Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (6)

Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành” (6)
Loading
/

 

Năm 1985, chúng tôi đã bị tù khổ sai 10 năm. Thời gian này một biến cố lớn trong hệ thống chế độ cộng sản xảy ra. Đó là những biến động chính trị dữ dội ở Liên Xô, khi Mikhail Gorbachev lên ghế tổng bí thư. Nhưng đặc biệt, một biến cố lớn cũng xảy ra năm 1985 ở Khu B.

Năm đó Vĩnh Vệ, một tù nhân ở trại, bắt đầu nổi loạn. Trước 1975, Vĩnh Vệ làm phóng viên cho Đài truyền hình Mỹ CBS. Không biết anh bị bắt về tội gì. Anh Vĩnh Vệ là người làm ở bộ phận văn hoá trại, bắt đầu nổ phát súng đầu tiên, khi công khai lên tiếng trước toàn buồng: “Tôi là Vĩnh Vệ, tôi không tin vào chính sách của đảng và nhà nước. Vì đảng và nhà nước tuyên án tôi ba năm cải tạo, nhưng nay đã 10 năm vẫn không thả. Trong 10 năm qua, tôi không hề vi phạm kỷ luật, làm tốt các công việc trại giao phó, mà vẫn không được thả.”

Sau khi anh Vĩnh Vệ lên trình bày trước toàn buồng, một làn sóng không tin tưởng vào “chính sách của đảng và nhà nước” được tất cả mọi người trong buồng đồng loạt hưởng ứng. Ngày hôm sau, toàn trại cũng hưởng ứng theo, làm cho Ban Giám Thị không thể kỷ luật được. Nếu anh Nguyễn Mạnh Côn còn sống đến hôm nay, đòi hỏi chính đáng của anh sẽ được mọi người hưởng ứng. Sau đó, trại tập trung tất cả chúng tôi lại. Ban Giám Thị xuống nói chuyện, xoa dịu bằng cách hứa hẹn trong tương lai sẽ thả hết.

Năm 1986, nhiều tin đồn, do những thân nhân của tù nhắn vào, là sắp có giải pháp cho tù chính trị. Nghe nói là Chính phủ Hoa Kỳ và cộng sản Việt Nam đang thương thảo cho 10,000 tù chính trị ra đi định cư tại Mỹ. Tôi thắc mắc tại sao lại chỉ cho 10,000 tù chính trị. Con số tù nhân chính trị do cộng sản Việt Nam giam giữ hơn gấp nhiều lần như vậy. Ngay ở trại Xuyên Mộc cũng đã gần 10,000 tù chính trị rồi. Cuối cùng, Top of Formđến 30 Tháng Tư 1986, trại Xuyên Mộc cũng thả gần hết tù chính trị. Tháng Năm 1987, trong số tù chính trị còn lại ở Xuyên Mộc được chuyển trại, có tôi.

Bấy giờ mới biết chúng tôi được chuyển đến trại Xuân Lộc, còn được gọi là K3 Gia Rai, Đồng Nai. Trại Xuân Lộc, Đồng Nai lúc này tiếp nhận các tù tập trung cải tạo trên toàn quốc, phần lớn chuyển từ ngoài Bắc vào. Toàn thể cấp đại tá ở miền Nam trước đây khoảng 300 vị thì Trại Xuân Lộc đã chứa khoảng trên 250. Trại này cũng có ba bộ trưởng gồm các ông Ngô Khắc Tĩnh, Tổng Trưởng Thông Tin Văn Hóa; ông Ngô Khắc Tịnh, Tổng Trưởng Tư Pháp; và Hồ Văn Châm, Tổng Trưởng Chiêu Hồi.Top of Form

Tháng Sáu 1986, Tổng bí thư Đảng cộng sản Lê Duẩn qua đời. Tháng Mười Hai 1986, Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI họp và bầu Ban Chấp Hành mới và Nguyễn Văn Linh được bầu vào chức vụ tối cao của đảng là Tổng Bí Thư. Văn kiện của đại hội đảng lần thứ VI nói đến mở cửa và cải cách. Họ bắt đầu nói đến “kinh tế thị trường” nhưng gắn thêm đuôi “định hướng XHCN”. Nhờ những đổi mới và cải cách này, vấn đề ngăn sông cấm chợ trước đây được bãi bỏ. Họ bắt đầu chấp nhận đầu tư của ngoại quốc, không còn bế môn toả cảng. Vấn đề tù chính trị cũng được hứa sẽ giải quyết.

Ở trại Xuân Lộc, phần lớn là nhốt những tướng tá, bộ trưởng. Nghe đồn là sắp sửa thả một đợt lớn vào Quốc Khánh 2 Tháng Chín 1987. Ngày 25 Tháng Tám 1987, trại Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai, đọc danh sách những tù nhân được “Đặc Xá”. Trong danh sách đặc xá đợt này ở trại Z30A, có một vị tướng, ba bộ trưởng (Ngô Khắc Tỉnh, Ngô Khắc Tịnh, Hồ Văn Châm) và gần 200 sĩ quan cấp bậc đại tá, vài vị sĩ quan trung tá, vài người chống chế độ cộng sản sau 1975, trong đó có tôi, Đặng Hoàng Hà. Thế là tôi đã ở tù 12 năm.

Chúng tôi được lệnh lên một xe khách, được đại diện Thành ủy tiếp, trước khi về nhà. Xe chở chúng tôi về đến Sài Gòn gần 4 giờ chiều. Họ chở chúng tôi đến một phòng khách ở khám Chí Hoà, đường Hoà Hưng. Tại đây chúng tôi được một cán bộ thành ủy xuống nói chuyện. Đại khái cũng nói về chính sách đổi mới, kinh tế thị trường kèm cái đuôi “định hướng XHCN”. Đến 5 giờ chiều thì xong. Chúng tôi tự động ai về nhà nấy. Tôi bước ra ngoài đường, đang tính đi đến đường Bà Huyện Thanh Quan gần chùa Xá Lợi để trao thơ của anh Tú Kếu cho vợ đang coi cửa hàng trà Tiến Đạt ở đó, vừa đi được vài bước, bỗng một người đi Honda, đậu sát bên tôi, nói:

– Mời anh lên xe, tôi đưa anh về.

Nhìn anh ta lạ hoắc, trông người trạc tuổi ngoài 20, nói tiếng miền Nam, trắng trẻo, điển trai. Tôi hơi ngạc nhiên, sao tay này lại biết mình, một người tôi chưa từng gặp. Tôi mỉm cười trả lời:

– Cảm ơn anh, tôi đã xa Sài Gòn 12 năm. Tôi muốn đi bộ về nhà…

Thấy tôi không chịu lên xe, người đó không nói gì, lái xe đi thẳng. Tôi đi bộ đến tiệm trà Tiến Đạt ở đường Bà Huyện Thanh Quan khoảng 6 giờ. Gặp chị Tú Kếu và đưa thơ cho chị. Ngồi đó nói chuyện một lúc. Tôi chia tay. Người cháu anh Kếu muốn chở tôi về nhưng tôi cũng từ chối. Vì từ đường Bà Huyện Thanh Quan về đường Tự Do cũng không xa. Trên đường đi, tôi nghĩ, nếu đi bộ về đến nhà chắc cũng 7 giờ tối. Tôi muốn bất thình lình vào nhà để chị Nhã Ca và các cháu ngạc nhiên.

Điều thắc mắc là không biết anh Trần Dạ Từ có được thả lần đặc xá này không? Nếu chỉ có tôi mà anh Từ chưa được thả thì cũng chẳng vui gì. Tôi về đến 142 đường Đồng Khởi vào khoảng 8 giờ tối. Tôi đi qua lại trước nhà mấy lần, nhìn vào trong không thấy ai, không lẽ tối thế này, sao không có ai ở nhà. Tôi đi vội vào trong nhà, thấy có đứa con trai của anh Lễ, anh ruột của chị Nhã Ca nhìn tôi reo lên:

– Ô, chú Hà đã về, cả nhà đang chờ chú.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Sao biết hôm nay chú về mà cả nhà chờ?

– Hôm qua công an khu vực đã nói với Toe (tức Lê Hưng Chấn) là hôm nay chú về nên cả nhà ai cũng biết.

– Thế chú Trần Dạ Từ có được thả không?

– Dạ, chú Từ đã về từ hôm qua, đang ở trên lầu.

Tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, anh Từ đưa cho tôi một xấp tiền, chắc khoảng 10,000 đồng, cho tôi tiêu vặt. Sở dĩ anh Từ có tiền vì cháu HôNô Lê Phương Đông đã định cư ở Thụy Điển, gửi về cho anh, nên anh chia cho tôi chút đỉnh.

_______

Anh ruột tôi, Đặng Hải Sơn, trốn trại Xuyên Mộc thành công từ Tháng Tám 1980 cho đến nay 1987 vẫn còn kẹt trong nước. Chị Sơn đã tạo một cuộc hẹn cho tôi và anh gặp nhau. Dĩ nhiên cuộc gặp ở một nơi bí mật vì anh Sơn đang bị công an cộng sản theo dõi.

Chúng tôi gặp nhau, anh kể lại cuộc vượt thoát hôm đó. Anh cho biết, lúc bọn bảo vệ trong trại truy lùng, anh vẫn còn quanh quẩn gần đó. Tối đến, dù mưa to gió lớn, anh quay lại gốc cây giấu tiền, đào lên lấy lại, rồi mới băng rừng đi bộ suốt đêm đến sáng thì ra đến Quốc Lộ 1. Người và tay chân rã rời nhưng phải gắng sức đi bộ đến ga Long Khánh. Anh chờ đến chập choạng tối mới mua vé lên tàu đi về Sài Gòn. Đến ga Bình Triệu thì xuống, rồi lại tiếp tục đi bộ về Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.

Nơi đây có nhà người kế mẫu. Sau khi vào Nam, bố chúng tôi mới lấy bà này. Trước 1975, thỉnh thoảng chúng tôi cũng ghé về thăm bố lúc người còn sống. Nay vào tình thế bí nên anh Sơn phải đến tạm tá túc và nhờ người quen, cầm thư tay lên nhà ở 142 Đồng Khởi đưa cho Hà, vợ anh, báo tin. Chị Sơn, sau đó là chị Nhã Ca, đều xuống gặp anh. Chị Nhã Ca cho biết, chị đã giúp anh Sơn vượt biên nhiều lần. Chị đã nuôi giữ nhà văn Mai Thảo trong nhà và giúp anh Mai Thảo vượt biên thành công. Có lần, chị đưa anh Sơn xuống miền Tây chỗ người quen, giả làm người phụ chài để chờ ngày vượt biên nhưng cũng không xong…

Anh Từ về được vài tuần thì nhận được thư của Cao ủy tị nạn LHQ yêu cầu anh chị và gia đình làm thủ tục để xuất cảnh sang Thụy Điển. Thực ra, từ năm 1982, anh chị đã được sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế phối hợp với Hội Ân Xá Quốc Tế và Thủ tướng Thụy Điển. Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam, Thủ tướng Thụy Điển đã đặt vấn đề này trực tiếp với Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng và ông ta đã chấp thuận. Toà Tổng Lãnh Sự Thụy Điển ở Sài Gòn đã đến nhà riêng gặp chị Nhã Ca báo tin và thúc giục nộp đơn.

Nhưng khi lên Sở Ngoại vụ để nộp đơn thì chúng trả lời chưa có chính sách, và từ chối nhận đơn. Một lần khác, khi qua Việt Nam, Ngoại trưởng Thụy Điển gặp Phạm Văn Đồng nhắc lại chuyện đó. Phạm Văn Đồng trả lời tỉnh bơ:

– Chúng tôi cho đi nhưng không thấy vợ chồng ông ta nộp đơn?

Đúng là ăn đầu sóng, nói đầu gió. Chị Nhã Ca đã nhiều lần lên nộp đơn nhưng chúng đều không nhận. Chị đã phải lên thăm nuôi anh Từ ở trại Gia Trung để anh ký vào giấy xác nhận đồng ý cho vợ và con cái đi định cư trước nhưng rốt cục cũng không kết quả. Bây giờ tình thế đã khác. Anh Trần Dạ Từ đã về. Lần này anh chị Từ Nhã đi nộp đơn chính thức làm thủ tục xuất cảnh sang Thụy Điển với sự bảo trợ của Thủ tướng Thụy Điển là Ingvar Carlsson. Năm 1988, gia đình anh chị Trần Dạ Từ và Nhã Ca được chính thức đi định cư ở Thụy Điển.

Phần mình, tôi tìm cách thoát khỏi Việt Nam, bằng đường bộ, qua ngã Trung Quốc. Thấm thoát, từ ngày trốn chạy sự truy bắt của cộng sản Việt Nam từ đầu Tháng Tư 1990 đến nay đã vài tháng. Tôi ghé Hà Nội rồi Hòn Gai, lên Hà Cối rồi trở lại Vịnh Hạ Long, cuối cùng đi từ cảng Cẩm Phả qua cảng Pạc Lồng, Trung Quốc; đến huyện Phòng Thành, thành phố gần Việt Nam nhất, rồi đón xe đi nông trường Nà Lày, nơi tập trung khoảng gần trăm ngàn người Việt gốc Nùng bị chính phủ Việt Nam dưới thời Lê Duẩn làm tổng bí thư xua đuổi sang Trung Quốc.

Thoạt đầu Trung Quốc không nhận nhưng sau cùng vì chiến tranh Trung-Việt sắp xảy ra nên họ đành mở cửa khẩu cho những người này tạm định cư. Trong khi chính quyền Việt Nam nghĩ là họ có thể là đạo quân thứ năm của Trung Quốc; phía Trung Quốc cũng cũng nghi họ gián điệp cho cộng sản Việt Nam.

Cho nên số người Việt gốc Nùng này, tuy được Trung Quốc cho tạm định cư ở các nông trường như Nà Lày để sinh sống, dưới sự bảo trợ của Cao ủy Tỵ Nạn LHQ nhưng vẫn không được Trung Quốc cho họ những quyền công dân như những người Trung Quốc sinh đẻ tại đây. Thẻ căn cước của họ khác xa với những người Trung Quốc chính hiệu, chỉ gọi họ là Hoa Kiều, không được ghi là quốc tịch Trung Quốc. Con cái họ sinh ra sau này cũng không được ghi là quốc tịch Trung Quốc. Họ chỉ được làm những công việc lặt vặt, không được làm những chức vụ gì có liên quan đến lãnh đạo.

CÒN TIẾP

__________

Sài Gòn sau 1975, khi cộng sản “vào thành”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: