời sẽ là hòn đảo yên bình, không có sự hoành hành của cướp biển, như cha bà từng tham gia, mọi người được hưởng cuộc sống trong hòa bình, vui vẻ. Kể từ khi có chùa, người dân đảo có chỗ để đến thắp nhang đèn cầu nguyện mỗi khi đi biển hoặc vào những ngày lễ. Từ khi bà Mười mất, ngôi chùa không ai coi sóc. Chỉ đến ngày lễ hoặc rằm thì người dân mới lên quét dọn, mở cửa để tụng kinh, niệm Phật.

Hiện nay tự có hai Phật tử trông coi, chưa có sư chủ trì, chưa được địa phương cho phép xây dựng mở rộng, chùa chưa nằm trong hệ thống của “giáo hội Phật giáo”. Cũng có thể do chùa nằm ở gần vị trí phòng thủ, thuộc khu vực quân sự. Ngoài khơi kia, đằng xa nổi rõ cụm đảo của Campuchia, khiến người thường cũng không rõ đâu là lãnh hải Việt Nam, đâu của Cao Miên. Chùa lại nằm hơi sâu bên trong, trên triền cao của đảo, chứ không nằm sát, ven biển như vài cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác.

Lại nghe kể, một thành viên khác trong băng cướp Cánh Buồm Đen cùng thời với cha của bà Mười Bầu là ông Tăng Văn Lộc. Sau khi băng tan rã, ông Lộc cũng tìm một đảo vắng để trú ẩn, sám hối đến cuối đời. Ông Lộc là một trong những tướng quan trọng, khét tiếng của băng Cánh Buồm Đen rất giỏi võ thuật. Sau khi “về vườn”, ông Lộc sống lặng lẽ như người tu hành và chọn đảo Ba Hòn Đầm, nằm trong quần đảo Bà Lụa sống đến cuối đời.

Trong “Hương rừng Cà Mau”, Sơn Nam có một chương viết về “Đảng cướp Cánh Buồm Đen” với các tình tiết hư cấu của văn chương về nhân vật Sáu Bộ. Sau thời gian dài lên núi học đạo, Sáu Bộ mang theo một cây roi xuống núi, đổi tên là Tư Hiền, trở thành chúa đảng của Cánh Buồm Đen, chỉ chuyên đi cướp tàu phương Tây và ghe buôn lậu, không đụng đến ghe chài lưới. Băng cướp Cánh Buồm Đen đã khiến người Tây và ghe buôn lậu Hải Nam kinh hoàng bạt vía. Với dân mình, băng cướp thường hành hiệp trượng nghĩa, ra tay cứu người gặp nạn trên biển, được dân chúng Rạch Giá, Cà Mau ca tụng.

Tư Hiền có một tuyệt kỹ có tên là đường roi Lưu Thủy, học được ở Thất Sơn. “Lúc biểu diễn, người ở ngoài tự do ném đá hoặc phóng dao vào thử. Ngọn roi xoay chung quanh mình anh như nước chảy không dứt, không rời, chớp nhoáng như gió… Kết quả là Năm Bùn sẵn sàng giao đảng Cánh Buồm Ðen cho Tư Hiền làm đảng trưởng. Nhờ vậy đảng được chỉnh đốn lại.

Hằng ngày, các bộ hạ phải luyện tập võ nghệ cho tinh thông, cấm tuyệt không xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chánh cần đánh đổ không nương tay là đoàn tàu “đoan” của Tây và ghe buôn lậu Hải Nam”. (Trích “Đảng Cánh Buồm Đen” của Sơn Nam)

Về sau, trong một lần lỡ tay làm chết một người trên tàu cướp, Tư Hiền giải nghệ. Đảng cướp tan rã… Truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam nhìn chung có nhiều tình tiết tương đồng với những câu chuyện lưu truyền, trùng cả tên của một nhân vật có thật. Đây có lẽ là băng cướp biển vô tiền khoáng hậu, không chỉ để lại những giai thoại dân gian mà còn khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhà văn, tạo nên hình tượng văn chương.

Người dân đảo Tiền Hải vẫn thường truyền tai nhau rằng, trong quá khứ, băng Cánh Buồm Đen còn cất giữ một kho báu. Có những huyền thoại về kho báu. Nghe nói, lâu ngày Cánh Buồm Đen đã cướp được rất nhiều vàng bạc, châu báu. Viên thủ lĩnh đã bí mật chọn nơi trên một đảo để chôn toàn bộ báu vật, rồi cho người vẽ lại sơ đồ về địa điểm cất dấu trên một tấm da.

Thực hư kho báu của băng cướp Cánh Buồm Đen chưa rõ. Nhưng thời Pháp thuộc cũng có những người Pháp từng đến đảo để truy tìm. Nhiều ngư dân đảo đi lặn vẫn hay bắt được những xâu tiền cổ bám đầy hàu ở một eo biển phía Tây Nam đảo, nên càng củng cố niềm tin, từ lâu đã đồn đoán rằng có một kho báu vàng bạc được băng cướp chôn giấu trên đảo.

Chính bà Mười Bầu, con của ông Tư Vân cũng kể: “Hồi đó, tui từng nghe ổng nói, trên đảo có một kho báu do băng Cánh Buồm Đen để lại, nhưng ở đâu thì ngay cả ổng cũng không biết chính xác”. Sự tích về kho báu cổ trên quần đảo Hải Tặc thuộc TP. Hà Tiên, Kiên Giang lần đầu tiên được nhắc tới cách đây 40 năm, nằm giữa ba ngọn đồi, gần hồ nước trên đảo. Theo người dân, vào Tháng Ba 1983, có hai người đàn ông nước ngoài lén đáp canô, mang theo tấm bản đồ và máy định vị tìm kiếm kho báu khổng lồ do cướp biển chôn giấu từ hàng trăm năm trước.

Tức thì, dân quân địa phương truy tìm và bắt được hai người đàn ông lạ khi họ đang lẩn trốn ở bìa rừng. Danh tính của hai người ngoại quốc được xác định. Một người Anh tên là Richard Charles Knight và một người Mỹ tên là Frederick Kurt Graham. Dân quân thu được hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, hải đồ, leng đào đất, máy rà kim loại và đặc biệt là trong hành lý của hai người này có một số tấm bản đồ cổ vẽ đảo Hải Tặc.

Cả đảo không ai biết tiếng Anh nên không hỏi được gì. Hai người vẽ trên giấy hình ba ngọn đồi trên đảo, ở giữa là thung lũng có chiếc gương. Dân địa phương lờ mờ đoán họ đi đào kho báu. Mãi sau này qua lời khai của họ trên tỉnh thì mới biết, “hai người này tình cờ tìm được trong kệ sách của gia đình một tờ bản đồ được vẽ cách đây hàng trăm năm của dòng họ, truyền lại về một kho báu do cướp biển chôn giấu. Kho báu được xác định nằm dưới thung lũng ở giữa ba ngọn đồi trên đảo Hòn Tre”.

Từ lời khai và tấm bản đồ trên, hai người này được đưa trở lại hiện trường để chỉ dẫn vị trí kho báu. Chính quyền địa phương cho đào tìm dưới lớp đất đá cứng. Nhưng mới chỉ đào xuống khoảng ba tấc đất thì mọi người được lệnh dừng lại. Hai người nước ngoài sau đó bị phạt vì tội nhập cảnh trái phép rồi trục xuất khỏi đảo.

Đài Kỷ Niệm ở Hà Tiên do nhiếp ảnh gia nổi tiếng Hà Tiên là ông Quách Ngọc Bá chụp trong khoảng thập niên 1960-1970 (ảnh: Lưu Như Việt chia sẻ trên Blog “Trung Học Hà Tiên Xưa”)

Nơi vị trí của ba ngọn đồi, chỗ thung lũng trước kia có con lạch chảy ra biển, tàu bè có thể ra vào được, nhưng sau này đã bị bồi lấp, dấu tích không rõ ràng. Chính gần dòng chảy của con lạch này, ở phía Tây đảo, vào đầu năm 2009, cánh thợ lặn tìm ốc, hải mã vô tình tìm thấy một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau.

Và ngư dân ở đảo Hòn Tre trước đó cũng tình cờ mò được những đồng tiền có màu vàng hoa văn lạ mắt, nên cho là tiền của cướp biển để lại như đã nói trên. Hiện nay, nhiều gia đình trên đảo còn lưu giữ những đồng tiền lạ này, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng một mặt in nổi chữ bằng tiếng Trung Quốc, mặt sau chạm nổi hình rồng hoặc hình một người đàn ông đội vương miện như hoàng đế.

Như vậy hồ nước lớn mà các băng cướp biển thường vào trú ẩn đã bị bồi đắp. Chính tại hồ nước khi xưa này, xã cho đào một hồ khác làm nơi chứa nước ngọt, phục vụ sinh hoạt của người dân trên đảo. Điều đáng nói là trong quá trình đào hồ vẫn không phát hiện được điều gì lạ, sau đó, nhiều người đi lặn biển đã vớt được những đồng tiền cổ.

Có thể những đồng tiền này thực chất là nằm trong đất, khi đào hồ, do mưa lớn, nước cuốn đất trôi ra biển nên những đồng tiền này trôi ra theo. Điều này cũng giải thích vì sao những người lặn biển chỉ thấy chúng ở gần bờ. Tưởng những hiện vật họ nhặt được có giá trị nên họ đưa về, mang đi bán nhưng không ai mua, nên giữ lại làm kỷ niệm.

Có thể nói, nạn cướp biển ngoài khơi Hà Tiên có từ thời Mạc Cửu và sau đó là Mạc Thiên Tích khi khai phá và bắt đầu cai trị đất Hà Tiên vào thế kỷ XVII. Trong thời gian hai cha con họ Mạc cai quản và phát triển vùng Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng, muốn vào thương cảng phải qua nơi này, nên đã được cướp biển chọn làm hang ổ phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại. Các tàu buôn lớn của Trung Quốc và phương Tây thường xuyên bị các toán cướp thoắt ẩn thoắt hiện lao đến từ quần đảo Hải Tặc khống chế tàu, bắt người, giết người và cướp tài sản.

Bọn cướp biển hoạt động ở khắp cả một vùng rộng lớn, từ Vịnh Hà Tiên-Rạch Giá, đến Vịnh Thái Lan. Đến thời Mạc Thiên Tích, bọn hải tặc bị quân của ông nhiều lần đánh cho tan tác. Một trong những trận đánh cướp biển diễn ra vào năm 1770, khi cướp biển chiếm giữ một hòn đảo. Đích thân Mạc Thiên Tích dẫn quân ra chiếm lại đảo, đánh tan bọn cướp biển. Sau trận đó, tàn dư vẫn còn tuy nhiên cướp biển chủ yếu hoạt động lén lút chứ không công khai rầm rộ như trước.

Thế nhưng, vùng biển Tây này chỉ tương đối yên trong khoảng thời gian vài chục năm, khi tổng trấn Mạc Thiên Tích còn hưng thịnh. Đến giữa năm 1771, quân Xiêm tiến chiếm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích không chống đỡ nổi phải phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn. Khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích lại phải chạy sang Xiêm. Cướp biển lộng hành trở lại, tiếp tục hoành hành thời gian dài sau đó.

Một góc Đảo Hải Tặc ngày nay (VNE)

Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, duy chỉ có điều dù là giai đoạn nào thì trên vùng biển này cũng có bóng dáng của cướp biển. Năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, quân Pháp cũng không dẹp nổi cướp biển, ngược lại còn bị cướp biển liên tục quấy phá. Cái tên “Hải Tặc” đã được người Pháp dùng để gọi tên quần đảo này khi lập bản đồ Việt Nam.

Sang những những năm đầu thế kỷ XX, ở vùng biển này và khu vực lân cận, nạn cướp biển vẫn kéo dài đến tận những năm đầu thế kỷ XXI. Như hồi đầu năm 2002, cướp biển trang bị súng ống, khống chế cả một chiếc tàu chở khách đem về bên kia biên giới để đòi tiền chuộc. Hay như những trường hợp tàu ngư dân bị cướp biển dùng súng tấn công khi đang đánh bắt cá.

Các băng cướp sau này thường dùng những phương tiện như ca nô, xuồng cao tốc, tàu đánh cá và các loại vũ khí quân dụng như súng AK, AR15, M79, CKC. Khi phát hiện tàu nạn nhân, chúng tiếp cận và dùng vũ khí đe dọa, áp sát để khống chế, uy hiếp tinh thần để cướp hoặc yêu cầu thực hiện theo sai khiến của chúng. Không ít lần xảy ra những trận đấu súng quyết liệt, một mất một còn với biên phòng địa phương nhưng cướp biển nhất quyết không chịu đầu hàng. Những năm qua vùng quần đảo Hải Tặc đã trở lại yên bình. Thế nhưng huyền thoại lưu truyền thì vẫn đi cùng các thế hệ, gợi bao điều tò mò, khám phá cho hậu thế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: