Cathy Lâm: Sống với nhịp đập của lẽ phải

Cathy Lâm. (ảnh: PIVOT)

Đặt chân đến đất Mỹ khi mới 12 tuổi, cuộc sống Cathy Lâm, cô “con gái rượu” của cựu nghị viên Tony Lâm khá suôn sẻ, và đó lại chính là động lực thôi thúc chị phải dành nhiều thời gian cho hoạt động vì cộng đồng một cách vô vụ lợi, suốt hàng chục năm qua…

Thời thơ ấu (trước 1975) cuộc sống của Cathy sung túc, do cha của chị, người có công ty làm việc với Quân đội Hoa Kỳ, chị chỉ biết học rồi chơi, chẳng phải lo gì. Gia đình khá giả, Cathy được học toàn trường Tây, là trường Bác Ái (Collège Fraternité), rồi qua trường tiểu học Lycée Marie Curie, nhà thì ở Sài Gòn, ngay mặt tiền.

Nếu đất nước bình yên…

“Mình nhớ cứ vào mùa Hè là được đi chơi nhiều nơi lắm, còn bé vậy mà Đà Lạt, Đà Nẵng, Hà Tiên, Rạch Giá,… mình đi hết,” Cathy kể. “Cho tới giờ, những hình ảnh đẹp của quê hương, mình vẫn nhớ.”

Biến cố 1975, dù là chị cả của năm đứa em lắt nhắt, đứa nhỏ nhất mới lên hai, cô bé 12 tuổi vẫn còn ngây thơ, ngạc nhiên vì thấy người lớn ai cũng khóc lóc, lo âu, vội vã. Rồi một ngày cuối Tháng Tư, chị và các em được bố mẹ đưa cho mỗi người một cái túi nhỏ, với lời dặn dò: “Muốn đem gì thì đem, nhưng chỉ bỏ vào cái túi này thôi, và giữ trong người.”

Dù có chút thắc mắc, trong lòng Cathy vẫn nghĩ bố mẹ đang chuẩn bị cho mấy chị em một chuyến đi chơi xa. Mà cái túi nhỏ xíu, nên chỉ đủ cho cô bé nhét vô vài thứ lặt vặt, và quyển lưu bút bạn bè chuyền cho nhau viết mấy hàng, lúc chia tay nghỉ hè.

Gia đình chị Cathy Lâm chụp khi còn ở Việt Nam. (ảnh: Tony Lâm cung cấp)

Vô tới phi trường Tân Sơn Nhất, nhìn thấy cảnh tượng hỗn loạn, nhiều người nằm đầy, la liệt, nhưng Cathy vẫn chưa biết chuyện gì đang xảy ra.

Tối khuya hôm ấy, cả nhà chị được đưa lên phi cơ. Ngày 24 Tháng Tư 1975, gia đình chị đặt chân đến đảo Guam, và sau đó là Pendleton Camp, California.

Ở trại tị nạn, cuộc đời của chị em Cathy vẫn “tươi như hoa” vì suốt ngày chỉ ăn rồi chơi, trại đóng ngay bãi biển, nên hàng ngày mấy chị em lại ra mò cua, bắt ốc,… Có điều, nghĩ là đi chơi nhưng mấy chị em lại ngủ trong lều chứ không ở hotel, và phải xếp hàng lấy thức ăn về cho mọi người, chứ không được phục vụ tận nơi. Tuy vậy, cuộc sống vui thỏa tới mức, chẳng ai nghĩ mình đã chính thức bước vào thế giới mới, tha hương, tị nạn.

Chỉ sau vài tháng ở trại Pendleton Camp, gia đình chị được đưa tới Florida. Lúc này, Cathy mới dần dần biết, chuyến đi này không phải là du lịch, là đi chơi rồi về, vì nhà cửa đâu còn mà trở về! Mất hết mọi thứ rồi. Gia đình giàu có là thế, bố chị, ông chủ thầu có tiếng ở Sài Gòn-Chợ Lớn, phải rời quê hương với đôi bàn tay trắng.

“Lúc ấy mình buồn lắm. Buồn vì nhà chẳng còn gì, cả quần áo cũng toàn đồ cũ,” Cathy nhớ lại. “Mấy đứa em mình còn tội nghiệp hơn, vì phải mặc đồ thải ra của anh chị, chứ đâu có được sắm đồ mới hoài như trước.” Với chị, chỉ còn một niềm vui, là cuốn lưu bút, vẫn nằm nguyên trong cái túi nhỏ.

Một em bé Việt Nam mang đôi giày Thủy quân Lục chiến quá khổ tại trại tị nạn Pendleton, Oceanside, California, năm 1975 (ảnh: George Rose/Getty Images)

Được đi học, đến trường, Cathy càng nhớ mấy đứa bạn… nói tiếng Việt như mình. Chị kể, dù học sinh trong trường không lộ vẻ kỳ thị, bạo lực gì, nhưng thỉnh thoảng chị cũng nghe tiếng chửi, chị hiểu, nhưng không muốn nói lại, vì lúc đó lạ nước lạ cái, hay sợ, sợ nói ra cái gì không hay, thì bị đánh, nên dù có chuyện gì, chị cũng chỉ cúi đầu chịu đựng.

“Mình nhớ bạn bè lắm,” chị tâm sự. “Sau này có dịp qua Pháp, tìm được một người bạn, nhưng rồi lại mất liên lạc, vì cô bạn ấy nói toàn tiếng Pháp, mình thì chỉ nói tiếng Mỹ, giờ nghĩ lại, nhận ra, mình đã mất một thời thơ ấu lẽ ra rất đẹp, nếu đất nước yên bình…”

Chuyến đi làm thay đổi cuộc đời

Ở Florida được một tháng, gia đình Cathy trở lại California. Dù còn bé, chị vẫn thấy mình… không giống ai ở ngôi trường và cộng đồng không nói tiếng mẹ đẻ của chị. “Đó là lý do mình ít bạn bè, tiếng Anh không rành, tiếng Việt cũng chẳng giỏi, nên chỉ biết cắm đầu vào tập vở,” Cathy kể. “19 tuổi mình tốt nghiệp đại học UC Irvine, ra trường với tấm bằng kỹ sư điện tử chuyên về hardware. Rồi 25 tuổi, theo chồng về dinh.”

Là thành viên Hội đồng quản trị tại Newport Bay Conservancy – một tổ chức về môi trường, chị nói mình luôn chú tâm hoạt động về môi trường, vì môi trường bị hủy hoại thì không ai làm được gì, không có sức khỏe, không sống tốt được, mà người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất, thiệt thòi nhất.

Vào năm 1999, nhà hàng Viễn Đông do bố mẹ chị là ông bà Tony Lâm làm chủ, phải đóng cửa trước cơn giận dữ của người di cư gốc Việt trong vụ Trần Trường, cho dù khi đó ông làm theo đúng lời khuyên của luật sư thành phố là “giữ thái độ trung lập”.

Chứng kiến bố của mình, người Việt đầu tiên được bầu vào chức vụ chính trị tại Hoa Kỳ, nhưng lại bị chống đối, biểu tình, một phần cảm thấy mệt mỏi vì công việc, chị bàn với chồng đưa cả gia đình làm một chuyến đi ngoại quốc chơi, trong đó có Việt Nam, chuyến trở về lần đầu tiên, sau 25 năm. Khi đó, đứa con lớn của chị 10 tuổi, và bé út mới lên ba.

“Trong chuyến đi đó, mình nhận ra nhiều thứ, vì khi đến các quốc gia nghèo, thấy con người ta, cũng như mình thôi, mà sao họ sống cực khổ, đói ăn, thiếu nước, trẻ em không được học hành… ,” chị kể. “Mình sống ở Mỹ ‘đã đời’ quá, phí phạm nhiều thứ quá, nhất là nguồn tài nguyên thiên nhiên, rồi mình suy nghĩ rất nhiều về môi trường, bảo vệ môi trường.”

Cathy Lâm (ảnh) người ủng hộ sự bền vững của môi trường và đồng sáng lập Our1World, tổ chức được thành lập vào năm 2005, hỗ trợ nhiều gia đình và trẻ em ở Việt Nam. (ảnh: Onevietnam.org)

Không chỉ nghĩ, ngay sau khi kết thúc chuyến du lịch, Cathy thay đổi luôn cách sống. Để bảo vệ môi trường, trong nhà, chị tiết kiệm nước, ngoài sân, chị nhổ hết cỏ, chỉ trồng những loại cây ít cần tưới nước, và gắn solar. Đồng hành với chị là cậu con trai, cũng thay đổi suy nghĩ và luôn ủng hộ mọi hành động của mẹ mình.

Năm 2003, chị và anh chồng Mike Kane, đều là bên liên quan hoặc đồng sáng lập chính của phong trào Xe điện (nay là Plug In America), hợp tác với Ban quản lý chất lượng không khí California và ngành công nghiệp xe hơi, để sản xuất các phương tiện không phát khí thải.

“Trong suốt thời gian tham chính, bố mình làm nhiều việc giúp ích cho cộng đồng, dù gì đi chăng nữa, bố luôn là tấm gương, là động lực để những năm về sau, mình chọn tham gia các tổ chức phi lợi nhuận, bất vụ lợi để phục vụ cộng đồng,” Cathy cho biết. Chị từng có thời gian làm việc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, như giữ các vị trí lãnh đạo trong Mạng lưới Tổ chức Phi Chính phủ Người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Non-Governmental Organization Network – VANGO Network) và Viet Rainbow of Orange County-VROC, của cộng đồng LGBTQ+.

Đấu tranh cho cộng đồng LGBTQ+

Năm 2013, chị đấu tranh cho cộng đồng LGBTQ+ ở vùng Little Saigon để các em được tham gia diễu hành Tết. Cũng do tình cờ, khi nhìn thấy thông cáo báo chí là các em cộng đồng LGBTQ+ muốn tham gia diễu hành, nhưng bị một số người trong cộng đồng từ chối.

Nhóm LGBTQ+ biểu tình bên ngoài văn phòng của Chủ tịch Liên đoàn người Mỹ gốc Việt Nam California, họp tại Westminster Thứ Hai, ngày 4 Tháng Hai 2013 bàn kế hoạch diễu hành Tết có khả năng loại trừ cộng đồng LGBTQ+ người Mỹ gốc Việt khỏi cuộc diễu hành. (ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times qua Getty Images)

Chị kể: “Mình đứng ra đấu tranh trước hội đồng thành phố để các em được tham gia diễu hành Tết, không phải vì hai đứa con của mình đều là LGBTQ+, mà vì muốn bảo vệ cho những em thuộc cộng đồng này nhưng chưa nhận được sự thông cảm, thương yêu từ gia đình.”

Năm đó, nhóm cộng đồng LGBTQ+ được tham gia diễu hành Tết.

Cách đây hơn chục năm, thậm chí ở thời hiện tại, nhiều bậc cha mẹ không dành nhiều thời gian để nói chuyện với con, có người thấy con mình thuộc cộng đồng LGBTQ+ thì hất hủi, đuổi con ra khỏi nhà. “Không được bố mẹ chấp nhận, nhiều em LGBTQ+ bị ảnh hưởng tới việc học hành,” Cathy cho biết. “Những điều mình làm đều vì các em khác, chứ hai đứa con của mình đã có đầy đủ tình thương yêu rồi. Ở độ tuổi nào, các em cũng cần tình thương của bố mẹ.”

Đại diện cộng đồng LGBTQ+ tham dự diễu hành Tết 2013 ở Little Saigon. (ảnh: VROC)

Trong VROC, Cathy đứng ra làm cố vấn phụ huynh, nhằm đối phó với tình trạng phân biệt đối xử mà cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt. VROC là tổ chức của cộng đồng LGBTQ+ người Mỹ gốc Việt, có trụ sở tại Orange County, mục tiêu là xây dựng cộng đồng và gắn kết các thế hệ, dựa trên các giá trị của sự chữa lành, niềm vui và công bằng xã hội.

Năm 2017, Tổ chức người Mỹ gốc Việt cấp tiến (The Progressive Vietnamese American Organization – PIVOT) được thành lập nhằm đáp ứng trực tiếp với tình huống chính trị cũng như môi trường sống đe dọa quyền con người và an sinh cho nhiều công dân Mỹ, nhất là những thành phần ở bên lề xã hội, như người nghèo, người tị nạn và di dân, người bị tước quyền hay không có tiếng nói công dân, người đồng tính, song tính và chuyển giới, và phụ nữ.

Giai đoạn 2009-2011, Cathy phối hợp với nghệ sĩ đàn tranh Vân-Ánh Võ tổ chức các chương trình hòa nhạc cho học sinh ở Orange County tham dự miễn phí. Không phải tự nhiên mà Cathy chọn Vân Ánh, vì đó nữ nghệ sĩ nổi tiếng, người dành hết tâm huyết của mình đối với các loại đàn dân tộc như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, t’rưng, k’lông pút, trống dân tộc… sáng tác rất nhiều tác phẩm mang âm hưởng hiện đại trên những cây đàn truyền thống và được coi là người thổi một sức sống hiện đại mới với những nhạc cụ dân tộc.

Nghệ sĩ Vân-Ánh Võ biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt cho các em học sinh ở Orange County. (ảnh: VANGO)

Nghệ sĩ Vân-Ánh Võ còn sáng tác nhạc cho bộ phim “Daughter from Danang” (2003 Academy Awards) được đề cử giải Oscar; và đoạt giải Emmy Awards với soundtrack cho phim Bolinao 52 năm 2009.

Cũng vào thời gian đó, Cathy còn mời bác sĩ Quỳnh Kiều nói chuyện với các em học sinh về trống đồng Đông Sơn,… “Tuy không nói giỏi tiếng Việt, nhưng mình có nhiều nhóm chuyên viết bài bằng tiếng Việt cho mọi người hiểu. Mình muốn giữ gìn văn hóa dân tộc, mình không muốn người Mỹ xem thường cộng đồng Việt, mình muốn người Việt phải có tiếng nói trong xã hội Mỹ.”

Tất cả vì cộng đồng Việt

Giữ “tay hòm chìa khóa” (thủ quỹ) cho PIVOT, Cathy Lâm cho biết: “PIVOT là tiếng nói chung cho người Mỹ gốc Việt cấp tiến, ao ước một nước Mỹ công bằng và đa dạng. PIVOT khuyến khích sự tham gia và dấn thân của người Mỹ gốc Việt để giúp tạo nên một nước Mỹ công bằng và đa văn hóa. Bố của mình phục vụ cộng đồng khi mình còn trẻ, nên không giúp được gì nhiều, nên sau này mình cố gắng làm mọi thứ có thể, để người Việt hãnh diện, tất cả những gì mình làm là đều cho cộng đồng, thật ra ý tưởng là người khác, mình chỉ tiếp nối để mọi chuyện tốt đẹp hơn.”

Chị Cathy Lâm (bìa phải) cùng mẹ và hai em gái. (ảnh: Tony Lâm cung cấp)

PIVOT khuyến khích người Mỹ gốc Việt ở mọi lứa tuổi tham gia vào các sinh hoạt đấu tranh và đào tạo lãnh đạo cộng đồng. PIVOT cũng khuyến khích và hỗ trợ nhân quyền, quyền dân sự và quyền của người tị nạn; trao đổi văn hoá, ngôn ngữ và tài chính hầu giúp tiếp cận với hệ thống giáo dục chất lượng, y tế và cơ hội phát triển kinh tế; và gia tăng sự tham gia của người Mỹ gốc Việt trong quy trình bỏ phiếu ở cấp địa phương, tiểu bang và toàn quốc.

Tổ chức này cũng là cầu nối, tìm kiếm, đào tạo và hỗ trợ người Mỹ gốc Việt và các cá nhân khác có lập trường cấp tiến, ứng cử vào các vị trí có ảnh hưởng đến chính sách và chính trị ở cấp địa phương, tiểu bang và toàn quốc, đầu tư để đào tạo nhân lực và lãnh đạo cho thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ.

Một nhóm PIVOT trong lần gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thanh Việt, năm 2023. (ảnh: PIVOT)

Với VANGO, Cathy cho biết lúc đầu chị cũng gặp khó khăn khi hoạt động ở Việt Nam, nhưng sau 15 năm, “cây đã có trái”, chị nói: “Mình không xây trường, nhưng chuẩn bị tài liệu giáo án để dạy học, chủ yếu trong cộng đồng cư dân nghèo ở miền Trung. Mình có tham gia dạy, nhưng sau đó giao cho em lớn là đồng đẳng viên, dạy cho các em nhỏ, các em học với nhau về quan hệ cha mẹ, con cái, bạn bè, trai gái, tai hại của thuốc lá, rượu chè, về nghề nghiệp, kỹ năng nói chuyện trước công chúng, cách phòng tránh bị dụ dỗ, lạm dụng,…”

Cathy Lâm (bìa trái, hàng ngồi) và nhóm các bạn trẻ thuộc Dự án giáo dục đồng đẳng về chăm sóc sức khỏe học đường HIPE (Healthy Initiatives through Peer Education) của VANGO tại Huế, năm 2023. (ảnh: HIPE/FB)

“Các em giờ đây có thể làm flyer, movie clip, viết hay, diễn đạt tốt, chụp hình đẹp,… Nhiều em sau khi tham gia chương trình, ra đời với tâm thế tự lập, tự tin hơn. Cho đến nay, chương trình đã giúp khoảng 150,000 em như thế.”

Tại Việt Nam, Cathy Lâm còn thành lập OurWorld hoạt động với mục tiêu phát triển cộng đồng và thanh thiếu niên tại Việt Nam về các vấn đề môi trường, sức khỏe vị thành niên và sinh sản. Chị chủ yếu phát triển trong lĩnh vực phục hồi môi trường sống ở Phong Điền, miền Trung Việt Nam với cây trà Mellaleuca Cajeputi bản địa và ở Huế là phục hồi rừng các loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Đại gia đình chị Cathy Lâm (thứ hai, từ phải), ông bà Tony Lâm (thứ năm, sáu, từ phải). (ảnh: Tony Lâm cung cấp)

***

Câu chuyện của chúng tôi xoay đi xoay lại, cũng trở về vấn đề bảo vệ môi trường sống. Chị kể, trong một chuyến du lịch Hawaii, thấy vùng hải đảo này sao giống Việt Nam quá, chị lấy làm thích thú. Chờ cho hai con lớn một chút để không bị ảnh hưởng đến chuyện học hành, gia đình chị chuyển hẳn sang đảo Hilo, Hawaii sinh sống.

“Ở đây đa chủng tộc, khí hậu tốt, không cần máy lạnh, máy nóng, nhà mình nhỏ thôi, nhưng có cây cối, giống y như nhà ở làng quê Việt Nam vậy đó, mình cố gắng trở về thiên nhiên, bớt tiêu dùng, chỉ mua đồ cũ, không ăn thịt cá,…” Cathy nói.

Có chồng là người Mỹ trắng dễ tính, thoải mái, thích ăn đồ ăn Việt, lúc rảnh rỗi chị hay nấu bún riêu, bún thang, phở gà… cho mọi người thưởng thức, nhất là khi có bạn bè tới chơi. Tài nghệ nấu ăn, chị học được từ mẹ, là bà Lâm Mậu Hợp, người giỏi về nữ công gia chánh, “công dung ngôn hạnh” vẹn toàn.

Hàng ngày, ngoài thời gian làm việc trên máy tính, chị thích khiêu vũ để tập thể dục, đi bộ đường dài, bơi lội và làm vườn, thỉnh thoảng có dịp bay qua California, thăm bố mẹ ở Little Saigon.

Hiện thời, Cathy sống ung dung, tự tại, mà chẳng “dại” chút nào dù quyết định “tìm nơi vắng vẻ” để sống cho mình, cho gia đình, do chị vẫn làm được nhiều việc mình thích, và vì lợi ích lâu dài của cộng đồng Việt Nam trên đất Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: