Ngày 7 Tháng Năm vừa rồi là một ngày vui của cái gọi là “toàn quân toàn dân Việt Nam” nhân kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ nên nhà nước cộng sản Việt Nam tổ chức hết sức rầm rộ.
Tôi có đọc được câu “Thù hận hay ăn mừng, cả hai đều bít lối tương lai” của Thái Hạo trên Facebook. Cộng sản ăn mừng suốt từng đấy năm ai dám nói gì đến bọn họ? Thù hận thì là tiêu cực, không thể hợp tác, không thể phát triển đất nước, nó khiến con người ta trở nên bạo lực, trở nên nguy hiểm. Còn ăn mừng vốn dĩ là việc vui vẻ, hân hoan tưởng chừng vô hại.
Tuy nhiên, nghe chương trình phát thanh sáng ngày 7 Tháng Năm trên loa phường, tôi lại dấy lên một suy nghĩ khác. Ăn mừng suốt 70 năm về một trận chiến, cộng sản đúng là mặt dày. Người ta nói “không được ngủ quên trên chiến thắng” nhưng 70 năm rồi, cộng sản vẫn tự ru ngủ bản thân, ru ngủ toàn dân.
Tôi không nói việc Hà Nội ăn mừng sẽ khiến ai ngứa mắt, ngứa gan hay dấy lên lòng căm thù của kẻ bại trận, nhưng tôi cho rằng việc cộng sản ăn mừng chiến thắng không đơn thuần vì ngoài chiến tranh, xương máu, họ không có gì để thấy tự hào.
Để có được một “chiến thắng,” biết bao máu xương của binh lính đã phải đổ xuống. Một chính quyền có lòng nhân đạo sẽ không nhảy múa kỷ niệm, mà sẽ là tưởng nhớ những người đã nằm xuống, bởi tất cả chỉ là một quá khứ đã đi qua.
Chiến tranh vốn dĩ là đau thương, luôn tìm cách ăn mừng chiến thắng, không chỉ thể hiện bản chất của một kẻ nhỏ mọn, háo thắng. Nó còn cho thấy việc ăn mày quá khứ để che lấp thất bại của hiện tại. Hơn nữa khát vọng hòa bình được tuyên truyền ra rả chỉ là giả tạo. Mất mát của chiến tranh nào đâu chỉ của riêng bên thua cuộc?
Nếu không có chiến tranh, tô vẽ những ngày kỷ niệm máu xương, người cộng sản có một mục đích gieo vào lòng người dân sự tự hào, niềm tin vào “đảng và nhà nước” đầy huyễn hoặc.
Nhắc đến Việt Nam mỗi ngày đang bị nhồi nhét sự tự hào đầy xương máu của cộng sản, tôi nhớ đến bài quốc ca mà trước kia, sáng đầu tuần nào tôi cũng phải hát, từ thuở ấu thơ. Ở tuổi cầm chén chưa vững, cầm đũa chưa thạo, mà tuần nào tôi cũng đi “xây xác quân thù.” Đã có lúc, cho vậy là hào hùng, là vĩ đại lắm, thật đáng tự hào.
Rồi tới ngày tôi đọc những áng văn chương của người “dưới chế độ cũ,” mới thấy lạ. Sao họ không căm thù, sao họ không oán hận ai? Họ chỉ kể lại những khổ đau cùng cực của bản thân một giọng văn nhẹ nhàng, trung dung, lại khiến tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau thầm lặng trong lòng họ.
Tôi ngỡ ngàng tự hỏi, tôi có phải người Việt Nam không? Hình như tôi bị nhồi nhét, cũng từng thích nhảy múa ăn mừng “chiến thắng,” mà không phải người Việt Nam trong câu hát “Việt Nam không đòi xương máu, Việt Nam kêu gọi thương nhau.” Tôi nhìn thấy mình bị lai tạp của chủ nghĩa cộng sản, là một khúc sông nước lợ vô dụng trong lòng đất nước của mình.
Người cộng sản hay cười ý nghĩa Quốc Hận của những người miền Nam, mỗi khi đến 30 Tháng Tư. Nhưng người dân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa gọi là Quốc Hận, vì đã để cộng sản đang tàn phá quê hương từng ngày, từng giờ. Chúng tàn phá đất, tàn phá nước, tàn phá cả tình dân tộc.
Chúng ta vẫn thấy người cộng sản sẽ hối hả tìm mọi dịp để ăn mừng. Bất chấp người khác chê cười. Họ sẽ nhảy múa bất chấp người dân đói khổ.
Năm nay là “70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ,” sang năm sẽ tới “50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước,” và còn nhiều nữa. Sau nửa thế kỷ sống cùng cộng sản, tôi chợt hiểu rằng, chế độ đang kiểm soát đất nước Việt Nam sẽ không có khả năng ăn mừng thanh bình, ăn mừng hòa hợp dân tộc. Cộng sản như quỷ dữ, chúng chỉ ăn mừng trên xương máu dân tộc, và ngạo nghễ trên đất nước như một đạo quân cưỡng chiếm.