Tuốt gươm ra! Ai đánh Ai?!

Tiểu đoàn 1 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Quảng Trị, 1969 (ảnh: UPI Color/Bettmann Archive via Getty Images)

“Bác” sai từ Đại Hội Tours! (*)

(*) Thành Phố Tours,

Đại Hội thành lập Đảng Xã Hội/Cộng Sản Chi Bộ Pháp/

Đệ Tam Quốc Tế (25-30/12/1920)

Lời Người Viết:

Tuần lễ đầu Tháng Mười Một 2023, người viết đã đề cập về sách “Tuốt Kiếm Phương Xa”, do Phan Lê Dũng chuyển dịch từ Drawn Swords in a Distant Land của George J. Veith. Bài viết không có mục đích thông thường là nhận định, phê bình một cuốn sách, nhưng nhắm tìm hiểu thế nào là Người/Việc (ngoại giao-chính trị-xã hội) của, từ Quốc hội-chính phủ-chính giới Liên Bang Hoa Kỳ đối với chiến tranh Đông Dương/Việt Nam (1945-1954-1975).

Bài viết đã có kết luận tương tự như nhận định của Giáo sư Peter Zinoman (chuyên về sử học/Lịch sử Việt Nam) của Đại Học Berkeley (CA) cho thấy: Bi (thảm) kịch Việt Nam có một đầu mối: “Dĩ Mỹ Vi Trung/Tất cả do từ, của, với Mỹ là Trung Tâm”. Mà suy ra (cho cùng) cũng thấy/hiểu thêm về tình trạng toàn cầu hỗn loạn hiện nay – Cũng từ, tại, với Mỹ. Không (mấy) sai.

Bài viết sau đây (cũng) từ sách của George J. Veith/Bản dịch do Phan Lê Dũng nhằm tìm ra mối liên hệ hữu cơ (trực tiếp): Rút gươm ra để Ai Đánh Ai?      

Dẫn Nhập

Cần lặp lại: Tháng Mười Một 1963 đã xảy ra hai biến cố quan trọng. Trước tiên ở Sài Gòn,  nổ ra cuộc đảo chính quân sự trong Ngày 1 Tháng Mười Một, hậu quả là lần sát hại Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và người em, cố vấn Ngô Đình Nhu trong Ngày 2. Về phía Mỹ, vào Ngày 22 Tháng 11, Tổng thống Mỹ đời thứ 35, John F. Kennedy, bị bắn tử thương tại Dallas, Texas.

Có nhiều lý do, nguồn giải thích về vụ sát hại (60 năm trước) hai vị nguyên thủ của hai quốc gia, không thể kể ra (đủ) trong một bài viết. Người viết CHỈ có thể đúc kết lý do cốt lõi qua thực tế lịch sử được soi rạng từ 60 năm qua. Nguyên nhân ấy là:

Trong lần gặp Thượng Nghị Sĩ Mike Mansfield (Mùa Xuân 1963) với tư cách riêng, TT/ Kennedy ĐÃ nói rõ: “Tôi chỉ có thể rút ra khỏi Việt Nam trong năm 1965 – Sau khi tôi tái đắc cử (sau bầu cử tổng thống 1964)” (Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot. Boston New York, Little Brown and Company. 1997. Page 430). Phần cuối trang 430, nói rõ thêm về TT/NĐDiệm: “Ngô Đình Diệm bị giết là vì ông ấy muốn thực hiện một điều gì (tương tự như cuộc rút quân dự trù 1965 của TT Kennedy) từ 1963 – Đưa quân Mỹ ra khỏi Việt Nam”.

Trên đây là luận chứng về phía Mỹ và VNCH, thế nhưng về phía đảng cộng sản tại Hà Nội với người cầm đầu có tính danh HCM thì như thế nào? HCM và Trung ương Đảng CSVN-Đệ Tam Quốc Tế CS đã có những dự kiến, mưu định, sách lược, kế hoạch lật đổ chế độ “không cộng sản” của Quốc gia Việt Nam (1948-1955); hai kỳ VNCH (1955-1975) ra làm sao? Bài viết trình bày tiếp cũng căn cứ trên nội dung của “Tuốt Kiếm Phương Xa”/Drawn Swords in a Distant Land.

Một

Sách Drawn Swords in a Distant Land có những nhận định (trung trực) trân trọng: “Miền Nam Việt Nam có riêng câu chuyện của họ nhưng lại bị bỏ qua. Đó là câu chuyện của “Những Ước Mơ”… Ước mơ tự do, ước mơ độc lập, và ước mơ ấm no cho toàn dân. Còn Cộng Sản thì chỉ có độc nhất một tham vọng, đó là giành lấy chiến thắng bằng mọi giá.” Lần đầu tiên, một người viết sử (thuộc thế hệ người Mỹ sinh trưởng, lớn lên sau chiến tranh Việt Nam (1945-1955-1975) khám phá ra “Sự Thật của Miền Nam”: “Sài Gòn đã (phải) thực hiện đồng thời hai mục tiêu: Chiến thắng cộng sản và Xây dựng dân chủ…

Sách “Tuốt Kiếm Phương Xa” cho thấy VNCH không hề là sản phẩm của Mỹ. Vào lúc tối hậu, MNVN không thể vừa xây dựng và chiến đấu! (Tuốt Kiếm Phương Xa, NXB Tiếng Quê Hương. US 2023, trang 22-23).

Trên đây là tóm lược (khá) khách quan và chính xác về phần của VNCH, nhưng về phần CS với/HCM thì thế nào? Sách Tuốt Kiếm Phương Xa có phân tích: “… Sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918), Hồ sang Pháp, Nga, Trung Hoa và nhiều quốc gia khác kêu gọi độc lập (cho An Nam – Pnn). Yêu cầu Pháp giúp xây dựng một nước cộng hòa thuộc địa, nhưng khi thấy họ (chế độ Thực Dân Pháp ở Đông Dương –Pnn) không giữ lời hứa cải cách, xây dựng một nước cộng hòa (?), ông bắt đầu tỉnh ngộ. Lời hứa giải phóng các nước thuộc địa thoát khỏi ách thực dân áp bức của Lenin đã thu hút ông và Hồ quay sang chủ nghĩa Mác-xít. Ông trở thành người cộng sản hăng say. (Tuốt Kiếm Phương Xa, trang 34/Drawn Swords in a Distant Land – Encounter Books, US. 2021, Page 10)

Sự thật có phải như nhận định trên hay không dù George J. Veith không thiếu lương tri, lương năng trung trực? Nguyên Ngọc là bút danh của Nguyễn Văn Báu, một cán bộ văn hóa cao cấp của chế độ cộng sản Hà Nội, sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Ông gia nhập bộ đội Việt Minh từ 1950 hoạt động vùng Khu V cộng sản gồm các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên, địa giới hành chánh của Quốc Gia Việt Nam (1948-1955) và VNCH (1955-1975).

Sau thời gian ở đơn vị tác chiến, ông chuyển sang làm phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân Liên Khu V (?) với bút danh Nguyên Ngọc. Sau Hiệp Định Genève (20/Tháng Bảy 1954), Nguyên Ngọc tập kết ra Bắc, viết cuốn Đất Nước Đứng Lên kể về cuộc chiến chống Pháp (1946-1954). Năm 1962, trở về Nam, Nguyên Ngọc hoạt động lại ở Khu V, và được bầu làm Chủ Tịch chi hội Văn Nghệ Giải Phóng Miền Trung Trung Bộ (?).

Sau 1975, Nguyên Ngọc được nhà nước Hà Nội cắt cử giữ những chức chưởng văn hóa-chính trị quan trọng như, Phó Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn Việt Nam, Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ. Trong thời kỳ gọi là “Đổi Mới” và phong trào “Cởi Trói Văn Nghệ” sau 1986, Nguyên Ngọc đã thực hiện những thay đổi quan trọng về nội dung, hình thức tờ báo ông phụ trách. Nhưng cuối cùng, ông phản tỉnh nhận ra – Đảng/Giới Cầm Quyền cộng sản là một lừa gạt. Năm 2011, Nguyên Ngọc rút tên khỏi danh sách đề cử Giải Thưởng HCM. Năm 2015, cùng với 19 nhà văn, nhà thơ tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2018, Nhà Văn Nguyên Ngọc/Đảng viên văn hóa trung kiên Nguyễn Văn Báu tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam sau hơn 60 năm theo đảng (1950-2018).

Tại một thời điểm sau 2018, trong một buổi gặp thân hữu có tham dự của Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ tịch nước (1992-2002); cựu Bộ trưởng Ngoại giao (1969-1976); cựu Bộ trưởng Giáo dục (1976-1987). Trong một lúc bất ngờ, bà Bình hỏi: “Theo các anh, hãy nói thật, (chúng) ta sai từ bao giờ?” Nguyên Ngọc với “lương tâm/tri năng/bản lãnh” của một “nhà văn chiến sĩ cách mạng” nói lên lời tâm huyết “thành thật” cuối đời: “Chúng ta đã sai từ Đại Hội Tours (Đại Hội Đảng Xã Hội Pháp, Thành Phố Tours, 1920-Pnn). Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình không đồng ý, nhưng hôm sau bà tìm đến Nguyên Ngọc, ngỏ ý với vẻ buồn rầu (buồn rầu thiệt tình-Pnn): “Hôm qua, chị không ngủ, suy nghĩ suốt đêm, nay buộc phải thừa nhận đồng ý với em!”

Hai

Đối thoại giữa bà Nguyễn Thị Bình và Nguyên Ngọc như trên (tuy có thật) nhưng không đúng và không đủ vì những lẽ như sau:

1/Đại Hội Tours tức Đại Hội Thợ Thuyền Quốc Tế lần Thứ 18 (25-30 Tháng Mười Hai  1920) tại Thành Phố Tours, nước Pháp. Năm 1920, cả bà Bình (sinh năm 1927) và cán bộ Báu/Nguyên Ngọc (sinh năm 1932) đều chưa ra đời. Đảng cộng sản Đông Dương/CSVN cũng phải đến 3 Tháng Hai, 1930 mới được thành hình ở Trung Hoa. Thế nên khi nói “Ta/Chúng ta/Đảng CSVN sai từ Đại Hội Tour (1920) là cách nói lấy có, làm ra vẻ “thành thật/can đảm nhận lỗi” – Nhưng rõ ràng là đánh tráo mối tội có thật từ, của “một kẻ khác” mà bà Bình và Nguyên Ngọc không có can đảm/bản lĩnh để nói (trắng) ra!

2/Nói như #1 là “đánh tráo TỘI” cho một nhân sự khác: Đấy là người thanh niên tên Nguyễn Sinh Cung, quê Nghệ An (sinh 1890/1892? – theo những tài liệu chính thức, nhưng chưa chắc đúng-Pnn). Ngày 5 Tháng Sáu 1911, Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành lấy tên Văn Ba lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên tàu buôn Đô Đốc Latouche-Tréville. Sau hơn một tháng đi biển, tàu cập bến Marseille.

Tại Pháp, Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành viết thư gởi đến Tổng thống Pháp, xin được nhập học Trường Thuộc Địa (École Coloniale) với hoài bão sẽ “giúp ích cho nước Pháp”. Thư xin học bị từ chối, Nguyễn Tất Thành qua Mỹ, Anh làm việc lao động nặng để sinh sống, cuối năm 1917 trở lại Pháp. Tóm lại, quá trình từ 1911 đến 1917, cụ thể cho thấy, thanh niên Nguyễn Sinh Cung/Nguyễn Tất Thành đã phải bận rộn về sinh kế như tất cả mọi người Việt trẻ tuổi, không nghề nghiệp, không học vấn ở hải ngoại. Thế thì “tội của Bác” sai như thế nào với Đại Hội Tours?”

3/Trong thời gian từ 1919 đến 1923, ở Paris, thanh niên Nguyễn Tất Thành gia nhập Nhóm “Những Người An Nam Yêu Nước/Groupe des Patriotes Annamites/The Group of Vietnamese Patriots. Lưu ý: Nhóm “gồm nhiều người/Des ParioteS/Vietnamese PatriotS” bao gồm những nhân sự có danh tính, học vị cao: Phó Bảng Phan Chu Trinh, Luật Sư Phan Văn Trường, Kỹ Sư Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh. Trước khi dự Hội Nghị Tours, 1920, Ngày 18 Tháng Sáu 1919, nhân (tiếm) danh của Nhóm Người Annam Yêu Nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Ngoại trưởng Mỹ đang tham dự Hội Nghị Versailles Thỉnh Nguyện Thư của Dân Tộc An Nam/Revendications du Peuple Annamite/Claims of the Annamite People – Lá thư chỉ có thể do Luật Sư Phan Văn Trường, đại diện nhóm soạn thảo.

4/Năm 1923, với (tiếm) danh Nguyễn Ái Quốc (chưa có HCM-Pnn), Nguyễn rời Paris đi Moscow vào học trường Đại Học Thợ Thuyền Phương Đông về những điều gọi là “lý thuyết đấu tranh giai cấp”, mà nay, qua thế kỷ 21, chẳng thấy “giai cấp đấu tranh” nơi đâu, chỉ thấy thuần một giai cấp đảng viên cộng sản trấn áp toàn thể các dân tộc ở Cuba, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Việt Nam… Cần kể thêm hiện tượng “Nhà nước (gọi là) XHCN đàn áp các chính phủ quốc gia nhược tiểu” như giới cầm quyền Bắc Kinh đã và đang cố công thực hiện – Tai họa toàn cầu mà nhà xã hội học người Hung, Tibor Mende (1915-1984) đã báo động về hiểm họa gọi là XHCN.

Tóm lại, không phải “ta/chúng ta sai từ sau Đại hội Tours” mà “Bác ta” đã dùng đến mấy mươi năm từ “Đại hội Tours” kia thành đầu mối tai họa, trải dài qua Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Pắc Bó, Hà Nội, Lộc Ninh… từ 2 Tháng Chín 1945; 20 Tháng Bảy 1954; 20 Tháng Mười Hai 1960; 1968; 1972; 1973… đến 30 Tháng Tư 1975 tại Sài Gòn với những tay em, học trò đắc lực như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ… Những người mà bà Bình và Nguyên Ngọc (cũng) không dám gọi nên tên.

Chiến công đánh chiếm Quảng Trị Mùa Hè 1972 của lực lượng cộng sản Bắc Việt sau nầy được đúc nên tháp chuông tưởng niệm, khánh thành Ngày 29 Tháng Tư 2007 – Đúng ngày pháo cộng sản tàn sát (dân) trên Đại Lộ Kinh Hoàng, 29 Tháng Tư – 1 Tháng Năm 1972. Bà Nguyễn Thị Bình, Cựu Phó Chủ Tịch Nước (1992-2002) đã đến chủ tọa buổi lễ, dâng hương tưởng niệm. Bản tin Báo Sài Gòn Giải Phóng không hề đề cập tới vong linh hàng ngàn người dân Quảng Trị (không kể lính) bị thảm sát trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong những ngày Hè năm 1972 vì đấy là “ngụy quân-ngụy dân của chế độ ngụy Sài Gòn”.

Bà Nguyễn Thị Bình, nhà văn Nguyên Ngọc nhắc đến Đại hội Tours 1920 làm gì? Xa quá. Chuyện mới gần đây thôi.

Ba

Trở lại chuyện nước Mỹ, ngày 16 Tháng Sáu 2023 vừa qua, nhân vật tiếng tăm trong giới truyền thông, báo chí Mỹ từ thập niên 1960 tên Daniel Ellsberg từ trần ở tuổi 92 (sinh 1931). Đây là một chuyên viên cao cấp phân tích quân sự/quốc phòng Mỹ; từ kinh nghiệm phản chiến (Chiến tranh VN trong giai đoạn 1964, 1965…). Ellsberg đã có một quyết định táo bạo (và “can đảm”): Cho tiết lộ 7,000 trang tài liệu về sự “dối trá lịch sử” của, từ (chính quyền, Quốc hội Mỹ) qua điều hành chiến tranh và thất bại (chắc chắn đã thấy tại 1975-Pnn) ở Việt Nam.

Cuộc chiến khiến nước Mỹ bị chia rẽ, tổn thương với hậu quả, hệ quả kéo dài trên nhiều mặt đến hôm nay, thế kỷ 21. Theo hồ sơ Ellsberg tiết lộ, chiến tranh Việt Nam (lần thứ hai) được/bị khởi động từ sự kiện ngày 2 và 4 Tháng Tám 1964 xảy ra nơi Vịnh Bắc Việt, được hợp thức hóa bởi lưỡng viện Quốc Hội Mỹ thông qua Nghị Quyết 1145 (7 Tháng Tám 1964) đồng thuận với số phiếu gần như tuyệt đối (Hạ Viện: 416-0; Thượng Viện: 88-2) cho phép Tổng thống Johnson toàn quyền hành động, mở rộng chiến tranh trừng phạt cộng sản Bắc Việt, cứu nguy Miền Nam, giữ vững Đông-Nam châu Á.

Từ Tháng Tám 1964 đến nay, 2023 là 59 năm – Tất cả vấn đề của Đông Nam Á/Ba nước Đông Dương/Nam-Bắc Việt Nam cho thấy, là Mỹ và Trung Cộng (đã/đang/sẽ) ứng xử với nhau như thế nào?

Vấn đề vừa kể ra trong năm xa xôi 1954, 1964, 1968, 1972, 1975… kia không hiểu những nhân sự như Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon (lúc ấy) thấy ra không/Thấy được bao nhiêu phần? Nhưng bởi Dĩ Mỹ Vi Trung – Người trí thức tiến bộ Daniel Ellsberg năm 1971 phải “can đảm/sáng suốt” cứu nước Mỹ – Pentagon Papers/Hồ Sơ Ngũ Giác Đài được giương lên ngất ngất với Nghị Quyết Vịnh Bắc Việt/Tonkin Gulf Resolution 1145.

28 Tháng Ba 1965 Mỹ đổ quân lên Đà Nẵng, tuy nhiên từ 15 Tháng Tư 1967 đã thành hình cuộc biểu tình phản đối chiến tranh lớn nhất trong lịch sử Mỹ với hàng trăm ngàn người xuống đường nơi khu Manhattan, New York; 23 Tháng Mười 1967 biểu tình lan rộng tới trước Ngũ Giác Đài, đối mặt Tòa Bạch Ốc với cờ của Mặt Trận Giải Phóng, ảnh HCM và tấm bảng buộc tội Tổng thống Mỹ: “Johnson War Criminal”.

Chiến dịch/đúng ra là chiến lược gọi là “phản đối chiến tranh (ở Việt Nam)” không chỉ tác động về mặt xã hội-văn hóa trong quần chúng Mỹ nhưng là (lại) nguồn mối/hậu quả/hệ quả của một chiến lược lớn: Thông Cáo Thượng Hải 1972 được ký kết giữa Nixon và Châu Ân Lai hiện thực nền tảng ngoại giao cho tám đời Tổng thống Mỹ (bất kể Cộng Hòa hay Dân Chủ). Năm 1995, tại Hà Nội, cựu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara than vãn với Tướng Giáp: “Tôi (đã) sai. Tôi sai quá sức/Wrong, terribly wrong”. Hóa ra – Vào cũng bởi Mỹ/Ra cũng với Mỹ – Chết đến 58,220 Người Lính Hoa Kỳ.

Kết Luận

Cuối cùng, câu chuyện kể trên giữa bà Bình và Nguyên Ngọc cho thấy: Bà Bình và những người ủng hộ đường lối (sai) của đảng nhưng không (biết) chắc sai từ thời điểm nào; và cách trả lời của Nguyên Ngọc (thì) cho thấy ông biết chính xác hơn khi nhấn mạnh sai từ khi Hồ Chí Minh (đúng ra là Nguyễn Ái Quốc/Linov – Pnn) giang tay gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản tại Đại Hội Tours, 1920.

Mà mục tiêu của Đệ Tam Quốc Tế (thì) đã đóng đinh sâu vào nhận thức của Nguyễn Ái Quốc/HCM và hàng ngũ lãnh đạo đảng từ thập niên 1930. Chính sách của Đảng cộng sản không thay đổi từ đó đến nay. Sách Tuốt Kiếm Phương Xa/Drawn Swords in Distant Land nếu điều chỉnh lại những chi tiết đã kể ra sẽ giúp người đọc thuộc nhiều thế hệ tìm hiểu được một cách khách quan, chính xác hơn mối liên hệ trực tiếp giữa Mỹ/Việt Nam/Nam Việt Nam/cộng sản Bắc Việt trong suốt thời gian dài trước, sau kết thúc 30 Tháng Tư 1975. Để biết rõ ràng hơn Ai Đánh Ai!

Phan Nhật Nam,

Sau 63 năm ở Lính

23 Tháng 11, 1961-2023

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: