Ngày 11 Tháng Chín – chuyện gì bên trong Tòa Bạch Ốc?

Tổng thống Bush cùng Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld trong lễ cầu nguyện cho nạn nhân 11-9, Tòa Bạch Ốc, ngày 14 Tháng Chín 2001 (National Archives/ Smith Collection/Gado/Getty Images)

Quyển Against All Enemies – Inside America’s War on Terror của cựu cố vấn tổng thống về chống khủng bố Richard A. Clarke từng là một trong những quyển sách bán chạy nhất nước Mỹ, khi tác giả kể chi tiết hậu trường Tòa Bạch Ốc vào ngày 11 Tháng Chín cũng như những ngày sau đó. Dưới đây là vài phần trong Against All Enemies.

BÊN TRONG TÒA BẠCH ỐC

Trong chương một, Richard A. Clarke kể…

Tôi chạy xuyên qua Chái Tây đến phòng Phó Tổng thống (Dick Cheney). Trước đó không lâu, khi đang dự hội thảo tại Tòa nhà Ronald Reagan, tôi được (nhân viên dưới quyền) Lisa Gordon-Hagerty gọi điện báo cho biết một máy bay vừa đâm vào Trung tâm thương mại thế giới (WTC). “Cho đến khi hiểu được điều gì thật sự xảy ra, Dick (tên thân mật của Richard A. Clarke), chúng ta nên trù liệu tình huống xấu nhất” – Lisa nói. “Ðúng. Hãy triệu tập CSG trên hệ thống hội thảo video mật. Tôi sẽ đến trong 5 phút nữa” – tôi nói với Lisa. CSG là Nhóm an ninh chống khủng bố, gồm những người đứng đầu bộ phận chống khủng bố thuộc các cơ quan an ninh Mỹ. Tôi chỉ huy nhóm này từ năm 1992. Khi tôi đến cổng Tòa Bạch Ốc, Lisa lại gọi: “Một tháp nữa (WTC) vừa bị tấn công”.

Bộ trưởng Bộ Nội an Tom Ridge (phải) và Richard Clarke, thành viên Nhóm đặc biệt chống khủng bố, Tòa Bạch Ốc, ngày 9 Tháng Mười 2001 (ảnh: Mark Wilson/Getty Images)

“Bây giờ chúng ta biết bọn chúng là ai rồi. Tôi muốn nhân vật cấp cao nhất tại Washington thuộc tất cả cơ quan liên bang phải có mặt trong hội thảo video, đặc biệt FAA (Cơ quan quản lý hàng không liên bang Hoa Kỳ)”. Tôi hộc tốc phóng vào phòng Phó Tổng thống. Bên trong, chỉ có cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice và Dick Cheney. “Anh nghĩ gì?” – Cheney hỏi. Tôi nhìn thấy nét mặt bàng hoàng và tái nhợt của Cheney. “Ðây là vụ khủng bố của Al-Qaeda và chúng thường tấn công đồng loạt. Có thể vụ này chưa kết thúc”.

“Dick, anh là chuyên gia xử lý khủng hoảng. Anh đề nghị gì?” – Condi (Condoleezza Rice) hỏi. Trước đây, Condi và tôi đã thảo luận về cách ứng phó khủng bố. Tháng 6 (2001), tôi đã đưa Condi danh sách những việc cần làm sau một cuộc tấn công khủng bố, phần vì tôi linh cảm rằng điều gì đó rất kinh hoàng sắp xảy ra ngay trên đất Mỹ. “Mật vụ (SS) muốn chúng tôi vào hầm trú bom” – Condi nói. Tôi gật đầu: “Có lẽ nên di tản Tòa Bạch Ốc”. Cheney hối hả gom tài liệu và giấy má. Bên ngoài phòng Cheney, thường có hai nhân viên SS nhưng bây giờ có đến tám người. Họ chuẩn bị đưa Cheney đến Trung tâm các chiến dịch khẩn cấp tổng thống (PEOC) – boongke an toàn ở Chái Ðông.

Khi đến Phòng tình huống và gặp Ralph Seigler (phó giám đốc Phòng tình huống), tôi hỏi: “POTUS đang ở đâu? Ai đi cùng ông ấy?” (POTUS là tiếng lóng Tòa Bạch Ốc ám chỉ tổng thống). “Ông ấy ở một trường mẫu giáo tại Florida, cùng với Deb” (tức Deborah Lower, giám đốc Phòng tình huống). Khi đến Trung tâm video thuộc Phòng tình huống, tôi thấy trên màn hình loạt gương mặt cấp cao tại phòng video thuộc cơ quan họ: (Bộ trưởng quốc phòng) Donald Rumsfeld tại Ngũ Giác Đài, (giám đốc CIA) George Tenet tại trụ sở ở Langley; tại Bộ tư pháp có người phó Larry Thompson (bộ trưởng đang ở Milwaukee); Bộ ngoại giao có thứ trưởng Richard Armitage (ngoại trưởng đang ở Peru); tướng bốn sao Dick Myers thay thế chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ Hugh Shelton (đang ở Ðại Tây Dương); và Robert Muller ở FBI. Mỗi bộ trưởng đều xuất hiện cùng thành viên CSG và nhóm nhân viên họ (mà tôi có thể thấy trên màn hình) đang la ó hoảng loạn qua điện thoại…

“Hãy bắt đầu. Bình tĩnh. Chúng ta sẽ thực hiện kế hoạch trong chế độ khủng hoảng, có nghĩa quí vị không được giữ micro nếu không nói. Nếu ai muốn nói, hãy vẫy tay ra hiệu. Nếu có gì quí vị không muốn người khác nghe, hãy gọi tôi bằng điện thoại đỏ” – tôi nói – “Hãy bắt đầu từ diễn biến vụ việc. FAA, nói đi”.

Jane Garvey thuộc FAA cho biết hai máy bay đâm vào WTC đều là máy bay Mỹ bị không tặc. Phần quân đội, Dick Myers cho biết mình đã ra lệnh cho một số máy bay chiến đấu phóng lên bầu trời New York và Virginia. Bên Bộ ngoại giao, người ta đã thông báo đóng cửa tất cả tòa đại sứ ở nước ngoài và bên Ngũ Giác Đài, lệnh báo động khẩn cấp Treatcon Delta (quân đội trong tư thế sẵn sàng chiến đấu) cũng được ban hành. Cuộc họp bị gián đoạn để xem tường thuật trực tiếp hiện trường từ truyền hình CNN. Lúc đó, Brian Stafford (giám đốc SS) xuất hiện và nói nhỏ với tôi rằng SS đã chuyển FLOTUS (đệ nhất phu nhân tổng thống) đến vị trí an toàn, tại một nơi bí mật ở Washington DC…

BỘ MÁY AN NINH MỸ TRONG NGÀY THẢM HỌA

Tôi điện sang PEOC, yêu cầu thực hiện ba mệnh lệnh:

1/ Báo cho tổng thống biết ông ấy không thể về Tòa Bạch Ốc và phải đến một căn cứ không quân an toàn;

2/ Khi Air Force One (chuyên cơ tổng thống) cất cánh, chiến đấu cơ phải bay theo bảo vệ;

3/ Air Force One được quyền bắn bất kỳ máy bay nào, kể cả máy bay bị không tặc, có dấu hiệu đe dọa tấn công.

Brian Stafford dúi cho tôi mảnh giấy ghi “radar cho thấy có máy bay hướng về phía này (Tòa Bạch Ốc)”, đồng thời cho biết mình vừa ra lệnh di tản Tòa Bạch Ốc. Cùng lúc, Ralph Seigler (phó giám đốc Phòng tình huống) lao vào, hổn hển nói “có một vụ nổ kinh thiên động địa tại Ngũ Giác Đài, có lẽ là bom xe”. Ngay lúc đó, màn hình video từ Bộ quốc phòng xuất hiện Roger Cressey, với thông báo “một máy bay vừa tấn công Ngũ Giác Đài!”.

Lệnh di tản Tòa Bạch Ốc bắt đầu được thực hiện. Nhân viên Tòa Bạch Ốc hoảng loạn lao ra từ khắp khu vực bên trong tòa nhà. Các nhân viên SS hét to: “Ai mang giày cao gót, tháo ra ngay. Chạy đi, chạy thật nhanh!”. Một số người khác không chịu rời đi và tôi ra lệnh mang thiết bị chống vũ khí sinh học cho họ. Chương trình COG (Continuity of Government, Tính liên tục của bộ máy chính phủ) – ra đời từ thời Chiến tranh lạnh – chuẩn bị được thực hiện. COG được thiết kế nhằm đưa các viên chức cấp cao đến nơi an toàn, phòng trường hợp tổng thống và viên chức nội các bị thiệt mạng (tất cả địa điểm COG đều được ấn định sẵn cho từng nhân vật và luôn giữ kín trong bí mật tuyệt đối).

Phó Tổng thống Dick Cheney (phải) gọi điện cho Tổng thống Bush, Tòa Bạch Ốc, ngày 11 Tháng Chín 2001; cùng có mặt là bà Condoleezza Rice, cố vấn an ninh quốc gia (The White House/Getty Images)

Bên Ngũ Giác Đài, Rumsfeld cho biết khói đã bay vào phòng hội thảo video. Có người đề nghị Rumsfeld dùng trực thăng di tản nhưng Rumsfeld không đồng ý và ra lệnh thứ trưởng Paul Wolfowitz chuyển đến địa điểm COG. Tình hình tiếp tục hỗn loạn. Có người cho biết tôi biết một trực thăng đang trên đường đến trụ sở Quốc hội để di tản chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert. Nếu Bush và Cheney bị thiệt mạng, Dennis Hastert sẽ là người tạm thời thay thế…

12g30. Trở lại Chái Tây, tôi yêu cầu kích hoạt NCS (Hệ thống liên lạc quốc gia) cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho SIAC (Cơ quan tự động công nghiệp chứng khoán – hệ thống phần cứng hỗ trợ các thị trường chứng khoán Mỹ). SIAC bảo vệ dữ liệu chứng khoán và giúp Wall Street duy trì hoạt động trong mọi tình huống. Trong khi đó, NCS – cũng là sản phẩm thời Chiến tranh lạnh – được thiết kế để đảm bảo hệ thống xương sườn thông tin liên lạc không bị đình trệ trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên đất Mỹ… Chúng tôi tiếp tục họp qua video. George Tenet cho biết mình đã liên lạc với loạt giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài với yêu cầu phối hợp phản công. Rumsfeld cho biết Hạm đội Ðại Tây Dương đã rời Norfolk và chiến đấu cơ lẫn tàu khu trục Mỹ đang hối hả phóng về New York.

FAA thông báo họ đã cho hạ cánh hơn 4.000 máy bay và chuyển hướng các máy bay cất cánh từ châu Âu đến một số phi trường nhỏ tại Canada, nơi dân chúng sẵn sàng mở cửa đón những người khách lạ trong bối cảnh mà gần như tất cả đều có cùng cảm giác lo sợ tột độ về sự bất an đang rình rập mình. 7 giờ tối, từ căn cứ không quân Andrews, Bush đáp Marine One (trực thăng tổng thống) bay về Tòa Bạch Ốc, với hai chiếc Marine One ngụy trang bay kèm. Gần như cùng lúc, chiếc USAF chở Ngoại trưởng Colin Powell từ Peru về cũng hạ cánh xuống phi trường Andrews. Từ đó, một đoàn xe hộ tống vũ trang tận răng chở Powell phóng thẳng tới Tòa Bạch Ốc.

Sau 1g sáng (12-9-2001), tôi về nhà để tắm và thay đồ. Trước khi đi, tôi gọi Pete McCauley để đánh xe một vòng kiểm tra các vị trí bảo vệ quanh Tòa Bạch Ốc  cũng như lối thoát an toàn trong trường hợp xấu nhất. Sau đó, chúng tôi ra ngoài. Tôi thấy một chiếc Humvee với khẩu súng máy 50 li nằm chốt ở đường 17. Chúng tôi dừng trên cầu Roosevelt bắc ngang dòng Potomac. Nhìn đám khói đen kịt bốc lên từ Ngũ Giác Đài, tôi có cảm giác rợn người. Khi xe dừng trước nhà mình tại Arlington, tôi nghe tiếng gầm dữ dội của một máy bay bốn động cơ. Lực lượng không quân vẫn tiếp tục tuần hành trên bầu trời. Nước Mỹ đang trong thời khắc kinh khủng nhất…

AI GÂY RA VỤ NÀY?

Chiều tối ngày 12-9-2001, khi rời Phòng video, tôi bắt gặp Tổng thống Bush đi qua lại trong Phòng tình huống một mình. Dường như ông ấy muốn điều gì đó cần làm. Ông yêu cầu triệu tập vài người sang Phòng hội thảo. “Xem này” – Bush nói – “Tôi biết anh chị có rất nhiều việc phải làm nhưng tôi muốn anh chị, trong khả năng nhanh nhất có thể, hãy rà soát lại tất cả, tất cả. Xem Saddam có dính vụ này không. Xem thử Saddam có liên hệ gì không”. “Nhưng thưa Tổng thống, Al-Qaeda gây ra vụ này” – tôi nói. “Tôi biết, tôi biết nhưng xem thử Saddam có dính líu không. Chỉ xem lại…”.

“Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem lại…” – tôi cố thể hiện sự tôn trọng – “Nhưng, ngài biết rồi, chúng tôi đã xem xét nhiều lần khả năng tài trợ Al-Qaeda từ cấp độ nhà nước và không hề thấy mối liên hệ nào giữa Al-Qaeda và Iraq. Iran có dính một chút, tương tự Pakistan, Saudi Arabia, Yemen”. “Cứ xem Iraq và Saddam” – Bush nhấn mạnh và rời đi.

Ðoạn kể trên cho thấy ngay khi dường như có đủ bằng chứng về mối liên kết Al-Qaeda và sự kiện 11-9, Tổng thống Bush vẫn xoáy vào Saddam Hussein với tin tưởng rằng chỉ Iraq mới là kẻ thù thật sự của nước Mỹ. Trong chương 10, Richard A. Clarke đã quay lại “đoạn phim” hậu trường vào thời điểm Nội các Bush bước vào Tòa Bạch Ốc …

Tháng 1-2001, khi vụ kiểm phiếu (bầu tổng thống) bát nháo tại bang Florida đã qua, tôi thực hiện tiến trình báo cáo trong giai đoạn chuyển tiếp bộ máy chính phủ, đặc biệt với bốn người Condi Rice, Steve Hadley, Dick Cheney và Colin Powell. Thông điệp của tôi rất rõ: Al-Qaeda đang gây chiến với nước Mỹ; đây là tổ chức có khả năng hoạt động mạnh và có thể có cơ sở bí mật trên đất Mỹ; chúng ta phải hành động dứt khoát và cực nhanh. Mỗi người đều có phản ứng khác nhau. Cheney – như mọi lúc – tỏ ra trầm lặng và bình thản trên bề mặt. Dù vậy, những cái bánh xe đang quay đằng sau chiếc mặt nạ. Cheney đã yêu cầu một tùy viên sắp xếp đến tổng hành dinh CIA để thăm dò ý kiến về nguy cơ đe dọa từ Al-Qaeda. Tuy nhiên, dường như Cheney muốn điều chỉnh phân tích CIA và xoáy về hướng Saddam Hussein hơn là Osama Bin Laden.

Trong Phòng Nội các ngày 14 Tháng Chín 2001 (trái sang): Ngoại trưởng Colin Powell, Tổng thống Bush, Phó Tổng thống Dick Cheney… (Smith Collection/Gado/Getty Images)

Trong khi đó, Colin Powell thực hiện bước bất thường trong quá trình chuyển giao quyền lực bằng đề nghị tổ chức cuộc họp CSG (Nhóm an ninh chống khủng bố), gồm viên chức phụ trách chống khủng bố từ Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, CIA, FBI và quân đội. Powell muốn xem liệu chúng tôi có phối hợp ăn ý và chia sẻ thông tin hay không. Phần Condi Rice, bà ấy bắt đầu đưa ra định nghĩa mới cho NSC, xem tổ chức này là cỗ máy điều phối chỉ tập trung vào chính sách đối ngoại, nơi mà những vấn đề như khủng bố trong lòng nước Mỹ, thao tác chuẩn bị đối phó khả năng tấn công từ vũ khí giết người hàng loạt hoặc an ninh mạng máy tính không cần thiết được đề cập.

Tôi nhận ra rằng Condi cùng người phó Steve Hadley vẫn còn hành xử theo mô hình Chiến tranh lạnh, vào thời mà họ còn làm việc trong NSC. Kinh nghiệm từng giữ vị trí viên chức NSC trong ba năm của Condi là quá trình xử lý vấn đề liên quan đàm phán Hiệp ước Warsaw; và Steve Hadley – vào thời nắm một vị trí trong NSC ở chính phủ trước – cũng chỉ có trách nhiệm ở vấn đề kiểm soát vũ khí với Liên Xô.

Tôi cố giải thích: “Vấn đề an ninh hiện nay nên được hiểu trong bối cảnh hậu Chiến tranh lạnh, không còn giới hạn ở những mối đe dọa quốc gia. Hiểm họa đối với nước Mỹ bây giờ không phải là tên lửa đạn đạo Liên Xô mang đầu đạn hạt nhân mà là bọn khủng bố ôm bom cảm tử. Hơn nữa, các điều luật thành lập NSC năm 1947 cũng từng nói rằng cơ quan này vẫn phải quan tâm các nguy cơ đe dọa an ninh trong nước.

Dù vậy, Condi vẫn khăng khăng hạn chế khả năng hoạt động của Ðiều phối viên quốc gia về chống khủng bố (chức danh chính thức của Richard A. Clarke – MK), với yêu cầu điều phối viên không được tham gia Ủy ban những người đứng đầu (Principals Committee – PC, gồm các bộ trưởng – MK) và CSG cũng không được báo cáo trực tiếp cho PC mà thay vào đó là Ủy ban các vị phó (Deputies Committee – DC, gồm các thứ trưởng – MK). Sau khi yêu cầu tôi ở lại cương vị điều phối viên quốc gia về chống khủng bố, Condi đề nghị tôi lập phác thảo tái cơ cấu để rút vài chức năng an ninh khỏi NSC.

Trong tuần tổ chức lễ đăng quang tổng thống, tôi viết thư gửi Condi và Steve Hadley, yêu cầu thực hiện phiên họp PC khẩn về hiểm họa Al-Qaeda. Condi trả lời rằng PC không thể thảo luận gì nếu không có bản tường trình khung gửi lên từ DC. Trong khi đó, phiên họp DC lại trì hoãn liên tục. Cuộc họp DC của nội các mới dự kiến tổ chức vào tháng hai nhưng mãi đến tháng tư mới thực hiện. Trong phiên họp, thứ trưởng quốc phòng Paul Wolfowitz cho rằng không chỉ Al-Qaeda mà khủng bố Iraq cũng nguy hiểm không kém. Wolfowitz nói rằng tôi quá chăm bẳm vào Bin Laden và rằng “hắn (Bin Laden) không thể gây ra tất cả mọi chuyện chẳng hạn vụ khủng bố Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York vào năm 1993 mà không có tài trợ cấp nhà nước. Việc FBI và CIA không tìm được chứng cứ liên kết không có nghĩa chúng không tồn tại”.

Tôi biết rằng Paul Wolfowitz đang ám chỉ đến lập luận của Laurie Mylroie, cho rằng Iraq đứng đằng sau vụ khủng bố WTC năm 1993 – một giả thuyết mà an ninh Mỹ từng mất nhiều năm điều tra và kết luận nó hoàn toàn sai. Trong khi đó, các phiên họp PC lại đầy kín nghị sự với những quan tâm chính yếu của Bush: Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), động thái rút khỏi Nghị định thư Kyoto và đặc biệt vấn đề Iraq. Các phiên họp hàng ngày của NSC cũng chỉ tập trung vào ABM và các chính sách dành cho Trung Quốc và Nga (lĩnh vực mà Condi Rice là chuyên gia). Ngày nọ, tôi thấy một biếm họa báo chí vẽ chú Sam ngồi trên ngai vàng đọc Hiệp ước ABM, trong khi một ngòi nổ đang cháy bén đến quả bom đặt bên dưới; và đằng sau, một tên khủng bố đang co giò chạy biến. Biếm họa này khiến tôi nghẹt thở. Sự tuyệt vọng của tôi bắt đầu sôi sùng sục. Tôi xin được bổ nhiệm vị trí khác…

Tổng thống Bush cùng nhóm cố vấn an ninh quốc gia, Tòa Bạch Ốc, 11 Tháng Chín 2001 (ảnh: Eric Draper/The White House/Getty Images)

Thượng tuần tháng 7 (2001), tôi tổ chức phiên họp CSG và yêu cầu tất cả cơ quan phải trong tình trạng báo động cao. Tôi đề nghị các cơ quan chủ quản CSG hủy kỳ hè và du lịch nước ngoài dành cho viên chức CSG. Tất cả cơ quan phải lập tức báo cáo về bất kỳ bất thường nào, thậm chí nếu có một con chim sẻ rơi từ cành cây. Tôi yêu cầu FBI cảnh báo cho 18.000 cơ quan cảnh sát, đề nghị Bộ ngoại giao báo động cho các sứ quán Mỹ, đề xuất Bộ quốc phòng chuẩn bị chế độ Threatcon Delta (quân đội túc trực sẵn sàng tác chiến) và yêu cầu hải quân đưa tàu chiến Mỹ ra khỏi Bahrain… Hôm sau, tôi mời tất cả viên chức cấp cao thuộc FAA (Cơ quan quản lý hàng không liên bang Hoa Kỳ), Sở di trú-nhập tịch Hoa Kỳ, Mật vụ, Tuần dương, Hải quan và Cục bảo vệ liên bang đến Tòa Bạch Ốc . Tôi đề nghị FAA báo động khẩn cho tất cả hãng hàng không và phi trường. Chúng tôi dự tính báo động cho công chúng nhưng vẫn chưa nắm trong tay chứng cứ rõ ràng. Không thể làm công chúng hoảng hốt và bấn loạn chỉ với tiếng rơi của vài con sẻ ngã từ trên cành…

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔNG THỐNG BUSH NHƯ THẾ NÀO?

Tòa Bạch Ốc  – theo Richard A. Clarke – đã không hoàn toàn tập trung vào an ninh nước Mỹ sau sự kiện khủng bố kinh hoàng 11-9-2001. Như đã biết, trong hai năm, Nội các George W. Bush đã tiến hành hai cuộc chiến: cuối năm 2001 với Afghanistan và 2003 với Iraq. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nước Mỹ tiếp tục để lộ nhiều lỗ hổng trong bức tường an ninh quốc gia. Trong phần cuối chương 10, Clarke viết…

Liệu chúng ta có thể ngăn chặn vụ tấn công 11-9? Thật dễ dàng có thể nói rằng được. Quá rõ ràng rằng có những thất bại trong các cơ quan mà chúng ta tin tưởng có thể bảo vệ đất nước, từ thất bại trong việc thu thập thông tin đúng chỗ và đúng lúc, đến thất bại trong việc đánh giá thấp hoặc loại trừ nguy cơ khủng bố. Và điều này đã thể hiện trong phiên họp Ủy ban những người đứng đầu (Principals Committee) vào ngày 4-9-2001, phiên họp mà từ ngày 25-1-2001 tôi đã đề nghị khẩn cấp thực hiện. Và rồi khi diễn ra, cuộc họp chẳng đem lại điều gì. Trong khi tôi và (giám đốc CIA) George Tenet nhấn mạnh tính cấp bách và nghiêm trọng của nguy cơ Al-Qaeda, chẳng ai trong phòng đồng tình. Powell đề ra chiến lược gây sức ép buộc Pakistan đi theo Mỹ chống lại Taliban và Al-Qaeda. Phải có tiền – ông ấy nói thêm – nhưng chưa có kế hoạch lập ngân quỹ.

Rumsfeld – trông dường như thờ ơ suốt cuộc họp – đã lập luận tương tự Paul Wolfowitz, rằng còn có nhiều tổ chức khủng bố khác đáng lưu ý hơn, Iraq chẳng hạn. George Tenet nói thêm có loạt kế hoạch mà CIA cần làm nhưng chưa nằm trong nghị sự: chẳng hạn quyền hạn mới của CIA, cần bao nhiêu tiền và tiền đến từ đâu. CIA cho biết họ không có một xu trong bất kỳ chương trình nào để chuyển sang nỗ lực chống Al-Qaeda và đề nghị Quốc hội chi thêm ngân sách. Vấn đề tranh luận duy nhất có vẻ sôi nổi là khả năng sử dụng máy bay không người lái Predator tại Afghanistan để tấn công Al-Qaeda. Cả CIA lẫn Bộ quốc phòng đều không đồng ý kịch bản này. Cuối cùng, Condoleezza Rice kết thúc cuộc họp mà chẳng đưa ra giải pháp nào…

Tổng thống Bush xem lại bài diễn văn trước khi nói chuyện với quốc dân; cùng có mặt là cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice; người soạn diễn văn Mike Gerson, và luật sư tổng thống Karen Hughes – Phòng Oval, ngày 20 Tháng Chín 2001 (ảnh: Smith Collection/Gado/Getty Images)

Sau khi Richard A. Clarke từ chức điều phối viên chống khủng bố, có ba người lần lượt được thay thế nhưng tất cả đều từ chức không lâu sau, do bất bình Nội các Bush (theo thứ tự: tướng bốn sao nghỉ hưu Wayne Downing – nguyên chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt; John Gordon – nguyên phó giám đốc CIA; và Randy Beers – viên chức NSC từng làm việc trong ba nội các, từ Ronald Reagan, George H. Bush đến Bill Clinton). Năm 2003, cương vị trên được giao cho Fran Townsend…

Trong phần cuối Against All Enemies, Richard A. Clarke viết tiếp…

Nhìn cánh cửa xoay ở cương vị chống khủng bố sau khi ra đi và nhìn lại 10 tháng phục vụ Tổng thống Bush, tôi vẫn ngạc nhiên rằng tại sao mình không bao giờ được có cơ hội nói chuyện với Tổng thống Bush về khủng bố cho đến ngày 11-9-2001. Trong thực tế, vào thời gian đó, tôi chỉ có ba buổi họp triển khai nghị sự và tóm tắt tình hình cho Bush nhưng mỗi lần đều là những vấn đề ít liên quan khủng bố. Ðề xuất của tôi về việc gặp Bush trực tiếp để nhấn mạnh nguy cơ khủng bố đã bị khước từ, “cho đến khi nào PC và DC hoàn tất phần nhận định”. Cách làm việc này hoàn toàn khác với hai nhiệm kỳ tổng thống của Bill Clinton, thời mà thành viên Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) thường xuyên liên lạc với tổng thống. Tôi không tin một số chỉ trích cho rằng Bush là cậu ấm giàu có, quen biếng nhác và ít suy nghĩ. Khi tập trung, Bush đưa ra các câu hỏi cho thấy chúng xuất phát từ bộ não suy luận kỹ càng. Tuy nhiên, Bush có khuynh hướng chọn giải pháp đơn giản.

Trong khi đó, có nhiều vấn đề cần tính phân tích sâu và rộng. Bush cũng không làm việc nhiều bằng Clinton, người có thể vừa cày xới các bản ghi nhớ hàng ngày vừa xem thời sự thế giới qua truyền hình đến tận 2g sáng. Hơn nữa, Bush ít đọc sách và thường lên giường trước 10g tối. Rõ ràng có quá nhiều khác biệt giữa Bush và Clinton, kể cả cách xử lý thông tin. Bush muốn xem xét từ dưới đáy và xới lên; trong khi Clinton quan sát từ nhiều góc cạnh và đảo vấn đề như xoay khối Rubik cho đến khi tìm được cách biến các mặt Rubik thành màu đồng nhất. Rất nhiều lần từ sau vụ 11-9, tôi tự hỏi rằng điều gì khác biệt sẽ xảy ra nếu Clinton còn tại chức ở thời điểm nước Mỹ bị tấn công và điều gì khác biệt sẽ xảy ra nếu tiến trình kiểm phiếu Florida có kết quả khác (tức ứng cử viên Al Gore đắc cử thay vì George W. Bush)…

Cựu chánh cố vấn đặc trách chống khủng bố (thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ) Richard Clarke tại phiên điều trần trước Ủy ban điều tra vụ khủng bố 11-9 tại Quốc hội vào Tháng Ba 2004 (ảnh: Brooks Kraft LLC/Corbis via Getty Images)

Sau vụ 11-9-2001, Tòa Bạch Ốc đã chấn chỉnh hệ thống an ninh Mỹ với việc thành lập Bộ an ninh nội địa (tái sắp xếp khoảng 50 bộ phận thuộc 8 bộ để biến thành cơ quan mới với 170.000 nhân viên cùng ngân sách khổng lồ 37 tỉ USD) – chương trình sắp xếp nội bộ quan trọng và qui mô nhất của Mỹ kể thời Tổng thống Harry Truman chỉnh đốn bộ máy quân đội-tình báo nhằm đương đầu Liên Xô thời Chiến tranh lạnh vào cuối thập niên 1940. Tuy nhiên, an ninh Mỹ tiếp tục lộ ra nhiều lỗ hổng. Thượng tuần tháng 8-2002, Cục điều tra liên bang (FBI), Sở di trú và nhập tịch và cả Bộ tư pháp đều mất hàng trăm máy tính laptop và vũ khí (không có con số chính xác).

Trong phần cuối Against All Enemies, Richard A. Clarke cho biết cuộc thăm dò tại 168 thành phố Mỹ cho thấy có đến 90% trong số đó đã không nhận được hỗ trợ liên bang cần thiết và biện pháp ứng phó tấn công bằng vũ khí hóa-sinh học vẫn không được lưu tâm. Thay vào đó, Chính phủ Bush đã dốc thời giờ cho vấn đề Iraq. Richard A. Clarke nhận xét…

Dù Bush từng biết về Al-Qaeda qua báo cáo tình báo trước vụ 11-9 nhưng ông ấy bỏ quá ít thời gian để đọc kỹ và tìm hiểu bản chất sự việc. Bản năng phản xạ của ông ấy sau vụ 11-9 là đánh trả với chủ trương được gói gọn trong câu “các vị hoặc theo chúng tôi hoặc chống lại chúng tôi”. Tôi hoài nghi rằng không biết có ai đó có cơ hội nói cho ông ấy biết rằng việc tấn công Iraq để biểu thị sức mạnh Mỹ cuối cùng rồi sẽ làm cho nước Mỹ kém an toàn hơn và khiến phong trào khủng bố Hồi giáo cực đoan lan rộng hơn. Hẳn nhiên ông ấy đã không nghe những lời như vậy từ một nhóm nhỏ các cố vấn mà ông ấy tin cậy và tôn trọng. Sau cùng, Al-Qaeda – kẻ thù tấn công chúng tôi – đã có thể tiến hành chiến dịch tuyên truyền thành công nhằm lôi kéo hàng triệu người Hồi giáo chống lại Mỹ.

***

Against All Enemies không là quyển sách đầu tiên nói đến sự trách nhiệm của Nội các Bush trong vụ 11-9. Cụ thể, theo Washington Post 18-5-2002, Tổng thống Bush từng nhận bản báo cáo tuyệt mật của CIA đề ngày 6-8-2001 mang tựa “Bin Laden quyết tâm tấn công Mỹ”. Trong số tư liệu được phanh phui trên Washington Post, có hồ sơ liên quan kẻ khủng bố Abdul Hakim Murad (Pakistan) với kế hoạch gọi là “Bojinka” (tiếng nổ to), trong đó, Murad lái máy bay chứa chất nổ đâm xuống trụ sở CIA. Murad bị bắt 13 ngày sau khi bốn thành viên một nhóm khủng bố Algeria không tặc một máy bay thuộc Hãng hàng không Air France sắp rời Algeria sang Paris (chúng định lái máy bay đâm xuống tháp Eiffel nhưng bị lính cảm tử Pháp giết chết khi máy bay dừng tiếp nhiên liệu).

Tháng 7-2001, khi dự hội nghị thượng đỉnh Genoa tại Ý, Tổng thống Bush cũng được Phó Thủ tướng Ý Gianfranco Fini thông báo về nguy cơ Mỹ bị tấn công bằng máy bay không tặc, sau khi cảnh sát Ý bắt được một nhóm khủng bố. Cuối cùng, cũng giữa năm 2002, Washington Times là tờ đầu tiên nói về vụ Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) bắt được thông tin liên quan Al-Qaeda vào ngày 10-9-2001 nhưng không dịch. Hai thông điệp mà NSA bắt được mang nội dung: 1/ “Trận đấu sắp bắt đầu”; và 2/ “Ngày mai là giờ zero”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: