Một hôm vào buổi trưa, Lữ Mộc Sinh và anh Phạm Công Thiện túi bị lên chùa Việt Nam ở Los để hai thầy nhập thất một tuần. Chợt độ 4-5 giờ gì đó nghe tiếng Lữ Mộc Sinh chửi thề om sòm khi mở cửa vào nhà có thêm thầy Thiện. Số là lên chùa thì Thầy trụ trì nghiêm nghị nói phòng đã chật kín không còn phòng nào cho thầy Phạm Công Thiện ở nữa, từ nay xin tự túc, chùa không giúp thêm.
Thế là hai thầy nhập thất kéo xuống Monterey Park đến quán bán đồ Tây quen thuộc Victory mà người chủ rất thân tình lại có mấy cô con gái xinh xắn phục dịch bàn, hai thầy “nhập quán” nhậu một tăng mới quày xuống căn nhà nôi thai thiên tài số 22.
Khách tới thăm thầy Phạm Công Thiện khi có mặt ở đây gồm nhiều tên tuổi nổi danh: Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng, và nhiều văn nhân, thi sĩ, tăng sĩ, họa sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ. Nhà không có tiền đi chợ ăn sang nhưng khách đến có người mang biếu rượu bia đồ nhậu, nên vài đêm cũng có màn nhậu thịnh soạn; quý sư thì gởi chút tiền cho thầy Thiện mua thuốc lá hay tiêu vặt, mua sách. Nên, nghèo mà sang.
Một đêm độ 10 giờ chàng Sinh về nhà, ngồi vô bàn với anh em đang lai rai, chàng nói với Hải Cao võ sĩ, “tui mới quýnh một thằng ở nhà Cao Xuân Huy, tại nó ngồi nhậu ngang mặt bất ngờ tung tay lọi tui, tui dập nó liền, hên là Cao Xuân Huy can ra, nó tên Hải… cùng tên với tiên sinh… mà… tiên sinh biết thằng này không?” Hải võ sĩ nhà ta nghe xong cười hềnh hệch nói, “tiên sinh đánh LỘN rồi tiên sinh ơi!
Nó ở cùng trại với tui bên đảo, Hải là Nguyễn Tất Nhiên, nó biết đánh thơ chớ biết đánh lộn lạo gì, tiên sinh quánh lộn người rồi! tội nghiệp cho nó khà khà…” Sinh nghe té ngửa rồi im lặng nhậu. Tôi nhân đó kể có lần suýt đập lộn vì bị Nhiên đòi đánh tôi khi hai thằng ngồi cạnh trên quầy quán bia ôm, rồi sau khi nghe tôi nói tỉnh bơ coi bộ xuôi tai, Nhiên rủ tôi và Trần Đông Châu về nhà Nhiên nhậu tiếp… Sau đó chơi thân nhau luôn.
Sáng hôm sau thấy Sinh thức dậy sớm ra khỏi nhà. Trưa trở về, nói hồi sáng đưa thằng Nhiên đi thay mắt kiếng và vô tiệm thuốc bắc hốt thuốc cho nó uống trị nội thương. Từ đó Nguyễn Tất Nhiên thường đến nhà chơi và trở thành một bạn thân tình trong nhóm.
Cũng căn nhà thai nghén này, một hôm anh Phạm Công Thiện ngà ngà nói với Lữ Mộc Sinh bằng tiếng Anh, mày là “chiến sĩ” chứ không phải “binh sĩ”, mày có ngon bỏ hết đi tu đi! Ngờ đâu câu nói này làm thay đổi cuộc đời chàng trai ngang tàng, tên hề cuồng trí. Sinh hỏi lại liền, anh nói thiệt hả? Đi tu hả? Thiệt vậy hôn? Tui làm cho anh coi! Vậy là tức khắc từ giây phút đó Lữ Mộc Sinh trở thành một con người khác. Chàng bắt đầu bằng mấy pháp dễ nhất là tịnh khẩu, tịnh nhãn, tịnh nhĩ, ăn chay, nhậu chay bằng nước cam, đọc Diệu Pháp Liên Hoa, Kim Cang… một cách quyết liệt tu tập, khởi đầu và kéo dài nhiều năm sau đó, để cuối cùng trở thành vị sư chính thức, tự lập chùa, tu theo Mật tông. Tôi sẽ nói một chút về sau.
Khi dứt khoát tìm con đường tu hành, Sinh đã được mến mộ tài chữ nghĩa văn chương. Sinh kể, tui đẻ bọc điều mà còn đẻ ngược. Do nghe vậy, tôi nói chàng này đặc biệt là phải. Anh Cao Đông Khánh nhà thơ miền Nam mà chữ nghĩa óng ả sang, thơ thật hay, chuyên chở nhiều ý tân kỳ, có thể nói ở thập niên 1980 dòng thơ Cao Đông Khánh nổi bật và được ngưỡng mộ cao độ.
Lữ Mộc Sinh dù sinh ở Sài Gòn, người thành đô, nhưng cũng Nam mà chữ nghĩa thiên biến vạn hóa, ý tưởng khác lạ mới mẻ gây ngạc nhiên bất ngờ, thể hiện một tài văn hiếm hoi ngay từ những dòng thơ cho đến viết truyện. Do tôi làm cho tờ tuần báo NÀNG CALI của chị Hoa, Sinh viết một truyện dài đăng có nhuận bút, “Câu Chuyện Trước Thềm Ga”, chỉ là cuộc đối thoại của đôi nhân tình, hai người trong khi chờ chuyến tàu đến, nói chuyện với nhau trước khi một người lên xe từ biệt ra đi.
Vì truyện chưa đăng hết thì tờ báo đóng cửa nên không biết ai, chàng hay nàng, là người chia tay ra đi. Câu chuyện bắt đầu rồi cứ mãi kéo dài lộ ra biết bao câu chuyện trong một câu chuyện. Lối viết dài hơi bất tận này là tác phẩm đầu tay mà cho thấy một nội lực tiềm ẩn phong phú, từ kiến thức, đời sống, tâm lý, con người, man man, thể hiện bằng chữ nghĩa văn chương mượt mà, trí thức, đầy hấp lực quyến rũ người đọc chạy theo từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, những kết nối, băng xa, ngược về, những hiện tại, quá khứ, tương lai v.v. đã làm tôi liên tưởng tới lan man Kafka. Tiếc thay, áng văn này đi vào hư vô vì Sinh không viết trọn để in thành sách.
Tóm ngắn gọn, Lữ Mộc Sinh có chữ nghĩa thông minh, đẹp, văn chương, có lửa, mạnh, tạo ngạc nhiên trong cách biểu thị và tư duy, có khi ngược ngạo mà thi vị, mơ hồ mà hấp dẫn… tôi rất khâm phục. Cho nên khi Sinh viết nhạc, lời quyến rũ, buồn sâu sắc man man… Tôi còn nhớ vài câu nhạc:
Chiều về
Trên sông thuyền không bến
Ai đi rồi ai đến
Con trăng già khơi nến
Thuyền ơi còn đâu con sóng cạn
Còn chi cơn mưa nguồn
Xa xôi đôi mắt bốn nghìn năm
Phơi thân cây lúa gói hờn căm
Ai về ngang qua miền sương khói
Thấy nghìn rong rêu xuống thân người
________
Bài nhạc còn dài và đẹp toàn bài, tiết điệu như từng vạt chèo khuấy nước, đều đặn thong thả có thể tưởng tượng được. Sinh sáng tác trên 20 bài nhạc, tiếc là hiện không ai trong anh em lưu giữ được toàn bộ, chỉ tìm được dăm bài sau khi Sinh mất. Sinh khi đã bỏ gì thì bỏ luôn. Đi tu bỏ hẳn văn chương, chỉ dùng khi sáng tác vài bài nhạc đạo Phật tuyệt vời. Tôi nghĩ tới tài chữ nghĩa của Sinh mà tiếc cho dòng văn chương hải ngoại bị mất đi một thi-văn sĩ đúng ra lưu danh trong thế giới người cầm bút tài hoa.
Trong khi Vô Thường trở thành hiện tượng với tiếng đàn guitar tay trái nổi danh và thành công thu vô tiền bạc, cũng đang lúc Lữ Mộc Sinh tu lai rai và sống bụi đời, vì tiền bạc anh đã đốt sạch bằng những tiệc tùng sang trọng thết đãi bạn bè, từ nhà hàng Orange Hill đến nhà hàng trên tàu ở Long Beach. Bất ngờ một hôm, Sinh cùng tôi và Vô Thường vào quán cà phê của một phụ nữ mà sau đó Sinh đặt cho bút hiệu Chu Đoan Trinh.
Chàng vừa xong tuần tịnh khẩu. Bà chủ Đoan Trinh nghe tiếng tăm chàng, nay được gặp nên mang ra khúc bánh mì thịt tặng chàng. Không biết lửa của hai người chạm nhau sao đó, về đến nhà, Sinh nói “tui ăn nửa khúc bánh mì này chắc phải trả nợ”. Sau đó hai người trở thành nhân tình. Trinh sang bỏ tiệm cà phê Tao Nhân sau khi làm được một năm, là trước đó của ca sĩ Thiên Hương & Sơn, rồi đến New Port Beach sang một tiệm làm bar rượu. Lữ Mộc Sinh đứng ra dựng thành một bar đúng tiêu chuẩn Mỹ. Thương vụ bắt đầu cao thì bà chủ Trinh đề nghị phân biệt trương mục tiền.
Sinh có một không gian riêng là cái nhà xe sửa thành phòng ngủ, ba vách tường chất sách văn chương tiếng Anh đụng nóc, mỗi tác giả với toàn bộ tác phẩm. Ở chung với con chó berger, một cây đàn, một túi xách máy ảnh. Đó là thời gian ba năm chàng luyện sách văn chương, kinh đạo Phật. Sinh nghe đề nghị của người tình đang chung sống như vậy, chàng nói vậy là duyên chúng ta đã hết. Gọi tôi đến ngay chở chàng rời khỏi nơi này. Tôi đến, Sinh chỉ mang theo vỏn vẹn chiếc túi xách đựng mấy máy chụp hình, không lấy thêm một món nào kể cả áo quần. Đóng cửa xe, nịch dây an toàn, Sinh bảo đi thôi, trả hết nợ rồi.
Tạm thời tôi đưa Sinh về căn phòng garage tôi ở, đó là hai căn nhà ba tôi mua ở vùng East L.A. tôi gọi là phố-Đông Những Thiên Thần. Nguyễn Diệu Thắng ở căn nhà sau nên cũng tiện mỗi đêm gặp nhau. Còn tôi sáng xuống Little Saigon đi làm, chiều chạy về phố Đông. Không bao lâu sau, tôi và Sinh dọn xuống Little Saigon vì Hải Cao võ sĩ vừa thuê nhà ba phòng ở Santa Ana, cho tôi share một phòng để tôi và Sinh ở đó, Hải và Khanh đã thành vợ chồng, cả hai đều chí thân với cả nhóm từ căn nhà số 22.
Nhờ cô bạn gái tôi quen mê thích Lữ Mộc Sinh, nàng có tiền, đưa Sinh đi du lịch một chuyến thăm đền chùa ở Ấn Độ. Trở về được một lúc, Sinh sang Houston đến chùa của thầy Tịnh Đức (vừa mất không bao lâu) khi còn trong rừng, Sinh ở đó, cất chòi cạnh chùa ở và tự tu tập. Lâu lâu Sinh về Bolsa gọi tôi và Thắng đi nhậu. Thấy chàng gầy gò xanh xao u ám, hai thằng đều lo lắng, nhưng biết chàng rất mạnh ý chí, cá tánh ngông nghinh, không dám bàn chi để chàng phật ý.
Bẵng vài năm không gặp nữa, thì nghe tin chàng Sinh đi Tây Tạng tu tập xong quay về, đã xuống tóc quy y tu theo Mật tông, thầy tự lập chùa theo phong cách Mật, tượng chư Phật được gửi từ một nước nhỏ gần Miến Điện, của hoàng gia này gửi cúng dường. Chùa Thầy Sinh nơi cánh rừng vắng vẻ. Từ đó ở phố Bellaire đồn đãi có ông thầy tu trong rừng, thường đi tụng cầu siêu tình nguyện cho đám tang thầy quen với gia đình, thầy đưa nhóm đệ tử đến làm lễ trang nghiêm, cầu siêu hóa độ vãng sanh cho người nằm xuống, đọc kinh bằng tiếng Phạn, Phật-chú tiếng Phạn, họ nghe lạ hoắc.
Danh tiếng Thầy trong rừng dần dần vang dội. Người ta lặn lội tìm tới chùa, cầu thầy chữa bệnh cho thân nhân, là những bệnh nan y hay bất trị hay chờ chết. Có người lành mạnh, có người thuyên giảm, có người không được nhận chữa đuổi về, người ta vẫn tiếp tục tìm đến; rồi đệ tử tăng dần lên, không chỉ đệ tử Việt, có Đài Loan, Trung Quốc, Đại Hàn. Sinh hoạt chùa chính yếu là ngày chủ nhật, Thầy Sinh giảng dạy Pháp cho đệ tử ghi chép lên mà thực hành, tu tập. Sinh hoạt này duy trì đến khi Thầy Sinh bất ngờ ngã bệnh khoảng vài tháng, rồi qua đời, để lại bao thương tiếc cho hàng đệ tử.
Ngôi chùa sau khi Thầy Sinh mất, được một đại đệ tử là nữ Bác sĩ người Nam Hàn tiếp nhận chủ quyền, rồi Nguyễn Diệu Thắng đứng ra cùng một số đồng đạo, xây cất lại hoàn toàn một ngôi chùa mới rộng và khang trang hơn, thời gian mất khoảng hai năm. Ngày khánh thành cúng chùa, vồng cầu mọc lên ôm ngôi chùa, được chụp ảnh lưu niệm. Hiện nay ngôi chùa dưới sự chăm sóc và giảng dạy Phật pháp của người nữ bác sĩ đại đệ tử. Bà họa một chân dung sư phụ to nơi bức tường ngoài phòng vô cửa chùa để mọi người chiêm ngưỡng. Tất cả di vật của sư phụ được xếp đặt nguyên vị trí ngày trước thầy đặt để, nhắc nhở các đệ tử rằng thầy vẫn đang hiện hữu trong ngôi chùa tôn kính này.
CÒN TIẾP…