MANHATTAN, New York – Hai mươi năm kể từ 8 giờ 45 sáng ngày 11 Tháng Chín, năm 2001, ký ức của người Mỹ vẫn còn nguyên vẹn sự bàng hoàng khi nhắc đến vụ khủng bố 9/11 chấn động cả thế giới, làm cho 2,977 người tử vong. Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) 110 tầng với hai toà tháp Bắc, Nam (North Tower, South Tower) ở Lower Manhattan, New York trở thành một trong ba nơi tưởng niệm 2,753 người nạn nhân.
Thời gian đang chữa lành
Ông Link Richard, cư dân New York, cùng hai người bạn đến thăm WTC ngày Thứ Năm, 8 Tháng Chín. Ông Richard đứng nhìn rất lâu vào khoảng trống ở giữa hồ nước của Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân 9/11.
Ông nói về cảm nghĩ của mình lúc này như sau: “Ban đầu, đó là một sự tức giận, một cơn thịnh nộ. Bây giờ, nó là một nỗi buồn sâu lắng. Nhưng, thời gian đã trôi qua. Thời gian chữa lành được vết thương và tôi vui khi thấy họ đã xây dựng lại nơi này. Đừng quên rằng, vài năm sau ngày hôm đó, nó vẫn là một mớ hỗn độn.”
“Mớ hỗn độn” ấy là những gì còn lại sau khi chiếc máy bay American Arlines Flight 11 cất cánh từ Boston đến Los Angeles lao vào tòa nhà North Tower của WTC lúc 8 giờ 46 phút sáng ngày 11 Tháng Chín, 2001. Khoảng 15 phút sau đó, chiếc máy bay thứ hai, United Airlines Flight 175, cũng cất cánh từ Boston đến Los Angeles, lao vào tòa nhà South Tower.
“Những tiếng nổ kinh hoàng xé toạc không gian. Mùi khét nồng nặc lan tỏa đến tận khu Queens. Khói đen cuồn cuộn trên bầu trời,” phóng viên Carl MacGowan của Newsday nói với nhật báo Người Việt khi ông đang chậm rãi đi quanh hồ nước của đài tưởng niệm.
Đây là lần đầu tiên sau 20 năm ông đủ can đảm quay lại nơi này.
“Hôm đó, đồng nghiệp của tôi tường thuật sự kiện. Tôi có công việc ở khu Queens và được lệnh không được di chuyển khỏi vị trí đang ở. Hôm nay tôi quay lại đây vì đã 20 năm, tôi muốn xem nơi này thay đổi thế nào và tôi cũng muốn thử thách cảm xúc của mình,” ông MacGowan nói.
Nhưng 10 năm sau, tòa tháp đôi 110 tầng tượng trưng cho sức mạnh kinh tế nước Mỹ đã thay đổi, như ông Richard nói: “Nơi này từng không có gì cả. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ rằng nước Mỹ đã thể hiện sự tôn trọng đối với những người đã mất trong ngày hôm đó. Tôi nghĩ rằng họ đang được vinh danh. Tôi tự hào những gì họ thực hiện trong bảo tàng 9/11.”
Ông Richard tin rằng, theo thời gian, có những điều đang được chữa lành, như chính tòa tháp đôi này.
Nhiều hoa hồng đủ màu được đặt trang trọng cạnh tên của các nạn nhân khắc trên bốn cạnh của hồ nước. Người khách tham quan nào cũng có thể đặt lên đó những cành hoa bày tỏ lòng tưởng nhớ, như vợ chồng ông bà James và Rosemary Kolynich, từ Upstate New York xuống. Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm ông bà Kolynich trở lại WTC.
“Khi đó tôi đang làm việc trong bệnh viện ở Upstate New York. Qua tin tức chúng tôi nghe được có một phi cơ lao vào WTC, và sau đó là chiếc thứ hai. Chúng tôi được biết đó là vụ khủng bố. Tất cả mọi người đều bàng hoàng,” ông Kolynich nhớ lại.
Còn bà Kolynich lúc ấy đang làm việc trong công ty IBM. Bà nhớ rõ khi về đến nhà, theo dõi sự việc qua truyền hình, ông bà nói với nhau: “Thế giới đã bắt đầu thay đổi mãi mãi. Không bao giờ trở lại như trước.”
Khi được hỏi về cảm giác quay lại nơi xảy ra thảm kịch 20 năm trước, ông Kolynich cho biết ông rất xúc động. Ông xúc động khi nhớ lại ngày mà ông gọi là “khủng khiếp khi rất nhiều người bị mất đi người thân yêu của mình.”
“Hy vọng là chúng ta đang cùng khôi phục lại mọi sự. Tôi mong là trong tương lai không còn bất kỳ sự việc nào như thế xảy ra nữa,” ông Kolynich nói.
“Còn tôi thì tôi tin vào bản năng sống còn của con người. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể vượt qua điều này, chỉ là mất rất nhiều thời gian,” bà Kolynich tiếp lời chồng.
‘We never forget!’
Những ngày gần đến 11 Tháng Chín, đại lộ Church ở Manhattan phủ đầy các biểu ngữ mang dòng chữ “20 years 9.11.01 – Never Forget.” Tại hồ nước của toà tháp Nam, một thanh niên đang dùng bút chì chà mạnh tên họ của hai người khắc trên thành hồ vào một tờ giấy trắng. Anh là Grant Liera, chỉ cho biết anh là người quen của gia đình hai người lính cứu hoả đã tử vong khi làm nhiệm vụ trong vụ 911. Anh sẽ mang hai tờ giấy khắc tên nạn nhân đến gia đình của họ trong buổi tưởng niệm được tổ chức ở Shanksville, Pennsylvania vào sáng Thứ Bảy, 11 Tháng Chín.
Hai mươi năm, thời gian đủ để trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ có thể khôi phục lại từ một đống hoang tàn, nhưng có lẽ không bao giờ đủ để xoá nỗi đau mất đi người thân yêu. Đó là câu chuyện của anh em nhà McGinley. Mỗi năm, ông Dennis McGinley và Marty McGinley đều đến WTC, mang theo tấm ảnh của người anh lớn, ông Daniel F. McGinley.
Ông Dennis McGinley kể lại: “Đó là người anh lớn của chúng tôi, anh Daniel F. McGinley. Chúng tôi có năm anh em. Tôi và Marty làm chung công ty ở toà nhà bên kia đường. Do đó, chúng tôi đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Tôi đã gọi điện thoại cho anh Daniel ngay khi toà tháp Bắc đổ sập. Anh Daniel làm việc ở toà tháp Nam. Trong điện thoại, anh Daniel đã khóc và nói anh nhìn thấy rất nhiều người đang nhảy qua cửa sổ của toà tháp.”
“Tôi đã hỏi vì sao anh không đi ra khỏi toà tháp, anh nói anh ổn và toà tháp Nam không gặp sự cố. Sau đó chúng tôi tắt điện thoại. Chúng tôi đều nghĩ anh ấy không bị gì và toà tháp Nam sẽ không sao. Nhưng, sau đó là chiếc máy bay thứ hai,” ông Marty McGinley tiếp lời.
Chỉ vào tấm ảnh của anh trai chụp cùng với gia đình, ông Dennis McGinley nói: “Anh ấy mất khi mới 40 tuổi, để lại người vợ và năm đứa con. Người con nhỏ nhất khi ấy chỉ ba tháng tuổi.”
Đều đặn trong hai mươi năm qua, vào ngày 11 Tháng Chín, sau khi đến WTC để tưởng nhớ và nghe đọc tên người anh đã khuất, bốn anh em nhà McGinley đều ghé vào O’Hara’s Pub, một địa điểm mà ông Daniel F. McGinley rất yêu thích, chọn một cái bàn có năm ghế ngồi, để cùng thưởng thức ly bia Budweiser. Họ đặt tấm ảnh của ông Daniel F. McGinley vào chiếc ghế trống thứ năm.
Gia đình nạn nhân và các nhân chứng nghĩ gì?
Sau ngày định mệnh kinh hoàng của lịch sử nước Mỹ, cuộc chiến với Afghanistan là quyết định duy nhất của chính quyền Tổng thống George W. Bush lúc đó, nhằm đáp trả vụ khủng bố 9/11. Quyết định đó đưa nước Mỹ vào cuộc chiến kéo dài gần 20 năm ròng rã.
Ông James Kolynich nói về điều này như sau: “Nước Mỹ đã thể hiện một phản ứng sai lầm với vụ khủng bố. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một lý do để bắt đầu một cuộc chiến. Quá nhiều lính Mỹ đã hy sinh, thêm vào đó là những người dân thường khác. Đó là đất nước của họ, văn hoá của họ. Chúng ta không nên đến đó.”
Theo ông bà Kolynich, Hoa Kỳ không nên áp đặt các giá trị, văn hóa, và chính phủ của mình lên các quốc gia khác đang có. Gốc rễ của họ đã có từ hàng ngàn năm trước.
“Chúng ta nên giải quyết vấn đề theo cách khác,” bà Kolynich tiếp lời.
Và ông Kolynich khẳng định:
“Quyết định rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan của Tổng thống Joe Biden là hoàn toàn đúng.
Vâng. Tôi nói là hoàn toàn đúng!”
Những ngày vừa qua, truyền thông Mỹ loan tin cho biết Tòa Bạch Ốc đang chịu áp lực lớn trước lễ tưởng niệm 20 năm vụ 9/11 từ các gia đình nạn nhân và những người trong nhóm phản ứng đầu tiên. Họ tin rằng các tài liệu mật có thể cho thấy mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và vụ khủng bố lịch sử.
Anh em nhà McGinley, đại diện là ông Marty McGinley, lên tiếng cho biết:
“Chúng tôi cần được biết tài liệu mật cho thấy mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo Saudi Arabia và vụ tấn công. Chúng tôi biết là có những hồ sơ đó. Thời gian qua, có những đặc vụ FBI làm việc và giúp chúng tôi. Họ đã rất mạo hiểm khi lên tiếng nói rằng có bằng chứng đó. Và nếu nó được công bố, người Mỹ sẽ có cái nhìn khác về vụ 9/11. Nhưng đã 20 năm, họ nói rằng đó là bí mật nhà nước không được phép công bố. Ngay tại đây chúng ta có gần 3,000 công dân Hoa Kỳ bị giết và không ai chịu trách nhiệm. Ai đã giết những người thân yêu của chúng tôi? Chúng tôi không được phép biết.”
“Họ (chính phủ Hoa Kỳ) cần phải chấm dứt việc cho phép Saudi Arabia có những tiền lệ như thế đối với công dân Hoa Kỳ. Đó là tất cả những gì chúng tôi đòi hỏi,” ông Dennis McGinley lên tiếng.
Sau 20 năm kể từ ngày kinh hoàng đó, những tiếng kêu khóc, gào thét sợ hãi, những cú nhảy bất định từ các tầng cao nhất của tòa tháp, những tiếng còi xe cứu thương, cứu hỏa hỗn loạn, những vết máu loang lổ cùng với thịt da rơi tung toé năm đó, giờ được thay bằng tiếng nước chảy át hẳn tiếng còi xe và âm thanh hỗn tạp trong thành phố.
WTC nay trở thành như một nơi tôn nghiêm cho bất kỳ ai muốn hồi tưởng. Dòng nước chảy liên tục không ngừng nghỉ quanh chu vi thành hồ, và nhập lại thành dòng chảy chung vào một hồ nhỏ nằm ở giữa. Dù đứng ở vị trí nào, người ta cũng không thể nhìn thấy đáy hồ, không bao giờ biết chính xác nơi nào là điểm cuối cùng của dòng nước.
Đó là ý tưởng của hai kiến trúc sư Michael Arad và Peter Walker muốn mô tả cảm giác trống rỗng khi chúng ta mất đi những người thân yêu nhất.
(Bài đã đăng trên báo Người Việt)
Xem thêm: Sự kiện 911