Từ giải thưởng Nguyễn Kim Điền, nhắc điều người Công giáo phải nhớ!

(cuucshuehn.net)

LTS: Ngày 8 Tháng Sáu vừa rồi, Hội đồng Liên tôn Việt Nam (HĐLT) được trao tặng giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền 2024, một giải thưởng cao quý những cá nhân và tập hợp đang tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng đang bị chà đạp bởi chính quyền CSVN. Giải thưởng lấy ngày 8 Tháng Sáu hàng năm, để tưởng niệm ngày mất của linh mục Nguyễn Kim Điền.
Nói với báo giới, Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại, nơi trao giải thưởng, nói HĐTL đã vượt qua 4 ứng cử viên khác, vì “Hội đồng Liên Tôn Việt Nam có những can thiệp mạnh mẽ, họ không bỏ qua vụ đàn áp nào của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo, không phải là chỉ Phật giáo hay là Công giáo mà là cả năm tôn giáo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành; tạo ra tiếng vang ở nước ngoài. Hội đồng Liên Tôn là mối liên kết giữa những người đấu tranh cho tự do tôn giáo trong nước với các tổ chức quốc tế và những tổ chức đấu tranh của người Việt ở hải ngoại cho vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền”.
Từ giải thưởng tên vị linh mục khả kính Nguyễn Kim Điền, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại câu chuyện mà người Công giáo Việt Nam không thể, và mãi mãi không quên về một vị chủ chăn can trường, không khuất phục, cuối cùng đã có cái đầy chết mờ ám vào năm 1988.
Bài viết dưới đây, sử dụng tư liệu của linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Vào khoảng 13 giờ trưa, ngày 08 Tháng Sáu 1988, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền đột ngột qua đời để lại nhiều “nghi vấn về một vụ đầu độc” cho đến tận hôm nay.​

Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền sinh ngày 13 Tháng Ba 1921 tại Gia Định, là con thứ tư trong một gia đình có 7 người con. Ngài được thụ phong linh mục ngày 21 Tháng Chín 1947.

Năm 1955, ngài gia nhập Dòng tiểu Đệ Chúa Giêsu và qua Châu Phi sống với các tu sĩ của Dòng tại sa mạc Sahara.

Năm 1957, ngài trở về Việt Nam, dấn thân cho những con người nghèo khổ tại các vùng ngoại ô Sài Gòn, tại Lâm Đồng, Cần Thơ.

Ngày 28 Tháng Mười Hai 1960, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Cần Thơ. Ngày 30 Tháng Chín 1964, ngài được đặt làm Giám quản Tổng Giáo phận Huế thay Đức Tổng Giám mục Phêrô Ngô Đình Thục và được Tòa thánh đặt làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Huế 4 năm sau đó (11 Tháng Ba 1968).​

Vị giám mục nghèo​
Trước khi trở thành Giám mục, là một tu sĩ của Dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu, noi gương thầy mình, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền luôn sống gần gũi với người nghèo. Ngài không chỉ đã đến Châu Phi nơi sa mạc Sahara để chia sẻ cuộc sống huynh đệ với các anh em Tiểu đệ, mà còn đến để được sống giữa dân nghèo Phi Châu.

Khi trở về Việt Nam, để tiếp tục lý tưởng được sống nghèo với người nghèo, ngài đã chọn nghề đạp xích lô, vừa để mưu sinh, nhưng cũng là để được gần gũi, chia sẻ với những thành phần cùng đinh trong xã hội.

Sau khi trở thành Giám mục, ngài tiếp tục những dự án lo cho dân nghèo, sống nghèo…Nhưng, rồi thời cuộc và chính sách bách hại tôn giáo của chế độ đã không chỉ bắt ngài sống nghèo mà còn tước đoạt của ngài cả những giấc mơ về một xã hội mới công bằng, huynh đệ.​​

(cuucshuehn.net)

Dám chết vì Tin Mừng​
Ngày 26 Tháng Ba 1975, Huế bị cộng sản cưỡng chiếm. Trong tư cách của người đứng đầu Tổng Giáo phận Huế, vốn bản chất khiêm tốn, hiền hòa và khả ái, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã bày tỏ thiện chí và một thái độ chân thành hợp tác với chế độ mới. Không những thế, ngài còn vui mừng và tha thiết kêu gọi mọi thành phần dân Chúa Tổng giáo phận dẹp bỏ mọi thành kiến, nghi kỵ để cộng tác với chính quyền mới, cùng nhau xây dựng lại quê hương giầu mạnh (x. Thư Chung ngày 01 Tháng Tư 1975).

Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, chứng kiến các cơ sở của Giáo hội lần lượt bị chiếm đoạt, “mượn tạm” cách bất hợp pháp, các linh mục bị ngăn cản làm mục vụ, chủng viện bị giải thể… Đặc biệt, sau khi chứng kiến các vi phạm về quyền tự do tôn giáo cách hệ thống không chỉ đối với Công giáo mà cả đối với các tôn giáo bạn, ngược hẳn với những gì nhà cầm quyền đã bảo đảm trước đây, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền đã mạnh mẽ lên tiếng cách công khai ngay tại Ủy ban Nhân dân Bình Trị Thiên, ngày 15 Tháng Tư 1977, về quyền tự do tôn giáo, về những vi phạm của nhà cầm quyền, về những đối xử bất công của nhà cầm quyền đối với các tôn giáo. Những phản đối của ngài sau đó còn được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân Chúa.

Kể từ đây, mỗi khi có dịp gặp mặt chính quyền, và nếu cần bằng các văn bản, ngài mạnh mẽ lên tiếng tố cáo những sai phạm trong quản lý nhà nước về tôn giáo, đồng thời, bày tỏ quan điểm của ngài đối với tệ trạng tự do tôn giáo. Riêng đối với Ủy ban Đoàn kết, bằng văn thư và bằng những lời huấn dụ nghiêm khắc, ngài đã công khai cấm các linh mục thuộc quyền tham gia ủy ban này.

Tất cả các hành động này của vị chủ chăn Tổng Giáo phận Huế đã trở thành một thách thức nghiêm trọng đối với đảng và nhà nước cộng sản lúc bấy giờ. Ngày 05 Tháng Tư 1984, ngài nhận được giấy mời “làm việc” của Sở Công an Bình Trị Thiên. Và những buổi làm việc như vậy kéo dài suốt 120 ngày và chỉ tạm kết thúc vào ngày 15 Tháng Mười năm ấy.​

Bản di chúc thiêng liêng
Hai ngày sau khi “tạm thời không bị mời đi làm việc”, ngày 17 Tháng 10 1984, Đức Tổng Philipphê Nguyễn Kim Điền đã viết một Thư chung gửi đến cộng đoàn dân Chúa Tổng Giáo phận , trước là để cảm ơn mọi người đã cầu nguyện cho ngài được vững tâm trong sứ mạng làm chứng, sau là tường trình lại cho cộng đồng dân Chúa nội dung của 120 ngày bị mời làm việc tại Sở Công an Bình Trị Thiên.

Dĩ nhiên, việc ngài bạch hóa những gì Sở Công an Bình Trị Thiên đã “làm việc” làm cho chế độ không hài lòng và tìm mọi cách gây khó khăn cho ngài. Họ dùng đủ mọi ngón nghề của cái gọi là “nghiệp vụ” để cô lập ngài. Thấy trước viễn cảnh có thể bị tù đầy, bị giết chết bất cứ lúc nào, ngày 8 Tháng Mười Một 1985, vị chủ chăn Tổng Giáo phận Huế đã viết Bản Di chúc thiêng liêng gói gọn tấm lòng của một vị mục tử nhân lành luôn trung thành với Thiên Chúa và chuẩn bị cho ngày phải chịu bắt bớ vì chính đạo.

Trong bản Di chúc, ngài kêu gọi các linh mục dưới quyền hãy can đảm chu toàn bổn phận chủ chăn, luôn can đảm và trung thành với Giáo hội trong mọi cảnh huống khó khăn, nguy hiểm trước mặt:​

Tôi cám đội ơn Chúa đã thương chọn tôi làm con Chúa, linh mục và giám mục trong Hội thánh của Người, cho dù tôi bất xứng.
Tôi không muốn có ước muốn riêng nào về sự chết và cuộc tẩn niệm hay chôn cất xác tôi. Sao cũng được, tùy thánh ý Chúa và sự liệu định của anh em linh mục giáo phận, vì tôi chẳng đáng chi cả.
Tôi không có gì để nhắn nhủ anh em linh mục Huế cách đặc biệt, trừ ra xin phép được khuyên các ngài hãy can đảm tỏ ra trung thành với Hội thánh trong mọi hoàn cảnh, sống đoàn kết trong linh mục đoàn và sống trọn vẹn bổn phận chủ chăn nhân hiền.
Tôi cám ơn linh mục trong giáo phận đã nhẫn nại chịu đựng tôi và tận tâm cộng tác với tôi. Những ai mà tôi vô tình hay vì bổn phận đã làm mất lòng thì xin tha lỗi cho tôi. Phần tôi, tôi không buồn phiền một ai cả. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi.
Về tiền bạc, tôi không mắc nợ ai. Nếu như ai có thấy đang thiếu tôi vật gì, thì tôi vui lòng tha hết cho.
Các vật dụng, sách vở và tiền mặt tôi đang có thì tôi chối lại hết cho Tòa Giám mục Huế.
Một lần nữa, tôi cám đội ơn Chúa và xin tạm biệt mọi người, hẹn nhau trên nhà Cha”​
Huế, ngày 08 Tháng Mười Một 1985
Philiphe Nguyễn Kim Điền

Lên đường về nhà cha​
Những ngày cuối tháng Năm năm 1988, ngài đau nặng và được đưa vào điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn.

Ngài đột ngột qua đời vào khoảng 1 giờ trưa, ngày 08 Tháng Sáu 1988. Ngài ra đi giữa lúc cả hệ thống chính trị Việt Nam lên đồng tấn công Giáo hội Công giáo về vụ phong thánh các thánh Tử đạo Việt Nam.

Có những nguồn dư luận vẫn xác định rằng, Đức Tổng Giám mục Phi-líp-phê Nguyễn Kim Điền đã bị đầu độc chết! Điều này hiện không thể xác minh nhưng chắc chắn, những hy sinh của ngài đã không vô ích. Trái lại, Giáo hội Việt Nam hôm nay phải mang ơn ngài: vị mục tử can trường đã một mình dám đương đầu với những khó khăn để bảo vệ sự thật và công lý.​

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: